Phân tích tác phẩm Lẽ Ghét Thương – Ngữ văn lớp 11

Đang tải...

LẼ GHÉT THƯƠNG

(Trích Truyện Lục Vân Tiên)

I.- NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ

1.Nhân vật ông Quán trong Truyện Lục Vân Tiên

-Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu thuộc loại tác phẩm luận đề, có tính chất giáo huấn đạo đức, bộc lộ trong mấy câu thơ có tính chất tuyên ngôn ngay từ đầu truyện :

Trai thời trung hiếu làm đầu,

Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.

Các nhân vật được phân tuyến thiện – ác, chính – tà rõ rệt. Nhưng điều cần chú ý là tác giả đã dồn hết tâm huyết cho mục tiêu giáo huấn này và thật sự tin tưởng vào vai trò của đạo đức, nhân cách đối với việc xây dựng một xã hội tốt đẹp vì hạnh phúc của nhân dân. Đạo đức sở dĩ có ý nghĩa vì nó là đạo đức của nhân dân, có tính nhân dân. Nhiệt tình đạo đức của tác giả đã truyền vào thái độ đối với các nhân vật: đồng cảm, bênh vực, ca ngại nhân vật chính diện và phê phán, lên án nhân vật phản diện. Vì thế, tác phẩm được nhân dân đón nhận nồng nhiệt.

Ông Quán, ngưòi bán quán, là một ẩn sĩ lánh đời nhưng đọc thông kinh sử, biết sự tích, tên tuổi của nhiều nhân vật lịch sử Trung Quốc, nghĩa là một trí thức nho sĩ chứ không phải là người bán quán bình thường. Quan niệm đạo đức của ông được đào luyện từ kho kinh sử đó. Ông Quán thực ra chỉ là hình bóng của tác giả, là người phát ngôn cho tư tưởng đạo đức của tác giả.

-Vị trí của đoạn trích Lẽ ghét thương trong Truyện Lục Vân Tiên : Đoạn này đang kể về bốn sĩ tử trên đường ứng thí (đi thi) ngồi nghỉ tại quán nước của ông Quán. Phát biểu của ông Quán về lẽ ghét thương là một cách để phân biệt bốn chàng sĩ tử ấy. Vân Tiên, Tử Trực (nhân vật chính diện) nghe ông nói thì cảm phục ; còn Trịnh Hâm, Bùi Kiệm (nhân vật phản diện) cho rằng “Lão Quán nói nhăng”.

2.Cách phát biểu quan niệm đạo đức – thẩm mĩ của các tác giả văn học trung đại

Người xưa thường chọn cách phát biểu quan điểm đạo đức hay thẩm mĩ thông qua bình luận, đánh giá một nhân vật lịch sử. Qua sự khen chê, có thể biết chính kiến của tác giả. Tiêu biểu cho cách phát biểu chính kiến này là loại thơ vịnh sử mà các nhà thơ xưa kẻ ít người nhiều đều có sáng tác (chúng ta đã học bài Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du, bài thơ có một số nét của thơ vịnh sử, nhất là cách thông qua bình luận một nhân vật để gửi gắm tâm sự của bản thân). Trong đoạn trích, các nhân vật lịch sử Trung Quốc được nói đến theo cách vịnh sử. ông Quán chọn một đặc điểm nào đó của nhân vật để làm căn cứ tỏ thái độ ghét / thương. Để đánh giá thái độ của ông Quán đối vói các nhân vật đó, lẽ dĩ nhiên là người đọc cũng phải có hiểu biết như tác giả.

II– PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1.Các nhân vật là đối tượng của ghét – thương

a.Ghét

Những nhân vật đáng ghét đều là những nhân vật lịch sử bị nhà nho lên án xét về chuẩn mực đạo đức Nho giáo. Ví dụ, ông Quán lên án những triều đại suy thoái về đạo đức, những ông vua này đều say mê nữ sắc, không quan tâm đến triều chính, phạm phải những sai lầm sơ đẳng khiến cho triều đại bị sụp đổ. Trong tác phẩm Đông Chu liệt quốc của Phùng Mộng Long cho biết Lệ Vương là thứ chín nhà Chu rất nhu nhược, tiếp theo sau là Tuyên Vương và sau Tuyên Vương là u Vương, u Vương được khắc hoạ là người say mê sắc đẹp của Bao Tự đến mức để làm cho Bao Tự cười, ông ta đã cho xé hàng trăm tấm lụa (Bao Tự có sở thích kì quái là nghe tiếng xé lụa). Nhưng tiếng xé lụa chấm dứt thì Bao Tự cũng hết cười. Một tên nịnh thần bày cho u Vương cách làm cho nàng cười to hơn, nhiều hơn. Nguyên là nhà Chu có hẹn vói các nước chư hầu là khi nào có giặc tấn công thì sẽ đốt lửa trên đài cao, các nước chư hầu sẽ đem quân đến ứng cứu. u Vương cho đốt lửa, quả nhiên quân chư hầu kéo đến, thấy không có việc gì lại quay về. Đứng trên lầu cao, quan sát cảnh tượng quân chư hầu bực dọc ra về, Bao Tự cười và rất vui. Nhung u Vương đã trả giá cho nụ cười của mĩ nhân : khi có giặc tấn công thực, đốt lửa cấp cứu thì không có đạo quân ứng cứu nào kéo đến nữa. Chuyện chỉ có vậy, không thấy Đông Chu liệt quốc kể đến nỗi khổ của nhân dân dưới sự trị vì của u Vương. Điểm mới mẻ, đặc sắc trong cách đánh giá của ông Quán là đã nhấn mạnh nỗi khổ của nhân dân dưới những triều đại suy thoái đó. Đây chỉ là sự suy diễn theo lôgíc riêng của tác giả nhưng là sự suy diễn có lí (đã là ông vua bất tài, hoang dâm, vô đạo thì tất nhiên không thể đem lại cho dân cuộc sống hạnh phúc). Tất cả sự căm ghét của ông Quán đều xuất phát từ lòng thương dân : các triều đại bị “ghét” vì đã gây ra nỗi đau khổ cho nhân dân :

Quán rằng : “Ghét việc tầm phào,

Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.

Ghét đòi Kiệt, Trụ mê dâm,

Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.

Ghét đời u, Lệ đa đoan,

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.

Ghét đời Ngũ bá phân vân,

Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn.

Ghét đời thúc quý phân băng,

Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân.

Lấy hạnh phúc của dân làm chuẩn mực để đánh giá các triều đại lịch sử chính là sự thể hiện quan điểm lịch sử tiến bộ của Nguyễn Đình Chiểu. Nhân vật lịch sử thực ra chỉ là cái cớ để tác giả phát biểu quan điểm thân dân của mình mà thôi. Nói cách khác, lịch sử đã được ông giải thích theo quan điểm thân dân chứ không thuần tuý theo quan điểm đạo đức như sử gia Nho giáo.

b. Thương

Các nhân vật lịch sử được “thương” cũng chỉ là cái cớ để ông Quán phát biểu lí tưởng sống. Đây đều là những nhân vật có đạo đức, có tài năng, có chí hướng nhưng không thành cồng trong cuộc đời. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng :

Thương là thương đức thánh nhân,

Khi nơi Tống, Vệ lúc Trần, lúc Khuông.

Thương thầy Nhan Tử dở dang,

Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh.

Thương ông Gia Cát tài lành,

Gặp con Hán mạt đã đành phui pha.

Thương thầy Đồng Tử cao xa,

Chí thờ có chí, ngôi mà không ngôi.

Thương người Nguyên Lượng ngùi ngùi,

Lỡ bề giúp nước lại lui về cày.

Thương ông Hàn Dũ chẳng may,

Sớm dâng lời biểu, tối đày đi xa.

Thương thầy Liêm, Lạc đã ra,

Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân.

Khổng Tử đã đi nhiều nước để truyền bá đạo Nho nhưng không mấy thành công. Thực ra, Khổng Tử đã có thời gian ở nước Lỗ bốn năm, được làm Á tướng (tướng quốc thứ nhì), và chỉ ba tháng sau nước Lỗ đã tốt hơn lên. Nhưng rồi ông lại không được trọng dụng nữa nên cùng học trò bỏ nước Lỗ ra đi. Có lần ông còn gặp nguy hiểm đe doạ tính mạng. Đó là khi ở nước Tống, ông giảng đạo cho học trò dưới gốc cây đại thụ, bị quan Tư mã nước Tống là Hoàn Khôi cho người chặt cây đó, học trò đều lo cho thầy nhưng ông tin rằng trời đã giao cho ông sứ mệnh quan trọng nên Hoàn Khôi không làm gì được ông. Khuông là một ấp trong nước Vệ, ở xứ này nhân dân oán ghét một người tên là Dương Hổ. Vì Khổng Tử có dung mạo giống Dương Hổ, nên người đất Khuông vây Khổng Tử và các học trò định hãm hại. Sau đó họ nhận thấy đã nhầm lẫn nên xin lỗi và thả ống. Khổng Tử lúc bị đe doạ, lại nói đại ý là trời muốn giao cho ông tiếp tục nền văn chương của Văn Vương nên người đất Khuông không thể làm gì nổi ông. Những sự việc trên có thể giải thích bằng nhiều cách : (1) Đó là căn cứ cho thấy Khổng Tử có niềm tin vững chắc vào sứ mệnh truyền đạo của ông ; (2) Cho thấy một người tài như ông mà phải long đong, lật đật. Ông Quán khai thác nghĩa thứ hai. Nhan Tử – học trò của Khổng Tử – được Khổng Tử khen là người hiền, chẳng may chết sớm, chưa có công danh gì. Đào Nguyên Lượng (tức Đào Tiềm) “lui về cày” (tức là từ quan về ở ẩn) vì không chấp nhận khom lưng uốn gối trước quan trên. Các truyện kể về Đào Tiềm chỉ nhấn mạnh tấm gương trọng nhân cách, đạo đức của ông chứ không thấy nói ông “lỡ bề giúp nước” thế nào. Hàn Dũ dâng biểu can ngăn nhà vua vì nhà vua quá sùng bái đạo Phật (vua rước cốt Phật) nên bị giáng chức. Nói chung, tất cả các nhân vật được “thương” đều được tác giả khai thác ở nét tương đồng với cảnh ngộ của Nguyễn Đình Chiểu. Qua các nhân vật đó, ta hiểu thêm lí tưởng đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu, khát vọng đem tài năng ra giúp đòi, giúp nước nhưng do bị mù loà nên đành lỡ dở.

2.Tình cảm của ông Quán

Ông Quán là ngưòi sống thiên về tình cảm. Đọc kinh sử (kinh là ngũ kinh : Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu), sử là các bộ sử thời cổ như Sử kí (Tư Mã Thiên), ông không đọc bằng con mắt lạnh lùng mà đọc bằng cả trái tim, đọc với những cảm xúc mạnh mẽ, Các từ ngữ như lòng hằng xót xa ; Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm, ,các từ ghét, thương lặp đi lặp lại có tính chất liệt kê cũng gây ấn tượng về sự yêu ghét mạnh mẽ, dứt khoát của ông Quán. Nếu chú ý về số lần lặp lại thì dễ thấy, số lần chữ thương nhiều hơn số lần chữ ghét. Ông nêu 4 triều đại đáng ghét, nêu 7 nhân vật đáng thương. Mặc dù nói “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” ; hoặc “Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương”, song thực tế, tình thương vẫn được nói nhiều hơn : thương những người cùng chí hướng và cảnh ngộ. Đó là tình cảm tích cực. Ông Quán đã truyền cảm xúc mạnh mẽ của mình sang người đọc, khiến cho việc bình luận lịch sử – công việc tưởng như khô khan – cũng trở nên hấp dẫn, tránh được tính chất công thức thường thấy của loại thơ vịnh sử.

3.Ngôn ngữ nghệ thuật

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ Nam Bộ. Ông dùng tiếng Việt phổ thông, nhưng đồng thời cũng đưa vào sáng tác của mình những từ ngữ dân gian của nhân dân Nam Bộ như coi (đọc), đàng công danh (đường công danh), phui pha (uổng phí). Từ phương ngữ tạo nên sắc thái địa phương đậm đà cho tác phẩm.

Tác giả có cách tạo ngữ cảnh giúp ngưòi đọc bình dân, không có kiến thức cổ, vẫn hiểu được nghĩa. Chẳng hạn, người đọc có thể không biết Kiệt, Trụ, u, Lệ là ai nhưng các câu “Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang” ; “Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần”,… đã mang tính định hướng, giải thích lí do ghét thương rồi. Các nhân vật được thương là thánh nhân, tài lành, cao xa nhưng chẳng may lỡ đàng công danh, phui pha, lui về cày,… Vì thế, có thể người đọc không biết Khổng Tử, Hàn Dũ là ai mà vẫn có thể hiểu được đây là những ngưòi bất đắc chí, lỡ dở, không thành công trong sự nghiệp công danh.

XEM THÊM PHÂN TÍCH TÁC PHẨM BÀI CA NGẮN ĐI TRÊN BÃI CÁT NGỮ VĂN 11 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận