Tập làm văn : Luyện tập giới thiệu địa phương – Tiếng Việt 4

Đang tải...

A – Mục tiêu bài học

      – Biết giới thiệu trò chơi kéo co ở hai địa phương Hữu Trấp (Quế Võ, Bắc Ninh) và Tích Sơn (Vĩnh Yên, Vĩnh Phú) dựa vào bài tập đọc Kéo co.

      – Biết giới thiệu một vài trò chơi hoặc lễ hội ở quê em.

B – Tìm hiểu nội dung (Hướng dẫn làm bài tập)

1. Đọc lại bài Kéo co và cho biết bài ấy giới thiệu trò chơi của những địa phương nào? Thuật lại các trò chơi đã giới thiệu.

      – Bài tập đọc Kéo co giới thiệu trò chơi kéo co của làng Hữu Trấp huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh và làng Tích Sơn thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phú.

      – Thuật lại trò chơi kéo co ở hai làng Quế Võ và Tích Sơn:

      Kéo co là một trò chơi dân gian của dân tộc Việt Nam ta diễn ra vào những ngày Tết hoặc các lễ hội. Trò chơi này rất vui vì có nhiều người tham gia và nhiều người đến xem để cổ vũ, mặt khác nó cũng thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.

      Tục kéo co diễn ra ở nhiều nơi, mỗi nơi có một kiểu chơi khác nhau. Ở làng Hữu Trấp, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thường tổ chức kéo co giữa phái nam và phái nữ. Có lúc phái nam thắng cũng có lúc phái nữ thắng. Dù thắng hay thua cả hai phái đều thấy rất vui. Nhưng trò kéo co ở làng Tích Sơn thuộc thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc thì lại khác, đối tượng chơi lại là trai tráng giữa hai giáp trong làng nhưng số lượng người chơi hoàn toàn không đều nhau, không hạn chế số người. Sau cuộc thi dân làng nổi trống ăn mừng và các cô gái không ngớt lời ngợi khen các trai tráng đã thắng cuộc.

2. Hãy giới thiệu một trò chơi hoặc một lễ hội ở quê em. (Chú ý: trong phần mở bài, cần giới thiệu quê em ở đâu, có trò chơi hoặc lễ hội gì thú vị.)

      – Các bức tranh ở SGK trang 160 thể hiện các trò chơi sau:

      Tranh 1: Thả chim; Tranh 2: Đu bay, Tranh 3: Hội cồng chiêng; Tranh 4: Hát quan họ; Tranh 5: Ném còn; Tranh 6: Hội bơi trải (đua thuyền).

      – Thực hành: Giới thiệu về một trò chơi hoặc lễ hội ở quê em.

Bài tham khảo

Giới thiệu lễ hội đua voi ở Tây Nguyên.

      Em sống ở Bản Đôn thuộc tỉnh Đăk Lăk, hằng năm cứ vào mùa xuân, buôn làng em lại tổ chức ngày Hội đua voi.

      Hội được tổ chức trong hai ngày, người ở các nơi đổ về rất đông, người kinh có, người dân tộc có, họ đến đây không hề có sự phân biệt dân tộc hay kẻ giàu người nghèo. Họ đến để vui chơi, để thưởng thức tài nghệ của các chàng “man gát” điều khiển voi trong cuộc chạy đua.

      Trường đua là một khoảng đất rộng, bằng phẳng dài khoảng năm, sáu cây số. Mới sáng sớm, dân làng đã tập trung đông đủ, chiêng trống nổi lên phá tan sự im lặng vốn có của đời sống buôn làng Tây Nguyên.

      Từng tốp voi được đưa ra, con nào cũng được trang điểm rất đẹp và rất lộng lẫy: Con thì quàng khăn đỏ, con thì quàng khăn xanh, có con đội trên đầu những chiếc mũ nhiều màu sắc. Các chàng “man gát” cũng ăn mặc rất chỉnh tề, nai nịt gọn gàng. Họ thường là những người phi ngựa giỏi nhất làng.

      Đến giờ xuất phát, chiêng trống, tù và nổi lên, các con voi dàn thành hàng ngang lao đầu chạy, chúng chạy như bay, bụi cuốn mù mịt, người xem hội cũng la hét om sòm cố vũ cho các con voi và các hiệp sĩ. Không khí giờ đây thật náo nhiệt.

      Em thật không ngờ, ngày thường các chú voi với cái dáng lầm lì, chậm chạp thế mà giờ đây, các chú hăng máu phóng hết tốc lực để về trúng đích.

      Nhìn các chú voi lao đầu chạy, em mới thấy tài nghệ của các hiệp sĩ “man gát”, họ phải dũng cảm lắm mới cho voi chạy nhanh và về trúng đích như vậy. Các chú voi này cũng rất ngộ nghĩnh, dễ thương, khi chạy đến đích, các chú đều ghìm đà, huơ vòi chào khán giả, dường như chúng cũng hiểu các khán giả này đang cuồng nhiệt cổ vũ cho chúng, chúng huơ vòi là để cảm ơn khán giả.

      Em thích ngày Hội đua voi ở Tây Nguyên, đây cũng là bản sắc văn hóa của dân tộc em. Em tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc. Em ước muốn sau này sẽ được ngồi lên lưng voi trong các ngày hội của buôn làng để giống như các hiệp sĩ “man gát”.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận