Tìm hiểu chung về văn biểu cảm – Ngữ Văn lớp 7 nâng cao

Đang tải...

B – LÀM VĂN BIỂU CẢM

*NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý

1. Loại văn bản này theo “chương trình hiện hành” (trước khi chuyển đổi sang Ngữ văn) đã có học dưới nhan đề “Kiểu bài phát biểu cảm nghĩ đối với tác phẩm văn học” ở lớp 6 và “Kiểu bài phát biểu cảm nghĩ về nhân vật văn học” ở lớp 7. Các kiểu bài đó đã thu hẹp phạm vi phát biểu cảm nghĩ vào phạm vi văn học – một phạm vi quá hẹp, tách rời mọi lĩnh vực khác của đời sống.

Bài văn biểu cảm trong chương trình này đã khắc phục khuynh hướng trên và đã đặt lại vấn đề. Phạm vi của biểu cảm rộng hơn cảm nghĩ. Sau này, ta sẽ thấy rõ “cảm nghĩ” chỉ thuộc vào một dạng của văn biểu cảm – đó là cảm nghĩ kết hợp với nghị luận. Còn biểu cảm là một lĩnh vực rộng lớn, gắn với toàn bộ đời sống tình cảm, cảm xúc, đánh giá của con người và nhu cầu biểu cảm của nó. Từ cảm xúc đối với người thân đến cảm xúc đối với bạn bè, thầy giáo, cô giáo; từ tình cảm đối với phong cảnh, làng quê, đồ vật đến tình yêu quê hương đất nước ; từ tình cảm đối với các giá trị đạo đức đến văn học nghệ thuật. Học loại văn bản này,

học sinh có dịp trau dồi kĩ năng biểu đạt mọi cảm xúc, tình cảm trong cuộc đời.

2. Văn biểu cảm là văn bản, trong đó, tác giả (tức người viết, người làm văn) sử dụng các phương tiện ngôn ngữ và phương tiện thực tế để biểu đạt tư tưởng, tình cảm của mình. Phương tiện ngôn ngữlời lẽ, hình thức bắt nhịp, vần điệu trong thơ, hình ảnh trong văn xuôi và thơ. Phương tiện thực tếphong cảnh, cây cỏ, con người, sự việc,…

Biểu cảm là trữ tình, là bộc lộ tình cảm, cảm xúc chủ quan của con người. Nhưng không phải vì thế mà mỗi lần đau đớn lại phải gào to lên hoặc vui sướng thì cứ múa nhảy ầm ĩ. Nếu biểu hiện như vậy lại không đúng với khái niệm trữ tình, biểu cấm. Biểu cảm là bộc lộ những cảm xúc mà người viết cảm thấy ở trong lòng, những ấn tượng thầm kín về con người, sự vật, những kỉ niệm, hồi ức gợi nhớ đến người, đến việc, bộc lộ tình cảm yêu ghét, mến thân đối với cuộc đời. Do vậy, biểu cảm là biểu hiện những tình cảm, cảm xúc dấy lên ở trong lòng, chứ không phải có những việc làm, hành động nào đồ biểu hiện ra ngoài một cách thái quá. Biểu cảm thường gắn với gợi cảm, bởi mục đích của bài văn biểu cảm là khêu gợi sự đồng cảm của người đọc, sao cho người đọc cảm nhận được cảm xúc của người viết.

3. Có hai cách biểu cảm chính : Biểu cảm trực tiếp và biểu cảm gián tiếp.

– Biểu cảm trực tiếp : Là phương thức trữ tình bộc lộ những cảm xúc, ý nghĩ thầm kín bằng những từ ngữ trực tiếp gọi ra tình cảm ấy.

– Biểu cảm gián tiếp : Là cách biểu hiện tình cảm, cảm xúc thông qua một phong cảnh, một câu chuyện hay một suy nghĩ nào đó mà không gọi thẳng cảm xúc ấy ra. Cách thể hiện này thường thấy trong thơ và trong văn xuôi.

4. Con người có nhu cầu biểu cảm rất lớn, bởi con người có tình cảm và có nhu cầu giao lưu tình cảm. Nhưng không phải tình cảm nào cũng có thể viết thành văn biểu cảm. Những tình cảm tầm thường, nhỏ nhen như đố kị, tham lam, ích kỉ,… thì không nên viết ra, vì sẽ không có ai đồng cảm. Những tình cảm trong văn biểu cảm phải là tình cảm đẹp, nhân ái, vị tha, cao thượng, tinh tế; nó góp phần nâng cao phẩm giá con người và làm phong phú tâm hồn con người. Cho nên, muốn viết văn biểu cảm hay, học sinh cần phải tu dưỡng tình cảm, đạo đức cho cao đẹp, trong sáng.

*CÁC DẠNG BÀI TẬP

I – TÌM HlỂu CHUNG VỂ VĂN BlỂu CAM

1. Ghi nhớ

– Văn biểu cảm là văn bản viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và khêu gợi lòng đồng cảm nơi người đọc.

– Văn biểu cảm còn gọi là văn trữ tình, bao gồm các thể loại văn học như: thơ trữ tình, ca dao trữ tình, tuỳ bút,…

– Tình cảm trong văn biểu cảm thường là những tình cảm đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân văn (như: yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc, ghét những thói tầm thường, độc ác,…).

– Ngoài cách biểu cảm trực tiếp như tiếng kêu, lời than, văn biểu cảm còn sử dụng các biện pháp tự sự, miêu tả để khêu gợi tình cảm.

2. Bài tập

Bài tập 14. Nhân sự việc bị mất con chó, Trần Đăng Khoa đã viết bài thơ Sao không về Vàng ơi !, trong đó có đoạn như sau :

 

Hôm nay tao bỗng thấy

Cái cổng rộng thế này

Và không thấy bóng mày

Nằm chờ tao trước cửa

Không nghe tiếng mày sủa

Như những buổi trưa nào

Không thấy mày đón tao

Cái đuôi vàng ngoáy tít

Cái mũi đen khịt khịt

Mày không bắt tay tao

Tay tao buồn làm sao…

Sao không về hả chó

Nghe bom thằng Mĩ nổ

Mày bỏ chạy đi đâu ?

Tao chờ mày đã lâu

Cơm phần mày để cửa

Sao không về hả chó ?

Tao nhớ mày lắm đó

Vàng ơi là Vàng ơi! …

 

a) Đây là đoạn thơ được viết theo phương thức biểu đạt chính nào ?

A – Thuyết minh

B – Tự sự

C – Miêu tả

D – Biểu cảm

b) Trong đoạn thơ, tác giả sử dụng biện pháp tu từ nghệ thuật chính nào ? Tác dụng của biện pháp tu từ ấy ?

c) Nếu đây là một văn bản biểu cảm, hãy chỉ ra câu thơ nào biểu cảm trực tiếp, câu thơ nào biểu cảm gián tiếp. Nêu tình cảm của người viết qua đoạn thơ.

Bài tập 15. Các đoạn văn sau đây được viết theo phương thức biểu đạt chính nào ? Nêu nội dung của từng đoạn.

Đoạn 1 : “Chiếc nón là đồ vật truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nó không chỉ dùng để che mưa che nắng, mà còn tôn thêm vẻ đẹp thanh tân, uyển chuyển của người thiếu nữ Việt Nam. Loại nón thứ nhất là nón Truông. Nón Truông được làm ra từ làng Truông (thuộc hụyện Thanh Oai – Hà Nội). Loại nón này nặng, cứng và chắc, thường dùng trong những hoạt động thường ngày. Loại thứ hai là nón Bài thơ. Đây là loại nón được làm ra từ vùng đất kinh kì – cố đô Huế”. 

(Bài viết của học sinh)

Đoạn 2 : “Vùng vẫy mãi cũng chán, tôi quyết định gọi bác thợ ảnh đến, chơi “trò” chụp ảnh. Bác thợ ảnh vui tính sẵn sàng chiều theo ý tưởng “sáng tác” và “biểu diễn” của tôi như sau : Chờ một con sóng thật to ùa đến, tôi sẽ nhảy lên thật cao cho sóng bắn tung toé và lúc ấy bác thợ ảnh mới được bấm “xoạch” một cái. Tôi muốn bọn bạn ở nhà sẽ phải lác mắt vì những gì tôi đã làm ở nơi thần tiên này. Sóng đến rồi kìa ! Tôi hít thật sâu, dang hai tay ra và nhảy lên thật cao. Bác thợ ảnh cũng đã “sẵn sàng” ! Nhưng tệ quá, con sóng quái quỷ đã chơi khăm tôi một vố đau đớn : Nó đã giữ lại chiếc quần cộc mẹ mới mua cho tôi và cuốn đi mất tăm… Sau vụ việc mất quần, tôi đã phải “vất vả” mới về được đến khách sạn… Tất nhiên, tấm ảnh độc đáo ấy chỉ có tôi và bác thợ ảnh biết thôi !”

(Theo Nguyễn Thành Luân, báo Thiếu niên tiền phong)

Đoạn 3 : “… Mùa đông lạnh lắm. Mọi vật xung quanh đều lạnh cả. Nhưng đôi tay của bé, bộ ngực của bè và đôi môi hồng của bé vẫn ấm áp. Bởi trong bé có một ngọn lửa ! Chả thế mà mùa đông, mẹ thích hôn lên má bé, Ngọn lửa trong bé sưởi ấm cho mẹ. Thật thú vị biết bao khị mỗi con người là một ngọn lửa thiêng liêng soi sáng và sưởi ấm cuộc đời này !”

(Võ Phượng, báo Phụ nữ Việt Nam, số 47)

Bài tập 16. Trong truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê của tác giả Khánh Hoài có hai đoạn tả cảnh rất đáng chú ý :

“… Đằng đông, trời hửng dần. Những bông hoa thược dược trong vườn đã thoáng hiện trong màn sương sớm và bắt đầu khoe bộ cánh rực rỡ của mình. Lũ chim sâu nhảy nhót trên cành và chiêm chiếp kêu. Ngoài đường, tiếng xe máy, tiếng ô tô và tiếng nói chuyện của những người đi chợ mỗi lúc một ríu ran. Cảnh vật vẫn cứ như hôm qua, hôm kia thôi mà sao tai hoạ giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này.”

… “Ra khỏi trường, tôi kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”.

a) Cảnh được tả qua cái nhìn của ai ? Đó là những cảnh gì ?

b) Bạn An nói đó là hai đoạn văn biểu cảm, bạn La lại nói là hai đoạn văn miêu tả. Ý kiến của em thế nào ?

c) Các từ láy trong đoạn văn thứ nhất gợi cho em suy nghĩ gì ?

d) Có bạn cho rằng từ “kinh ngạc” trong đoạn văn thứ hai đã diễn tả nỗi đau khổ của một đứa trẻ (nhân vật Thành). Em có đồng ý với nhận xét này không ? Nêu đánh giá cảm nhận của em, về cách sử dụng phó từ vẫn trong đoạn văn thứ hai.

II- ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN BIỂU CẢM

1. Những điều cần chú ý

– Trong khi học làm văn biểu cảm, các em cần chú ý phân biệt nó với các phương thức biểu đạt gần gũi : ví dụ như miêu tả chẳng hạn. Trong văn miêu tả, đối tượng miêu tả là con người, phong cảnh, đồ vật. Trong văn miêu tả, con người cũng bộc lộ tư tưởng, cảm xúc nhưng đó không phải là nội dung chủ yếu của phương thức biểu đạt miêu tả. Ngược lại, trong văn biểu cảm, người ta cũng miêu tả cảnh vật, đồ vật, con người ; song đó không phải là đối tượng chủ yếu. Đối tượng chủ yếu của văn biểu cảm là bộc lộ tư tưởng, tình cảm. Chính vì vậy, trong văn biểu cảm, người ta không miêu tả một đồ vật, một cảnh vật hoặc con người đạt tới mức cụ thể, hoàn chỉnh. Người ta chỉ chọn những chi tiết, những thuộc tính, sự việc nào có khả năng gợi cảm để biểu hiện cảm xúc, tư tưởng mà thôi.

– Muốn biểu cảm, các em hãy chọn một sự vật mà tính chất của nó phù hợp với phẩm chất tinh thần của con người ; rồi biểu hiện tình cảm của mình đối với nó, như đối với con người.

2. Ghi nhớ

– Mỗi bài văn biểu cảm tập trung biểu đạt một tình cảm chủ yếu.

– Để biểu đạt tình cảm ấy, người viết có thể chọn một hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng (là một đồ vật, loài cây hay một hiện tượng nào đó) để gửi gắm tình cảm, tư tưởng hoặc biểu đạt bằng cách thổ lộ trực tiếp những nỗi niềm, cảm xúc trong lòng.

– Bài văn biểu cảm thường có bố cục ba phần như mọi bài vặn khác.

– Tình cảm phải rõ ràng, trong sáng, chân thực thì bài văn biểu cảm mới có giá trị.

3. Bài tập

Bài tập 17. Đóng vai người chú trong bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu, kể lại bằng văn xuôi đoạn thơ trích trong bài thơ Lượm : từ chỗ miêu tả dáng vẻ của Lượm lúc ngã xuống trên cánh đồng lúa quê hương đến hết bài thơ.

Yêu cầu sử dụng yếu tố tự sự trong đoạn làm phương tiện để biểu cảm. Đoạn văn khoảng từ 10 đến 12 câu.

Bài tập 18. Cô giáo cho một đề văn như sau :

“Phát biểu cảm nghĩ của em về một trong nhiều loài hoa của quê hương em”.

– Bạn Hoàng Linh chọn hoa râm bụt, vì hoa gắn với tình bạn ấu thơ và thôn làng quê hương của bạn.

– Bạn Lan Phương lại chọn hoa mười giờ, vì hoa gắn với giờ sinh của bạn và quà tặng của bố dành cho bạn.

– Bạn Vân Phương lại chọn hoa hồng nhung, vì hoa hồng nhung gợỉ nhớ đến truyện cổ tích, công chúa, hoàng tử… thời ấu thơ và gợi nhớ ông nội kính yêu của bạn ấy.

a) Theo em, cách chọn loài hoa (sự vật) để biểu hiện tình cảm như thế của các bạn chứng tỏ các bạn đã hiểu đặc điểm của văn biểu cảm chưa ?

b) Ba trường hợp nêu trên chỉ là một ví dụ về việc chọn hoa để biểu cảm. Có bạn nào đồng cảm với ba bạn : Hoàng Linh, Lan Phương, Vân Phương không ? Bạn có thể chọn một loài hoa khác phù hợp với cuộc sống riêng, tình cảm riêng của bạn để biểu cảm.

Thực hiện quá trình tạo lập bài văn trên (theo các bước đã học).

Thực hiện cụ thể bước ba và bước bốn : viết thành bài văn hoàn chỉnh và rà soát lại, bổ sung, sửa chữa hoàn chỉnh.

Bài tập 19. Quan sát dàn ý phần Thân bài của ba bạn Hoàng Linh, Lan Phương, Vân Phương khi thực hiện đề văn ở bài tập số 18.

“Phát biểu cảm nghĩ của em về một trong nhiều loài hoa của quê hương em”.

a) Dàn ý phần Thân bài

– Dàn ý phần Thân bài của bạn Hoàng Linh (có 4 ý)

+ Năm học lớp ba, em đoạt giải học sinh giỏi văn cấp quận, về quê chơi, Thảo và Hiền đã kết hoa râm bụt thành vòng nguyệt quế, trân trọng đặt lên đầu em (lần đầu tiên em biết hoa râm bụt).

+ Hoa râm bụt không phải cây cảnh mặc dù màu hoa đỏ chói lọi. Nó được trồng ở những nơi “xung kích” chống trộm cắp và chắn gió bụi (hàng rào nhà).

+ Học trò nhớ hoa râm bụt, vì hay hái hoa để mút nước ngọt bên trong nhụy hoa.

+ Chủng em còn kết hoa râm bụt thành bè thả xuôi dòng sông Nhuệ.

– Dàn ý phần Thân bài của bạn Lan Phương (có 3 ý) :

+ Hoa mười giờ có nhiều màu, nhưng em thích loại hoa có màu tím đỏ.

+ Tả cây hoa, tả bông hoa, tả lá cây, nhấn mạnh tên gọi của hoa gắn liền với giờ hoa nở : mười giờ sáng.

+ Hoa mười giờ bình dị, nếu trồng được, không phải mua, vì đỡ tốn tiền. Nó được cắm ở bát, làm thành các bát hoa bày trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đội, ngày liên hoan của các bạn học sinh. Nó rất dễ trồng.

– Dàn ý phần Thân bài của bạn Vân Phương (có 5 ý):

+ Ông nội hay kể chuyện cổ tích trong tuổi thơ của tôi. Sau này tôi mới biết: đó là một may mắn của cuộc đời tôi.

+ Ông hay kể chuyện cổ tích, đặc biệt kể chuyện về hoa hồng nhung.

+ Hương hoa hồng thoang thoảng, dễ chịu. Cây hoa hồng có gai.

+ Hoa hồng nhung là hình ảnh của cô công chúa bị mụ phù thuỷ hãm hại… Có một hoàng tử đã ra tay cứu công chúa.

+ Ước mơ sẽ trở thành hoàng tử, như ông nói.

b) Nêu số ý trong phần Thân bài của mỗi bạn.

c) Từ bố cục dàn ý phần Thân bài của ba bạn, em thấy ba bạn đã thực hiện đúng một trong bốn điều cần ghi nhớ của bài học “Đặc điểm của văn bản biểu cảm” chưa ? Hãy đọc to điều ghi nhớ ấy – cũng là kết luận cho hướng khai thác dàn ý phần Thân bài của ba bạn trình bày trên.

Bài tập 20. Cho đề văn sau :

Em thường gặp (trong nhà, trên đường đi học, ở nhà trường hoặc ở trong sách giáo khoa…) những bức tranh đẹp vẽ chân dung cọn người. Hãy miêu tả một bức tranh như thế, cố gắng để những ai chưa được xem, cũng có thể hình dung ra người trong tranh và vẻ đẹp của tranh.

a) Theo em, đây là đề văn miêu tả chân dung con người hay là đề văn  biểu cảm ? Cho biết căn cứ để khẳng định.

b) Sau khi tìm hiểu đề, em định lựa chọn bức tranh nào trong số các bức tranh em đã nhìn thấy và cảm nhận sâu sắc nhất ?

c) Nêu dàn ý của bài.

d) Thực hiện tạo lập văn bản theo dàn bài đã dựng.

e) Sau khi làm bài xong, em có kết luận gì thêm về văn biểu cảm cũng như văn tự sự và văn miêu tả (đã học ở Ngữ văn 6) ?

Xem thêm chi tiết và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm: 

Đề và cách làm bài văn biểu cảm – Ngữ Văn 7 nâng cao tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận