Phân tích tác phẩm Bài Ca Ngắn Đi Trên Bãi Cát – Ngữ văn lớp 11

Đang tải...

BÀI CA NGẮN ĐI TRÊN BÃI CÁT

(Sa hành đoản ca)

I – NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ

1.Về tác giả

Cao Bá Quát (1809 – 1855), người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội), Ông là một nhà thơ có tài năng và bản lĩnh, được người đương thời tôn thờ là Thánh Quát. Thơ văn Cao Bá Quát bộc lộ thái độ phê phán mạnh mẽ chế độ phong kiến trì trệ, bảo thủ và chứa đựng tư tưởng khai sáng có tính chất tự phát, phản ánh nhu cầu đổi mới của xã hội Việt Nam trong giai đoạn giữa thế kỉ XIX.

2.Khái niệm “danh lợi”

Khái niệm danh lợi chỉ địa vị xã hội và lợi ích vật chất do địa vị đó mang lại, được người xưa sử dụng thực chất để chỉ việc làm quan. Mưu cầu danh lợi, thưởng phải thông qua việc làm quan. Nhưng để làm quan, trừ việc tập ấm (con cái được làm quan do có ông cha làm quan to), con đường phổ biến của người xưa là đi học, thi đỗ, ra làm quan mà không có con đường nào khác. Con đường danh lợi gập ghềnh trắc trở nhưng để có danh lợi, tất cả mọi người đều phải theo con đường nhỏ hẹp này.

3.Thể ca hành

Bài thơ được viết theo thể hành (còn gọi là ca hành). Đây là một thể thơ cổ, có tính chất tự do phóng khoáng, ít bị gò bó về số câu, độ dài của câu, niêm luật, bằng trắc, vần điệu. Từ điển Từ hải viết : “Từ Sư Tăng (đời Minh) trong sách Văn thể minh biện viết : Ngoài việc khúc đàn phụ hoạ, bài thơ có tình cảm phóng túng, lời dài mà đa dạng, không bị gò bó thì gọi là ca ; nhịp điệu nhanh gấp khẩn trương, lưu loát mà không bị ngưng trệ gọi là hành. Bài nào kiêm được cả hai đặc điểm thì gọi là ca hành”. Nhịp điệu của thể thơ này mô phỏng con đường đi trên cát trắc trở, khó khăn.

II- PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1.Kết cấu bài thơ

Có thể chia bài thơ thành hai đoạn chính :

Đoạn 1 (gồm 10 câu thơ đầu) : liên hệ so sánh bãi cát với con đường danh lợi.

Đoạn 2 (gồm 6 câu thơ còn lại) : suy nghĩ về sự gian khó và bế tắc của bãi cát dài – tức con đường danh lợi.

Nhưng trong mọi đoạn, ta lại có thể thấy kết cấu phổ biến của thơ cổ (xúc cảnh sinh tình – tâm tiếp xúc với cảnh và tình nảy sinh) : bao giờ cũng tả cảnh để từ cảnh đưa đến suy tư, cảm xúc. Đi trên bãi cát để thấy con đường danh lợi gian nan, trắc trở như thế nào (đoạn 1) ; đi trên bãi cát để có cảm giác con đường cùng (bế tắc), xung quanh núi, biển bao vây. Câu hỏi cuối cùng như lời kêu gọi mọi người cùng suy nghĩ về con đường danh lợi vẫn đang đi.

2.Hình tượng bãi cát

-Đoạn 1 : Hai câu thơ đầu tiên tả thực bãi cát, hai câu tiếp theo tả tâm trạng người đi trên bãi cát. Nhà thơ chọn hai yếu tố tiêu biểu : về không gian, đó là bãi cát dài mênh mông, đi được một bước lại lùi một bước, về thời gian, ngày đã tàn, mặt trời đã lặn, lẽ ra đã được nghỉ ngơi nhưng vẫn phải đi tiếp chừng như bãi cát quá rộng dài, chưa tìm được chốn nghỉ. Ta hiểu vì sao nhân vật người đi đường nước mắt lã chã rơi. Nhưng bài thơ không dừng lại ở việc tả thực mà khai thác nghĩa tượng trưng của bãi cát dài. Đó là con đường danh lọi. Vì thế nên tiếp theo sau khi tả cảnh bãi cát là lời bình luận đầy triết lí :

Cổ lai danh lợi nhân,

Bôn tẩu lộ đồ trung.

(Xưa nay, phường danh lợi,

Tất tả trên đường đòi.)

Rõ ràng, từ nghĩa tả thực của bãi cát, tác giả dẫn dắt liên tưởng đến con đường danh lợi. Một cách đặt song song : Người đi trên bãi cát một bước lùi một bước / Người tìm danh lợi tất tả trên đường đời. Thái độ của tác giả đối với danh lợi bộc lộ tiếp tục qua hình ảnh quán rượu tấp nập, nơi người tỉnh thì ít mà người say thì nhiều. Hình tượng này cho thấy thêm một cách nhìn đối với sự cám dỗ của danh lợi :

Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu,

Tỉnh giả thường thiểu tuý giả đồng.

(Đầu gió hoi men thơm quán rượu,

Ngưòi say vô số, tỉnh bao người ?)

-Đoạn 2 :

Trường sa, trường sa nại cừ hà?

Thản lộ mang mang uý lộ đa.

Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca,

Bắc sơn chi bắc son vạn điệp,

Nam son chi nam ba vạn cấp.

Quân hồ vi hồ sa thượng lập ?

Vượt qua sự tả thực, tác giả khái quát về con đường trừu tượng có nét tương đồng với bãi cát dài (Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều). Con đường đó được gọi là cùng đồ (đường cùng) bởi xung quanh là núi và biển bao vây trùng điệp. Phải đi tiếp để thoát khỏi con đường cùng ấy.

Như vậy, ta có thể mô tả sự vận động của hình tượng bãi cát bằng một sơ đồ sau : Bãi cát dài -» đường danh lợi -» con đường cùng. Cao Bá Quát đã nhận thấy sự bế tắc của con đường danh lợi mà ngưòi đời vẫn bước đi.

3.Nhịp điệu của bài thơ

Về thể hành (hay ca hành), có những nét nghệ thuật độc đáo so với thơ Đường luật. Nhưng nét đặc sắc nhất có lẽ là nhịp điệu bài thơ có khả năng mô phỏng hình tượng con đường trắc trở, gập ghềnh với những bước đi nặng nề, khó nhọc. Trong nguyên văn, nhịp này rõ hơn là trong bản dịch thơ.

-Trường sa / phục trường sa,

Nhất bộ / nhất hồi khước.

-Trường sa,/ trường sa/ nại cừ hà ?

-Bắc sơn chi bắc/sơn vạn điệp,

Nam sơn chi nam/ ba vạn cấp.

Nhịp điệu bài thơ được tạo nên nhờ có sự phối hợp thanh điệu bằng trắc với việc đặt thanh trắc ngắt giữa câu, việc lặp lại (trùng điệp) một từ ngữ để gây ấn tượng (trường sa, nhất, bắc, nam), cách ngắt nhịp mang tính mô phỏng bước đi đem lại ấn tượng dồn dập. Kĩ thuật dùng âm thanh và ngắt nhịp để mô phỏng cảnh vật được các nhà thơ xưa nay sử dụng (ví dụ bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng tả dốc núi bằng nhịp điệu và từ trùng lặp Dốc lên khúc khuỷu/ dốc thăm thẳm ; Ngàn thước lên cao/ ngàn thước xuống). Những câu hàm chứa suy tư bình luận thì không mô phỏng bước đi, thường có độ dài lớn hơn các câu tả bãi cát và bước đi. Quan hệ giữa nội dung và hình thức trong bài thơ đã được nhà thơ xử lí thành công.

XEM THÊM PHÂN TÍCH TÁC PHẨM BÀI CA NGẤT NGƯỞNG NGỮ VĂN LỚP 11 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận