Hướng dẫn bài tập văn tự sự – Bài tập nâng cao Ngữ Văn 6 (phần 2)

Đang tải...

Nhằm củng cố, mở rộng, bổ sung thêm kiến thức cho các em học sinh, Hoc360.net sưu tầm gửi tới các em Hướng dẫn bài tập văn tự sự – Kiến thức, bài tập nâng cao Ngữ Văn 6. Chúc các em học tốt!

Hướng dẫn bài tập văn tự sự

(phần 2) 

Kiến thức, bài tập nâng cao Ngữ Văn 6

3. Một số bài làm mẫu

Đề 3 :

Có một lần, Thuỷ Tinh tình cờ gặp được Mị Nương. Chàng có cơ hội để thanh minh chuyên cũ. Hãy thay lời Thuỷ Tinh để kể lại cuộc gặp gỡ ấy.

Bài làm

Hàng ngàn năm đã trôi qua, Thuỷ Tinh lặng lẽ ôm nỗi buồn dưới thuỷ cung. Chàng nghĩ tới Mị Nương và vẫn không thôi khao khát được cùng nàng nên vợ nên chồng. Và có lẽ buồn hơn cả là cái tiếng xấu mà thiên hạ đã gán cho chàng kể từ ngày chàng và Sơn Tinh giao chiến để giành Mị Nương. Thế rồi một hôm, Thuỷ Tinh quyết đi tìm Mị Nương. Chàng từ biển Đông ngược dòng sông Hồng, men theo con suối nhỏ để đi lên núi Tản. Một ngày. Hai ngày. Một tháng. Hai tháng. Núi Tản kia rồi. Thuỷ Tinh nép mình sau tảng đá lớn. Chàng hi vọng Mị Nương sẽ ra suối…

Và quả như chàng đã dự đoán. Một buổi sáng, khi chim rừng cất cao tiếng hót chào đón những tia nắng đầu tiên thì Mị Nương xuất hiện. Nàng ra suối ngắm cảnh. Đã mấy ngàn năm mà nhan sắc của Mị Nương không hề phai, vẫn dáng người mảnh mai, thướt tha. vẫn gương mặt hiền như ánh trăng rằm. vẫn mái tóc dài tuôn từ bờ vai rủ xuống gót chân óng ả, đen mượt. Thuỷ Tinh rời khỏi chỗ nấp tiến về phía Mị Nương. Nàng hoảng sợ lùi lại. Thuỷ Tinh vội buồn rầu lên tiếng :

– Nàng đừng sợ ! Nàng không nhận ra ta ư ?

– Chàng là… – Mị Nương ngập ngừng… Trong thoáng chốc, nàng đã nhớ lại hình ảnh cuộc đua tài tranh ngôi phò mã tại Phong Châu ngày trước. – Chẳng lẽ chàng là Thuỷ Tinh đó sao ? Chàng tìm ta làm gì ? Ta là gái đã có chồng. Mấy ngàn năm rồi, bao nhiêu tai hoạ chàng gây cho nhân dân ta như vậy vẫn chưa đủ ư ?

– Mị Nương ! Nàng hãy nghe ta. Ta đi tìm nàng lần này là để thanh minh câu chuyện ngày trước, để nàng đừng oán giận ta nữa ! – Thấy Mị Nương im lặng, Thuỷ Tinh lấy hơi kể liền một mạch. – Nàng biết không : Ngay từ buổi đầu gặp nàng, ta đã mơ ước cùng nàng xe tơ kết tóc. Có trời đất chứng giám lòng thành của ta đối với nàng. Hôm đọ sức cùng Sơn Tinh, ta cũng thầm phục chàng trai ấy. Nhưng tình yêu thì không thể chia sẻ nên ta cố gắng đem hết tài năng của mình ra để vừa ý nàng và vừa ý vua cha. Chắc nàng cũng thấy rõ ta và Sơn Tinh hoàn toàn ngang tài ngang sức…

– Nhưng tại vì chàng đã mang lễ vật đến muộn hơn phu quân tà, sao chàng còn oán giận mà gây cảnh binh đao ? – Mị Nương ngắt lời Thuỷ Tinh.

– Nàng thực không công bằng với ta rồi – Thuỷ Tinh buồn rầu. – Nàng không nhận thấy rằng khi vua Hùng yêu cầu lễ vật, vua đã ngầm thiên vị cho Sơn Tinh đó sao ? Tất cả các lễ vật ấy, từ gạo nếp đến voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao đều là sản vật của núi rừng – vương quốc của Sơn Tinh – còn ta là chúa miền nước thẳm, giữa biển cả bao la, làm sao ta có thể tìm ngay được các lễ vật ấy chỉ trong vòng có một đêm. Vậy mà nàng thấy đó, ta đâu có nản chí. Ngay khi rời khỏi thành Phong Châu, ta cùng với Binh Tôm, Tướng Cá toả đi các ngả để tìm.

Bao nhiêu gian nan, ta đâu ngại. Bao nhiêu vất vả, ta đâu sờn. Chỉ hiềm nỗi khi ta có được tất cả các thứ ấy để đem đến thành Phong Châu ra mắt nhà vua thì đã chậm mất rồi. Được tin Sơn Tinh đã rước nàng lên núi, ta đau buồn và tuyệt vọng quá. MỊ Nương ! Nàng có hiểu cho tâm trạng của ta lúc bấy giờ không ?

Mị Nương thoáng đỏ mặt. Nàng không thể không chạnh lòng trước lời tâm sự chân thành của Thuỷ Tinh. Tự nàng cũng rõ rằng ngày ấy, khi cùng các Lạc hầu bàn bạc để tìm ra cách chọn rệ hiền, vua cha cùng với quần thần trong triều đã ngầm thiên vị cho Sơn Tinh. Ngay cả nàng lúe ấy, dù thầm thán phục cả hai chàng như nhau, nhưng tự trong thâm tâm, nàng vẫn thấy Sơn Tinh gần gũi với mình hơn. Vả lại, chỉ nghĩ tới việc lấy chồng về miền nước thẳm, xa xôi cách trở, nàng đã sợ hãi rồi… Nhưng mọi chuyện đã qua… MỊ Nương nghiêm nghị nhìn Thuỷ Tinh.

– Ta hiểu lòng chàng. Nhưng sau khi mọi việc đã yên bề sao chàng còn gây chiến với phu quân ta mãi không thôi, để muôn dân điêu đứng ? Chàng thật đáng trách…

– Mị Nương ! Việc ta đánh Sơn Tinh ngày ấy cũng dễ lí giải thôi. Ta không có ý gì khác ngoài mong muốn giành lại nàng. Lúc thất bại, ta hiểu rằng điều đó không thể được. Ta lui về thuỷ cung cùng nỗi buồn từ ngày ấy. Còn các cuộc chiến hằng năm đâu phải do ta. Đó là bởi bọn Binh Tôm, Tướng Cá, những trợ thủ đắc lực của ta muốn trả thù cho chủ, và để giải toả cho ta nỗi buồn này. Mặt khác, nạn lũ lụt hằng năm ấy còn là bởi con người nữa đấy. Những cánh rừng đầu nguồn bị tàn phá vô tội vạ. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề… Nàng phải hiểu cho ta, Mị Nương ! Làm sao ta có thể nhận cả những lỗi không phải của mình.

Thuỷ Tinh ngừng lời. Chàng đã nói được những gì cần nói. Và nỗi buồn nặng trĩu trong lòng chàng từ hàng ngàn năm nay hình như cũng có phần vơi đi. Chàng nhìn MỊ Nương lần cuối rồi lặng lẽ theo dòng suối đổ ra sông, về với đại dương mênh mông.

Mị Nương đứng lặng hồi lâu. Lời Thuỷ Tinh vẫn còn văng vẳng bên tai nàng. Sự oán trách Thuỷ Tinh dường như đã tiêu tan đâu cả. Nàng nghĩ tới những câu nói cuối cùng của thần nước. Những cánh rừng đầu nguồn bị tàn phá… Môi trường bị ô nhiễm… Con người cũng chịu một phần trách nhiệm trước những thiên tai. Nàng hiểu ý Thuỷ Tinh muốn nói gì. Điều nàhg có thể làm được lúc này để minh oan phần nào cho Thuỷ Tinh chính là cùng với Sơn Tinh ngăn chặn những sai lầm của con người. Phải giữ lấy những cánh rừng. “Thuỷ Tinh ! Chàng hãy yên tâm. Thiếp sẽ không phụ lòng chàng đâu Ị”. Mị Nương thầm nhủ trong lòng. Nàng rời bờ suối, rảo gót quay về. Sơn Tinh còn đợi nàng trên đỉnh núi kia.

Một ngày mới đang bắt đầu.

Đề 9 : Có một lần, em đã vô tình mắc lỗi với ông (bà). Điều ấy làm em ân hận mãi. Hãy kể lại câu chuyện.

Bài làm

– Trang Nhung đâu rồi ? Ra đón khách này !

Đang ngồi xem dở cuốn băng hoạt hình hấp dẫn, nghe tiếng gọi của bác xích lô quen cùng xóm, tôi vội vã chạy ra.

– A ! Ngoại ! Ngoại, mẹ ơi !

Tôi rối rít lên vì mừng. Đã lâu lắm rồi, hôm nay bà ngoại từ quê ra thăm gia đình tôi. Từ sau bếp, bố mẹ tôi cũng vội vã chạy ra. Mẹ cứ líu ra, líu ríu bên ngoại. Chắc mẹ vui lắm. Nhìn thái độ mọi người, khuôn mặt nhăn nheo của ngoại hình như rạng rỡ hẳn. Ngoại hấp háy mắt, chớp chớp, rồi mắng yêu :

– Thế nào ! Các anh chị không mời tôi vào nhà sao ! Hay tiếp khách ngoài ngõ này hả ?

Lúc ấy, mẹ tôi mới sực nhớ ra là ngoại chưa vào đến nhà. Mẹ cười ngượng nghịu, ôm lấy vai ngoại rồi cùng đi vào. Tôi giành phần ôm chiếc tay nải mà ngoại khoác trên vai. Chiếc tay nải khá nặng. Có lẽ là quà bánh gì đấy chăng ?

Sau khi đã rửa mặt mũi, chân tay và thay bộ quần áo bám đầy bụi bặm, ngoại đi vào nhà. Mẹ đã pha sẵn cốc nước giải khát để ngoại uống cho mát. Bố thì loay hoay bật quạt. Ai cũng líu ríu hỏi những tin tửc ở quê. Nào là ông dạo này có khoẻ không ? Nào là em bé nhà cậu Hoà đã biết làm gì ?… Riêng tôi, cứ ngồi thuỗn mặt ra. Tôi chả biết nói gì cả. Thấy thế, ngoại vội kéo tôi vào lòng.

– Chao ôi ! Mải chuyện, bà quên hỏi thăm cô cháu gái yêu của bà ! Cháu bà lớn quá rồi. Càng lớn càng giống bố mày như lột. Thế nào ? Em Mậm đi học mẫu giáo có ngoan không ? Chiều mới đón về à ? Trang Nhung có biết nhường nhịn em không ?

Ngoại hỏi nhiều quá làm tôi không kịp trả lời. Vả lại, mắt tôi còn đang bận nhìn cái tay nải cũ. Chắc hẳn quà trong ấy nhiều lắm. Như đọc được ý nghĩ của tôi, ngoại chợt kêu lên :

– Chết nỗi ! Bà quên lấy quà ra mất.

Chỉ cần đợi câu đó, tôi lật đật chạy lại xách cái tay nải đến cho ngoại. Ngoại vui vẻ lôi ra từng thứ một, không quên giới thiệu cụ thể từng loại quà. Này là mớ đậu đen vườn nhà để mẹ nấu chè. Này là gói trà bà tự sao lấy để bố pha nước. Này là đùm nếp mới cậu Hoà gửi để thổi xôi ăn sáng. Cuối cùng, ngoại lôi từ đáy tay nải ra một túi cam, mắt hấp háy.

– Đây là quà cho hai cháu tôi. Cam đầu mùa đấy. Năm nay nó mới ra bói được ngần này quả. Ồng mày hôm nào cũng ra ngắm nghía. Chỉ đợi đến ngày hái được là giục bà đi ngay.

Chẳng đợi ngoại nói hết câu, tôi phụng phịu :

– Tưởng gì chứ cam thì nhà cháu có ối ra. Mẹ cháu mua nhiều, bỏ trong tủ lạnh ấy. Mấy quả cam này xanh thế chắc chua loét chẳng ăn được đâu.

Niềm vui trên gương mặt ngoại vụt tắt. Ngoại lặng lẽ đặt mấy quả cam xuống bàn không nói gì cả. Bố tôi vội vã chạy lại.                                                                                                              ,

– Trang Nhung ! Sao con lại ăn nói thế hả ? Xin lỗi bà ngay đi ! – Rồi bố quay sang bà : – Mẹ đừng buồn ! Cháu nó còn dại.

Thấy thái độ của ngoại và của bố, tôi biết mình đã lỡ lời, vội lúng búng xin lỗi rồi chạy ù vào nhà trong. Nhưng trong lòng tôi vẫn ấm ức. Tưởng gì chứ cam thì ngày nào mà chị em tôi chả được ăn ! Vừa lúc đó, mẹ tôi đi vào. Nhìn nét mặt mẹ, tôi hiểu rằng mẹ đang rất giận.

– Trang Nhung ! Con hư quá ! Con có biết là con đã khiến cho l?à đau lòng không ? Những món quà mà bà đưa từ quê ra là tất cả tấm lòng của ông bà. Mẹ có thể mua cho con rất nhiều những trái cam ngon. Nhưng làm sao có giá trị bằng những trái cam đầu mùa mà ông bà dành cho các con. Sao con dám phụ tấm lòng của ông bà hả ?

Mẹ còn nói nhiều, nói nhiều nữa. Nhưng tai tôi đã ù đi. Chao ôi ! Tôi thật là ích kỉ, dại dột và ngốc nghếch ! Tinh thương mà ông bà dành cho tôi, làm sao tôi lại không biết cơ chứ ! Vậy mà, tôi đã làm cho ngoại phiền lòng. Tôi dè dặt bước ra. Ngoại tôi vẫn ngồi trên chiếc ghế xa lông đã cũ. Đến lúc này tôi mới nhìn kĩ ngoại tôi. Mái tóc ngoại hình như bạc hơn trước. Gương mặt khắc khổ đượm buồn. Nước mắt tôi không hiểu sao cứ trào ra. Trong lòng tôi, một nỗi ân hận dâng lên. Ngoại ơi ! Tha lỗi cho con nghe ! Tôi không thể thốt lên được câu đó. Chỉ chạy lại, vùi đầu vào lòng ngoại. Tôi cảm nhận được hương vị quen thuộc toả ra từ bộ áo quần nâu đã sờn bạc và khuôn miệng đang bỏm bẻm nhai trầu của ngoại. Bàn tay nhăn nheo của ngoại vuốt vuốt lên tóc tôi. Ngoại ôm tôi vào lòng, vỗ về như ngày tôi còn bé… Ngoại ơi ! Con biết ngoại đã tha lỗi cho con. Phải thế không hả ngoại ?

Câu chuyện ấy xảy ra đã lâu lắm rồi. Nhưng tôi còn nhớ mãi. Nhớ mãi không bao giờ quên.

Đề 12 : Kể một câu chuyện có nội dung nói về công cha nghĩa mẹ như câu ca dao :

Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy va.

Bài làm

Tuổi thơ – hai tiếng ấy thật là thiêng liêng, có lẽ bởi vì thế mà ai cũng nâng niu, gìn giữ trong trái tim mình. Đó là những hoài niệm đẹp khó phai mờ : Đêm trăng nghe bà kể cổ tích, buổi chiều thả diều trên con đê… Và với tôi cũng vậy, kỉ niệm về mùa thu năm ấy với hình ảnh người chạ cứ sáng mãi, cứ dội về mỗi khi nhớ lại, mỗi khi bâng khuâng…

Chả là nhà tôi cách thành phố nơi tôi học hơn năm cây số. Ngày ngày, cha tôi chở tôi đi học trên chiếc xe đạp cọc cà cọc cạch mà cả nhà tôi vẫn gọi đùa là “con chiến mã”. Vào những ngày hè oi ả, nắng như đổ lửa, cha vẫn cặm cụi lai tôi. Mỗi giọt mồ hôi âm thầm thấm ướt vai áọ cha là một niềm tin, ước mong tốt đẹp của cha về tôi. Những ngày đông rét cắt da cắt thịt, chống chọi với mưa gió, cha vẫn chở tôi trên con đường quen thuộc.

Mùa thu năm ấy, một mùa thu tôi không thể nào quên. Đó là những ngày lụt lội. Tôi còn nhớ rất rõ. Nước ngập hơn nửa bánh xe. Mưa, gió gào rít dữ dội. Cha tôi hôm ấy hơi mệt vì tối qua bị mắc mưa. Nếu nghỉ mất một buổi học thì hơi tiếc vì toàn là môn khó. Nhưng nhìn cha với dáng vẻ mệt mỏi, rồi nhìn ra ngoài trời… mưa gió…, tôi lại tự an ủi : “Thôi, mai mình mượn vở của bạn cũng được. Nhưng nếu mai cũng…”.

– Thuý ơi ! – Tiếng gọi của cha cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

– Dạ ! – Tôi vừa trả lời, vừa chạy vào.

– Con lấy cặp đeo vào, mặc áo mưa rồi dắt xe ra, cha sẽ chở con đi.

– Nhưng mà cha…

– Không sao đâu, cha chỉ hơi mệt thôi mà. Lẹ lên con !

– Vâng ạ !

Vậy là tôi lại cùng cha đến trường, trên con “ngựa sắt đã về già”. Gió ngoài này thật mạnh, cha con tôi lại đi ngược chiều. Cha còng lưng, đạp mạnh lên. Bàn tay của cha giữ chặt ghi đông. Tôi có cảm giác đôi bàn tay vững chãi đó đang hơi run run. Cha như đang dồn tất cả sức vào đôi chân, gồng cả người lên. Tôi biết là cha đang rất cố gắng. Đã có lúc tôi tưởng như một cơn gió mạnh thổi qua nữa thì sẽ hất tung cả con ngựa sắt này đi mất. Ngồi sau xe, tôi cứ mong sao cho mưa hãy giảm, gió hãy ngừng rít đi. Bỗng “rắc”. Hình như chú ngựa sắt cũng đã kiệt sức rồi thì phải. Tôi lo lắng. Cha tôi vội xuống xe, rồi lắc đầu :

– Phải dắt bộ thôi con ạ !

Tôi chần chừ:

– Hay là… Hay là ta quay về nhà, cha ?

– Ta đi đã hơn nửa đoạn đường rồi, quay về làm gì nữa, đi tiếp  thôi. Con cứ ngồi yên nhé.

Cha tôi bì bõm lội nước đẩy xe đi. Mưa gió không thuyên giảm mà dường như còn mạnh hơn. Cha vẫn cố gắng, cố gắng từng bước. Tôi biết là cha mệt mỏi. Quần áo cha ướt sũng. Nước mưa chảy ròng ròng trên gương mặt cha… Cuối cùng, ngôi trường của tôi đã hiện ra. Tôi vào học không bị chậm và cũng cảm thấy chưa có buổi học nào ý nghĩa như vậy.

Đến chiều thì nước rút. Nhưng buổi tối hôm ấy cha tôi bị cảm lạnh, nằm li bì suốt mấy tiếng đồng hồ. Bón từng thìa cháo cho cha, tôi thấy mắt mình cứ cay cay, chực vỡ oà ra mất. Tôi thỏ thẻ :

– Cha ơi ! Vì con mà cha bị cảm ! Con xin lỗi cha !

– Không sao đâu con gái ạ ! Cha chịu khổ đã quen rồi. Chỉ cốt sao con cố gắng học hành cho giỏi giang…

– Vâng… – Tôi không thể nói tiếp thêm một lời nào nữa. Cũng may lúc đó, mẹ tôi từ dưới bếp đi lên, bảo tôi ra học bài để cha nằm nghỉ cho đỡ mệt.

Hôm sau cha tôi đỡ hẳn. Những buổi học tiếp theo, cha vẫn chở tôi đi trên chiếc “chiến mã” ấy. Năm đó, tôi đã đoạt giải Nhì học sinh giỏi tỉnh. Đây là kết quả của câ một quá trình cố gắng ở tôi. Và có lẽ một phần nhiều còn là do tình thương mà cha mẹ đã dành cho tôi. Lúc nhận phần thưởng, tôi bắt gặp ánh mắt và nụ cười rạng rỡ của cha. Tôi thầm cảm ơn người cha kính mến.

Thế đấy các bạn ạ. Đó là một kỉ niệm sâu sắc mà bây giờ hay cho mãi về sau tôi cũng không thể nào quên được. Nó trở thành một sợi dây vô hình neo giữ những kí ức tuổi thơ, neo giữ những tình cảm thiêng liêng để tôi luôn tự nhắc với lòng mình rằng : Phải sống tốt hơn ! Sống tốt hơn nữa !

(Đặng Thị Thuý, Trường THCS Đặng Thai Mai, Thành phố Vinh)

Đề 17 :

Có một ngọn núi uy nghi, điềm tĩnh, từ bao đời đứng đó. Và dưới chân núi, một dòng suối nhỏ ngày đêm chảy róc rách, đi du lịch khắp mọi miền nên kiêu căng, hợm hĩnh. Hấy tưởng tượng và kể một câu chuyện về hai nhân vật này.

Bài làm

Mùa xuân, trăm hoa đua nở, chim hót líu lo, cảnh vật tràn trề một sức sống mới. Một ngọn núi sừng sững, uy nghi đứng đó từ bao đời nay. Dưới chân núi, dòng suối róc rách chảy đêm ngày. Nó tung tăng khắp mọi nơi và cất vang tiếng hát. Bỗng một hôm, dòng suối cất giong hỏi ngọn núi :

– Bác Núi ơi ! Bác đang làm gì thế ? Sao lúc nào cũng trầm ngâm, tư lự ? Hay bác đang có chuyện nghĩ ngợi buồn phiền ?

– Cô Suối đấy à – ngọn núi Ồm Ồm trả lời. – Tôi có buồn đâu. Tôi đang làm việc đấy thôi. Công việc của tôi là tích trữ chất màu mỡ để nuôi cho cây cối xanh tươi.

– Chao ôi ! Bác si… êng quá nhỉ ! – Dòng suối bĩu môi, kéo dài giọng. – Lúc nào bác cũng chỉ nghĩ đến công việc thôi ư ? Suốt đời chôn chân tại chỗ mà bác chẳng buồn à ? Chả bù cho tôi, suốt ngày suốt đêm được rong chơi thoả thích. Nào là giỡn với nhũng tia nắng vàng. Nào là đùa cùng với ánh trăng bạc. Tôi còn đi đến tận sông dài biển rộng để được thấy, được nghe baò điều thú vị. Chao ôi ! Thích ơi là thích ! Là la… Là la…

Nghe dòng suối huênh hoang, ngọn núi chỉ mỉm cười :

– Rong chơi đây đó thì cũng thích thật. Nhưng chơi mãi mà không thấy chán sao hả cô Suối ?

– Chán ư ? Bác nói buồn cười quá nhỉ ! Làm sao mà có thể chán được cơ chứ ? Đúng là suy nghĩ thiển cận của một kẻ cổ hủ, già cỗi, suốt đời chẳng được đi đến đâu.

– Đừng vội kiêu căng cô Suối ạ – ngọn núi vẫn ôn tồn – quả là tôi không được đi đến đâu nhưng tôi vẫn cảm thấy cuộc đời mình rất hạnh phúc. Cô hãy nhìn những cây xanh trên mình tôi đây. Bao nhiêu năm trời, tôi đã tiếp sức để chúng trưởng thành. Và bây giờ, nhờ màu xanh của cây cối mà tôi luôn giữ được mực nước trong khe lúc nào cũng đủ cung cấp cho cô đấy.

Dòng suối chẳng thèm nghe ngọn núi nói hết câu. Nó vênh mặt lên, ngúng nguẩy bỏ đi. Thiên nhiên tươi đẹp đang chờ đón nó trước mắt với bao niềm thích thú, say mê.

Rồi mùa xuân qua đi, mùa hè lại tới. Chưa bao giờ hạn hán lại kéo dài đến thế. Mặt trời chói chang như quả cầu lửa hun nóng tất thảy mọi vật và cây cối rũ xuống. Hoa không còn nở, chim chẳng còn hót. Dòng suối cảm thấy mệt mỏi chẳng còn đủ sức mà rong chơi nữa. Một ngày kia, nó hốt hoảng nhận ra rằng mình đang ngày một cạn kiệt đi. Nó ngước nhìn lên ngọn núi sừng sững. Một màu xanh- vẫn phủ kín, trông mới tràn trề sức sống làm sao. Dòng suối chợt nép mình vào chân núi và cảm thấy mình thật .bé nhỏ. Thật bé nhỏ !

(Đặng Thị Thuý, Trường THCS Đặng Thai Mai, Thành phố Vinh)

Đề 20 : Lời tâm sự của một bức tường loang lổ những vết xước và những hình vẽ. Bài làm

Một buổi sáng, tôi đến trường sớm hơn mọi ngày để làm trực nhật. Đang từ từ đưa những nhát chổi nơi hành lang, tôi chợt nghe thấy tiếng rền rĩ : “Ái ! Đau quá ! Sao tôi lại khổ thế này ?”. Tôi bước về phía có tiếng rên ấy và sững người lại : Trước mắt tôi, bức tường hành lang loang lổ những vết xước và những hình vẽ. Chắc đây là trò đùa của mấy cậu học sinh lóp 6E đây mà. Lớp này luôn đứng bét trường vĩ mấy vị tướng này.

Tiếng bức tường lại rền rĩ : “Cô bé ơi ! Người tôi toàn những vết thương. Đau đớn quá ! Đã báo năm nay, tôi góp sức mình đem lại vẻ đẹp cho trường cho lớp. Vậy mà có những cậu học sinh ngỗ ngược đã không biết ơn tôi, lại còn hành hạ tôi ra nông nỗi này đây. Cô còn nhớ không, hồi đầu năm học, các bác thợ nề đã trang hoàng cho tôi một bộ áo khoác trắng tinh. Tôi sung sướng vì đã làm đẹp thêm cho trường và mang lại niềm vui cho các cô cậu khi bước vào năm học mới. Ở nơi đây, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò. Vậy mà… Những gì diễn ra trong buổi chiều )hôm qua thật là khủng khiếp. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn chưa hết bàng hoàng.

Chiều hôm qua, khi trống trường đã tan, một nhóm học trò vẫn còn nán lại. Họ thì thầm với nhau điều gì đó rồi cả lũ kéo đi. Một lúc sau họ quay lại, mặt cậu nào cậu nấy đỏ phừng phừng. Quần áo thì lấm lem bụi đất. Hình như họ vừa đá bóng thua thì phải. Tiếng cãi nhau ỏm tỏi. Tiếng gắt gỏng om sòm. Bỗng “huỵch”… Cậu Dũng “béo” thượng cả đôi giày bẩn thỉu, dính đầy bùn đất đá phốc vào người tôi khiến tôi choáng cả người. Chưa kịp định thần lại thì thêm một cú trời giáng nữa. Tôi tối tăm cả mặt mũi. Ôi ! Cái áo trắng tinh của tôi ! Một vài vết xước đã hằn trên thân thể tôi.                                                                          *

Thế vẫn chưa đủ. Cậu Hùng “gấu” lại thẳng tay cầm nửa viên gạch ném vào người tồi đánh “chát”. Một mảng tường vỡ ra, rơi xuống. Tôi đau đớn, ê ẩm toàn thân. Hình như các cậu học trò này trút hết cả bực tức lên mình tôi. Những viên gạch vỡ rào rào. Rồi những hình thù kì dị được vẽ lên mình tôi. Nào là mặt quỷ. Nào là mặt siêu nhân. Khắc rồi xoá. Xoá rồi lại khắc. Vôi vữa rơi lả tả. Nghe những tiếng cười khoái trá của những cậu học trò mà tôi đau đớn quá”.

Lắng nghe lời tâm sự của bức tường, tôi cảm thấy những cậu học trò ấy thật đáng trách. Tôi cúi xuống thu gom những mẩu gạch vỡ và vụn vôi, dọn lại bãi chiến trường. Ngay chiều hôm ấy, bác bảo vệ trường cùng với nhóm học sinh nghịch ngợm chiều qua đã đưa vôi vữa đến, sửa sang lại bức tường. Những vết xước, những hình vẽ đã được xoá.đi. Bức tường lại khoác chiếc áo choàng màu trắng. Nhưng câu chuyện đáng buồn ấy thì có thể sẽ không bao giờ mờ phai trong tâm trí của nó. Và cả của tôi nữa.

(Đặng Thị Thuý, Trường THCS Đặng Thái Mai, Thành phố Vinh)

Đề 27 : Sẻ Mẹ thường dạy các con của mình : “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Nhưng có một chú sẻ Con bướng bỉnh không biết nghe lời, khi tập bay đã phải vấp nhiều thất bại mới hiểu hết lời khuyên của mẹ. Câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào ? Hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện ấy.

Bài làm

Hoan hô ! Hoan hô ! sẻ Em giỏi quá !

Cả khu rừng xôn xao những tiếng reo vui. Việc sẻ Em biết bay đã trở thành một sự kiện thật quan trọng. Từ chị Sóc nâu cho đến bác Nhím già, ai cũng có lời chúc mừng khiến sẻ Em cảm động ứa nước mắt.

Nhưng để có được niềm vui ngày hôm nay, đâu phải điều đơn giản. Nghĩ lại chuyện cũ, sẻ Em cứ xấu hổ mãi.

Gia đình nhà sẻ sống trong khu rừng này từ bao giờ, sẻ Em không biết nữa. Từ khi ra đời, sẻ Em đã thấy mọi người thật gần gũi và thân thiết với mình, sẻ Mẹ chăm sóc các con rất chu đáo. Anh em sẻ chẳng thiếu thứ gì. Hôm thì những hạt thóc vàng ươm. Hôm thì nắm kê béo ngậy. Có hôm lại là chú cào cào… Khi anh em nhà sẻ đã cứng cáp, mẹ dành thời gian dạy chúng tập bay. Bao giờ mẹ cũng nhắc đi nhắc lại cái câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”, sẻ Em nghĩ bụng : “Họ nhà chim thì ai mà chẳng biết bay. Cứ có cánh là bay được tất, cần gì phải tập !”.

Nghĩ thế nào thì làm thế đó, những buổi tập bay, mặc cho mẹ dỗ dành thế nào, Sẻ Em cũng tìm cớ để trốn tránh. Nào là đau bụng. Nào là nhức đầu. Rồi lại đau cánh nữa chứ. sẻ Anh thì ngược lại, luôn luôn nghe lời mẹ, cần mẫn tập bay. Hài lòng về Sẻ Anh bao nhiêu, mẹ lại buồn vì sẻ Em bấy nhiêu. Nhưng sẻ Em đâu có bận tâm. Chiều con, sẻ Mẹ cũng không ép.

Thời gian trôi qua. sẻ Anh đã bay thành thạo, theo mẹ kiếm mồi. sẻ Em cử nằm trong tổ, đợi mẹ. Nhưng nằm mãi rồi cũng chán. Nghe anh kể những chuyện lí thú ở bên ngoài, sẻ Em cũng thấy thèm. “Phải bay ra ngoài thôi”, sẻ Em nghĩ bụng. Một buổi sáng nọ, đợi mẹ và anh bay đi kiếm mồi, sẻ Em lần ra cửa tổ.

Cả một thế giới mới lạ mở ra trước mắt chú. Này là chị Sóc nâu chuyền cành nhanh thoăn thoắt. Này là mẹ con nhà bác Nhím già xù lông tua tủa trông thật buồn cười, sẻ Em muốn được ra khỏi tổ. Phải bay mới được. Nhưng bay như thế nào, Sẻ Em đâu biết. Có lẽ chỉ xoè cánh ra là được chứ gì ! Dễ quá ! sẻ Em đến sát mép tổ, xoè cánh ra, ngỡ là mình sẽ được vi vu giữa bầu trời cao rộng kia. Nào ! Bắt đầu nhé ! sẻ Em nhắc chân ra khỏi tổ. Chưa kịp định thần thì đã rơi bệt xuống đất. “Ôi đau quá ! Đau quá !”. sẻ Em rên rỉ. Bác Nhím và chị Sóc vội vã chạy tới. Sẻ Em đã bị gãy một bên cánh. Khi về tổ, biết chuyện, sẻ Mẹ cuống quýt lên. Thương sẻ Em quá, sẻ Mẹ cứ khóc mãi.

Chỉ sau một tuần, vết thương của sẻ Em đã lành lặn. sẻ Mẹ quyết định tập cho Sẻ Em bay. Lúc này thì sẻ Em mới thấy rằng để bay được đâu phải dễ. Một hôm. Hai hôm. Chỉ mỗi động tác dang cánh để giữ thăng bằng thôi mà sao khó thế. Người Sẻ cứ đau ê ẩm. Thấy sẻ Em nản chí, sẻ Mẹ lại động viên : “Có công mài sắt có ngày nên kim con ạ !”. sẻ Em không thể kiên trì được, cứ chực bay ngay. Nhiều hôm ngã đau điếng.

Một tháng trôi qua. sẻ Em quen dần với bài tập luyện của mẹ. Chú không còn thấy chán nản nữa. Thú nhất là lúc nâng mình lên, bay bổng trên không trung, hay được nhảy chuyền từ cành này sang cành khác, sẻ Mẹ luôn miệng nhắc : “Cẩn thận nhé con ! Khéo ngã đấv !”. Giờ thì sẻ Em thấy lời khuyên của mẹ bao giờ cũng đúng. Chú ngoan ngoãn vâng lời.

Hôm này, lần đầu tiên sẻ Em được theo mẹ và anh đi kiếm mồi. Có nghĩa là được bay xa, ra khỏi cánh rừng này. Chú vui quá. Cứ háo hức mãi. Nhìn đôi cánh non nớt của sẻ Em vẫy vẫy, và bóng chú vút lên không trung, sẻ Mẹ mừng rơi nước mắt. Còn cả khu rừng thì xôn xao : “Hoan hô sẻ Em ! Hoan hô sẻ Em !”.

Sẻ Em nghiêng cánh chào tất cả mọi người. Phía trước kia, bao điều lí thú đang chờ đợi chú.

Bay lên ! Bay lên nào !

Đề 28 : Cho hai nhân vật là một Giọt Nước Mưa Đọng Trên Lá Non và một Vũng Nước Đục Ngầu Trong Vườn. Hãy hình dung cuộc trò chuyện lí thú giữa hai nhân vật và kể lại.      .

Bài làm

Sau một đêm mưa rào, bầu trời quang đãng hẳn. Bình minh lên ! Một bình minh thật trong trẻo. Đâu đó trong không gian vẫn còn đọng chút hương vị của trận mưa đêm. Mặt trời lên cao dần. Những tia nắng vàng tươi làm cảnh vật thêm bừng sáng. Cây cối trong khu vườn xôn xao. Chúng hớn hở phô ra bộ cánh màu xanh rờn lấp lánh những giọt mưa còn đọng lại.

Có một Giọt Nước Mưa đậu trên cánh đoá hồng nhung non tơ. Nó vừa được tia nắng sớm thức dậy; ngái ngủ vươn mình ngắm nhìn xung quanh. Rồi nó nhìn lại mình, sung sướng nghĩ bụng : “Chà ! Mình đẹp quá. Có lẽ muôn vật trong khu vựờn này đều đang chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiều diễm của mình !”.

Quả là Giọt Nước Mưa đẹp thật. Nó khoác bộ cánh trong veo, lóng lánh muôn màu sắc. Đó là bộ cánh được dệt bằng làn nước và những tia nắng mặt trời, sắc xanh của chiếc lá non càng tô điểm thêm cho vẻ đẹp của nó. Giọt Nước Mưa nhún nhảy khoe mình. Nó nghĩ rằng chắc mọi người đang ngắm nó với những ánh mắt vừa ghen tị, vừa khâm phục.

Chợt Giọt Nước Mưa nhìn xuống. Nó trông thấy một vũng nước đục ngầu ngay dưới gốc cây hoa hồng. Trận mưa đêm qua lớn quá. Nước còn đọng từng vũng, chựa kịp ngấm hết. Giọt Nước Mưa kêu lên :

– Eo ôi ! Bác Vũng Nước ơi ! Sao mà bác bẩn thế ! Sao mà bác xấu xí thế ! Quần áo đẹp của bác đâu rồi ?

– Giot Nước Mưa đấy à ! – Vũng Nước ôn tồn đáp lai. – Bác làm gì có quần áo đẹp ! Mà nếu có thì bác cũng chẳng đủ thời giờ để mặc mà ngắm nghía nữa, cô bé ạ !

– Nhưng trông bác xấu lắm. Bộ quần áo bẩn thỉu, phát khiếp lên được. Bác hãy nhìn tôi đây này ! Tôi mới lộng lẫy làm sao !

– Cô bé ạ, quần áo đẹp hay xấu thì quan trọng gì ! Vấn để là làm sao để có ích cho đời chứ ! – Vũng Nước vẫn ôn tồn.

– Có ích ư ? Bác hãy xem mọi người đang thán phục nhìn tôi kia kìa ! Với bộ váy rực rỡ này, tôi đã góp phần làm đẹp cho khu vườn đấy thôi. Còn bác, bác xấu xí thế thì phỏng có ích gì ?

– Cháu đừng vội kiêu căng như vậy, cô bé ạ ! Bác đang phải tiếp nước cho đất mẹ để giữ độ ẩm cho khu vườn này. Nhờ thế mà cây cối xanh tươi quanh năm đấy. Quần áo bác đẹp hay xấu gì thì đâu có quan trọng. Chỉ lát nữa thôi, bác đã phải hoà tan vào lòng đất rồi.

Chẳng đợi Vũng Nước nói hết câu, Giọt Nước Mưa đã ngúng nguẩy quay đi. Nó uốn éo, nhảy nhót trên cành lá non tơ. “Mình đẹp quá đi mất” ! Nắng càng rực rỡ thì bộ váy của nó càng lóng lánh. Gió ban mai còn đưa đẩy chiếc lá, khiến cho nó càng thấy mình lộng lẫy hơn.

Mặt trời lên cao. Giọt Nước Mưa cảm thấy hình như mình đang bị thu nhỏ lại. Nó không còn đủ sức để nhún nhảy nữa. Nó khô dần. Khô dần, rồi tan biến. 

Trong khi đó, Vũng Nước đọng vẫn cần mẫn thấm dần, thấm dần vào lòng đất. Vị nước mát lạnh, ngọt ngào tiếp sức cho từng chiếc rễ của cây hoa hồng. Cành lá rung rinh, rung rinh trong gió như muốn nói : “Cảm ơn bác Vũng Nước ! Cảm ơn bác Vũng Nước !”.

Tải xuống

Xem thêm: Đặc điểm của văn miêu tả – Bài tập nâng cao Ngữ Văn 6 (phần 3) tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận