Phân tích tác phẩm Bài Ca Ngất Ngưởng – Ngữ văn lớp 11

Đang tải...

BÀI CA NGẤT NGƯỞNG

I- NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ

1.Về tác giả và thời điểm tác phẩm ra đời

Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, ông xuất thân trong một gia đình Nho học. Nguyễn Công Trứ là một nhà hoạt động xã hội tài năng và tích cực trên nhiều lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hoá. Đây là một tác giả được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là “tri hành hơp nhất” (kết hợp được cả tri thức và hành động). Đánh giá phong cách “ngất ngưởng” của ông, cần thấy được cả sự nghiệp hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa xã hội nhiều mặt của ông.

2.Lễ giáo

Trong xã hội phong kiến, nơi Nho giáo thống trị, con người sống theo trật tự do lễ giáo quy định. Lễ thực chất là cách triệt tiêu cá tính, đưa cá nhân vào khuôn khổ. Khổng Tử nói: “Khắc kỉ, phục lễ vi nhân” (Thủ tiêu cái riêng tư cá nhân, uốn mình theo lễ là có đạo nhân – Luận ngữ). Trên cơ sở ý thức về tài năng và nhân cách của bản thân, Nguyễn Công Trứ đã phô trương, khoe sự ngang tàng, phá cách trong lối sống – một lối sống ít phù hợp với khuôn khổ của đạo Nho. “Ngất ngưởng” chính là sự ngang tàng, phá vỡ khuôn mẫu hành vi “khắc kỉ, phục lễ” của nhà nho để hình thành một lối sống tự nhiên, chân thực hơn, dám khẳng định cá tính và bản lĩnh cá nhân.

3.Thể hát nói

Đây là thể thơ hình thành trong sinh hoạt hát ca trù (hay còn gọi là hát ả đào). Khác với thơ Đường luật, một thể thơ dùng trong khoa cử có những “luật lệ” chặt chẽ, thể hát nói là một thể văn giải trí, “văn chơi” nên có tính chất tự do, phóng túng, không bị gò bó.

II- PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1.Phong cách ngất ngưởng qua các chặng đường đời của tác giả

Có thể chia bài hát nói thành 3 đoạn :

-Đoạn 1 (gồm 6 câu thơ đầu): nói về chặng đường làm quan của tác gíả.

-Đoạn 2 (gồm 6 câu tiếp theo): kể về quãng đời sau khi nghỉ hưu.

-Đoạn 3 (gồm 7 câu còn lại): sự đánh giá chung của tác giả về phong cách sống của mình.

Trong cả ba đoạn đều xuất hiện chữ “ngất ngưởng”. Nói cách khác, “ngất ngưởng” là một phong cách sống nhất quán của Nguyễn Công Trứ.

Mở đầu bài hát nói là một câu có tính chất tuyên ngôn :

Vũ trụ nội mạc phi phận sự,

(Mọi việc trong trời đất đều là phận sự của ta)

Đây là một con người xã hội, con người của cộng đồng, chủ trương sống có trách nhiệm với đời (qua khái niệm vũ trụ), về mặt ngôn từ, tác giả dùng các địa danh khác nhau trên các vùng miền khác nhau để nhấn mạnh tầm vóc vũ trụ của sự nghiệp này. Để thực thi trách nhiệm xã hội, cần có vị trí trong xã hội. Đó là lí do vì sao tiếp liền theo câu tuyên ngôn này, tác giả liệt kê một số vị trí mà mình đã đảm nhận :

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Lúc bình Tây, cờ đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.

Nhà thơ không tỏ ra khiêm tốn, ông khẳng định tài thao lược của bản thân để trên cơ sở đó, cho phép mình “ngất ngưởng”. Nghĩa là trong môi trường quan lại đầy phức tạp, ông đã giữ được bản lĩnh và cá tính.

Khi về hưu, cách choi cách nghỉ của ông cũng khác thường, vẫn lại được gọi là “ngất ngưởng”:

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.

Kìa núi nọ phau phau mây trắng,

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

Hai hình thức “ngất ngưởng” là “đạc ngựa bò vàng” (xem SGK, chú thích 8 về chuyện này) và “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì” (xem SGK, chú thích 10). Vì sao thế lại là “ngất ngưởng” ? Những câu thơ trong đoạn 3 có thể giúp ta trả lời câu hỏi này. Ông viết:

Được mất dương dương người thái thượng,

Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Khi ca, khỉ tửu, khi cắc, khi tùng,

Không Phật, không Tiên, không vướng tục.

Đoạn thơ này có hai ý cần phân tích. Ca, cắc, tùng là mô phỏng âm thanh của cuộc hát ả đào (đánh trống và cắc trống là những động tác người văn nhân nghe hát thể hiện sự tán thưởng người nghệ sĩ ả đào) – một thú chơi văn hoá tao nhã, trong đó ngưòi chơi tất nhiên không nghiêm trang, đạo mạo như Tiên, Phật nhưng cũng không phải là tục nhân. Là người sống có bản lĩnh và cá tính, Nguyễn Công Trứ chủ trương hoạt động xã hội tích cực mà cũng chủ trương biết chơi, biết giải trí có nghệ thuật (Ông từng nói trong một bài hát nói khác : Chơi cho lịch mới là chơi – Chơi cho đài các cho người biết tay). Làm việc hết mình, cống hiến hết mình nhưng không chấp nhận uốn mình, thủ tiêu cá tính. Cách chơi cũng độc đáo, với mục đích giữ được hình ảnh một con người tự nhiên, không có dáng vẻ đạo mạo, nghiêm nghị, cao sang mà cũng không rơi vào phàm tục. Sự bình luận, dị nghị của ngưòi đời ông không quan tâm ; chuyện được mất trong quan trường ông cũng không coi là vinh, nhục.

2.Giọng điệu tự thuật của Nguyễn Công Trứ

Bài hát nói được viết theo hình thức tự thuật. Đây là điểm khác với nhiều bài thơ thời trung đại, nơi tác giả thường ẩn kín sau sự việc và cảnh : Ở bài hát nói này, Nguyễn Công Trứ nhấn mạnh rằng mình đang kể lại chuyện của mình. Có nhiều dấu hiệu ngôn từ khẳng định điểm này như : ông Hi Văn (tên hiệu), Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc Đông, Phủ doãn Thừa Thiên (những chức vụ ông đã nắm giữ).

Khi tự đánh giá về bản thân, Nguyễn Công Trứ công khai, dám chịu trách nhiệm. Ông khẳng định kể cả trong triều hay ngoài xã hội, ông luôn “ngất ngưởng”. Giọng điệu tự hào, sảng khoái, thể hiện sự tâm đắc thật sự vói phong cách “ngất ngưởng” này. Bài thơ có chất tự sự do việc liệt kê các sự kiện song đậm chất trữ tình. Giọng điệu tự thuật đem lại chất trữ tình cho bài thơ.

3.Nghệ thuật

Cần chú ý đến nhiều nét đặc biệt của thể hát nói, nhất là tính chất tự do của thể thơ này. Nhịp điệu, vần luật, đối xứng đều không bị gò bó, rất thích hợp với nội dung bài thơ vừa có tính tự sự vừa có chất trữ tình. Các nhịp khác nhau trong một đoạn thơ tạo nên cảm giác phong phú, đa dạng. Để liệt kê các sự kiện, tác giả thường dùng nhịp gọn, chắc như Khi Thủ khoa / khi Tham tán / khi Tổng đốc Đông hoặc Khi ca / khi tửu / khi cắc / khi tùng. Khi cần bình luận, tác giả dùng nhịp phức hợp : Gót tiên / theo/ đủng đỉnh/ một đôi dì; Bụt cũng nực cười / ông ngất ngưởng. Đôi câu đối xen kẽ trong bài hát nói (Được mất / dương dương/ người thái thượng – Khen chê / phoi phới/ ngọn đông phong) lại tạo nên ấn tượng cân đối, trang trọng trên một toàn thể nhịp điệu tự do của cả bài, tạo nên sự phong phú.

XEM THÊM PHÂN TÍCH TÁC PHẨM VỊNH KHOA THI HƯƠNG NGỮ VĂN 11 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận