Phân tích tác phẩm Tự Tình – Ngữ văn lớp 11

Đang tải...

TỰ TÌNH

(Bài II)

I – NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ

1.Người phụ nữ làm thơ

Trong văn học trung đại, đa số tác giả là nam giới, số tác giả là nữ chiếm tỉ lệ rất thấp và người phụ nữ được nói đến trong văn học cũng không nhiều. Hiện tượng này phản ánh tư tưởng trọng nam khinh nữ của xã hội phong kiến phương Đông cổ xưa. Thế kỉ XV, có nhà thơ nữ Ngô Chi Lan. Đến thế kỉ XVIII, với các khúc ngâm như Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), vấn đề về hạnh phúc của người phụ nữ đã được nêu lên nhung bởi các tác giả là nam giới. Hồ Xuân Hương là một trường họp nhà thơ nữ hiếm có đã lên tiếng thổ lộ tâm tư sâu kín của bản thân. Đây là nét đặc sắc của thơ Hồ Xuân Hưong nói chung, của Tự tình (bài II) nói riêng.

2.Thể thơ Đường luật

Đây là thể thơ có chức năng nói chí của cọn người hoạt động xã hội, cảm hoài, tự thuật, bộc lộ con người đạo đức của nhà thơ. Tự tình (bài II) được viết bằng thể thơ đường luật nhưng chỉ thể hiện nỗi niềm riêng tư, cá nhân, nỗi buồn chán và phẫn uất vì tình duyên không toại nguyện. Người phụ nữ trong xã hội phong kiến được giáo dục tinh thần cam chịu, chấp nhận, im lặng. Sự lên tiếng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương về nỗi cô đơn, chán ngán cho thấy người phụ nữ trong giai đoạn này đã có ý thức mạnh mẽ về quyền sống cá nhân.

II- PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1.Nhân vật trữ tình trong bài thơ

Đây là người phụ nữ cô đơn (hồng nhan). Người phụ nữ này có nỗi buồn riêng nên một mình uống rượu trong đêm khuya. Nỗi buồn đó được thổ lộ trong câu thơ cuối cùng “Mảnh tình san sẻ tí con con !”. Hai chữ “san sẻ” có thể liên quan đến thân phận làm lẽ của tác giả (tương truyền Hồ Xuân Hương có làm lẽ). Điều đáng chú ý là người phụ nữ đã thể hiện thái độ bất bình vói thân phận đáng buồn đó, ao ước một cuộc sống hạnh phúc xứng đáng.

2.KẾT CẤU BÀI THƠ

Đối với bài thơ Đường luật, cần chú ý đến kết cấu cảnh – tình. Tác giả tả cảnh để ngụ tình và tình thường ẩn sau cảnh.

Cảnh gồm các yếu tố liên quan đến không gian và thời gian. Thời gian trong bài thơ là đêm khuya, không gian là cảnh khuya. Thường đêm khuya là lúc con người nghỉ ngơi sau một ngày lao động. Nhưng ở đây, đêm đã khuya mà nhân vật trữ tình vẫn ngồi trầm ngâm, suy tư có nghĩa là trong lòng ngổn ngang tâm sự. Trong cảm nhận của nhân vật, thời gian dường như ngừng trôi: đêm trôi qua chậm chạp tưởng như ngừng lại vì nhân vật “say lại tỉnh” (sự lặp đi lặp lại của hành động), vì trăng hết tròn lại khuyết, “xuân đi xuân lại lại”, năm tháng lặp đi lặp lại mà không có gì thay đổi. Nhìn ra không gian, cảnh vật tạo nên ấn tượng về sự cô đơn của nhân vật. Chỉ thấy người phụ nữ (hồng nhan) cô đơn (trơ) đối diện với vũ trụ bao la (nước non). Âm thanh văng vẳng của tiếng trống cầm canh càng tô đậm ấn tượng vắng vẻ của đêm khuya, tăng thêm nỗi cô đơn:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu hưong đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Nhưng cảnh cũng có yếu tố động, phá vỡ sự tĩnh tại, đứng yên của thời gian và không gian:

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Có cảm giác những đám rêu mềm mại cũng “xiên ngang mặt đất”, mấy hòn đá cũng “đâm toạc chân mây”. Bản thân cảnh vật không thể giận dữ, quyết liệt như vậy mà chính là tâm lí bất bình, phản kháng của con người đã nhìn ra, hình dung và tưởng tượng ra trạng thái đó. Hai câu cuối bài thơ, sau sáu câu thơ tả cảnh, xuất hiện tâm trạng bất bình, phản kháng. Người phụ nữ đã không im lặng, không chấp nhận hay cam chịu thân phận cô đơn, lẻ loi mà lên tiếng công khai nỗi chán ngán vì tình yêu bé mọn, không tương xứng:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!

Nhân vật trữ tình trong bài thơ chịu đựng bi kịch tình duyên nhưng không chấp nhận mà khát khao một hạnh phúc xứng đáng. Đây là nét mới có ý nghĩa thời đại vì như đã nói, người phụ nữ thời xưa được giáo dục tinh thần cam chịu, chấp nhận, phục tùng.

Kết cấu cảnh – tình của bài thơ có lôgíc chặt chẽ, mạch lạc. Liên kết nghĩa giữa các câu nhằm dẫn dắt cảm xúc chán ngán, phẫn uất ở cuối bài. Bốn câu thơ đầu tiên diễn tả sự cô đơn, trống vắng, lặp đi lặp lại của cuộc sống thiếu hạnh phúc. Hai câu 5 và 6 lại chọn những hình ảnh diễn tả sự bứt phá, cựa quậy mạnh mẽ khỏi sự giam hãm tù túng. Trên nền hình ảnh đó, xuất hiện lời than vãn chán ngán về tình duyên lận đận, tầm thường, không xứng đáng, một quyết tâm tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình.

3.Ngôn ngữ nghệ thuật

Nghệ thuật sử dụng tiếng Việt của tác giả đáng chú ý. Ngôn từ tạo nên âm thanh, lại càng tăng thêm cảm giác trống vắng của đêm khuya (tiếng gà văng vẳng, tiếng trống canh dồn), có khả năng tạo hình (trơ cái hồng nhan, xiên ngang, đâm toạc). Nhịp điệu lặp đi lặp lại nhàm chán của cuộc sống thiếu tình yêu xứng đáng được tả bằng các chu kì say – tỉnh, khuyết – tròn, xuân đi – xuân lại. Những động từ xiên ngang, đâm toạc diễn tả tâm trạng phẫn uất của nhân vật trữ tình. Câu kết tập trung các từ ngữ nhấn mạnh tính chất bé mọn, nhỏ nhoi không xứng đáng của tình duyên : mảnh tình vốn đã nhỏ mọn, lại chỉ được “san sẻ” “tí con con”, chúng giải thích cho tâm trạng chán ngán trong câu thứ 7 : “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại”. Xuân ở đây có nhiều nghĩa, vừa là tuổi trẻ, vừa là năm tháng (xuân đi xuân lại là năm này qua năm khác, thời gian trôi đi, tuổi trẻ cũng mòn mỏi theo – tục ngữ có câu “Mỗi tuổi như đuổi xuân đi”). Tác giả biết khai thác các khả năng diễn đạt đa dạng của tiếng Việt để thể hiện cảm xúc.

XEM THÊM PHÂN TÍCH TÁC PHẨM VÀO PHỦ CHÚA TRỊNH NGỮ VĂN 11 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận