Thảo luận về giải pháp khắc phục nạn ô nhiễm môi trường

Đang tải...

BÀI 9

Nói và nghe

Thảo luận về giải pháp khắc phục nạn ô nhiễm môi trường

Tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đã trở nên nghiêm trọng, đe doạ cuộc sống của tất cả chúng ta. Trong phạm vi và điều kiện hoạt động của mình, mỗi người có thể làm những gì để khắc phục tình trạng đó? Với hoạt động nói và nghe của bài học này, em hãy cùng các bạn thảo luận về những giải pháp cần thực hiện, nhằm làm cho môi trường quanh ta trở nên an toàn, tốt đẹp hơn.

1. TRƯỚC KHI NÓI

a. Chuẩn bị nội dung nói

– Lựa chọn vấn đề: vấn đề ở đây chính là giải pháp mà em đề xuất nhằm khắc phục nạn ô nhiễm môi trường. Muốn giải pháp mình nêu lên có căn cứ, có tính khả thi, em và các bạn phải thống nhất trước với nhau về việc phải giải quyết tình trạng ô nhiễm cụ thể nào (rác thải ùn ứ; cống rãnh tắc nghẽn; khói bụi mù mịt;,..). Khi nêu giải pháp, cần chú ý đến điều kiện và khả năng thực hiện, đồng thời quan tâm đến việc giải quyết tận gốc vấn đề (không để tình trạng cũ tái diễn). Điều quan trọng nữa là phải tính đến việc phối hợp hoạt động với các cá nhân và tập thể khác cùng sống, sinh hoạt trên địa bàn.

– Tìm ý và sắp xếp ý:

+ Để tìm ý, có thể tự đặt một hệ thống câu hỏi và lần lượt giải đáp. Chẳng hạn, nếu bàn về giải pháp khắc phục tình trạng rác thải ùn ứ, có thể nêu các câu hỏi: Rác thải ùn ứ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng và làm mất mĩ quan khu vực như thế nào? Vì sao có tình trạng này? Mỗi người cần phải làm gì để rác thải được tập kết đúng chỗ và thu gom kịp thời? Các cá nhân và tập thể sống trên địa bàn cần phải chung tay hành động thế nào? Cần phải xây dựng quy chế giữ gìn vệ sinh với nội dung cụ thể gì? Công tác tuyên truyền phải được thực hiện ra sao?…

+ Sau khi có được những ý cần thiết từ việc trả lời các câu hỏi, cần sắp xếp thành một đề cương theo trật tự: tình trạng – nguyên nhân – giải pháp (việc làm 1, việc làm 2, việc làm 3,…) – kế hoạch hoạt động cụ thể. Tất cả cần được viết thành một đề cương bài nói.

b. Tập luyện

– Nói một mình (nói thầm; nói to; nói kèm theo điệu bộ, cử chỉ,…).

– Nói trước nhóm học tập.

2. TRÌNH BÀY BÀI NÓI

Ngoài việc tuân thủ những yêu cầu chung (về nội dung nói, ngữ điệu, sử dụng từ ngữ, tương tác với người nghe, bảo đảm thời gian,…), em cần lưu ý thêm các điểm sau đây khi tham gia thảo luận về giải pháp khắc phục nạn ô nhiễm môi trường:

a. Mở đầu

Nêu tình trạng đáng báo động của vấn đề ô nhiễm môi trường với các biểu hiện cụ thể của nó, nhất là biểu hiện mà em và các bạn đang phải đối mặt và cần phải tham gia giải quyết.

b. Triển khai

– Trình bày ý kiến theo đề cương đã chuẩn bị.

– Trước khi trình bày từng phần ý kiến, có thể nêu lại các câu hỏi đã từng được đặt ra trong bước tìm ý, nhằm giúp người nghe hiểu rõ nội dung từng khía cạnh của vấn đề được đề cập.

c. Kết luận

Khái quát lại nội dung ý kiến vừa trình bày.

3. SAU KHI NÓI

Trao đổi theo một số gợi ý sau:

Người nghe Người nói
  • Đặt mình vào vị trí người nói để thấu hiểu lí do khiến người nói đề xuất giải pháp như vậy.
  • Các nhận xét, trao đổi hướng vào trọng tâm, không sa vào những chi tiết vụn vặt.
  • Nêu được điều tâm đắc của em về ý kiến của bạn.
  • Nêu những điều em chưa đồng tình với ý kiến của bạn.
  • Bổ sung những điều mà ý kiến của bạn chưa đề cập đầy đủ.
  • Tiếp nhận mọi trao đổi trên tinh thần hướng đến việc tìm tòi một giải pháp thống nhất.
  • Làm rõ một số điểm mà người nghe có thể thắc mắc.
  • Bảo vệ những nội dung trong ý kiến của bản thân mà em cho là hợp lí.
  • Tự rút ra những kinh nghiệm cần thiết trong việc nêu ý kiến khi tham gia thảo luận.

>> Xem thêm: Tóm Tắt Nội Dung Văn Bản – Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận