Hệ thống kiến thức chuyên đề thơ Đường – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

THƠ ĐƯỜNG

I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỀ

          1. Tìm hiểu về thơ Đường

          Thơ Đường là khái niệm dùng để chỉ toàn bộ sáng tác thơ trong thời nhà Đường – Trung Quốc (618 – 907). Trong đời Đường, văn học – nghệ thuật rất phát triển : văn xuôi, tiểu thuyết truyền kì, biền văn,… nhưng thành tựu nổi bật nhất là thơ ca với gần 5 vạn bài thơ và trên 2300 tác giả. Những tên tuổi như Lí Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Vương Duy… đã làm rạng danh cho nền thơ ca cổ điển Trung Quốc.

          Sở dĩ thơ Đường có sự phát triển đặc biệt mạnh mẽ là do đất nước Trung Quốc thống nhất sau nhiều năm chiến tranh tạo nên cảm hứng sáng tạo cho người nghệ sĩ ; chế độ khoa cử thi chọn nhân tài bằng văn chương, “thơ ca ; nhà Đường có chính sách tự do tôn giáo, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, tạo điều kiện cho văn học trong đó có thơ ca phát triển…

          2. Về nội dung

          Thơ Đường chan chứa tính nhân văn, đầy ắp tình người, tình đời, nỗi đau, nỗi hận… Thơ Đường phản ánh số phận “thập loại chúng sinh” trên khắp đất nước Trung Hoa thời phong kiến nhà Đường. Đồng thời, trong từng câu thơ còn thấm đượm những nghĩ suy và triết lí thâm thuý của con người trước thời cuộc thăng trầm, những rung động sâu lắng của trái tim đối với thiên nhiên, tình yêu, tình bạn và với những cảnh thống khổ trên đời.

          Đề tài trong thơ Đường có những nội dung rất đa dạng và phong phú… Có rất nhiều hình thức diễn đạt phóng khoáng từ những đề tài về an nhàn ẩn dật, vui thú điền viên, tả cảnh thiên nhiên, đến những bài thơ nói về cung đình, biên tái, chiến chinh, những đề tài liên quan đến xã hội, cảnh nghèo đói áp bức, nỗi bất công của phụ nữ, những bài thơ tâm tình, tình bè bạn, thiên nhiên, đến tình yêu nam nữ, rồi những đề tài vịnh sử, hoặc những bài thơ mang hương vị Thiền, đạo giáo.

          Thơ Đường chia ra thành 3 giai đoạn : Sơ – Thịnh – Vãn. Ở mỗi giai đoạn có các nhà thơ với phong cách nghệ thuật khác nhau, thể hiện tư tưởng chủ đề cũng khác nhau, trong đó quan trọng nhất và đạt thành tựu lớn nhất là thời Thịnh Đường, với các nhà thơ tiêu biểu : Lí Bạch, Vương Duy, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị.

          Lí Bạch với phong cách hào phóng đại diện cho dòng thơ trữ tình lãng mạn, bay bổng tự nhiên, đôi khi siêu thoát ra ngoài thực tế. Ông mang tư tưởng phóng khoáng của Đạo giáo và tinh thần du hiệp của người hiệp sĩ, yêu cái đẹp thiên nhiên, mĩ nữ (Thái liên khúc). Thơ của ông cũng mang tinh thần nhập thế của đạo Nho, giúp vua, giúp nước, vì dân nhưng ông sớm gặp hiện thực trớ trêu của xã hội phong kiến nên chán nản, phê phán vương quyền. Ông cũng có nhiều bài thơ phê phán cảnh chiến tranh, chết chóc và cuộc sống khốn cùng của người dân (Chiến thành nam)…

          Bài thơ Xa ngắm thác núi Lư tiêu biểu cho phong cách lãng mạn của thơ Lí Bạch, với hình ảnh kì vĩ, trí tưởng tượng, liên tưởng tự do phóng khoáng. Sự thật đây chỉ là một dòng thác vậy mà tác giả tưởng tượng như là dòng sông Ngân Hà. Mà dòng Ngân Hà vốn nằm ngang vắt qua bầu trời còn dòng thác lại đổ theo chiều thẳng đứng. So sánh và liên tưởng có phần vô lí nhưng đặt trong văn cảnh, trong mạch cảm xúc thì lại chân thực, tự nhiên vì sự xuất hiện của dải Ngân Hà ở cuối bài đã được chuẩn bị ở 2 câu đầu. Câu thơ cuối được coi là danh cú (câu thơ hay nổi tiếng) vì nó đã kết hợp tài tình giữa cái chân và cái ảo, cái hình và cái thần, tả được cảm giác kì diệu do hình ảnh gợi lên trong tâm hồn tác giả. Hình ảnh thơ dựng lên cảnh tượng thiên nhiên tráng lệ, huyền ảo, thể hiện tình yêu thiên nhiên say đắm. Ngôn ngữ thơ cô đọng, giàu cảm xúc, trí tưởng tượng bay bổng, cảm xúc đắm say, mãnh liệt.

          Nếu bài Xa ngắm thác núi Lư dựng lên cảnh thiên nhiên với thác núi hùng vĩ thì bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh lại đưa người đọc đến với cảnh đêm khuya tĩnh mịch, chỉ có nhà thơ ngập tràn tâm trạng nhớ quê cũ. Bài thơ vẫn tiếp tục mạch cảm hứng lãng mạn với nghệ thuật đối rất tinh tế : đầu giường – ngoài sân ; hành động : ngẩng đầu – cúi đầu, cảnh vật : sương và trăng… Hai hành động của nhà thơ như đồng thời một lúc : ngẩng đầu/ cúi đầu. Nhà thơ đang ngắm nhìn ánh trăng trên bầu trời đêm thì chợt nhớ quê hương. Hành động cúi đầu mang nặng tâm tư, tình cảm, sự suy tư đầy xúc cảm trước cảnh vật và nỗi nhớ nhung. Vầng trăng có ý nghĩa gợi tả cảm xúc. Bài thơ cho thấy một tâm hồn thi sĩ Lí Bạch nhạy cảm, tinh tế trước cảnh vật nhưng cũng hết sức sâu lắng, nặng lòng gắn bó với quê hương.

          Đỗ Phủ đại diện cho dòng thơ hiện thực trữ tình, mang những tư tưởng Khổng Mạnh của một kẻ sĩ đứng đắn nhận thức được trách nhiệm đối với vua, nước và dân. Hơn nữa bản thân Đỗ Phủ cũng sống trong cảnh cơ hàn nghèo khó. Thời kỳ thi ca của Đỗ Phủ cũng là giai đoạn cảnh thái bình thịnh trị trôi qua, khi Đường Minh Hoàng say mê nhan sắc Dương Quý Phi, bỏ bê công việc triều chính và chiến tranh nhiễu nhương xảy ra, và chính Đỗ Phủ đã dùng ngọn bút tài ba của mình để miêu tả những hoàn cảnh xã hội tang thương trong giai đoạn này. Lúc đầu ông hăm hở công danh, quan trường bao nhiêu thì về sau lại chán chường bấy nhiêu. Mảng thơ có giá trị nhất của Đỗ Phủ là những bài thơ tố cáo giai cấp thống trị, phản ánh sâu sắc và chân thực đời sống của nhân dân. Ong cũng là tác giả tiêu biểu cho những vần thơ phản chiến (Binh xa hành, Tiền xuất tái...). Đặc biệt, sau khi từ quan, trở về cuộc sống đời thường, sống những tháng ngày nghèo khổ, Đỗ Phủ càng ‘thấm thía cuộc sống người dân, ông đã có sự chuyển biến lớn trong tư tưởng và sáng tác, làm nên những vần thơ giàu giá trị hiện thực và nhân đạo.

          Bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá đã bộc lộ tâm trạng buồn, uất ức, bất lực của nhà thơ Đỗ Phủ. Tác giả không chỉ đơn thuần là miêu tả nỗi khổ của bản thân mà còn thông qua sự miêu tả đó để biểu hiện nỗi thống khổ của tất cả kẻ sĩ nghèo trong thiên hạ. Bài thơ có giá trị hiện thực cao cả và luôn là sự kích động trong tâm khảm độc giả về yêu cầu khẩn thiết phải thay đổi hiện thực đen tối. Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực vĩ đại. Ông đã phanh phui những mặt xấu của xã hội đương thời. Tuy nhiên trong nhiều bài thơ hiện thực rất nổi tiếng, ông cũng thổ lộ những ước mơ cao cả mà ngày nay nhân loại và nhân dân trên đất nước ông cũng mới làm cho nó trở thành một phần hiện thực. Chính bởi vậy, có người cho rằng Đỗ Phủ không chỉ là nhà thơ của thời đại mà còn là nhà tiên tri.

          Bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê là một tình huống đầy kịch tính. Cuối bài, tác giả bị gọi là “khách” khiến nhà thơ hụt hẫng, bâng khuâng khó tả. Nhưng đó lại chính là duyên cớ gợi cảm hứng cho thơ, mà đã là duyên cớ thì bao giờ cũng có tính chất ngẫu nhiên. Mở đầu bài thơ, tác giả đã khái quát một cách ngắn gọn quãng đời xa quê làm quan làm nổi bật sự thay đổi về vóc dáng, tuổi tác nhằm bộc lộ tình cảm đối với quê hương của nhà thơ. Giọng quê, nghĩa hẹp là giọng nói mang bản sắc riêng của một vùng quê, còn theo nghĩa rộng chính là chất quê, hồn quê biểu hiện qua giọng nói của con người. Giọng nói mang bản sắc quê, chất quê, hồn quê không thay đổi. Tác giả đã khẳng định qua thủ pháp đối lập : tuổi tác, sức khoẻ thay đổi nhưng tình quê không thay đổi, để nhấn mạnh tấm lòng chung thuỷ, gắn bó sâu nặng với quê hương, thể hiện nỗi buồn đó là nỗi buồn sâu xa về tuổi già, không cồn được gắn bó lâu dài với quê hương.

          Đó là chi tiết cảm động về tấm lòng tha thiết gắn bó với quê hương. Dòng sữa ngọt ngào, tiếng ru, tình thương của mẹ, công ơn mẹ cha đã thấm sâu vào tâm hồn những đứa con. Giọng quê chính là tâm hồn của những con người yêu thương, gắn bó với đất mẹ, quê cha.

          Tính độc đáo về nghệ thuật của hai câu thơ cuối ở chỗ : Tác giả đã dùng những hình ảnh, âm thanh vui tươi để thể hiện tình cảm ngậm ngùi. Trở về nơi chôn rau cắt rốn nhưng lại được xem như “khách” đến làng. Tình huống đặc biệt ấy đã tạo nên giọng điệu bi hài thấp thoáng ẩn sau những lời hồi tưởng của ông. Đằng sau tiếng cười, ở tận đáy lòng ông vẫn nhói lên nỗi buồn tủi về tình yêu, nỗi nhớ quê tích tụ, dồn nén trong trái tim nhà thơ đã hơn nửa thế kỉ mà đâu ngờ được đền đáp như thế. Đó chính là tình cảm quê hương thắm thiết, bền bỉ.

          3. Về nghệ thuật

          Thơ Đường có 3 thể : thơ bát cú (mỗi bài tám câu), thơ tuyệt cú (mỗi bài bốn câu) và thơ bài luật (dạng kéo dài), trong đó thơ bát cú (thất ngôn bát cú) được coi là dạng cơ bản nhất.

          Thơ Đường vẫn được coi là thơ luật vì niêm luật chặt chẽ. Đó là những quy định về bố cục, số câu, số từ, tạo nên cấu trúc hài hoà cân đối. Mỗi bài thơ thường gồm 4 phần : đề – thực – luận – kết (tương ứng với thơ tứ tuyệt là khai – thừa – chuyển – hợp). Câu đầu tiên là mở đề (mở ý bài thơ), câu thứ hai là phá đề (tiếp ý của mở đề), câu 3 và 4 là thực (giải thích rõ ý bài thơ), câu 5 và 6 mở rộng ý bài thơ, câu 7 và 8 kết thúc ý toàn bài.

          Trong từng bài quy định luật bằng – trắc như sau : Chữ thứ hai của dòng thứ nhất là vần bằng thì cả bài thơ thuộc loại vần bằng, chữ này là vần trắc thì bài thơ là vần trắc. Trong mỗi câu, các cặp bằng trắc lần lượt thay thế lẫn nhau ; các thanh bằng trắc ở các vị trí của câu lẻ và câu chẵn phải có thanh trái ngược nhau…

          Những quy định hết sức chặt chẽ đó phù hợp với hình thức thi cử trường quy để chọn nhân tài.

          Với nghệ thuật thơ ca, những niêm luật Đường thi tạo nên sự hài hoà, nhịp điệu, âm hưởng đặc biệt nhưng nhiều khi cũng khiến thơ Đường trở nên khuôn phép, khô cứng, vì thế nhiều nhà thơ tài năng trong một số sáng tác đã phá vỡ những quy tắc như vậy.

          Ngôn ngữ thơ Đường rất trong sáng, tinh luyện, giàu hình ảnh, lời ít, ý nhiều. Người ta thường ví mỗi chữ trong câu thơ Đường như một viên ngọc, không thể bớt. Các thi nhân đời Đường luôn chủ trương dụng lời ít nhất để nói những điều sâu sắc nhất, lớn lao nhất. Và, dù tả cảnh, tả tình hay tả sự việc, họ luôn lấy hai tiêu chuẩn ” hàm súc” và “giàu chất thơ” làm trọng.

          Các thủ pháp miêu tả dựa trên các mối quan hệ giữa các đối tượng, theo các dạng thức “vẽ mây nảy trăng”, dùng tĩnh tả động, dùng động tả tĩnh, tả cảnh ngụ tình, trong thơ có hoạ, trong thơ có nhạc… tạo nên cấu trúc đặc biệt của thơ Đường. Các thi nhân đều nhất thiết tuân thủ phương pháp sáng tác cơ bản và ưu việt là sự “lập tứ” : phải tìm bằng được cái “vấn đề” để viết! Do đó, thơ không chú trọng vào miêu tả mà là gợi mở, tìm ra các “ý tượng” của thơ. Tất cả những câu, những chữ của bài thơ đều được tổ chức để xoáy, vào cái tứ đó, miêu tả và phát triển nó đến tuyệt đỉnh. Do đó, thơ Đường có tính khắc họa rất cao và sống mãi với thời gian.

          Cho đến nay, những mặt ưu việt đó của nghệ thuật thơ Đường càng được nhiều nhà thơ trên thế giới (kể cả phương Đông và phương Tây) tán thưởng và coi là mẫu mực của thơ.

 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận