Hướng dẫn viết bài làm văn số 6: Thuyết minh văn học – Sách bài tập ngữ văn lớp 10 tập 2

Đang tải...

VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 6

Phần một: THUYẾT MINH VĂN HỌC

BÀI TẬP

1. Khi làm bài văn thuyết minh về một tác giả văn học, theo anh (chị) có nên viết theo cách viết của đoạn trích dưới đây không ? Vì sao ?

An-phông-xơ Đô-đê sinh ra ở thành phố Ni-mê, cái thành phố từng được tô điểm bởi những vườn hoa, những hàng cột và thứ ánh sáng cổ đại. Ông lớn lên giữa những cánh rừng ô-liu và dâu, giữa những vườn nho. Ổng hít thở một thứ không khí say người của hành nhân. Ông yêu “những thảm cỏ dày giữa những bóng cây, lớp bụi trắng của những con đường lớn, những dãy đồi miên man dưới nắng”. Ông say sưa với cuộc sống trên mảnh đất giống như xứ Hi Lạp này. Đó là một cậu bé nồng nhiệt và hay giễu cợt, một thứ thần Điền dã nhỏ tuổi.

Nhưng cha mẹ ông không sống hạnh phúc giữa những cánh rừng thưa, như những con người của thế kỉ vàng ngày trước. Đô-đê và Rây-nô, ông nội và ông ngoại ông, từ lâu đã chuyển đến ở Lan-ghe-đô-ke, trở thành nhà buôn và chủ xưởng […].

Tôi quen vời An-phông-xơ Đô-đê từ khi ông còn chưa biết đến mọi vinh quang cũng như mọi đau khổ. Và ngay từ lúc ấy, tôi đã tin rằng không bao giờ, không một người nào khác lại yêu thiên nhiên và nghệ thuật bằng một tình yêu hào hiệp đến vậy, lại hoà nhập với cả vũ trụ một cách vui vẻ, dịu dàng mà lại mãnh liệt đến vậy. Chỉ những ai đã có dịp chứng kiến tâm hồn chói lọi này từng lấp lánh lên trong một thân thể mạnh mẽ đầy sức sống, mới có thể hiểu được cái câu mà, sau mười lăm năm bị bệnh tật hành hạ, Đô-đê thường thầm thì mấy ngày trước khỉ chết:

Tôi thật đáng bị trừng phạt thế này, bởi tôi quá yêu cuộc sống.

(A. Phơ-răng-xơ, An-phông-xơ Đô-đê (1840 -1897),

trong Tuyển tập mười năm tạp chí Văn học và Tuổi trẻ,

NXB Giáo dục, 2003)

2. SGK Ngữ văn 10, tập hai (trang 85) đã nêu bố cục của bài thuyết minh về một tác phẩm văn học (Truyền kì mạn lục) như sau :

“ Tiểu dẫn của bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên có ba phần : Phần đầu thuyết minh về nhà văn Nguyễn Dữ ; phần hai thuyết minh về thể truyền kì; phần ba thuyết minh về tác phẩm Truyền kì mạn lục.”

Anh (chị) có cho rằng đây là cách sắp xếp ý duy nhất của một bài văn thuyết minh về tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ không ? Vì sao ?

3. Hãy xây dựng dàn ý bài văn thuyết minh về một đặc điểm hay một thể loại văn học cổ sao cho dàn ý đó làm rõ được đặc điểm của bài văn là thuyết minh, có đầy đủ những tri thức chuẩn xác và có sức hấp dẫn đối với người đọc.

4. Dựa vào dàn ý bài văn thuyết minh ở bài tập 3 và vận dụng những phương pháp thuyết minh đã học để viết thành một bài văn đạt các yêu cầu cần có.

 

GỢI Ý LÀM BÀI

1. Đoạn trích là những dòng viết hay, đầy sức truyền cảm. Nhưng đấy là những dòng văn nói lên cảm nghĩ riêng của người viết – một nhà văn – về một tác giả văn chương, một bạn văn mà ông hết lòng yêu quý. Cách viết trong đoạn trích phù hợp với mục đích làm văn biểu cảm, chứ không phù hợp với một bài văn được viết ra nhằm mục đích thuyết minh.

 

2. Trình tự được nêu trong bài tập có thể là một cách sắp xếp ý, nhưng không phải là cách sắp xếp ý duy nhất cho phần thân bài của một bài văn được viết để thuyết minh cho tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Vì bên cạnh nó, vẫn còn có nhiều cách bố cục khác nữa. Chẳng hạn như :

a) Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ.

b) Giới thiệu về tác phẩm Truyền kì mạn lục (phần trọng tâm của bài làm) :

– Giải nghĩa nhan đề tác phẩm và giói thiệu qua về thể truyện truyền kì.

– Những nét chính về nội dung tư tưởng.

– Những đặc sắc về hình thức nghệ thuật.

– Đánh giá chung về giá trị của tập truyện.

 

4. Có thể tham khảo đoạn trích sau đây :

THỂ PHÚ

Phú là một thể văn có vần hoặc xen lẫn văn vần và văn xuôi của Trung Quốc và Việt Nam để tả phong cảnh, kể sự việc, bàn chuyện đời,… Trong ba loại phú, tỉ, hứng thì phú là phô diễn, là miêu tả trực tiếp chứ không qua so sánh, liên tưởng như tỉ, hứng. Kinh Thi viết : “Phú giả trực trần kì sự” (phú là phô bày thẳng sự thực).

Phú có thể chia làm hai lối : Phú cổ thể (thể cũ) là thể phú có trước đời nhà Đường, có vần mà không có đối, hoặc như một bài ca thật dài, hoặc như một bài văn xuôi mà có vần, lối sau này gọi là lối phú lưu thuỷ (nước chảy), như bài Bạch Đẳng giang phú. Còn phụ cận thể (hay phú Đường luật hoặc Đường phú) là thể phú đặt ra từ thời nhà Đường, có vần, có đối, có theo luật bằng trắc. Lối này phải theo quy củ nhất định và là lối phú thông dụng nhất.

Phú cận thể có thể gieo vần theo nhiều lối khác nhau như : độc vận (đầu cuối cùng một vần) hoặc liên vận (một bài dùng nhiều vần) ; hạn vận (ra sẵn một câu làm vần, phải theo thứ tự các chữ trong câu ấy mà gieo) hoặc phóng vận (tùy ý gieo vần).

Phú cận thể bao giờ cũng đặt câu gồm hai vế đối nhau, vần nằm ở cuối vế dưới. Có mấy loại câu : câu tứ tự (mỗi vế 4 chữ), câu bát tự (mỗi vế 8 chữ), câu song quan (hai cửa, mỗi vế gồm từ 5 đến 9 chữ), câu cách cú (mỗi vế chia làm hai đoạn, một đoạn ngắn, một đoạn dài), câu hạc tất (gối hạc, mỗi vế gồm từ ba đoạn trở lên, đoạn giữa thường ngắn, xen vào các đoạn kia như cái đầu gối giữa hai ống chân con hạc).

Về luật bằng trắc thì phú cận thể yêu cầu các chữ cuối các vế trong câu phải đối nhau : bằng đối vói trắc hoặc trắc đối với bằng.

Về bố cục, một bài phú cận thể thường có sáu phần : lung (mở đầu, nói bao quát toàn bài), biện nguyên (nói gốc tích, ý nghĩa của đầu bài), thích thực (giải thích, phân tích ý nghĩa của đầu bài), phu diễn (trình bày, dẫn chứng minh hoạ cho rõ phần giải thích, phân tích), nghị luận (bình luận, nhận định ý nghĩa của đầu bài), kết (thắt lại, kết thúc).

(Tổng hợp từ Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu,

NXB Tổng hộp Đồng Tháp và bài của

Nguyễn Xuân Nam, trong Từ điển văn học,

tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984)

 

Xem thêm Hướng dẫn viết bài làm văn số 6:

Nghị luận văn học tại đây.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận