Giới thiệu về Nguyễn Trãi – Văn thuyết minh – Bài văn hay lớp 8

Đang tải...

Giới thiệu về Nguyễn Trãi

Bài làm

“Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu

Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng”.

    Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc, nhà thơ, nhà tư tưởng chính trị lớn của dân tộc. Người như một ngôi sao Khuê sáng rọi trong tâm hồn cũng như trái tim mỗi người dân Việt Nam.

     Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai. Ông sinh năm 1380 và mất ngày 19 tháng 9 năm 1442. Nguyễn Trãi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước nồng nàn. Lên năm tuổi, mẹ mất, Nguyễn Trãi sống trong tình yêu thương của ông ngoại và cha. Nhưng khi vừa tròn mười tuổi, ông ngoại cũng đột ngột qua đời, Nguyễn Trãi cùng cha về ở tại làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tuy tuổi thơ của Người là chuỗi những nỗi đau, những vết thương hằn sâu mãi nhưng Nguyễn Trãi vẫn vươn lên học hành chăm chỉ. Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh và cùng cha làm quan dưới triều nhà Hồ. Sau khi đất nước bị quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Năm 1407, cha ông bị giặc Minh bắt sang Trung Quốc. Trong cuộc khởi nghĩa, ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày mưu tính kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Ông là khai quốc công thần và là văn thần có uy tín ở thời đầu nhà Hậu Lê. Sự thật luôn phũ phàng, số phận không như mong muốn! Năm 1442, khi Nguyễn Trãi trở về giúp vua Lê Thái Tông việc nước thì gia đình ông bị tru di tam tộc trong vụ án oan Lệ Chi Viên. Ngày 19 tháng 9 năm 1442, Nguyễn Trãi đã vĩnh viễn đi xa. Cuộc đời đã đóng sập trước mắt con người tài hoa nhưng bạc mệnh. Sự ra đi của Người là nỗi xót thương của bao người dân Việt Nam thời ấy. Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi.

     Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hoá thế giới năm 1980. Ông đã viết Đại cáo bình Ngô – một áng “thiên cổ hùng văn” tổng kết cuộc kháng chiến chống quân Minh và cũng là bản tuyên ngôn độc lập của nhân dân ta. Ông đã soạn các tác phẩm Băng Hồ di sự lục, Dư địa chí (1435); Ức Trai thi tập gồm 105 bài thơ chữ Hán; Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ chữ Nôm. Nhưng tiêu biểu hơn cả là Quân trung từ mệnh tập gồm những bức thư gửi cho tướng nhà Minh. Nó là tập văn chiến đấu “có sức mạnh bằng mười vạn quân”. Với kiến thức tinh thông, lí lẽ thâm thuý, sắc sảo đã tạo nên sức mạnh phi thường từ ngòi bút của Nguyễn Trãi. Tác phẩm ấy là sự kết hợp hài hoà giữa cảm hứng chính trị và nghệ thuật dâng trào trong lòng đã khiến Nguyễn Trãi viết nên một tác phẩm chính luận tuyệt vời. Qua đó, chúng ta thấy được tình yêu quê hương đất nước, lo cho dân của Nguyễn Trãi, khát khao cuộc sống thái bình, mong muốn xã tắc bền vững. Điều quan trọng hơn đó là ta đã thấy được tư tưởng nhân nghĩa của Người.

      Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là một triết lí sâu sắc. Nhân nghĩa là thương dân, vì dân, đồng thời cũng thể hiện sự khoan dung độ lượng, là lí tưởng xây dựng đất nước thái bình. Tư tưởng nhan nghĩa của ông kế thừa quan điểm nhân nghĩa Nho giáo nhưng đã phát triển hơn, tạo nên dấu ấn trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.

      Không chỉ để lại những áng văn sâu sắc mà Nguyễn Trãi còn để lại những vần thơ tuyệt vời. Tế Hanh đã từng viết:

“Nhắc đến ông là thấy thơ

Như một nguồn thiêng chẳng bến bờ”.

      Thơ của ông gửi gắm niềm mơ ước mà ở đó tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân thấm nhuần, hoà quyện trong từng tác phẩm. Những tiếng thơ bất hủ, vang dội mà cũng không kém phần lắng đọng, tinh tế, bình dị như chính sự cảm nhận nhẹ nhàng của Nguyễn Trãi. Bao trùm thơ của ông là nguồn cảm hứng bắt nguồn từ tình yêu nước và lòng nhân đạo sâu sắc. Ông đã làm cho tiếng Việt trở thành ngôn ngữ văn học giàu và đẹp. Con người ông, thơ văn của ông là sự hội tụ vẻ đẹp của tinh hoa đất Việt.

      Nguyễn Trãi, tên của Người đã gắn liền với từng con đường, góc phố, những trường học như sự tưởng nhớ, sự trân trọng công ơn cao quý của Người đồng thời thể hiện niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam khi được sinh sống, làm việc và học tập ở nơi được đặt tên Người arứi hùng dân tộc, văn võ song toàn!

      Thời gian thấm thoắt trôi, dòng chảy của cuộc đời vẫn thế nhưng hình ảnh của Nguyễn Trãi và những gì Người để lại sẽ mãi sống trong lòng dân tộc. Tự hào biết mấy khi dân tộc Việt Nam ta có một người tài như Nguyễn Trãi. Cuộc đời, sự nghiệp của Người mãi mãi là tấm gương soi đường, chỉ lối để xây dựng non sông ngày một lớn mạnh, ngày một phát triển, sánh ngang với các cường quốc năm châu. Thời gian sẽ không bao giờ có thể làm phai mờ chân dung của Nguyễn Trãi trong tâm hồn và trái tim con người Việt Nam.

Nguyễn Cao Cường

(Trường THCS Lê Lợi)

>> Xem thêm Thuyết minh về một món ăn mà em yêu thích  tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận