Mấy điểm cần chú ý về Chương trình Ngữ văn mới – Đỗ Ngọc Thống

Đang tải...

Mấy điểm cần chú ý về Chương trình Ngữ văn mới 

PGS. TS. Đỗ Ngọc Thống

Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo chương trình các môn học mới để lấy ỳ kiến công luận rộng rãi, đặc biệt là giáo viên và các nhà chuyên môn. Trong đó, chương trình Ngữ văn mới sẽ có nhiều thay đổi khác biệt so với chương trình hiện hành cả về cách thức dạy và học lẫn đánh giá kết quả. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Văn học và Tuổi trẻ nhất là các thầy cô giáo, các em học sinh trong toàn quốc mấy điểm cần lưu ỳ khi đọc dự thảo Chương trình Ngữ văn đã đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và các báo lớn.

1. Quan trọng nhất là các yêu cầu cần đạt.

Dự thảo chương trình (CT) Ngữ văn được xây dựng theo định hướng mới: xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học mà xác định nội dung cần dạy.. Vì thế các yêu cầu cần đạt (tức chuẩn CT) về đọc, viết, nói là khung CT mang tính pháp lý quan trọng nhất, mới là điều đầu tiên cần chú ý. Sau đó mới đến một số nội dung kiến thức cốt lõi về tiếng Việt và văn học. Trong các kiến thức về văn học thì có yêu cầu hiểu biết về một số tác phẩm bắt buộc. Có nghĩa là các tác phẩm bắt buộc này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong các kiến thức văn học (gồm các tri thức về đặc điểm thể loại, các thành tố cấu trúc nên tác phẩm văn học, ngôn ngữ văn học, đặc điểm thi pháp và các trào lưu, phong cách; sơ giản về lịch sử văn học…). Tuy nhiên đó lại là vấn đề dễ gây băn khoăn, tranh cãi, nhất là với cách nhìn của CT truyền thống, xây dựng theo lịch sử văn học, chủ yếu xem dạy những tác giả và tác phẩm nào.

Như thế xương sống của chương trình không phải là hệ thống các văn bản, tác phẩm mà là các yêu cầu cần đạt, tức chuẩn của chương trình về đọc, viết, nghe, nói; không tập trung vào việc chạy theo số lượng văn bản tác phẩm. Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK); giáo viên (GV) có quyền lựa chọn sách cũng như các văn bản tác phẩm để dạy và vì thế các yêu cầu cần đạt mới là hệ quy chiếu, là tiêu chí để đánh giá kết quả học tập. Với định hướng này, vấn đề quan trọng nhất không phải là dạy tác phẩm nào mà là dạy loại tác phẩm đó như thế nào, có đáp ứng được yêu cầu cần đạt không… Nếu quy định quá chặt hệ thống văn bản – tác phẩm cho mỗi bài, mỗi lớp sẽ lại lặp lại hạn chế nêu trên; không khuyến khích được năng lực tự chủ, ý thức sáng tạo của GV; không tạo điều kiện cho việc thực hiện chủ trương 01 CT nhiều SGK như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

2. Phát triển năng lực đọc, phương pháp đọc văn bản

Một trong những năng lực mà môn học Ngữ văn mang lại là năng lực biết đọc hiểu, biết tiếp nhận, biết cảm thụ, phân tích và đánh giá các giá trị văn học. Thông qua đó mà phát triển cảm xúc thẩm mỹ, tâm hồn, tình cảm, nhân cách (năng lực thẩm mỹ – nhân văn)… Như thế cần dạy cho học sinh cách đọc, phương pháp đọc để các em dần dần có thể tự đọc và học suốt đời; chứ không chỉ chú ý dạy vào một số tác phẩm cụ thể, học tác phẩm nào chỉ biết tác phẩm ấy. Cũng vì vậy, cần thiết kế chương trình theo hướng dạy cho học sinh cách đọc các thể loại văn học và các kiểu loại văn bản khác (văn bản thông tin và văn bản nghị luận). Nói cách khác, muốn dạy cách đọc, thì phải tập trung dạy theo đặc điểm, cấu trúc của mỗi thể loại văn bản. Thông qua các tác phẩm tiêu biểu của các thể loại văn học ấy mà hình thành cách đọc. Như thế văn bản – tác phẩm chỉ là ngữ liệu, là phương tiện để đạt được mục tiêu biết cách đọc, có năng lực đọc. Tất nhiên đọc có nhiều yêu cầu và cấp độ rộng hẹp khác nhau. Và tất nhiên qua đọc các văn bản – tác phẩm tiêu biểu này mà có những hiểu biết về văn học, hiểu chính mình, từ đó mà phát triển tâm hồn, nhân cách… Đấy chính là lý do chương trình được thiết kế theo hướng lựa chọn dạy học các thể loại lớn (thơ, truyện, ký, kịch) chứ không theo trục lịch sử văn học như trước đây. Cụ thể hơn, cần thiết kế chương trình theo hướng mở, lấy tiêu chí là các the loại văn học, từ đó lựa chọn một số văn bản, tác phẩm tiêu biểu đe dạy và học. Chương trình Ngữ văn phổ thông không phải là một bản tổng kết văn học nhằm nêu lên đầy đủ tất cả các tác giả, tác phẩm của tất cả các giai đoạn thuộc một nền văn học. 

Chương trình hiện hành được xây dựng theo trục lịch sử văn học và quy định rất “cứng” về văn bản – tác phẩm cho mỗi bài, mỗi lớp nên khi chọn tác phẩm, tác giả đưa vào chương trình rất khó. Vì số lượng tác giả, tác phẩm là hết sức lớn và lại rất nhiều tác phẩm “một chín một mười”, đều đảm bảo tiêu chí và có giá trị tương đương; đưa tác phẩm này, không đưa tác phẩm kia rất dễ gây nên những băn khoăn, thắc mắc. Một trong những hạn chế của chương trình, SGK hiện hành bị dư luận phàn nàn là chương trình môn Ngữ văn các cấp dần dần bị bó hẹp, chỉ giới hạn trong một số tác phẩm, nhất là khi kiểm tra đánh giá. Cũng vì thế việc dạy học môn Ngữ văn lâu nay nặng về đào sâu, phân tích tác phẩm, làm bài văn mẫu cho một số ít tác phẩm được học là chính; trong các kì thi quốc gia quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ngần ấy tác phẩm quen thuộc đến mòn sáo, và nếu như đề thi ra vào một tác phẩm khác chưa có trong SGK, học sinh sẽ hết sức lúng túng…

Nhằm khắc phục hạn chế của CT hiện hành và đáp ứng yêu cầu mới, CT tập trung vào dạy cách học (ở đây là cách đọc, cách viết và cách nghe – nói).

3. Đáp ứng yêu cầu của văn hoá phổ thông

Tuy nhiên đây lại là CT phổ thông, văn hoá phổ thông, nên một mặt theo hướng mở, tăng tính linh hoạt, khuyến khích tự chủ, sáng tạo; mặt khác cần phải cung cấp cho HS một số kiến thức căn bản, nền tảng làm nên cốt lõi của học vấn phổ thông, trong đó có yêu cầu HS phải biết một số tác phẩm văn học nổi tiếng. Các tác phẩm bắt buộc phải là các tác phẩm có vị trí và ý nghĩa hết sức đặc biệt, khó thay thế… Các tác phẩm mà bất kỳ ai có văn hoá phổ thông cũng phải biết. Như thế chương trình phải đáp ứng cả 2 yêu cầu mở và bắt buộc. Giải pháp mới được xác định là bên cạnh việc chỉ gợi ý một số văn bản tiêu biểu cho các thể loại văn học, dành quyền chủ động, sáng tạo cho các tác giả SGK và GV thì cần quy định một số tác phẩm bắt buộc; coi đó là một trong những yêu cầu của kiến thức cơ bản, cốt lõi mà học sinh tốt nghiệp phổ thông phải có. Giải pháp này cũng được chương trình nhiều nước phát triển áp dụng. Cũng cần nói thêm, CT lần này chủ trương dạy cách đọc văn bản chứ không đọc tác giả, vì thế không nêu 9 tác giả như CT hiện hành mà chỉ quy định một số văn bản bắt buộc. Và không phải toàn bộ CT chỉ dạy 6 tác phẩm này. Dù VB bắt buộc hay lựa chọn thì GV đều phải dạy Kĩ như nhau để đáp ứng các yêu cầu cần đạt nêu trong CT.

(Còn nữa)

Xem thêm : Tình thương của Bố – Tạ Duy Anh – Văn học Việt Nam – “Tại đây”

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận