Thuốc (Lỗ Tấn) – Bài tập Ngữ văn 12 nâng cao

Đang tải...

Thuốc

(Lỗ Tấn) 

I – BÀI TẬP

          1. Nhân vật chính của truyện là những ai ? Có thể chia nhân vật của truyện thành mấy nhóm ? Các nhóm khác nhau ở chỗ nào ?

          2. Thái độ của nhà văn đối với các nhóm người ấy ra sao ?

          3. Khi nhận xét về tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn, có ý kiến cho rằng “chương I (tức phần I) và chương II nói về thuốc theo nghĩa đen ; chương III và chương IV nói về thuốc theo nghĩa bóng” (tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số 3, năm 2004). Hãy nêu ý kiến về nhận định ấy.

          4. Hãy nhận xét về đặc điểm và ý nghĩa của việc miêu tả không gian và thời gian trong truyện ngắn Thuốc.

          5. Thử lí giải về ý nghĩa của một trong những chi tiết hoặc hình ảnh sau đây:

          a) “Trời lạnh hơn trong nhà nhiều, nhưng lão cảm thấy sảng khoái, như bỗng dưng mình trẻ lại và ai cho phép thần thông cải tử hoàn sinh”.

          b) “Có mấy người đi qua. Một người còn quay đầu lại nhìn lão Lão đặt tay lên túi áo. Gói bạc vẫn cồm cộm ở đấy”.

          c) “Ở giữa có con đường mòn nhỏ hẹp”, “ranh giới tự nhiên giữa nghĩa địa những người chết chém hoặc chết tù […] và nghĩa địa những người nghèo”, “Cả hai nơi, mộ dày khít, lớp này lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ”:

          d) “Con quạ” cuối phần IV.

          6. Mặc dù Thuốc dựng lên nhiều cảnh tượng bi đát, song nhà văn Nguyễn Tuân vẫn cảm nhận rằng tác phẩm “đã. phát động ý thức cách mạng và biểu hiện một bình minh”. Anh (chị) thử lí giải cảm nhận đó của nhà văn.

 

          II – GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP

          1. Nhân vật chính ở tác phẩm này thuộc loại nhân vật đám đông, cho nên phải nói tới các nhóm người. Một là vợ chồng lão Hoa và đứa con bị bệnh lao – những người lạc hậu, tối tăm. Bà mẹ Hạ Du cũng thuộc vào nhóm người đáng thương này. Bà không hiểu vì sao con bà chết, không hiểu ý nghĩa của vòng hoa trên mộ con ; hai là bác Cả Khang và đám người phụ hoạ với thái độ thù địch Hạ Du của y ; ba là người bị chém không trực tiếp xuất hiện, nhung “có mặt” trong cả bốn phần của truyện. Đó là những người mua thuốc, dùng thuốc ; kẻ bán thuốc và kẻ phụ hoạ ; người bị dùng máu làm thuốc .

          2. Thái độ của nhà văn rất sâu sắc và tinh tế. Đối với vợ chồng lão Hoa và đứa con, tuy lấy máu liệt sĩ làm thuốc nhưng do ngu muội, tin nhảm, tác giả tỏ ra thương xót nỗi bất hạnh của họ, không có một lời hay chi tiết nào tỏ ra nhạo báng hay khinh bỉ. Đối với bà mẹ Hạ Du cũng như vậy.

          Đối với nhóm người bán “thuốc”, phụ hoạ chống lại Hạ Du, tác giả khắc hoạ bộ mặt giả dối, tàn bạo, tham lam, xu phụ hèn hạ của chúng.

          Tác giả rất mực thương xót và khâm phục người liệt sĩ, đã thêm một vòng hoa bên mộ người đã hi sinh cho cách mạng.

          3. Nêu mặt hợp lí của nhận định đó : dù gọi là “nghĩa bóng” hay “chủ đề thứ hai” thì nó cũng phải dựa vào, thông qua “nghĩa đen”, “chủ đề thứ nhất”.

          Tuy nhiên, ranh giới giữa việc thể hiện hai chủ đề không phải đơn giản, tách bạch như vậy (chỉ tiết bốn chữ thếp vàng Cổ… Đình Khẩu cuối phần I đã cho thấy máu tẩm bánh bao ở đây là của một người chiến sĩ cách mạng ; đối tượng bàn luận trong quán trà ở phần III vẫn liên quan đến công hiệu của Thuốc theo “nghĩa đen”, kết cục bi thảm ở phần IV không phải chỉ có quan hệ với thuốc theo “nghĩa bóng”,…).

          4. Đặc điểm và ý nghĩa của việc miêu tả không gian và thời gian trong Thuốc:

          Miêu tả không gian

          – Bốn phần diễn ra ở ba địa điểm khác nhau (cũng có thể nói là bốn địa điểm nếu tách “quán trà” và “nhà trong” của lão Thuyên).

          – Tác giả như một nhà quay phim dừng ống kính ở những cảnh cần thiết để làm nổi bật chủ đề, dùng lối lồng ghép để phản ánh các sự kiện, biến cố và hành vi của các nhân vật trong đời sống chứ không trầm tư kể và tả các sự kiên diễn ra theo tiến trình thông thường của các thành phần cốt truyện.

          – Ý nghĩa riêng của từng cảnh và mối liên hệ ý nghĩa giữa chúng (Học sinh tự chứng minh).

          Miêu tả thời gian

          – Sự kiện diễn ra trước Cách mạng Tân Hợi (1911). Việc nêu ý nghĩa thời gian các sự kiện diễn ra chỉ yêu cầu đối với học sinh giỏi.

          – Sự kiện diễn ra vào một buổi sáng của mùa thu năm trước và sáng sớm của ngày tiết Thanh minh năm sau. (Lưu ý : Trung Quốc ngày xưa có lệ chỉ thi hành án tử hình vào mùa thu, ; tiết Thanh minh là “cơ hội” để hai bà mẹ bất hạnh gặp nhau và địa điểm gặp gỡ “tất yếu” là nghĩa địa).

          – Có một sự “đứt quãng” về thời gian giữa ba phần đầu và phần cuối ; không hề miêu tả thời điểm bé Thuyên qua đời.

          – Mối liên hệ thời gian giữa ba phần đầu. Chú ý phân tích ý nghĩa của thời điểm bố bé Thuyên đi mua bánh bao cũng như thời điểm hai bà mẹ gặp nhau.

          5. a) Chú ý liên hộ với hi vọng đáng thương mong manh của lão Thuyên.

          b) Chú ý liên hệ với hoàn cảnh xã hội đương thời và lòng thương con vô bờ của ông lão.

          c) Chú ý sự giống nhau và khác nhau giữa số phận hai nạn nhân cũng như hai bà mẹ của các nạn nhân ; tác dụng gây ấn tượng mạnh mẽ, gợi ý sâu sắc của biện pháp so sánh tu từ ; nỗi niềm thông cảm, bi phẫn cũng như hi vọng le lói của tác giả.

          d) Đây là hình ảnh đã từng gây nhiều tranh cãi. Anh (chị) cần suy nghĩ và mạnh dạn phát biểu ý kiến, miễn là có căn cứ hợp lí.

          – Cần liên hệ với ý nghĩa biểu tượng thông thường của hình ảnh “quạ” trong văn học một số nước phương Đông.

          – Cần liên hệ với không khí của khung cảnh chung trên nghĩa địa.

          – Cần liên hệ với ước mong của mẹ Hạ Du muốn quạ bay xuống đậu vào nấm mộ của con.

          – Chú ý hình ảnh cuối cùng của quạ “như một mũi tên, vút bay thẳng về phía chân trời xa” (có người cho rằng ở chỗ này, Lỗ Tấn lại dùng hình ảnh “quạ” để thể hiện niềm tin, để vẽ ra một viễn cảnh rộng mở, nghĩa là sử dụng với một ý nghĩa khác với truyền thống).

          6. Về ý kiến của Nguyễn Tuân

          – Xác nhận Thuốc quả đã dựng lên nhiều cảnh tượng bi đát (nêu lên một số cảnh tượng tiêu biểu).

          – Giải thích vì sao một tác phẩm chứa đầy cảnh tứợng như thế lại có thể “phát động ý thức cách mạng” và “báo hiệu một bình minh” :

          + Tác động của tác phẩm đối với người đọc không chỉ do việc miêu tả cái gì quyết định mà còn do và chủ yếu do tác giả đã đứng trên lập trường nào để miêu tả và cách miêu tả như thế nào quyết định.

          + Lỗ Tấn không thể không thương xót Hạ Du, bé Thuyên song cũng không thể không tỏ thái độ phê phán. Hai bà mẹ ngơ ngác bên mồ hai con, không hiểu vì sao con mình chết, buộc người đọc phải suy nghĩ tìm nguyên nhân ; và khi tự tìm được nguyên nhân,”là ý thức đã thực sự được phát động.

          + Hạ Du là một chiến sĩ cách mạng dũng cảm. Điều đố cho thấy dụng ý tác giả không chỉ phê phán tập quán chữa bệnh phản khoa học mà chủ yếu là phê phán ý thức lạc hậu về chính trị của ông bà Thuyên và cũng là của cả dân chúng đương thời.

          + Hơn thế, địa chỉ mà thông điệp tác giả muốn gửi tới không chỉ là dân chúng mà còn là những người làm cách mạng. Làm cách mạng mà chưa phát động được dân chúng thì thất bại là tất yếu.

          + Từ đây, có thể thấy ý nghĩa sâu xa của tên truyện : Thuốc. Thì ra, qua sự phê phán kiểu dùng thuốc (kiểu theo nghĩa đen) phản khoa học, Lỗ Tấn nhằm gợi cho người đọc, vạch hướng cho người đọc đi tìm vị thuốc thần (từ dùng của Lỗ Tấn) có thể đem lại sự sống cho bao thế hệ mai sau, đó là ý thức giác ngộ cách mạng.

          – Bày tỏ sự đồng tình với Nguyễn Tuân. Trong khi bày tỏ sự đồng tình, nếu có thể, thử diễn đạt lại ý của Nguyễn Tuân một cách mềm mại, uyển chuyển hơn.

 

 

—–

Số phận con người (Trích Sô-lô-khốp)

Trả bài kiểm tra văn học – Bài tập Ngữ văn 12 nâng cao

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận