Giới thiệu về chiếc nón Việt Nam – Văn thuyết minh – Bài văn hay lớp 8

Đang tải...

Giới thiệu về chiếc nón Việt Nam

Bài làm

      Chúng ta ai cũng biết, cùng với áo dài, váy lĩnh, yếm đào,… chiếc nón lá đã trở thành trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

      Họa sĩ Đặng Mậu Tiêu cho biết, lịch sử nón Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn, có những biến thiên, từ nón hình tròn, nón tròn dẹt (nón quai thao), đến nón hình chóp như hiện nay về mặt tạo hình, hình chóp tạo khối vững vàng trong không gian và tính thẩm mĩ cao. Nón có chiều sâu nên vừa che được nắng vừa tạo sự gọn gàng duyên dáng.

      Từ xa xưa, nón lá đã xuất hiện trong đời sống sinh hoạt của người Việt cổ. Chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh chiếc nón đầu tiên trên trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh, cách đây khoảng 2500 – 3000 năm.

Nón được làm từ nhiều loại lá khác nhau như lá cọ, lá hồi, lá hồ, lá du quy diệp.

       Trước đây có nhiều loại nón, có loại nón làm từ lá dứa, gọi là nón ngựa hay nón Gò Găng, sản xuất tại Bình Định, chuyên dùng đội khi cưỡi ngựa. Người miền Bắc có nón quai thao, dùng khi đi hội. Ở Huế có nón bài thơ. Lính tráng thời xưa hay đội một loại nón gọi là nón dấu. Ngoài ra còn phải kể đến nón rơm, làm từ cọng rơm ép cứng; nón khua, dùng cho người hầu các quan lại…

       Cùng với sự phát triển của lịch sử, nhiều loại nón không còn nữa. Hiện nay, chúng ta thường dùng nón đan hình chóp. Loại nón này có ở cả ba miền nhưng nơi sản xuất chính là Huế và làng Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Nón Huế trở thành biểu trưng cho vẻ đẹp dịu dàng, thanh mảnh, duyên dáng của người con gái Huế. Nghề làm nón ở Huế xuất hiện từ bao giờ? Ai là sư tổ nghề này?…

     Những câu hỏi ấy, ngay cả những bậc cao niên trong nghề cũng không thể trả lời được, nhưng có thể khẳng định, nón Huế xuất hiện từ rất lâu rồi. So với nón ở các vùng miền khác, nón Huế (hay còn gọi nón bài thơ) nhẹ tênh, từ đường kim mũi chỉ đến vành nón đều thanh tao, nhỏ mà sắc nét. Những vần thơ trên nón không được đề bằng mực mà được cắt ra từ giấy, khéo léo ẩn sau lớp lá xanh, phải đưa nón lên dưới ánh sáng mặt trời mới đọc được. Tâm tình của người Huế kín đáo như vậy đấy.

     Ở miền Bắc có một làng nghề nổi tiếng làm nón từ xưa đến nay, đó là làng Chuông thuộc Hà Nội. Những chiếc nón được làm ở đây gọi là nón Chuông. Nón làng Chuông bền và đẹp, một vẻ đẹp rất riêng không thể trộn lẫn với bất cứ nón ở nơi nào. Nón Chuông đã từng là vật để cung tiến hoàng hậu, công chúa, và cũng từng là kỉ vật của các cô gái khi lên xe hoa về nhà chồng. Ngày nay, nón làng Chuông có mặt ở khắp mọi nơi. Cũng như nón Huế, nón Chuông hiện cũng thành món quà kỉ niệm của các du khách quốc tế.

     Người Việt từ nông thôn đến thành thị đều dùng nón lá nhưng có mấy ai để ý nón có bao nhiêu vành, đường kính bao nhiêu cm? Nón lá tuy giản dị, rẻ tiền nhưng nghệ thuật làm nón rất công phu, cần sự khéo tay, tỉ mỉ. Lá lợp nón được mua từ vùng núi, vùng trung du. Lá tươi phải được vò trong cát, sau đó phơi nắng hay sấy trong lò cho lá khô, chuyển từ màu xanh sang màu trắng rồi hơ qua một lượt diêm sinh cho lá bền, không mốc.

      Vành nón được làm từ cật nứa vót nhẵn. Người thợ lấy khuôn nón, buộc các cật nứa đã vót thành vành nón từ lớn đến nhỏ. Một chiếc nón bao giờ cũng có 16 vành. Con số này là sự đúc kết kinh nghiệm qua nhiều năm và đến nay trở thành nguyên tắc. Sau khi buộc vành xong người ta xếp lá nón từ vành đầu tiên đến vành cuối cùng (chóp nón). Xếp đến đâu phải buộc dây gai lại đến đó cho lá khỏi xô lệch. Thường thì nón Huế có hai lớp lá, trong khi đó nón Chuông có ba lớp lá.
Cuối cùng, công đoạn quan trọng và khó nhất, thường do những người thợ giỏi đảm nhiệm, đó là khâu nón. Nón khâu không khéo, lá sẽ không phẳng, thậm chí còn bị rách hoặc phồng rộp. Khi khâu nón, các cô gái cũng không quên trang trí cho nón, đơn giản chỉ là dán vào mặt trong của nón những hình ảnh đẹp nhiều màu sắc, được in sẵn trên giấy. Tinh tế hơn, các cô dùng chỉ màu khâu giăng mắc ở hai điểm đối diện trong lòng nón để từ đó buộc dải lụa mềm làm quai nón.

      Các cô gái xưa chăm chút chiếc nón như một vật trang sức. Thỉnh thoảng, người ta gắn lên đỉnh lòng nón một mảnh gương nho nhỏ, chỉ cần nghiêng vành nón là các cô đã ngắm được dung nhan của mình.

      Nón dùng để che mưa, che nắng. Nó là người bạn thuỷ chung của người nông dân một nắng hai sương. Những khi làm đồng về, dừng chân ngồi nghỉ dưới gốc tre xanh, chiếc nón bỗng trở thành chiếc quạt xua đi bao nắng nóng nhọc nhằn. Bên giếng nước trong, chiếc nón trở thành chiếc cốc xua đi cơn khát cháy họng giữa trưa hè. Trong chiến tranh, khi tiễn người yêu ra trận, các cô gái đội nón trắng với quai màu tím thuỷ chung. Chỉ như vậy thôi đã hơn bao lời thề non hẹn biển, làm yên lòng người xa trận. Nón còn là cảm hứng bất tận cho thơ ca, nó mang niềm vui rạo rực “em đội nón bài thơ, đi đón ngày hội mở…hoặc nó gợi dáng mẹ tảo tần “nón lá nghiêng che” qua cầu tre nhỏ…

      Nón trở thành một trang phục truyền thống trên khắp mọi miền đất nước. Nón cũng là biểu tượng của quê hương đất nước. Nếu ở nơi nào đó trên thế giới, bạn nhìn thấy thấp thoáng chiếc nón trắng thì đó chính là tín hiệu Việt Nam.

Vũ Lê Mai

(Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng)

>> Xem thêm Giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam  tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận