Thách Thức Thứ Hai – Bài 10 Ngữ Văn 6 Bộ Kết Nối Tri Thức

Đang tải...

Hướng dẫn soạn bài Thách thức thứ hai trong phần Viết bài 10 sách Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức gồm sáng tạo sản phẩm nghệ thuật và viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách. Hãy cùng xem các em có dễ dàng vượt qua thách thức thứ hai này hay không?

BÀI 10

Viết

THÁCH THỨC THỨ HAI

Sáng tạo cùng tác giả

      Để có được một cuốn sách thú vị, cuốn hút người đọc, tác giả không chỉ cần tài năng mà còn phải rất đam mê, có cảm hứng, tâm huyết và dành nhiều thời gian, công sức vào việc viết. Cuốn sách là đứa con tinh thần của tác giả. Đọc sách là để hiểu biết về con người, đời sống xã hội, thế giới tự nhiên và cũng là để hiểu thêm về người viết.

     Khi đọc sách, chúng ta không chỉ thưởng thức, cảm nhận mà còn có thể sáng tạo cùng tác giả hay chia sẻ suy nghĩ về một vấn đề đời sống mà cuốn sách gợi ra. Có nhiều cách thể hiện kết quả mà em và các bạn thu hoạch được sau khi đọc sách. Hãy lựa chọn một hoạt động phù hợp:

– Sáng tạo sản phẩm nghệ thuật lấy ý tưởng từ cuốn sách đã đọc.

– Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách.

SÁNG TẠO SẢN PHẨM NGHỆ THUẬT

Từ cuốn sách yêu thích, có thể sáng tạo những sản phẩm nghệ thuật mới, chẳng hạn: sáng tác thơ, kể chuyện sáng tạo, vẽ tranh thể hiện một số chi tiết, nhân vật đáng nhớ hoặc minh hoạ cho chuỗi sự kiện (truyện tranh).

THAM KHẢO MỘT SỐ SẢN PHẨM CỦA CÁC BẠN HỌC SINH

Sáng tạo cùng tác giả

VIẾT BÀI VĂN TRÌNH BÀY Ý KIẾN VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG ĐƯỢC GỢI RA TỪ CUỐN SÁCH ĐÃ ĐỌC

Yêu cầu đối với bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc:

  • Nêu được tên sách và tác giả.
  • Nêu được hiện tượng đời sống gợi ra từ cuốn sách và ý kiến của em về hiện tượng đó.
  • Sử dụng được lí lẽ và bằng chứng để làm rõ hiện tượng.

Phân tích bài viết tham khảo

Nỗi đau của Ken-ga (Kengah) và trách nhiệm của con người với môi trường

       Trong học kì vừa qua, em đã đạt được kết quả học tập tốt. Bố mẹ rất vui và thưởng cho em cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Lu-i Xe-pun-ve-da. Câu chuyện về cái chết do ngộ độc váng dầu của chim hải âu Ken-ga đã gợi cho em nhiều suy nghĩ về trách nhiệm của con người đối với môi trường sống trên Trái Đất.

       Em không thể quên được hình ảnh Ken-ga vùng vẫy, tuyệt vọng, toàn thân ngập trong lớp váng dầu: “Thứ chất lỏng dính như keo mà loài hải âu coi như tử thần màu đen của chúng giờ đây đang ép chặt đôi cánh vào mạng sườn của cô”. Con người đã vô tình để dầu tràn từ một con tàu nào đó ra vịnh. Điều này không chỉ xảy ra với vùng biển nơi Ken-ga và đàn hải âu Hải Đăng Cát Đỏ sinh sống. Ở rất nhiều nơi khác biển đã bị ô nhiễm vì dầu tràn, rác thải nhựa, nước thải,… Khi môi trường bị ô nhiễm, sự sống của tất cả các sinh vật trên Trái Đất đều bị đe doạ nghiêm trọng. Mặt biển, bầu trời, không khí, cánh rừng,… là môi trường sống của con người nhưng cũng là ngôi nhà chung của muôn loài.

       Mỗi người cần làm gì để môi trường sống trên Trái Đất luôn trong lành và sự sống của mọi sinh vật được bảo vệ? Mùa hè vừa qua, khi đi biển, em đã cố gắng không dùng bao gói và ống hút bằng nhựa, không vứt rác ra bãi biển,… Ở nhà và ở trường, em luôn có ý thức cùng các bạn giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, sử dụng tiết kiệm năng lượng,… Mỗi người trong chúng ta cần cố gắng hạn chế xả rác, khí thải, hoá chất độc hại vào môi trường. Đó có lẽ là cách mà ai cũng có thể làm được và là cách ứng xử đúng đắn nhất vì sự sống trên Trái Đất – hành tinh xanh.

       Cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay đã mang đến cho em những hiểu biết thú vị về thế giới thiên nhiên, những bài học sâu sắc về tình yêu thương, sự sẻ chia. Đặc biệt, cuốn sách đã giúp em hiểu rõ hơn những điều em có thể làm để góp phần gìn giữ ngôi nhà Trái Đất của chúng ta.

(Bài làm của học sinh)

Thực hành viết theo các bước

1. TRƯỚC KHI VIẾT

a. Lựa chọn đề tài: Chọn một cuốn sách em yêu thích và suy nghĩ về một hiện tượng đời sống mà cuốn sách gợi ra.

b. Tìm ý:

– Điều em muốn viết liên quan tới cuốn sách nào? Ai là tác giả của cuốn sách đó?

– Chi tiết, sự việc, nhân vật nào trong sách để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất?

– Chi tiết, sự việc, nhân vật đó khiến em suy nghĩ đến hiện tượng đời sống nào?

– Em có ý kiến như thế nào về hiện tượng đó?

c. Lập dàn ý: sắp xếp các thông tin và ý tưởng theo một trật tự phù hợp.

Dàn ý

– Mở bài: Giới thiệu tên sách, tác giả và hiện tượng đời sống mà cuốn sách gợi ra.

– Thân bài:

+ Nêu ý kiến (suy nghĩ) về hiện tượng.

+ Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm rõ ý kiến về hiện tượng cần bàn luận.

+ Trình bày cụ thể về chi tiết, sự việc, nhân vật gợi lên hiện tượng cần bàn.

– Kết bài: Nêu tầm quan trọng, ý nghĩa thực tế của hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách.

2. VIẾT BÀI

    Khi viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc, em cần lưu ý: triển khai cụ thể các ý đã nêu trong dàn ý; phân biệt các phần mở bài, thân bài, kết bài; có thể tách ý chính trong thân bài thành các đoạn văn.

3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Đọc lại bài văn đã viết để bảo đảm:

– Tính chính xác của tên sách, tên tác giả và các chi tiết, sự việc, nhân vật.

– Viết đúng chính tả, dùng từ ngữ và câu phù hợp, sắp xếp các ý chặt chẽ.

>> Xem thêm: Thách thức đầu tiên – Bài 10 Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận