Tập đọc : Chị em tôi – Tiếng Việt 4

Đang tải...

A – Mục tiêu bài học

      – Đọc trơn cả bài, phân biệt giọng đọc các nhân vật (tôi, ba, em).

      – Hiểu nghĩa của các từ ngữ trong bài: tặc lưỡi, yên vị, giả bộ, im như phỗng, cuồng phong, rang.

      – Hiểu nội dung, ý nghĩa của chuyện: Câu chuyện khuyên mọi người không được nói dối, nói dối là một tính xấu làm mất lòng tin, lòng tôn trọng của mọi người đối với mình.

B – Tìm hiểu nội dung

      Câu chuyện Chị em tôi chia làm ba đoạn:

      – Đoạn 1 (Từ đầu đến “tặc lưỡi cho qua”): Lời nói dối của người chị.

      – Đoạn 2 (Tiếp… đến “mà học cho nên người”): Hai chị em nói dối gặp nhau ở rạp chiếu bóng.

      – Đoạn 3 (Đoạn còn lại): Sự thay đổi của cô chị không nói dốì nữa.

I – Hướng dẫn luyện đọc

      – Đọc toàn bài với giọng kể nhẹ nhàng, hóm hỉnh phù hợp với việc thể hiện tính cách, cảm xúc của các nhân vật.

      – Đọc đúng các từ ngữ sau: tặc lưỡi, ngạc nhiên, giận dữ, thủng thẳng, sững sờ, thỉnh thoảng, nhắc…

      – Phân biệt lời các nhân vật:

      + Lời người cha dịu dàng, ôn tồn, trầm buồn (khi thấy con gái nói dối).

      + Lời cô chị lễ phép (khi xin phép ba), giận dữ (khi mắng em).

      + Lời cô em tinh nghịch, lúc giả bộ thơ ngây.

– Biết nhấn giọng ở một số từ trong đoạn văn sau:

      Cho đến một hôm,/ tôi vừa yên vị / trong rạp chiếu bóng,/ tôi chợt thấy em gái mình lướt qua / cùng một đứa bạn.// Từ ngạc nhiên,/ tôi chuyển sang giận dữ / và mặc lời năn nỉ của bạn,/ tôi bỏ về.//

      Hai chị em về đến nhà,/ tôi mắng em gái dám nói dối ba bỏ học đi chơi,/ không chịu khó học hành.// Nhưng đáp lại sự giận dữ của tôi,/ nó chỉ thủng thẳng:

      – Em đi tập văn nghệ.//

II – Hướng dẫn trả lời câu hỏi

1. Cô chị nói dối ba để đi đâu?

      Cô chị nói dối ba để đi học nhóm nhưng kì thực là đi xem chiếu bóng, cô đã nói dối ba nhiều lần, vì ba tin cô là người con gái chăm chỉ học tập.

2. Vì sao mỗi lần cô chị nói dối, cô lại cảm thấy ân hận?

      Mỗi lần cô chị nói dối, cô lại cảm thấy ân hận vì mình đã phụ lòng thương yêu của ba. Nhưng rồi sự ân hận đó lại qua đi và cô lại tiếp tục nói dối.

3. Cô em đã làm gì để chị mình thôi nói dối?

      – Cô em cũng nói dối như cô chị, nói dối ba đi tập văn nghệ rồi rủ bạn vào rạp chiếu bóng, cố tình lướt qua trước mặt chị, giả bộ không thấy chị để chị thấy là mình nói dối thì tức mà bỏ về.

      – Khi bị chị mắng, thủng thẳng đáp là đi tập văn nghệ khiến  người chị tức phải bật ra câu nói: Tập văn nghệ ở rạp chiếu bóng à?. Em tiếp tục giả bộ ngây thơ và hỏi lại: Chị nói đi học nhóm sao lại ở rạp chiếu bóng? Nếu không ở rạp chiếu bóng thì làm sao biết là em không đi tập văn nghệ?

      Rõ ràng qua lời nói của hai nhân vật, việc nói dối của cô chị đã bị bại lộ. Cô em đã dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông” để buộc cô chị thôi nói dối.

4. Vì sao cách làm của cô em giúp được chị tỉnh ngộ?

      Cách làm của cô em giúp chị tỉnh ngộ thôi nói dối vì:

      – Cô em nói dối giống chị khiến chị nhìn thấy được thói xấu của mình, không làm gương tốt để em noi theo.

      – Thái độ buồn rầu của người cha cũng khiến chị tỉnh ngộ.  Chính  cách làm của người em khiến cô chị không bao giờ nói dối nữa và cô cảm         thấy buồn cười trước cách chọc tức mình của em gái.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận