Lòng tự trọng của mỗi người trong cuộc sống -Ngữ Văn 9

Đang tải...

Lòng tự trọng của mỗi con người trong cuộc sống

Đề bài: Lòng tự trọng của mỗi người trong cuộc sống 

1. Yêu cầu

– Viết bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí.

– Vấn đề cần bàn luận là : lòng tự trọng trong cuộc sống.

– Bài cần có luận điểm rõ ràng, luận cứ đầy đủ và lập luận rành mạch.

– Cần trình bày được những suy nghĩ về lòng tự trọng và vai trò của nó trong cuộc sống.

2. Gợi ý

– Cần đọc những sách báo về gương những con người có lòng tự trọng để hiểu về các khía cạnh biểu hiện của lòng tự trọng.

– Cần làm rõ lòng tự trọng là gì. Lòng tự trọng khác với tính tự kiêu và sự tự ái như thế nào ?

– Những suy nghĩ của bản thân về lòng tự trọng.

– Lòng tự trọng cần thiết như thế nào trong cuộc sống ?

– Cần kết hợp nghị luận với biểu cảm.

3. Lập dàn ý (dàn ý chung)

a. Mở bài : Tự trọng và ý nghĩa của lòng tự trọng đối với phẩm chất con người.

b. Thân bài

– Thế nào là lòng tự trọng ?

– Tự trọng khác với tự kiêu, tự mãn và tự ái như thế nào ?

– Vai trò của lòng tự trọng trong cuộc sống. Một vài dẫn chứng về người có lòng tự trọng.

– Suy nghĩ về người có lòng tự trọng.

c. Kết bài : Nhấn mạnh lòng tự trọng trong cuộc sống luôn luôn nâng cao phẩm giá con người.

4. Bài làm minh họa

Tự trọng là một trong những phẩm chất làm nên giá trị của con người. Là con người, nếu không biết tự trọng thì không thể nhận ra giá trị của mình, của người khác.

Vậy tự trọng là gì ? Thiết nghĩ, tự trọng chính là lòng tự quý mình, tự coi mình có giá trị. Trong vũ trụ, chỉ riêng loài người biết mình có đời sống tinh thần mà vượt lên trên hết mọi vật, biết phân biệt được đúng – sai, xấu – tốt, thiện – ác, hay – dở, biết hướng mình về chỗ đúng, chỗ thiện ấy mà phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, làm đẹp cho cuộc đời. Con người cũng biết dùng ý chí và nghị lực để tự do chọn lấy hướng hành động ở đời, biết cách lợi dụng, phát triển khả năng cá nhân mình. Con người biết rằng mình có những ưu điểm nói trên, tự nhiên nhận ra được giá trị của mình và sinh lòng tự tôn, tự trọng.

Lòng tự trọng là một tính tốt. Tự trọng không giống với tự kiêu, tự đắc bởi tự kiêu, tự đắc là một tính xấu. Nhiều kẻ quá ỷ vào sự thông minh của mình hay quá ảo tưởng, đề cao chút tài năng của cá nhân mình rồi coi thường, coi khinh người khác. Đó là lòng tự kiêu, tự đắc. Lòng tự trọng, trái lại thường đí đôi với đức nhân hậu, tính khiêm nhường. Cho nên người có tự trọng không hề cố ý làm việc hay nói những câu nói làm hạ thấp phẩm giá mình đi ; nhưng cũng không quá đề cao cá nhân mình mà xem thường người khác. Người có lòng tự trọng luôn luôn biết nhìn vào lương tâm, vào “con người lí tưởng” của chính mình, cẩn thận từng li, không bao giờ để một chút hạ thấp hay đề cao bản thân mình. Giữ được như thế, khó lắm thay.

Lòng tự trọng cũng khác với tính tự ái, mặc dù nhìn bề ngoài thì chúng có vẻ gần gũi. Tự ái là tự yêu mình quá, tự đánh giá cao mình, không chấp nhận những góp ý dù là chân tình, đúng đắn của người khác. Hễ ai nói haỵ góp ý cho mình, dù là đúng, nhưng tính tự ái làm cho bản thân không chịu tiếp thu.

Lòng tự trọng là một động cơ cực kì quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội. Đối với cá nhân, vì biết tự trọng, nên kìm hãm được biết bao ham muốn cá nhân hay hành động tầm thường ảnh hưởng đến nhân cách. Người xưa có câu : “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Đấy là sự đánh giá cao yếu tố tinh thần, coi nhẹ sự cám dỗ của vật chất. “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Đó chẳng phải là phương châm sống tự trọng hay sao ? Tự trọng không phân biệt người giàu kẻ nghèo, không phân biệt người lớn hay bé, già hay trẻ. Những kẻ giàu có, chức trọng quyền cao mà xu nịnh, khom lưng uốn gối – kẻ đó đâu có lòng tự trọng ? Có thể có người nghèo nhưng lòng tự trọng rất cao. Lão Hạc từ chối sự giúp đỡ của vợ chồng ông giáo, từ chối một cách hách dịch chỉ vì lão có lòng tự trọng rất cao. Lão thà chịu chết chứ nhất quyết không làm bậy. Nhân vật ông Hai trong truyện Làng của Kim Lân là người đầy lòng tự trọng, tự hào về danh dự của làng. Chính vì thế khi nghe tin làng mình là làng Việt gian, ông không dám đi đâu, một mình âm thầm đau khổ. Mãi đến khi được cải chính, ông Hai vui mừng đi khoe tất cả mọi người, khoe cả việc nhà mình bị đốt nhẵn mà không tỏ ra tiếc của.

Người có lòng tự trọng là người biết gắng sức làm nảy nở các khả năng tinh thần để xứng đáng là một Con Người. Người tự trọng là người không chịu hãm mình trong vòng ngu dốt, cũng không chịu để cho lương tâm hay đời sống tình cảm khô khan, nghèo nàn, tối tăm, thô bạo.

Người có lòng tự trọng là người có đủ nghị lực làm chủ được nội tâm, khiến cho những tình cảm được thể hiện ra đúng chỗ, đúng lúc, phù hợp với đối tượng và không mất thăng bằng. Người tự trọng là người biết tự rèn luyện để ứng phó với cuộc đời nhưng luôn giữ mình theo phương châm sống : “Giàu sang không đắm đuối say mê ; nghèo hèn không thất tiết, đổi lòng ; gặp kẻ mạnh không chịu uốn gối khom lưng”. Tóm lại, người tự trọng là người đứng trước mọi biến cố ở đời đều có cách cư xử hợp đạo lí, hợp lương tâm. Chẳng những mình không hổ thẹn, mà con cháu có quyền ngẩng cầo đầu tự hào.

Đối với mọi người trong xã hội, người tự trọng là cẩn thận trong lời nói, cử chỉ, không a dua, xiểm nịnh cũng không cậy quyền, hống hách, biết giữ lòng trung thực, hoà nhã, kính cẩn, coi trọng người khoẻ mà khồng hà hiếp kẻ yếu, thà chịu chết còn hơn để mất phẩm giá của mình.

Phải biết tự trọng ! Đó là một điều cần thiết trong lẽ sống đối với bản thân ta và đối với hết thảy mọi người !

(Trần Thuý Hồng, lớp 9B, Trường THCS Lê Quý Đôn, Sơn La)

⇒ Nhận xét

Tự trọng là một đức tính quan trọng làm nên phẩm giá của con người. Bạn đã đặt vấn đề một cách đúng đắn. Mở rộng vấn đề, người viết đã bàn về sự khác nhau giữa tự trọng và tự kiêu, tự mãn. Đồng thời cũng chỉ ra sự khác biệt của tự trọng với tự ái (quá yêu mình nên sinh ra giận dữ, khó chịu khi nghĩ người khác không coi trọng mình). Để phát triển ý, người viết đã khai thác tục ngữ – túi khôn của dân gian, làm rõ quan niệm tự trọng, tại sao con người phải tự trọng. Vì có tự trọng mà con người không bị sa vào những ham muốn nhỏ mọn, tầm thường. Một xã hội có lòng tự trọng cao, đề cao, khuyến khích lòng tự trọng là xã hội có những thành viên giàu lòng tự trọng. Một xã hội như thế chắc chắn sẽ tốt đẹp.

Nếu như người viết dùng các hình tượng văn học, hay lấy dẫn chứng trong sử sách về những nhân vật giàu lòng tự trọng thì bài viết sẽ thuyết phục hơn.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận