Một vấn đề xã hội mà em quan tâm – Văn nghị luận – Bài văn hay lớp 8

Đang tải...

Một vấn đề xã hội mà em quan tâm

Bài làm

      Bạn đang hạnh phúc bên gia đình phải không? Chắc hẳn là vậy rồi. Bởi bận được đi học, được ăn ngon, mặc đẹp hoặc nếu nhà bạn không được khá giả thì ít nhất, bạn còn được cha mẹ yêu thương, được hưởng sự chăm sóc của các thành viên trong gia đình. Bạn có biết rằng bạn rất may mắn không? Bạn có biết rằng ngoài xã hội còn có rất nhiều trẻ em không được may mắn như bạn, phải lang thang tự thân kiếm sống không?

      Bạn hãy dành chút thời gian, thử một lần tới các địa điểm như gầm cầu, khu nhà ổ chuột hay các bến ga, bến tàu, bạn sẽ được thấy những số phận bất hạnh mà những đứa trẻ phải chịu đựng. Chao ôi! Thương làm sao một thằng nhỏ mới lớn, năm tuổi đã phải cầm xấp vé số đi rao khắp các đường phố. Nghe tiếng nó rao, tiếng nó chào hàng mời khách, tiếng nó năn nỉ người đi đường mua hàng rồi cả tiếng quát tháo của mấy ông đại gia mà thấy nao lòng. Thằng nhỏ thật kiên trì, nó vẫn tiếp tục công việc, vẫn tiếp tục đi hết phố này đến phố nọ, vào hết quán ăn này đến quán ăn nọ, mặc người ta xua đuổi, mặc người ta chửi bới, sỉ nhục. Khuôn mặt nó nhem nhuốc, trông già trước tuổi. Có vẻ thằng nhỏ đã quen với công việc này rồi và điều đó khiến người ta suy nghĩ: “Bố mẹ thằng nhỏ đâu mà để nó phải bán vé số rong kiếm sống như thế?”.

      Một công việc khác mà bạn có thể thấy rất nhiều trên đường, đó là đánh giày và người làm công việc đó không ai khác cũng chính là những đứa trẻ. Chắc bạn cũng để ý, trẻ đánh giày không chỉ có con trai mà còn có cả con gái. Bọn trẻ đi khắp phố, có đứa còn đi chân đất hết ngày này qua ngày nọ, nơi này đến nơi nọ để đánh giày cho khách. Hôm nào hên thì gặp được khách dễ tính, còn hôm nào không may mắn thì đến một ông khách khó tính cũng chẳng có. Bữa đói, bữa no, cuộc đời thật bất hạnh, thương lắm sao! Vậy mà chúng còn bị hắt hủi, chửi bới. Khuôn mặt chúng gầy gò, xanh xao, quần áo bẩn thỉu, đen đúa, bàn tay dính đầy xi, nhem nhuốc. Thỉnh thoảng chúng còn bị khách đá vào tay, vào chân, có ông cồn chê giày bẩn và không trả tiền. Làm việc vất vả ngày đêm như vậy thật chẳng công bằng với những đứa trẻ, chẳng những thế chúng còn không đủ ăn khi số tiền kiếm được quá ít ỏi.

      Không chỉ đánh giày, bán hàng rong, bọn trẻ lang thang còn đi làm những công việc vặt ở công trường. Hằng ngày, chúng vác các bao cát, bao xi măng thuê. Thậm chí có đứa trẻ vác nhiều tới nỗi lệch cả vai, nhìn mà thấy tội nghiệp. Những đứa trẻ áo đẫm mồ hôi, bàn tay trầy xước, nhem nhuốc, thô ráp do phải lao động vất vả. Chúng vác cát, xi măng, gạch trên vai, khuôn mặt nhăn nhó vì nặng nhưng nếu để ý, bạn sẽ thấy trong đôi mắt chúng ẩn chứa một nỗi lo sợ. Có lẽ, chúng sợ không chịu đựng nổi công việc này nữa, chúng sợ sẽ không được trừ tiền công, sợ bị la mắng vì hỏng việc. Nếu không được làm việc ở đây nữa, chúng sẽ không có tiền, không đủ ăn và rồi cuộc sống sẽ ra sao? Chúng phải làm việc cật lực, vất vả như vậy cũng chỉ để kiếm tiền đủ sống.

      Chắc hẳn bạn rất bực mình, thậm chí là tức điên lên khi bị bọn trẻ ăn cắp đồ đúng không? Bạn đã bao giờ nghĩ tại sao chúng lại như vậy chưa? Chúng cũng chỉ vì kiếm miếng cơm manh áo mà thôi. Có thể từ nhỏ đã không được dạy dỗ nên chúng mới làm cái nghề thất đức này. Chắc chúng cũng chẳng thích thú gì cái việc ngày ngày nấp ở gầm cầu, ngõ vắng để ăn cắp ăn trộm. Nếu may ra chúng không bị bắt và dùng số tiền kiếm được để ăn uống, còn nếu bị bắt chúng có thể bị đánh, bị bắt giam và cuộc đời tự do đến đây là hết….Chúng luôn sống trong lo sợ và điều đó quá sức chịu đựng của những đứa trẻ.

      Bạn thắc mắc rằng bố mẹ của chúng đâu và tại sao không dạy dỗ chúng đúng không? Có lẽ bố mẹ chúng đã mất, li hôn hoặc không có khả năng nuôi dạy con cái. Còn có những bà mẹ, ông bố luôn đánh đập, chửi bới đứa con do chính mình đứt ruột đẻ ra để rồi chúng chán ghét gia đình, bỏ nhà đi lang thang, từ đó sống cuộc sống của những kẻ bụi đời. Tội nghiệp làm sao những đứa trẻ đó. Chúng ăn không no, quần áo rách rưới, chỗ ngủ còn tranh giành nhau. Những nơi có mái che, yên ổn một chút như gầm cầu, bến xe, ga tàu thì toàn những đứa to con, khoẻ mạnh chiếm mất, còn đứa trẻ nào yếu ớt, gầy gồ thì phải ngủ ngoài đường, nằm co ro vì rét run và trong lòng nơm nớp lo sợ một cơn mưa, cơn bão có thể đến bất cứ lúc nào.

      Khổ cực như vậy nhưng chúng vẫn bị mọi người khinh miệt, bởi bọn trẻ đó không có học thức, không được dạy dỗ, chẳng làm được việc gì ra hồn. Một số người nghĩ rằng những đứa trẻ bẩn thỉu, lang thang ngoài đường kia là những vết nhơ của thành phố hoa lệ, hiện đại này. Họ đã nhầm, họ đâu biết rằng chúng là những đứa trẻ kiên cường nhất, giỏi chịu đựng nhất. Chúng cũng có ước mơ, ước được đi học như các bạn khác, ước được ăn những món ăn ngon, mặc những bộ quần áo đẹp, ước không phải lo chỗ ngủ mỗi đêm và hơn hết, chúng ước mơ một mái ấm gia đình.

      Nếu bạn hiểu, cảm thông, muốn giúp đỡ chúng thì hãy cùng mọi người xây dựng nhiều hơn những nhà tình thương, viện giáo dưỡng để cho chúng một mái nhà. Hãy dang rộng vòng tay đón những đứa trẻ này vào lòng, hãy làm cho chúng cảm thấy mình không cô đơn, không vô tích sự trong xã hội này, hãy cho chúng hưởng những quyền lợi mà bất cứ trẻ em nào cũng được hưởng. Như vậy thì những đứa trẻ này sẽ thấy cuộc sống thực sự có ý nghĩa, chúng sẽ hết mình đem công sức góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Bạn, tôi, mọi người, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện những điều đó bằng cả trái tim và lòng nhiệt thành nhé!

Hoàng Thị Thu Trang

(Trường PTDL Lương Thế Vinh)

>> Xem thêm Về bộ phim, bài hát, cuốn truyện gợi đến một hiện tượng xã hội mà em quan tâm tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận