Những kiểu bài thường gặp trong văn nghị luận 9

Đang tải...

Những kiểu bài thường gặp trong văn nghị luận 9

Hướng dẫn làm bài

1. Nghị luận về một sư việc, hiện tượng đời sống

Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống là bàn về một sự việc, hiện tượng có ý nghĩa đối với xã hội, đáng khen, đáng chê hay có vấn đề đáng suy nghĩ. Yêu cầu về nội dung của bài nghị luận này là phải nêu rõ được sự việc, hiện tượng có vấn đề, phân tích mặt sai, mặt đúng, mặt lợi, mặt hại của nó; chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ, ý kiến, nhận định của người viết.

2. Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống,… của con người.

Yêu cầu về nội dung của bài nghị luận này là phải làm sáng tỏ các vấn đề tư tưởng, đạo lí bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích,… để chỉ ra chỗ đúng (hay chỗ sai) của một tư tưởng nào đó, nhằm khẳng định tư tưởng của người viết.

3. Điểm giống và khác nhau giữa nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống với nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

– Giống nhau : đều là hình thức nghị luận.

– Khác nhau ở đề tài và cách thức bình luận.

+ Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống lấy sự việc và hiện tượng làm đối tượng chính; trong khi nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí lấy tư tưởng, đạo lí làm đối tượng chính.

+ Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống đi từ sự việc, hiện tượng cụ thể mà nâng lên thành vấn đề tư tưởng, đạo đức ; trong khi nghi luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí thì từ vấn đề tư tưởng, đạo đức mà suy nghĩ về cuộc sống xã hội.

4. Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

– Nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích là trình bày những hiểu biết, nhận xét, đánh giá của mình về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm hay đoạn trích. Thông thường, cần tập trung vào cốt truyện, nhân vật, sự kiện, chủ đề, nghệ thuật tạo tình huống, xây dựng nhân vật, nghệ thuật tự sự kết hợp với các yếu tố miêu tả, biểu cảm, thuyết minh,…

Những nhận xét, đánh giá về truyện hoặc đoạn trích phải căn cứ vào văn bản, những hiểu biết về tác giả, tác phẩm ; phải xuất phát từ ý nghĩa của cốt truyện, tính cách và số phận các nhân vật, nghệ thuật dựng truyện của tác giả, từ đó mà người viết bài nghị luận phát hiện và khái quát.

Các nhận xét, đánh giá về tác phẩm hoặc đoạn trích trong bài nghị luận cần rõ ràng, đúng đắn, có luận cứ và lập luận thuyết phục.

– Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ

Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ là trình bày cảm nhận, hiểu biết, nhận xét, đánh giá của mình về nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ ấy.

Những cảm nhận, hiểu biết, nhận xét hay đánh giá của người viết về bài thơ hay đoạn thơ cần căn cứ vào cảm xúc chủ đạo, nội dung của bài thơ và nghệ thuật biểu hiện người viết cần căn cứ vào văn bản thơ, vào cảm xúc, hình ảnh, nhịp điệu, tiết tấu, giọng điệu,… để nhận xét và đánh giá. Có như thế, các nhận xét, đánh giá mới xác đáng và có sức thuyết phục.

Vấn đề rung động của người viết là vấn đề quan trọng hàng đầu khi nghị luận về bài thơ hay đoạn thơ. Thiếu sự rung động và xúc cảm ấy, bài nghị luận sẽ chỉ là một bài văn vô hồn không giá trị.

 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận