Kể chuyện : Kể chuyện đã nghe, đã đọc – Tiếng Việt 4

Đang tải...

A – Mục tiêu bài học

       – Rèn kĩ năng nói: Biết kể tự nhiên bằng lời của mình một câu chuyện đã nghe, đã đọc nói về lòng tự trọng. Hiểu ý nghĩa của truyện.

       – Rèn kĩ năng nghe: Nghe bạn kể biết nhận xét lời kể của bạn.

B – Tìm hiểu nội dung (Hướng dẫn kể chuyện)

       Đề bài: Kể một câu chuyện về lòng tự trọng mà em đã được nghe, được đọc.

       – Tìm hiểu đề bài: Các từ ngữ cần chú ý: lòng tự trọng, được nghe, được đọc.

       – Hiểu nghĩa của từ: tự trọng (tự: chính mình; trọng: tôn trọng).

1. Thế nào là tự trọng?

       Nghĩa chung: Tự trọng là tự tôn trọng bản thân, giữ gìn phẩm giá, không để ai coi thường mình.

2. Tìm những câu chuyện về Lòng tự trọng.

Bài tham khảo 1

       Tự trọng là một đức tính tốt của con người. Trong cuộc sống để giữ được lòng tự trọng, con người phải biết vượt qua mọi khó khăn, mọi cám dỗ để giữ gìn phẩm giá trong sạch của mình. Câu chuyện mà tôi muốn kể các bạn nghe nói về ý chí quyết tâm, vượt lên số phận bằng lòng tự trọng của mình. Đây là câu chuyện tôi đã được đọc ở lớp Ba: “Buổi học thể dục”.

       Trong giờ học thể dục, thầy giáo dẫn tất cả các bạn học sinh đến bên một cái cột cao, thẳng đứng và yêu cầu mọi người phải leo đến trên cùng, rồi đứng thẳng người trên chiếc xà ngang. Trong lớp có hai bạn tên là Đê-rôt-xi và Cô-rét-ti rất khỏe và họ leo nhanh như hai con khỉ. Các bạn khác như Xtác-đi hay Ga-rô-nê mặc dù vừa leo vừa thở hồng hộc nhưng họ cũng hoàn thành nhiệm vụ.

       Đến lượt Nen-li bạn này được miễn học thể dục vì từ nhỏ Nen-li đã bị tật (bạn bị gù) nhưng Nen-li đã không ngần ngại xin thầy cho mình được tập như mọi người. Nen-li bắt đầu leo lên một cách chật vật, mặt cậu đỏ như lửa, mồ hôi ra nhễ nhại. Thầy giáo bảo cậu có thể xuống được rồi. Nhưng cậu vẫn cố sức leo. Mọi người ở dưới thấp thỏm lo sợ nhỡ cậu tuột tay ngã xuống thì chết.

       Trước sự động viên của mọi người, Nen-li vẫn tiếp tục leo và rồi chỉ còn một tí nữa là cậu đã nắm được đòn của xà ngang và thoáng một cái cậu đã nắm được. Cả lớp reo lên. Thầy giáo nói: “Giỏi lắm! Thôi con xuống đi!” Nhưng Nen-li còn muốn đứng lên cái xà như những người khác. Cuối cùng sau vài lần cố gắng, cậu đã đứng thẳng người lên, mặt rạng rỡ vẻ chiến thắng.

       Ý nghĩa của câu chuyện: Nen-li quả thật là một người dũng cảm, vì lòng tự trọng của mình mà cậu đã không quản ngại khó khăn, vất vả vượt lên chính số phận để được ngang hàng với mọi người. Tấm gương của Nen-li mãi mãi là bài học quý để cho chúng tôi noi theo.

Bài tham khảo 2

       Câu chuyện mà tôi muốn kể cho các bạn nghe là một truyện cổ tích có tên “Sự tích quả dưa hấu”. Chuyện ca ngợi tinh thần lao động cần cù của An Tiêm và vợ. Qua đó cho ta thấy, vì danh dự, con người có thể làm được tất cả mọi chuyện cho dù là vất vả và khó khăn đến mấy. Câu chuyện như sau:

       Ngày xưa, có một người tên là Mai An Tiêm làm ăn chăm chỉ, lại biết nhiều nghề. An Tiêm được nhà vua yêu mến, nhận làm con nuôi.

       Một hôm, trong một bữa tiệc thết khách, An Tiêm chỉ vào các thứ trong nhà, vui vẻ nói:

       – Tất cả những thứ này đều do tay tôi làm ra.

       Một viên quan trong triều vốn ghen ghét An Tiêm bèn về tâu với vua, vua đùng đùng nổi giận nói: “Do bàn tay nó làm ra cả, vậy để xem nó sống ra sao với hai bàn tay ấy!”

       Sau đó, An Tiêm bị vua đày đến một đảo hoang. Thấy trước mặt là một bãi cát mịt mù không một bóng người, núi rừng hoang vắng, vợ An Tiêm sợ hãi khóc nức nở:

       – Thế này thì vợ chồng ta chết đói mất thôi!

       An Tiêm bảo vợ:

       – Còn hai bàn tay ta còn sống được.

       Nói rồi, An Tiêm bắt tay vào làm mọi việc.

       An Tiêm uốn cung, vót tên để bắn chim làm thức ăn hàng ngày, dựng nhà đã có tre, gỗ, cỏ gianh trong rừng. An Tiêm lấy gỗ đóng cho vợ một cái khung cửi. Vợ An Tiêm tước cỏ cói phơi khô để dệt thành vải may quần áo.

       Một hôm, nghe thấy chim kêu ngoài bãi, hai vợ chồng ra xem thì thấy một đàn chim đang nhả những hạt đen đen trên mặt cát. An Tiêm lấy hạt đem trồng trong vườn, bụng nghĩ thầm: “Thứ quả này chắc là lành, chim ăn được tất người cũng ăn được.”

       Quả nhiên ít lâu sau, hạt mọc thành cây bò lan ra mặt đất, rồi đâm hoa kết quả. Quả có vỏ màu xanh thẫm nhưng khi chín, bổ ra thấy ruột đỏ, hạt đen nhánh. Ăn thấy ngọt và mát. Đó là giống dưa đỏ ngày nay.

       Một hôm, nhân mùa hái quả. An Tiêm khắc tên mình vào quả dưa rồi thả xuống biển, nhờ sóng biển đưa vào đất liền. Một người dân nhặt được đem dâng vua. Vua biết An Tiêm còn sống trên đảo vắng, nghĩ thầm: “An Tiêm đã nói đúng: tất cả mọi của cải đều do hai bàn tay làm ra.” Vua cho phép vợ chồng Mai An Tiêm được trở về đất liền.

       Ý nghĩa của câu chuyện:

       Mai An Tiêm quả thực là người có ý chí và nghị lực, bằng sức lao động của chính mình, Mai An Tiêm đã chứng minh cho nhà vua biết: “Mọi của cải do đôi bàn tay làm ra”. Hình ảnh Mai An Tiêm mãi là tấm gương về tinh thần vượt khó mà mỗi ai trong chúng ta đều phải học tập.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận