Phân tích bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh.

Đang tải...

ĐỀ BÀI

Phân tích bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh.

Bài làm

M. Gor-ki đã từng nói : “Kì lạ thay con người !”. Con người đến với cuộc đời và khẳng định sự tồn tại của mình bằng chính ý chí, nghị lực và một trái tim bao la. Đường đời với biết bao thử thách chính là lửa thử vàng để vàng càng sáng. Trong tập thơ Nhật kí trong tù, ta luôn bắt gặp một con người như thế. Bài thơ Đi đường cũng giống như những bài thơ chuyển lao khác như : Đi Nam Ninh, Chiều tối, Giải đi sớm,… không chỉ diễn tả nỗi gian nan của người tù trên bước đường chuyển lao mà hơn hết thể hiện một thái độ mang tính triết lí trước những chặng đường đời đầy thử thách và phong thái của một con người có tầm vóc cao cả.
Câu thơ đầu tiên Bác dành để nói về việc đi đường. Nhưng không phải là lời kêu than của một người đã trải biết bao chặng đường chuyển lao mà nó như một lời khẳng định, suy ngẫm bằng sự trải nghiệm thấm thìa của chính người đi đường :

Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng ;

Câu thơ như một triết lí của con người từng trải. Có đi đường, có trải qua những khó khăn vất vả trên những chặng đường mới thấm thìa được nỗi gian nan, mới biết gian khổ là gì. Bài học này không có gì là mới lạ nhưng phải bằng chính những thử thách, trải nghiệm của bản thân mới có sự nhận thức sâu sắc được như vậy. Câu thơ giản dị mà chứa đựng cả một chân lí hiển nhiên. Con đường ở đây không phải là con đường bình thường mà là con đường núi. “Trùng san chi ngoại hựu trùng san”. Điệp từ “trùng san” như mở ra trước mắt ta cả một con đường gập ghềnh những núi, càng nhấn mạnh sự trải dài như vô tận, không dứt hết dãy này đến dãy khác. Con đường đó như đối lập với sức người, vắt cạn sức lực của con người. Phải vượt qua con đường như thế mới có thể thấu hiểu được cái chân lí tưởng chừng giản đơn : “Đi đường mới biết gian lao” mà Bác đã nói ở câu thơ đầu.
Hai câu thơ đầu chỉ đơn giản nói tới chuyện đi đường vất vả. Không hề trực tiếp miêu tả hình ảnh người đi đường. Nhưng ta vẫn thấy hình ảnh người đi đường xuất hiện. Con người ở đây không phải xuất hiện trong trạng thái thảnh thơi, ngồi ngắm quãng đường với trập trùng núi non, không phải lững thững du ngoạn cảnh núi non mây trời mà là một người tù đang trên đường chuyển lao. Vai đeo gông, chân mang xiềng, đói khát phải vượt qua bao đèo cao, dốc sâu, vực thẳm, qua những con đường núi non hiểm trở. Chữ “hựu” đứng giữa câu thơ dịch không chỉ diễn tả sự nối tiếp của núi non mà còn diễn tả sự vất vả của người tù. Chưa hết con đường này thì con đường núi khác đã hiện ra trước mắt, lại một khó khăn đang chờ ở phía trước. Nghe như có tiếng thở dài nặng nhọc trong từng bước chân của người tù. Cái “trập trùng” của núi non kia làm con người ta mệt mỏi, chán nản. Đó cũng là những tâm trạng rất con người.
Hai câu thơ tiếp theo làm người đọc sửng sốt. Nếu như hai câu thơ đầu thoảng điểu gì đó nặng nề, nhọc nhằn thì hai câu thơ này bỗng vút lên nhẹ nhàng :
Núi cao lên đến tận cùng Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Câu thơ thứ ba tiếp tục tả núi. Không chỉ dừng lại ở việc “núi cao rồi lại núi cao trập trùng” mà con đường đi đã được đẩy lên đến tột cùng khó khăn, hiểm trở “lên đến tận cùng”. Nhưng ở đây đã có sự khác biệt rõ rệt trong giọng điệu thơ. Ta không còn cảm thấy tiếng thở dài nặng nhọc mà dường như có một niềm vui thầm kín của một con người đã trải qua những chặng đường núi hiểm trở và giờ đây đã lên tới tận cùng đỉnh núi. Ta như gặp ở đây một chủ đề quen thuộc : đăng cao và một phong thái mang cảm xúc vũ trụ của con người : đăng cao, viễn vọng. Khi lên đến đỉnh cao rồi, cũng là lúc con người ta có thể phóng tầm mắt bao quát và chiếm lĩnh cả một khoảng không bao la, như làm chủ vũ trụ, đất trời. Con người khi đó như trong tư thế của một người chiến thắng. Con người tự nhiên như được tạo một dáng vẻ hiên ngang, ngạo nghễ giữa một vũ trụ bao la như một du khách dạo chơi nhàn tản giữa non nước mây trời. Trong tư thế đó, con người như một “tiên ông đạo cốt”. Những khó khăn của đường đi không thể cầm tù, giam hãm được con người trong những dãy núi. Con người như đang cố gắng vươn lên làm chủ chặng đường của mình.
“Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Câu thơ cuối là đỉnh điểm của cảm xúc. Có niềm vui khôn xiết của một con người đã vượt qua được bao khó khăn, khổ ải để có thể tận hưởng được cảnh non nước mây trời. Tưởng chừng mọi khó khăn đều lùi xa, chỉ còn lại một con người làm chủ thiên nhiên, đất trời với phong thái ung dung, tự tại đầy lạc quan. Đến đây đất trời và con người như hòa làm một. Bài thơ vút lên trong một niềm cảm hứng lãng mạn.
Đi đường là một bài thơ ngắn nhưng chứa đựng một bài học lớn lao. Nói về con đường có thực trong những năm tháng tù đày, chuyển lao hết nhà tù này sang nhà tù khác. Nhưng đó không đơn giản là con đường thật với núi non hiểm trở. Đó còn là con đường đời với biết bao chông gai thử thách. Nhưng những khó khăn đó không thế làm con người lùi bước. Bài thơ như một niềm tin sắt đá. Đường đời dù có gian nan, vất vá đến đâu nhưng chỉ cần con người kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm vượt qua cuối cùng sẽ đến đích. Khi đó con người sẽ lên được đỉnh cao vinh quang, trí tuệ và làm chủ được những giá trị đích thực của cuộc sống.
Bài thơ nói về chuyện đi dường đầy vất vả nhưng với một giọng thơ khoẻ khoắn, cứng cỏi. Nguyên tác bài thơ làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Dịch thành lục bát dường như phần nào đó dã làm giảm bớtt âm điệu rắn chắc của bài thơ. Sự khoẻ khoắn ấy được lạo nên bởi sự mạnh mẽ của một con người từng trải, bởi một niềm lạc quan luôn tin vào tương lai và trên hết là một tinh thần thép của người chiến sĩ trong gian khổ. Bài thơ như một niềm động viên với bản thân và với những người rồi sẽ phải vượt qua những chặng đường đầy vất vả.
Đi đường giống như ngọn hải đăng cho những con tàu xa bến có niềm lin vào bến bờ. Thơ trong tù của Bác luôn cho ta một niềm tin vào cuộc sống. Đó cũng là điều quan trọng làm nên thành công của tập Nhật kí trong tù.

LÊ THỊ TUYẾT MAI

Lời nhận xét :
Người viết đã biết bám sát vào ngôn ngữ, hình ảnh của bài thơ để phân tích. Do đó đã phát hiện được nhiều tầng  nghĩa của tác phẩm.
Thiên nhiên trong thơ Bác có “một vị trí danh dự”, từ thiên nhiên ấy, bằng thiên nhiên ấy, với thiên nhiên ấy nhà thơ Hổ Chí Minh đã để tâm hồn mình thăng hoa với tất cả vẻ dẹp kì diệu, với những quy luật tự nhiên và xã hội chín đi trong một sự từng trải của một vi hiền triết. Bạn Tuyết Mai dã nhận rõ điều đó trong thơ Bác và thể hiện thành công trong bài viết của mình.

Xem thêm Phần tích bài thơ Ngắm trăng (Nhật kí trong tù) của Hồ Chí Minh tại đây

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận