Phân tích tác phẩm Vi Hành – Ngữ văn 11

Đang tải...

Đọc thêm

VI HÀNH

(Trích Những bức thư gửi cô em họ do tác giả tự dịch từ tiếng An Nam)

I- NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ

1.Về tác giả

-Về tiểu sử và sự nghiệp văn học của tác giả Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, chương trình Ngữ văn lớp 12 sẽ dành một bài học riêng. Ở bài đọc thêm về truyện ngắn “Vi hành” này, SGK lưu ý HS về hoạt động cách mạng của Người những năm 1920 – 1923 ở bên Pháp. Trong thời gian hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc có viết một số tác phẩm (bằng tiếng Pháp) lên án chủ nghĩa thực dân, gửi gắm tinh thần yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc. Truyện ngắn “Vi hành” được sáng tác vào đầu năm 1923, theo phong cách Âu châu hiện đại, bằng tiếng Pháp, là một hoạt động cách mạng bằng văn chương của Người trong thời gian đó. Cùng với vở kịch Con rồng tre và truyện ngắn Lời than vãn của bà Trưng Trắc, truyện “Vi hành” vạch trần bản chất bù nhìn, tay sai của vua Khải Định khi hắn sang Pháp, đồng thời phơi bày sự điêu trá của những cái gọi là “khai hoá”, “bảo hộ” Việt Nam của chủ nghĩa thực dân Pháp.

-Một điểm nữa cũng cần chú ý, đó là mục đích sáng tác của Người. Chúng ta đều biết Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh viết văn hay làm thơ trước hết không vì mục đích văn chương. Đối với Ngưòi, đấy trước hết là một hình thức hoạt động cách mạng.

 Vậy trước khi phân tích truyện ngắn “Vi hành”, chúng ta cũng cần tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm này cho ai đọc và viết để làm gì.

2.Hoàn cảnh tác phẩm ra đời

Giữa năm 1922, chính quyền bảo hộ đưa vua Khải Định sang Pháp dự cuộc đấu xảo thuộc địa ở Mác-xây. Động thái này của nhà cầm quyền Pháp nhằm đánh lạc hướng dư luận ở ngay nước Pháp : rằng, vua một nước thuộc địa đến chính quốc để tỏ thái độ thần phục và cảm tạ công ơn khai hoá của “mẫu quốc” ; rằng, xứ Đông Dương thuộc địa vẫn ổn định, Chính phủ Pháp có thể tiếp tục đầu tư và “khai hoá’\…

Đầu năm 1923, “Vi hành” được đăng trên báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 19 – 2 – 1923. Tác phẩm lật tẩy mưu đồ bẩn thỉu đó của các nhà cầm quyền, đồng thời vạch trần bản chất bù nhìn, tay sai của vua Khải Định.

II- PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1.Đặc điểm về nội dung

a.Mục đích sáng tác truyện “Vi hành’’

Nguyễn Ái Quốc viết “Vi hành” cho các bạn đọc là người Pháp, đặc biệt ở Pa-ri, nên Người đã viết bằng tiếng Pháp theo phong cách viết hiện đại. Để câu chuyện có thể hấp dẫn và thuyết phục người đọc ở một nước dân chủ và hiện đại như nước Pháp lúc đó, câu chuyện được kể ít nhiều phải có liên quan đến những vấn đề thời sự, những hoạt động giải trí mà người dân của một thủ đô hiếu kì quan tâm. Lấy việc tố cáo, đả kích là mục đích nhưng cảm hứng chủ đạo của người viết chỉ là mỉa mai, châm biếm chứ không thể phê phán kiểu mạt sát, thoá mạ, trực diện. “Vi hành” đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của công chúng Pháp và thực hiện xuất sắc mục đích sáng tác mà Nguyễn Ái Quốc đặt ra.

b.Truyện khắc hoạ thành công hình tượng ông vua Khải Định

Tác giả “Vi hành” không trực tiếp miêu tả, kể chuyện về nhân vật ông hoàng Khải Định nhưng bằng cách xây dựng tình huống truyện độc đáo với giọng văn châm biếm, mỉa mai trong hình thức một bức thư gửi cô em họ, hình ảnh ông hoàng An Nam từ tướng mạo đến bản chất dần dần hiện rõ một cách hèn hạ và lố bịch. Từ sự nhầm lẫn của đôi trai gái trên tàu điện ngầm (tưởng nhân vật “tôi” là hoàng đế An Nam), nhân vật “tôi” – người kể chuyện – nghe được họ nhận xét về tướng mạo Khải Định rất nực cười : mũi tẹt, mắt xếch, mặt vàng bủng, đầu quấn khăn lại còn đội nón, ngón tay đầy nhẫn, người đầy lụa là và hạt cườm, dáng vẻ nhút nhát, lúng túng… Trong con mắt của họ, của những người dân Pháp, ông vua một nước thuộc địa do Pháp bảo hộ kia chẳng khác nào một thứ sinh vật lạ hiếm hoi đến từ một xứ sở xa xôi và mông muội. Tệ hại hơn nữa là, họ nhìn ngắm Khải Định như xem các tiết mục giải trí khác không mất tiền (vợ lẽ nàng hầu vua Cao Miên, trò leo trèo nhào lộn của sư thánh xứ Công-gô,…). Hơn thế, Khải Định lúc thì có vẻ như một con rối trên sân khấu Nhà hát Múa rối của họ ; lúc thì giống một công tử bé choi bời bừa bãi, lén lút ở Pa-ri.

c.Truyện khéo léo đả kích “những bậc khai hoá”

-Tác giả “Vi hành” còn tái hiện tiếp sự nhầm lẫn nữa của người dân Pa-ri (tưởng nhân vật “tôi” là hoàng đế An Nam đang vi hành), kết hợp với hình thức viết thư để thực hiện được mục đích thứ hai của truyện : đả kích Chính phủ Pháp, bọn mật thám tay sai, bọn thực dân mà tác giả gọi là “những bậc khai hoá”.

Như phụ đề của truyện ngắn có ghi : Trích “Những bức thư gửi cô em họ” do tác giả tự dịch từ tiếng An Nam, ngoài ý định gọi sự chú ý của người dân Pháp về chuyện xứ lạ, hình thức thư từ (gửi cho cô em họ) cho phép người viết được tự do kể chuyện gì mà mình thích, mình muốn ; tha hồ liên hệ, tạt ngang tuỳ ý. Nhưng liên hệ tạt ngang trong “Vi hành” thường có vẻ “mát mẻ”, “dí dỏm”, “nhẹ nhàng” nhưng hàm ý phản đối, đả kích sâu cay. Chẳng hạn :

+ “Nhật báo chẳng còn cái gì để bôi bác lên giấy cả” : châm biếm báo chí Pháp lúc đó.

+ “Tôi nhớ chuyện vua Thuấn, vì muốn đích thân tai nghe mắt thấy dân có bằng lòng mình không, nên cải trang làm dân cày đi dò la khắp xứ” : tiếp tục châm biếm Khải Định “vi hành”.

+ “Phải chăng là ngài (Khải Định – NBS) muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là A-lếch-xăng Đệ nhất, có được sung sướng, có được uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài, hay không ?” : đả kích chính sách bóc lột của thực dân Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

-Còn mức độ nhầm lẫn thứ ba trong truyện được xây dựng đó là sự “nhầm lẫn” của Chính phủ Pháp giữa hoàng đế An Nam vói tất cả những người da vàng trên đất Pháp lúc đó. Mức độ nhầm lẫn càng tăng tiến, bút pháp mỉa mai càng tỏ ra lợi hại nhằm đả kích chính quyền thực dân Pháp, nhân có sự việc Khải Định sang dự cuộc đấu xảo ở Mác-xây, đã ráo riết theo dõi bất cứ ai là người Việt Nam yêu nước, cách mạng đang ở trên đất Pháp, sẵn sàng có biện pháp đàn áp dã man mọi biểu hiện của dư luận, mọi hành vi phản kháng công khai hay ngấm ngầm về chuyện “xuất ngoại” của ông vua bù nhìn Khải Định : “… để chắc chắn khỏi thất thố trong nhiệm vụ tiếp tân, Chính phủ bèn đối đãi với tất cả mọi người An Nam vào hàng vua chúa và phái tuỳ tùng đi hộ giá tuốt!”, “… các vị bám lấy đế giày tôi, dính chặt với tôi như hình vói bóng. Và thật tình là các vị cuống cuồng cả lên nếu mất hút tôi chỉ trong dăm phút

2.Đặc điểm về nghệ thuật

a. Đặc sắc nhất ở “Vi hành” là đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo, đạt được hiệu quả đả kích sâu cay nhưng kín đáo. Đấy là tình huống nhầm lẫn với ba mức độ tăng tiến, tạo thành sức mạnh chủ yếu của nghệ thuật “Vi hành”:

-Đôi trai gái nhầm lẫn nhân vật “tôi” với hoàng đế An Nam. Tình huống nhầm lẫn có dụng ý nghệ thuật nhưng vẫn đảm bảo tính chất hợp lí, khách quan của bản chất nhân vật, chuỗi sự việc được trần thuật. Vậy nên Khải Định không xuất hiện, trong tác phẩm mà chân dung hắn dần dần hiện lên cụ thể, hoàn chỉnh, rất đặc trưng. Cách lố bịch hoá tên vua bù nhìn như vậy đảm bảo tránh được sự chủ quan có thể bị nghi ngờ của nhân vật ngưòi kể chuyện – một nhà văn cộng sản; thật đấy, người Pháp họ quan sát, bình giá như vậy đấy.

-Nhiều người dân Pa-ri tưởng nhầm nhân vật “tôi” với hoàng đế An Nam đi ‘‘vi hành” để hoàn chỉnh chân dung ông vua bù nhìn Khải Định bên đất Pháp, đồng thời châm biếm bản chất đê hèn của hắn.

-Đến cả Chính phủ Pháp cũng nhầm lẫn vị khách quý – hoàng đế An Nam với những người Việt Nam yêu nước cách mạng để nhân đó, châm biếm, tố cáo tính chất điêu trá, bịp bợm của cái gọi là “văn minh”, “khai hoá” của chủ nghĩa thực dân Pháp.

b. Truyện “Vi hành” được viết dưới hình thức một bức thư của nhân vật “tôi” gửi cô em họ ở quê nhà và tác giả tự dịch ra tiếng Pháp.

Ai cũng biết thư từ là kiểu văn bản tự do, nhất là thư gửi người thân (ở đây là gửi cô em họ) thì lại càng tự do trong việc cung cấp tin tức, giãi bày tình cảm, kể bằng nhiều giọng điệu, hỏi – đáp về nhiều chuyện có vẻ linh tinh cùng một lúc… Bức thư “Vi hành” có mấy nét đáng chú ý sau :

-Sự chuyển giọng, chuyển cảnh, kể, tả khá linh hoạt: khi nghiêm trang khi cười cợt, khi vui tươi nhí nhảnh, lúc lại lạnh lùng sắc sảo… Nhưng giọng chủ đạo là mỉa mai, chân biếm.

-Hiện tượng liên hệ tạt ngang, so sánh thoải mái nhằm tăng hiệu quả châm biếm : Từ sự phỏng đoán Khải Định “vi hành”, nhân vật “tôi” đưa ra hàng loạt phán đoán nhằm lố bịch hoá đối tượng mà tác giả đả kích ; Từ chuyện nhầm lẫn của hai thanh niên Pháp bất ngờ người viết vạch mặt bọn mật thám ở Pa-ri theo lệnh của nhà cầm quyền bám sát theo dõi những người Việt Nam yêu nước

Nhìn chung, truyện ngắn “Vi hành” là một tác phẩm có tính chiến đấu cao, nghệ thuật mỉa mai châm biếm độc đáo, linh hoạt và đa dạng.

XEM THÊM PHÂN TÍCH TÁC PHẨM CHA CON NGHĨA NẶNG-NGỮ VĂN 11 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận