Chuyên đề Truyện hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9: Đoạn trích “Những ngôi sao xa xôi”

Đang tải...

Tìm hiểu đoạn trích “NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI”

(Trích – Lê Minh Khuê)

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

– Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi kể về cuộc sống, công việc của tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường ra mặt trận. Tổ có ba người: Phương Định, Nho và Thao, do chị Thao lớn tuổi hơn làm tổ trưởng. Họ ở trong một cái hang, ngay dưới chân cao điểm và cách xa đơn vị. Truyện miêu tả hành động và tâm trạng của các nhân vật, chủ yếu là của Phương Định trong một lần phá bom, Nho bị thương và được sự chăm sóc của hai người đồng đội. Tác giả không xây dựng cốt truyện chặt chẽ với tình huống tập trung như phần lớn các truyện ngắn thông thường khác mà kết hợp miêu tả những bức tranh về sinh hoạt, chiến đấu trong cuộc sống thường ngày của những cô gái thanh niên xung phong với dòng tâm trạng hồi tưởng của nhân vật chính – Phương Định – về thành phố quê hương, về tuổi học trò.

– Truyện xây dựng thành công hình ảnh những nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn với tâm hồn trong sáng, tinh thần dũng cảm, lạc quan trong hoàn cảnh sống, chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh. Đó là hình ảnh đẹp, tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

– Đặc điểm nghệ thuật:

+ Truyện được trần thuật theo ngôi thứ nhất, từ lời của nhân vật xưng “tôi” – cũng là nhân vật chính Phương Định. Việc lựa chọn ngôi kể như vậy phù hợp với nội dung của truyện, đem lại hiệu quả tích cực: tạo nên sự gần gũi, xoá bỏ khoảng cách giữa nhân vật với người đọc, đồng thời tạo nên tính cụ thể, chân thật, sinh động cho câu chuyện.

+ Giọng điệu trần thuật biến đổi linh hoạt theo tâm trạng của nhân vật kể chuyện và phù hợp với các biến cố, sự việc được kể. Nhưng bao trùm và tạo nên giọng chủ âm của truyện là giọng kể tự nhiên, gần với khẩu ngữ, có khi tinh nghịch, phù hợp với nhân vật kể chuyện là một cô gái HS thành phố đi vào chiến trường.

+ Nghệ thuật miêu tả tâm lí qua dòng độc thoại nội tâm của nhân vật: Tâm lí nhân vật Phương Định trong một lần phá bom đã được miêu tả rất cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ dù chỉ thoáng qua trong giây lát.

II – LUYỆN TẬP

1. Phân tích các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong truyện (hoàn cảnh sống và chiến đấu, những phẩm chất chung ở họ và những đặc điểm tính cách riêng của mỗi người).

2. Tính cách và tâm lí nhân vật Phương Định được thể hiện như thế nào qua lời độc thoại của nhân vật? (Chú ý các đoạn nhân vật tự quan sát và nói về mình; tâm trạng của cô trong một lần phá bom; cảm xúc trước trận mưa đá.)

3. Em có nhận xét gì về ngôn ngữ, giọng điệu của truyện?

4. Qua truyện ngắn này, em hình dung và có cảm nghĩ như thế nào về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ?

Gợi ý

1. – Hoàn cảnh sống và chiến đấu của ba cô gái thanh niên xang phong hết sức gian khổ và ác liệt. Họ là một tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường ra mặt trận. Họ ở trong một cái hang, ngay dưới chân cao điểm và cách xa đơn vị. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom địch gây ra, phá những quả bom nổ chậm hoặc chưa nổ. Công việc của họ hết sức nguy hiểm vì phải phơi mình trên cao điểm giữa ban ngày, máy bay địch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Hơn nữa, họ phải trực tiếp phá bom, có khi phải làm nhiều lần trong ngày.

– Nét chung ở ba nhân vật:

+ Ba cô gái từ những miền quê khác nhau đến với con đường Trường Sơn, tại một vùng trọng điểm ác liệt và ở họ đều hình thành những phẩm chất chung của người chiến sĩ thanh niên xung phong: tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ; lòng dũng cảm, không sợ hi sinh; tình đồng đội gắn bó.

+ Ở họ còn có những nét chung của các cô gái trẻ: dễ xúc cảm, nhiều mơ ước, hay mơ mộng, dễ vui mà cũng dễ trầm tư. Họ cũng thích làm đẹp cho cuộc sống của mình, ngay cả trong hoàn cảnh chiến trường.

– Nét riêng của mỗi nhân vật: Họ là một tập thể nhỏ rất gắn bó, yêu thương nhau nhưng mỗi nhân vật vẫn là một cá tính và đó chính là thành công của tác giả trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.

+ Trong ba người thì Nho và Phương Định trẻ hơn và cũng hồn nhiên, giàu mơ mộng; còn chị Thao lớn tuổi hơn. Mỗi người một sở thích: Nho thích thêu thùa; Phương Định thích hát, “thích ngồi bó gối mơ màng”, hay soi gương; chị Thao chăm chép bài hát dù hát “nhạc sai bét, còn giọng thì chua”, “không hát trôi chảy được bài nào”.

+ Mỗi người một tính cách: Nho vô tư, có vẻ dịu dàng mà rất gan góc; Phương Định mộng mơ, nhạy cảm và hồn nhiên; chị Thao ít nhiều từng trải hơn, dự tính về tương lai có vẻ thiết thực.

Xem thêm:  Chuyên đề Truyện hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9: Đoạn trích “Bến quê”

2. Phương Định là người kể chuyện, đồng thời cũng là nhân vật trung tâm của truyện.

– Ở nơi trọng điểm ác liệt, hằng ngày giáp mặt với hiểm nguy và cái chết, chiến đấu dũng cảm nhưng ở cô vẫn không mất đi sự hồn nhiên, nhạy cảm, tâm hồn trong sáng và nhiều mơ mộng. Cũng như các cô gái mới lớn, Phương Định nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Phương Định là con gái Hà Nội vào chiến trường, cô có một thời HS hồn nhiên, vô tư bên người mẹ và một căn buồng nhỏ ở một đường phố yên tĩnh trong những ngày thanh bình trước chiến tranh ở thành phố của mình. Những kỉ niệm ấy luôn sống lại trong cô ngay giữa chiến trường dữ dội. Nó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến trường.

– Tuy là một cô gái hồn nhiền, hay mơ mộng nhưng trong công việc, Phương Định rất bình tĩnh, cẩn thận, chắc chắn. Đoạn cuối truyện, nhân vật kể về một lần phá bom đã bộc lộ những phẩm chất ấy ở cô. (Chú ý lời độc thoại của nhân vật tái hiện từng cảm giác, cảm xúc, ý nghĩ khi đứng gần quả bom trong quá trình phá bom; những xúc cảm hồn nhiên của Phương Định trước trận mưa đá.)

3. Ngôn ngữ trần thuật và giọng kể ở truyện ngắn này thống nhất với ngôi kể là một cô gái thanh niên xung phong người Hà Nội có tâm hồn nhạy cảm, hay mộng mơ và giàu nữ tính. Lời kể thường là những câu ngắn, nhịp nhanh, phù hợp với hoàn cảnh và không khí khẩn trương, ác liệt ở vùng trọng điểm, ớ những đoạn nhân vật hồi tưởng về Hà Nội, về cuộc sống thanh bình trước chiến tranh, về những kỉ niệm hồn nhiên, vô tư thời niên thiếu, nhịp kể chậm lại. Những hồi tưởng như vậy làm dịu mát tâm hồn, nhân vật trong hoàn cảnh khốc liệt, căng thẳng ở chiến trường, tiếp sức cho Phương Định vượt qua những ác liệt mà cô đang và sẽ còn nếm trải.

4. HS tự làm. Chú ý phát biểu cảm nghĩ một cách thành thực và không biến thành bài văn phân tích nhân vật.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận