Tính thống nhất về chủ đề của văn bản – Tập làm văn 8

Đang tải...

1. Ghi nhớ

              Chủ đề của văn bản là ý đồ, ý kiến, cảm xúc của tác giả.

              Văn bản phải thống nhất về chủ đề. Tính thống nhất này thể hiện ở chỗ văn bản có đối tượng xác định, có tính mạch lạc. Tất cả các yếu tố của văn bản đều tập trung thể hiện ý đồ, ý kiến, cảm xúc của tác giả.

            Để tìm hiểu tính thống nhất về chủ đề của văn bản, cần đặc biệt lưu ý tìm hiểu nhan đề, quan hệ giữa các phần của văn bản, phát hiện các câu, các từ ngữ tập trung biểu hiện chủ đề đó như thế nào.

2. Bài tập

              Bài tập 1

              1. Hãy nêu các phần trong văn bản Tôi đi học của tác giả Thanh Tịnh theo cách hiểu của em. Vì sao em chia các phần như vậy ?

              2. Chọn mỗi phần của văn bản từ một đến hai câu văn làm rõ chủ đề của văn bản Tôi đi học. Nhìn bao quát toàn bộ văn bản, lí giải tính thống nhất của chủ đề văn bản Tôi đi học.

              Bài tập 2. Trong truyện ngắn Tôi đi học có rất nhiều hình ảnh so sánh.

              1. Hãy chọn và ghi lại các câu văn có chứa các hình ảnh so sánh đó.

              2. Nêu tác dụng của các hình ảnh so sánh trên với chủ đề văn bản, các hình ảnh so sánh đã hỗ trợ cho tính thống nhất về chủ đề của truyện ngắn như thế nào ?

              Bài tập 3. Cho văn bản sau :

              Mấy năm trước, tự nhiên tôi có cái thú nuôi chim. Tôi lọ mọ tìm một cửa hàng bán chim để mua hai con chim với hai cái lồng : một con khướu và một con sáo. Việc nuôi chim ở thành phố kể cũng dễ, chỉ cần mua ngay tại cửa hàng bán chim một gói bột chim là cho chúng ăn cả tháng. Một hôm, đến cửa hàng mua bột chim, tôi gặp mấy đứa trẻ đem bán những bao ni lông đựng châu chấu còn sống. Chúng gạ tôi mua, bảo cho chim ăn sẽ béo hơn và hót hay hơn. Mua xong, về nhà, tôi hí hửng bắt một con châu chấu còn sống, bẻ cánh, bẻ chân, đút cho chim ăn. Thấy tôi làm như vậy, thằng con nhỏ tôi đứng bên hỏi :

              – Sao ba lại bẻ chân, bẻ cánh con châu chấu, tội nghiệp nó quá !

              Tôi giải thích :

              – Làm như vậy chim mới ăn được. Nếu để cả cánh và chân châu chấu thì chim sẽ mắc cổ, nó chết mất.

              – Nhưng làm như vậy thì con châu chấu lại chết. Châu chấu cần chân để đi, cần cánh để bay chứ.

              Nhìn vào đôi mắt rưng rưng thương cảm của con, không thể giải thích gì cho con được nữa, tôi đành mở bao ni lông thả những con châu chấu còn lại cho chúng tự do bay nhảy. Nghĩ thế nào, một lát sau, tôi lại mở lồng, thả hai con chim cho chúng bay luôn.-Chim cũng có cánh bay như châu chấu mà ! Từ đó, tôi lại có cúi thú mới : cái thú hay nhìn theo những con vật có cánh bay.

(Theo Thanh Quế, báo Văn nghệ số 22, 31-5-2003)

              1. Hãy chọn cách đặt nhan đề cho văn bản trên. Nêu lí do chọn.

              A. Nuôi chim

              B. Con châu chấu

              C. Những con vật có cánh bay

              D. Tình yêu thương

              E. Cái thú của tôi.

              2. Người viết văn bản trên, vì không chú ý nên đã viết liền mạch từ đầu đến cuối văn bản. Hãy phân chia các phần của văn bản một cách hợp lí và đặt tiêu đề cho từng phần. Nêu căn cứ phân chia.

              3. Chọn ở mỗi phần 1 hoặc 2 câu văn để làm rõ chủ đề của văn bản.

              4. Viết đoạn văn ngắn (từ 6 đến 8 câu) để nêu cảm nghĩ của em về văn bản trên.

              Bài tập 4. Để chứng minh cho luận điểm : Tình yêu quê hương của Thạch Lam thể hiện rõ qua văn bản Một thứ quà của lúa non : Cốm, một bạn có dự định dùng tám ý sau đây :

              1. Chỉ một cơn gió mùa hạ đưa hương thơm của sen trên hồ, tác giả đã cảm nhận rất tinh tế mùa cốm quê hương đang trở về.

              2. Mùa hè về đưa hương thơm của các loại quả chín : mít, dứa, ổi,… thơm ngon, hấp dẫn vô cùng.

              3. Cảm nhận về mùa cốm khi đi qua những cánh đồng xanh có những bông lúa nếp non với một tình cảm trân trọng.

              4. Cốm ra đời nhờ cách thức làm cốm truyền thống từ đời này sang đời khác : bí mật, trân trọng, khắt khe giữ gìn (gợi một sự hấp dẫn huyền bí).

              5. Hình ảnh cô hàng cốm làng Vòng rất ấn tượng về làng quê Việt Nam.

              6. Cảm ơn người đã nghĩ ra việc dùng cốm để làm quà sêu tết của người Việt.

              7. Cách chọn những quả hồng đỏ thắm, khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị ngọt sắc của thứ quả này.

              8. Cách thưởng thức cốm của người Việt, cách gói cốm của người Việt, cách chọn mua cốm của người Việt, đã được Thạch Lam gợi lên thể hiện nét văn hoá riêng biệt của người Việt.

              Hãy trao đổi trong tổ, nhóm, lớp em : ý nào trong tám ý trên có khả năng làm cho bài viết không bảo đảm tính thống nhất về chủ đề.

              Bài tập 5. Cho đề văn sau : “Kể lại kỉ niệm ngày đầu tiên đi học lớp Một của em”.

              1. Có hai bạn triển khai hai hướng như sau :

              * Hướng 1

              a. Chú em cho em một chiếc cặp sách rất đẹp khi em sắp vào năm học lớp Tám. Chiếc  cặp đã gợi nhớ kỉ niệm ngày đầu tiên đi học lớp Một.

              b. Cách đây tám năm, ngày đầu tiên đi học lớp Một, bà nội đưa em đi, vì bố mẹ em đi công tác xa.

              c. Bà đã già nên không kịp ra phố mua cặp mới cho em, em đựng sách trong túi vải  rất to của bà, trông rất ngộ.

              d. Hai bà cháu đi đò qua sông, sang trường học. Trên đò rất nhiều các bạn và các vị phụ huynh. Không khí như ngày hội, ai cũng mặc quần áo đẹp. Giá như mọi ngày em sẽ gấp chiếc thuyền giấy thả trôi sông. Nhưng hôm nay, em đứng thật nghiêm chỉnh trên đò.

              e. Ấn tượng của buổi học đầu tiên là hình ảnh cô giáo của em. Cô rất dịu dàng và đặc biệt có hai bím tóc dài tới tận khoeo chân. Lời nói của cô : “Con đưa mũ để cô cất nào” và nụ cười của cô đến tận bây giờ em vẫn không quên.

              * Hướng 2 :

              a. Hôm em sang trường dự khai giảng năm học lớp Tám, em đã tự đi xe đạp một mình. Em bỗng mỉm cười nhớ lại cái ngày đầu tiên ở lớp Một mẹ đưa em đến lớp.

              b. Từ nhà em ở phố Mai Hắc Đế, đi qua phố Tô Hiến Thành, đi thẳng rất lâu mới đến trường cấp I, II Vân Hồ. Em rất ghét mấy chị lớn hơn em một chút, thấy em lũn cũn cắp cặp đi học, cứ đùa doạ bắt trói em và đem nhốt. Cái năm “ngớ ngẩn” ấy, em rất sợ các chị.

              c. Vào lớp học, cô giáo đi thu mũ nón của các bạn trong lớp để gọn gàng một góc lớp. Em đã thật thà hỏi cô : “Lát nữa con về, cô có trả mũ nón không ạ ?”. Cô giáo bật cười, xoa đầu em và bảo : “Có chứ, con !”.

              d. Cô giáo em có giọng nói rất hay, cô viết chữ mẫu trên bảng rất đẹp, nhưng cô lại có tên không hay. Em nghe các bạn gọi cô là Chưng.

              e. Khi về nhà, sau buổi học đầu tiên, em đã hãnh diện nói với bố mẹ và chị của em là em học lớp cô Chưng. Lập tức em đã bị chị em cười rất to và giễu : “Đó là cô Hưng. Thật là ngớ ngẩn. Tên cô giáo cũng nghe nhầm”. (Chị em học lớp Ba cùng trường mà). Thật là ngượng nhớ đời !

              2. Theo em, hai hướng triển khai của hai bạn học sinh trên về đề văn đã cho, bạn nào đúng, bạn nào sai ? Vì sao ? Có điểm nào hai bạn cùng giống nhau không ? Em thích khai triển theo hướng nào ?

              3. Hãy trình bày hướng triển khai đề văn của riêng em và viết thành bài cụ thể.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận