Phân tích tác phẩm Vào Phủ Chúa Trịnh – Ngữ văn lớp 11

Đang tải...

VÀO PHỦ CHÚA TRỊNH

(Trích Thượng kinh kí sự)

I- NHỮNG TRI THỨC Bổ TRỢ

1. Về tác giả và thời điểm tác phẩm ra đời

Lê Hữu Trác (1724 – 1791) hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Yên Mĩ, tỉnh Hưng Yên). Ông là một thầy thuốc nổi tiếng, đồng thời cũng là một tác giả văn học có một số sáng tác đáng chú ý. Là một trí thức, ông không ra làm quan, cũng không sống thuần tuý cuộc sống của nhà ẩn sĩ mà chọn con đường chữa bệnh cứu người.

Thượng kinh kí sự (Kí sự đến kinh đô) được Lê Hữu Trác viết nhân chuyến ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán năm 1782, hoàn thành năm 1783. Đây là thời điểm gần sát vói cuộc khủng hoảng của triều đình Lê – Trịnh. Trịnh Cán được lập làm thế tử tháng 10 năm Tân Sửu (1781), mới 5 tuổi nhưng đầy bệnh tật. Lê Hữu Trác rời Thăng Long ngày 18 tháng 9, về đến nhà ngày 2 tháng 10 năm Nhâm Dần (1782). Ngày 24 tháng 10 năm đó diễn ra cuộc kiêu binh nổi loạn, giết chết quan Chánh đường (tức Quận Huy Hoàng Đình Bảo), thế tử Trịnh Cán bị phế truất. Biến cố này là cơ sở thực tế cho triết lí được ông đúc kết ở cuối thiên kí sự : giàu sang như mây nổi, những nơi đàn sáo lâu đài trước đây bỗng phút chốc thành gò hoang cồn vắng, củng cố niềm tin của ông về tính chất tạm bợ của giàu sang và ý nghĩa của cuộc sống ung dung, ngoài vòng danh lọi. Những dòng văn miêu tả cảnh giàu sang phú quý trong phủ chúa Trịnh ở đoạn trích chỉ có thể hiểu đúng nếu như ta biết thái độ của ông đối vói công danh, phú quý được nói đến ở phần kết thúc của cuốn sách này.

2.Tri thức văn hoá

Lê Hữu Trác là nhà nho. Nhà nho lấy đạo trung quân (trung với vua) để đánh giá nhân cách, đạo đức con người. Chúa Trịnh lấn át quyền hành của vua Lê, tạo ra một cục diện triều chính vừa có vua lại vừa có chúa, vua chỉ là bù nhìn. Thái độ của Lê Hữu Trác đối với chúa Trịnh ngầm ẩn sắc thái phê phán mà người đọc phải hiểu được. Mặt khác, người đọc cũng cần biết về mẫu người ẩn sĩ, coi thường danh lợi như là một mẫu người đặc biệt trong xã hội phương Đông truyền thống. Đối vói ẩn sĩ, tránh xa trường danh lợi là một cách để giữ thân an toàn trong những thời kì xã hội loạn lạc, là cách thể hiện thái độ đánh giá đối vói một triều đại, cũng là cách thể hiện nhân cách đạo đức cao thượng, không tham giàu sang, phú quý mà chấp nhận cuộc sống quan trường gò bó, mất tự do. Lê Hữu Trác không sống biệt lập với xã hội như các ẩn sĩ trong lịch sử, ông vẫn làm thuốc, trị bệnh cứu người nhưng thái độ coi thường danh lợi, tinh thần kiên trì đạo đức của ông – giống như ẩn sĩ – thể hiện rất rõ ở đoạn trích này. 

3.Tri thức về thể loại

Thượng kinh kí sự thuộc thể loại kí sự, ghi chép sự việc là chính. Tuy nhiên, tác phẩm có những đoạn miêu tả cảnh, người và sự việc, những đoạn văn ghi lời bình luận hay cảm tưởng, lại có cả những bài thơ xen kẽ, khiến cho nó vừa có chất tự sự, kể chuyện, lại có chất trữ tình.

II – PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1.Quang cảnh phủ chúa Trịnh

Cảnh trong phủ chúa có mấy yếu tố : nhà cửa và kiến trúc ; các nhân vật hoạt động.

Trước hết, cần chú ý đến các yếu tố liên quan đến kiến trúc, xây dựng. Phủ chúa hiện ra như một thế giới khác hẳn bên ngoài về vẻ đẹp và sự sang trọng. Để vào trong phủ, từ bên ngoài phải qua mấy lần cửa.

Tác giả nhìn thấy “cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương”. Các công trình xây dựng, có : “điếm Hậu mã quân túc trực. Điếm làm bên cái hồ, có những cái cây lạ lùng và những hòn đá kì lạ. Trong điếm, cột và bao lơn lượn vòng, kiểu cách thật là xinh đẹp”, có nhà “Đại đường” thật là “cao và rộng’’, “Ở đây, cột đều sơn son thếp vàng”,…

Các vật dụng, đồ đạc được miêu tả cho thấy sự giàu sang, phú quý tột bậc, khác hẳn ngoài nhân gian. Trong nhà “Đại đường” : “Đồ nghi trượng đều sơn son thếp vàng. Ở giữa đặt một cái sập thếp vàng. Trên sập mắc một cái võng điều. Trước sập và hai bên, bày bàn ghế, những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy”. Bữa ăn trong điếm “Hậu mã” : “Mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ”. Nơi ngồi của chúa và nơi xem mạch cho Đông cung, “đi qua độ năm, sáu lần trướng gấm như vậy, đến một cái phòng rộng, ở giữa phòng có một cái sập thếp vàng […]. Bên sập đặt một cái ghế rồng son son thếp vàng, trên ghế bày nệm gấm”. Cảnh sinh hoạt trong phủ chúa thể hiện rõ sự xa hoa của cuộc sống vương giả.

2.Nhân vật

Nhân vật nổi bật trong đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh là quan Chánh đường, ngoài ra có một số nhân vật chỉ được phác hoạ thoáng qua như Đông cung thế tử Trịnh Cán và các thầy thuốc.

-Quan Chánh đường xuất hiện trong tư thế một người đầy quyền lực, sang trọng. Ông có quyền quyết định nhiều việc trọng yếu trong phủ chúa chứng tỏ ông được chúa tin cậy, trao cho nhiều quyền lực. Những sự kiện chứng tỏ quyền lực của ông ta : mọi người chạy đi chạy lại như mắc cửi để thực thi lệnh của ông ; điếm Hậu mã – nơi nghỉ của ông ta hết sức sang trọng. Những chi tiết tiêu biểu : “Bấy giờ trong “phòng trà” có bảy, tám người. Thấy quan Chánh đường đến, tất cả đều đứng dậy. Quan Chánh đường ngồi ghế trên”, “Mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ”, “phong vị của nhà đại gia” mà quan Chánh đường mời Lê Hữu Trác.

-Nhân vật Đông cung tuy thoáng qua nhưng cũng để lại một ấn tượng khó quên : độ năm; sáu tuổi, da mặt khô, rốn lồi to, gân xanh, tay chân gầy gò. Thế tử bật cười khen”Ông này lạy khéo !” khi thấy một ông già lạy mình.

-Bảy, tám vị lương y của “tam cung lục viện” tuy có xuất hiện nhưng không để lại ấn tượng nào đáng kể.

3.Thái độ của tác giả qua cách tả và lời bình luận

Cách tả như vô tình nhưng thực ra hàm chứa thái độ phê phán kín đáo mà mạnh mẽ, đồng thời bộc lộ sự coi thường danh lợi của tác giả. Phê phán sự xa hoa, hoang phí của phủ chúa còn một hàm nghĩa đạo lí nho gia nữa : chúa Trịnh lấn cướp quyền hành của vua Lê, các đồ vật đều “sơn son thếp vàng, sập rồng” (những biểu tượng của vua lại được chúa sử dụng) là sự quan sát phê phán kín đáo từ lập trường trung quân.

Tác giả tỏ rõ sự xa lạ của mình trước thế giới phủ chúa sang trọng, xa hoa, đầy quyền lực. Ông tự xưng là ngưòi quê mùa. Ông phải lạy Đông cung thế tử, và được một cậu bé năm, sáu tuổi khen lạy khéo. Có thể đây là suy nghĩ của một nhà nho trọng nhân cách đạo đức : đây là một ví dụ điển hình về cái giá phải trả cho người nào chạy theo danh lợi.

Như đã nói, nếu chúng ta liên hệ vói đoạn kết của Thượng kinh kí sự, ta sẽ hiểu dụng ý nhấn mạnh lối sống xa hoa vương giả trong phủ chúa là nhằm nêu lên một bài học triết lí về tính chất tạm thời, không bền vững của giàu sang, quyền lực, về sự đúng đắn của việc lựa chọn cách sống ẩn dật, quay lưng với danh lợi.

Cách tác giả tỏ thái độ cũng đa dạng : làm thơ, bình luận kín đáo, sử dụng từ ngữ (tự nhận mình là quê mùa), kể lại ý nghĩ (tự phân tích tâm lí : chỗ nào trong cấm thành mình cũng đã từng biết, chỉ có những việc trong phủ chúa là mình chỉ mới nghe nói thôi), kể lại ấn tượng (tôi bấy giờ mới biết cái phong vị của nhà đại gia).

4.Nghệ thuật miêu tả

-Tài quan sát, lựa chọn chi tiết đắt giá : Đối với văn xuôi, chi tiết có vai trò rất quan trọng. Tác giả đã đưa những quan sát tưởng như vô tình, thoáng qua nhưng thực ra là những chi tiết chọn lọc. Ví dụ : Chi tiết “Cáng chạy như ngựa lồng, tôi bị xóc một mẻ, khổ không nói hết”. Với người khác, việc được đi cáng do phủ chúa phái lính đến đón có thể là một niềm tự hào, vinh dự ; còn ông – một nhà nho coi thường danh lợi – thì chỉ thấy khổ sở. Ông nhiều lần nhắc đến màu “vàng son” của đồ nghi trượng, cột nhà, sập, ghế rồng là có dụng ý phê phán việc chúa Trịnh chà đạp lên đạo trung quân. Hình ảnh các cung nhân với mặt phấn, màu áo đỏ thoáng qua nhưng cũng hàm ý phê phán cuộc sống truỵ lạc của chúa. Các chi tiết về quyền lực của quan Chánh đường, như đã phân tích ở trên, cũng đặc sắc.

-Việc kể chuyện kèm theo bình luận, tỏ thái độ, tự phân tích tâm lí của tác giả khiến cho câu chuyện được kể sinh động, hấp dẫn.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận