Suy nghĩ của em về câu: “Hình dung hình ảnh của mình trong mắt người khác phải chăng cũng là một cách soi xét bản thân để tự hoàn thiện?” – Ngữ Văn 12

Đang tải...

Nghị luận về vấn đề tự hoàn thiện bản thân

Đề bài

Hình dung hình ảnh của mình trong mắt người khác phải chăng cũng là một cách soi xét bản thân để tự hoàn thiện?

Anh (chị) hãy trả lời câu hỏi trên theo quan điểm của mình (bằng một bài văn khoảng 600 chữ)

Hướng dẫn làm bài

Vấn đề cần bàn ở đề này được diễn đạt thành một câu hỏi, người viết có thể trả lời câu hỏi đó bằng quan điểm riêng của mình, tức là tán đồng hay phản bác, hoặc có mặt tán đồng khía cạnh này nhưng cần thảo luận thêm mặt kia… Đi vào giải quyết vấn đề, phải chú trọng các luận điểm chính: Hình dung hình ảnh của mình trong mắt người khác nghĩa là thế nào? Tại sao cần hình dung hình ảnh của mình trong mắt người khác? Vì sao nói, hình dung hình ảnh của mình trong mắt người khác là một cách soi xét bản thân để tự hoàn thiện mình?

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

– Sống trên đời, người chân chính luôn khao khát hoàn thiện mình. Hoàn thiện mình là cố gắng khắc phục những nhược điểm, yếu kém, phát huy phần tốt đẹp trong tâm hồn, nhân cách, sống lương thiện, hài hoà trong các mối quan hệ. Hoàn thiện mình là làm sao để từng ngày, từng ngày qua, bản thân thực sự tiến bộ dần lên. Tự hoàn thiện là việc lớn của mỗi cá nhân. Nhung sự tự hoàn thiện phải hướng theo những chuẩn mực được cộng đồng thừa nhận. Nếu quên điều này, việc tự hoàn thiện sẽ thiếu định hướng, và chắc chắn không thu được kết quả mong muốn.

– Người xưa dạy: Hãy tự biết mình. Nhưng liệu bản thân mình có tự biết về mình một cách đầy đủ không? Dân gian có câu: Cọc đèn tối chân, có nghĩa, bản thân mỗi người không tự biết hết những ưu khuyết điểm, những hay dở của bản thân. Bởi vậy, rất cần được soi mình trong mắt người khác. Nhưng làm sao biết được người khác nhìn nhận mình như thế nào? Thường, người khác nhìn / nghĩ về ta không chỉ chú mục vào mặt tốt đẹp để ca ngợi, biểu dương; ngược lại, có thể săm soi những thiếu sót, những bất toàn của ta để phê phán, dè bỉu (nếu thiếu thiện ý) hoặc bảo ban, góp ý (nếu có thiện cảm). Nếu hình dung rằng, trong mắt người khác, hình ảnh ta nhem nhuốc, bất toàn thì phải dũng cảm mà thừa nhận, đó là một phần sự thật, có khi lại là phần sự thật chủ yếu của bản thân ta. Như vậy, hình dung hình ảnh của mình trong mắt người khác thực chất là quan tâm xem mình đã được người khác nhìn nhận, đánh giá như thế nào.

– Thực tế, không ai có thể biết đích xác hình ảnh của mình trong mắt ngưội khác, nhưng khi tự đặt câu hỏi: không biết người khác nghĩ / đánh giá thế nào , về ta, thì đó là lúc ta đã có thái độ cầu thị, biết nghiêm khắc soát xét lại bản thân. Trong cuộc sống, ai cũng có ưu, có khuyết. Ưu điểm thường được phô ra, khuyết điểm thường bị che đậy. Có những cái xấu của bản thân, ta chỉ biết được qua sự soi xét của người khác mà thôi. Cho nên, phớt lờ sự nhìn nhận của người ngoài khiến ta dễ có những hoang tưởng, nhầm lẫn về mình hoặc dễ trở thành một kẻ cô độc, kiêu ngạo vô lối.

– “Người khác” được đề cập ở đây gồm nhiều đối tượng khác nhau. Đó có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em ta; là bạn thân của ta hoặc một ai đó còn xa lạ. Bất luận đó là ai, thì cái nhìn của họ vào ta bao giờ cũng hàm chứa một thái độ, một sự đánh giá. Từ một ánh mắt buồn của mẹ, hãy nhạy cảm mà hiểu rằng, ta đã làm điều gì đó không phải, đã khiến mẹ buồn lòng. Từ một ánh mắt nghiêm khắc của thầy cô, hãy nghĩ đến những khuyết điểm mà ta chưa nghiêm túc sửa chữa. Phải thật tinh tế, mới có thể nhận thấy rất nhiều điều từ ánh mắt người khác. Có thể là sự hoài nghi. Có thể là sự trách móc. Có thể là nỗi bất bình. Có thể là sự đồng cảm, sẻ chia. Có thể là sự khích lệ, cổ vũ. Cũng từ đó, ta mói biết lòi mình nói, việc mình làm hay dở thế nào để tự điều chỉnh. Thường xuyên ý thức như vậy là phương cách hữu hiệu để tự hoàn thiện mình. Giữa việc hình dung hình ảnh của mình trong mắt người khác với việc soi xét bản thân luôn có mối quan hệ tương hỗ. Thông thường, tự đánh giá mình dễ roi vào tình trạng chủ quan, phiến diện, vĩ vậy, để có được một kết quả gần sự thật, ta rất cần có thêm những dữ kiện khác do khách quan cung cấp.

– Hình dung hình ảnh của mình trong mắt người khác về cơ bản là việc làm có ý nghĩa tích cực giúp ta hiểu mình và sửa mình. Tuy nhiên, nếu chỉ biết lệ thuộc vào sự đánh giá của người khác, ta sẽ tự tước đoạt sự tự chủ cũng như cái độc đáo của cá nhân – những điều vốn rất cần cho cuộc sống. Bởi vậy, trên vấn đề này, việc duy trì sự cân bằng giữa thái độ biết lắng nghe và sự kiên định theo đuổi quan niệm sống riêng luôn có ý nghĩa quan trọng.

 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận