Những câu hát châm biếm – Thực hành đọc hiểu văn bản ngữ văn 7

Đang tải...

NHỮNG CÂU HÁT CHÂM BIẾM

I – GỢI DẪN

  1. Hoàn cảnh ra đời của những câu hát châm biếm :

Dũng cảm và thẳng thắn là những phẩm chất tích cực của nhân dân ta. Những phẩm chất đó không chỉ thể hiện trong cuộc đấu tranh với cái ác, cái xấu của xã hội (phần lớn là của giai cấp thống trị) mà còn được thể hiện trong cách đấu tranh với những thói hư tật xấu ngay trong nội bộ của mình.

Cách thức đấu tranh cũng rất phong phú. Ngoài các hình thức đấu tranh trực tiếp (ví dụ như các cuộc khởi nghĩa nông dân), nhân dân ta còn vận dụng rất linh hoạt các hình thức đấu tranh gián tiếp mà phương thức pho biến nhất là lưu truyền những bài ca châm biếm với những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ, nói ngược, phóng đại,… rất độc đáo.

Đối tượng của những câu hát châm biếm trước hết là tầng lớp thống trị ở địa phương với những cậu cai, xã trưởng, chức dịch trong làng,… tầng lớp tuy cũng thuộc giai cấp thống trị nhưng sống khá gần dân, thậm chí đã từng trải qua cuộc sống của chính những người nông dân. Bên cạnh đó là tư tưởng mê tín dị đoan (châm biếm cả người mê tín lẫn người tuyên truyền mê tín, lợi dụng sự mê tín của người khác để kiếm sống,…), là những thói hư tật xâu khác như thói lười biếng, cẩu thả, tham lam,…

  1. Đại ý :

Những câu hát châm biếm (trong bài học) là sự chế giễu, phê phán của nhân dân ta đối với những hạng người, những tính cách, những sự việc đáng cười, đáng phê phán trong xã hội.

  1. Cách đọc :

Khi đọc những bài ca dao này cần lưu ý :

Đây cũng là ca dao trữ tình nhưng tình cảm, thái độ trong đó không phải là những tình cảm thâm sâu, day dứt trong tâm hồn (như những bài ca dao về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa,…). Giọng điệu ở đây là giọng châm biếm, giễu cợt,… nên khi đọc cần cao giọng, nhấn mạnh vào các điệp từ, điệp ngữ (có chủ ý) để làm nổi bật giọng điệu châm biếm, giễu cợt của những câu ca dao này. Ví dụ :

–        S cô chẳng giàu thì nghèo…

–        Số cô có mẹ có cha…

–        Số cô có vợ có chồng…

II – KIẾN THỨC CƠ BẢN

  1. Bài 1 giới thiệu chú tôi là người hay (nghĩa là giỏi, nhưng cũng có nghĩa là thích, ham, nghiện) nhiều thứ : nghiện rượu, nghiện chè, lại nghiện ca… ngủ trưa ! Không những thế, chú còn là người rất “giàu ước mơ” – mà toàn mơ để… không phải đi làm, để ngủ cho đã mắt!

Hai câu đầu có ý nghĩa vào bài và giới thiệu nhân vật. Trước khi đưa ra hình ảnh chú tôi, cô yếm đào được nhắc đến như là một nhân vật để “ứng hôn” cho ông chú. Cô yếm đào là hình ảnh ẩn dụ về một   cô gái trẻ đẹp, trong thực tế sẽ tương phản với hình ảnh chú tôi.

Bài ca dao này châm biếm hạng người sa đà nghiện ngập và lười biếng trong xã hội.

  1. Nhại lời nói của thầy bói với người đi xem bói, bài ca dao lật tẩy bản chất của bọn “nói dựa” – thực chất là lợi dụng tâm lí tò mò của người khác để lừa bịp, kiếm tiền. Sự khẳng định của thầy bói ngụỵ biện và rất vô nghĩa (về sự giàu nghèo, giới tính của mẹ cha, con cái) vì chỉ khẳng định những điều có tính tất yếu, ai cũng biết.

Mặc dù tác giả dân gian không bình luận, nhưng bài ca dao vẫn toát lên ý nghĩa châm biếm sâu sắc về hiện tượng mê tín dị đoan trong xã hội.

  1. Trong bài ca dao, mỗi con vật tượng trưng cho một loại người : con cò tượng trưng cho người nông dân, cà cuống tượng trưng cho những kẻ có quyền bính, chim ri và chào mào tượng trưng cho đám lính lệ, chim chích tượng trưng cho anh mõ dưới chế độ phong kiến. Điều thú vị là tác giả cho tất cả các con vật đó “vào vai”, mỗi con một hành động để thể hiện một nét tính cách hay bản chất của mình, tư bộc lộ mình – biến đám ma của con cò thành dịp để chè chén, kiếm chác.

Bài ca dao có tính chất ngụ ngôn rõ rệt, tác giả dân gian đã mượn loài vật để phê phán hủ tục ma chay.

  1. Hai câu đầu của bài ca dao có kết cấu đặc biệt:

Cậu cai nón dấu lồng gà  

Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai

Hai câu là hai định nghĩa, đồng thời là hai “dấu hiệu” nhận biết một con người : thứ nhất, cậu cai = nón dâu lông gà (dấu hiệu quyền lực) ; thứ hai : ngón tay đeo nhẫn = gọi là cậu cai (dấu hiệu giàu sang). Hai dấu hiệu này không có nghĩa thông báo về tâm hồn, tính cách hay phẩm chất của đối tượng. Nếu bỏ hai tiếng “cậu cai” đi, trong hình dung chỉ còn chiếc “nón dấu lông gà” (quyền lực) và “ngón tay đeo nhẫn” (khoe của) có vẻ rất trai lơ !

Hai câu tiếp theo :

Ba năm được một chuyên sai

Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê

Sự đối lập về số lượng ở đây có tính chất gây cười. Té ra cậu cai nhàn thật ! Cơ hội ba năm mới có một lần ấy, với một người “quyền lực” và “giàu sang” đến thế mà cả áo ngắn lẫn quần dài đều… không có ! Pha một chút phóng đại, chân dung cậu cai được đưa ra châm chọc, mỉa mai, thể hiện thái độ khinh ghét và thương hại của nhân dân.

Bằng những nét phác hoạ điểm xuyết, bài ca dao làm nổi bật chân dung và bản chất của cậu cai – chức thấp nhất trong quân đội thời phong kiến.

III – LIÊN HỆ

  1. “Trong bài ca sau đây, đối tượng đả kích là một viên quan võ :

Đồn rằng quan tướng có danh

Cưỡi ngưa một mình chẳng phải vịn ai

Ban khen rằng: ấy mới tài !

Ban cho cái áo với hai đồng tiền

Đánh giặc thì chạy trước tiên

Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra

Giặc sợ giặc chạy về nhà

Trở về gọi mẹ : mổ gà khao quân.

Viên quan võ này đã vô tài lại ngớ ngẩn. Tiếng cười được khêu gợi bằng cách nêu ra đối chiếu hai thái cực của sự việc : sự oai hùng lẫm liệt và sư yếu hèn ti tiện. Đây là một quan tướng “có danh”, người ta chờ đợi một hành động phi thường ở vị tướng đó. Nhưng mà tài võ nghệ của ngài chỉ là “cưỡi ngựa… không phải vịn ai”. Vua ban khen là tài, nhưng cái tài đó chỉ lại được thưởng có “hai đồng tiền”. Đánh giặc thì chạy trước tiên : kể cũng là anh dũng lắm. Nhưng để làm gì ? Để chăm chăm rình “cởi khố giặc ra”… Cứ như thế, mỗi lần tác giả đưa nhân vật lên thật cao rồi đột nhiên hạ xuống thật thấp thì tiếng cười lại rộ lên. Rút cục viên tướng võ chỉ là một tên hề. Cái nhìn khinh thị của nhân dân ở đây thể hiện thật rõ.

Trong số những đối tượng đả kích của ca dao trào phúng, những đối tượng mà đông đảo nhân dân lao động tiếp xúc luôn không phải là những “ngài” quan văn, những “ông” quan võ mà thường là những kẻ thừa hành, hoặc những kẻ tai to mặt lớn trong phạm vi một địa phương nhỏ là làng, xã : đó là các cậu cai, ông đội, là các ông xã, ông trùm…”.

CHU XUÂN DIÊN ( Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, 2000)

  1. “… Người nông dân còn mượn hình ảnh cái cò để miêu tả cảnh ngồi không và biếng nhác của địa chủ/ còn họ là người làm ra thóc lúa thì lại phải “lặn lội thân cò” :

Cái cò lặn lội bờ ao…,

Hỡi cô yếm đào ! Lấy chú tôi chăng ?

Chú tôi hay tửu hay tăm,

Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa,

Ngày thì ước những ngày mưa,

Đêm thì ước những đêm thừa trống canh…

Chúng ta đã biết cái chế độ con nuôi thời phong kiến. Con nuôi chẳng qua chỉ là người ở, mà lại là người ở không công. Bọn địa chủ cho họ gọi chúng là thầy, là bác; là chú, để chúng càng dễ bóc lột họ. Lặn lội ở bờ ao như cái cò và thấy người thôn nữ xinh đẹp đi qua, anh nông dân đã cất tiếng bỡn cợt đầy giọng dí dỏm, châm biếm, nhằm chính vào kẻ mà họ oán ghét. Anh đưa ra hình ảnh một gã rượu chè be bét, nghiện trà đặc, thích ngủ trưa, anh ướm hỏi chị thôn nữ và trong thâm tâm anh, trong sự xét nhận tế nhị của anh, anh đã biết thừa là “cô yếm đào” chẳng ưa nào. Mà chẳng ưa lấy một kẻ như thế, thì “cô yếm đào” lấy ai ? Có lẽ nên lấy cái anh “lặn lội thân cò” tuy vất vả, lam lũ, nhưng hay làm, trong trắng như “con cò lặn lội bờ ao”, và nhiều lúc lại bay cao, bay bổng. Tình duyên ấy mới là xứng đáng.

Những câu ca dao trên đây rất kín đáo. Tác giả không đả động gì đên mình là người lao động và cũng không hề nói đến giá trị của lao động mà người nông dân đã biết rõ, nhưng chúng ta đều thấy anh nông dân ướm hỏi “cô yếm đào”, chủ yếu là vì mình mà ướm hỏi”.

VŨ NGỌC PHAN (Ca dao dân ca – đẹp và hay, Sđd)

File PDF

Xem thêm

Sông núi nước Nam

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận