Đề thi tuyển sinh văn vào lớp 10 tỉnh Lâm Đồng năm 2010-2011 Thời gian 150 phút

Đang tải...

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 CHUYÊN TỈNH LÂM ĐỔNG

Năm học 2010 – 2011

Thời gian: 150 phút

Câu 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói tới việc lấy tài liệu để viết như sau:

Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là:

1.Nghe: Lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết.

2.Hỏi: Hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi.

3.Thấy : Mình phải đi đến, xem xét mà thấy.

4.Xem: Xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài.

5.Ghi: Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng và viết.

                                                       (Hồ Chí Minh, Cách viết, trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)

Dựa theo ý kiến trên, em hãy viết một đoạn văn ngắn (từ 7 đến 10 câu) trình bày cách em sẽ thực hiện để làm tăng vốn từ của mình.

Câu 2.

Chiếc bóng trên vách là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong truyện Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Em hãy phân tích cái hay, cái đặc sắc của chi tiết đó.

Câu 3.

Tinh thần tự học là một trong những nhân tố quyết định kết quả học tập của mỗi người. Em hãy viết một văn bản nghị luận ngắn (không quá một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề này.

Câu 4.

Vẻ đẹp của tình mẫu tử trong bài thơ Mây và sóng của Ta-go.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Câu 1.

a.Yêu cầu về kĩ năng

-Cần trình bày dưới dạng một đoạn văn, tạo được sự liên kết câu; đúng thể thức, yêu cầu về cách viết đoạn văn.

-Diễn đạt rõ ý, có cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết cẩn thận, trình bày khoa học.

b.Yêu cầu về kiến thức

Có thể trình bày theo nhiều cách, song cần đảm bảo được một số ý chính sau:

-Chú ý quan sát, lắng nghe lời ăn tiếng nói hằng ngày của những người xung quanh và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

-Đọc sách, báo; nhất là đọc các tác phẩm văn học của những nhà văn lớn.

-Ghi chép vào sổ tay văn học những từ ngữ mới đã nghe được, đọc được. Gặp những từ ngữ khó phải tra cứu tự điển, hỏi thầy cô giáo,… để hiểu nghĩa từ và mỏ’ rộng vốn từ.

-Tập sử dụng những từ ngữ mới trong những hoàn cảnh giao tiếp thích hợp.

-Qua việc trau dồi vốn từ, thí sinh nêu cách sử dụng tiếng Việt trong thời hiện đại và việc giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt.

Câu 2.

Có thể phân tích cái hay, cái đặc sắc của chi tiết Chiếc bóng trên vách trong truyện Chuyện người con gái Nam Xương bằng nhiều cách, song cần đảm bảo được các ý sau:

-Chiếc bóng trên vách là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong truyện Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Nó là đầu mối của câu chuyện. Chiếc bóng lần đầu xuất hiện trong tác phẩm là bóng của Trương Sinh mà bé Đản gọi là cha nó, để rồi Trương Sinh hiểu ra sự thực “Thì ra, ngày thường, ở một mình, nàng hay đùa con, trỏ bóng mình mà bảo là cha Đản”. Giấu chi tiết này xuống phần mở nút, tác giả gây bất ngờ, bàng hoàng cho người đọc. Chiếc bóng ấy là vẻ đẹp tâm hồn, là cái tình của Vũ Nương vậy mà nó lại là con dao chia cắt, dẫn tới cái chết oan uổng của nàng.

Nỗi ân hận muộn màng của người chồng thiếu niềm tin và trách nhiệm không thể làm vơi nhẹ nỗi đau. Chỉ một chút nhỏ nhen, ích kỉ con người đã đẩy cuộc sống tới bi kịch thảm thương.

-Lấy cái bóng người để khái quát về bi kịch của con người. Cảm hứng phê phán và cảm hứng ngợi ca của tác giả kết tinh ở chi tiết này. Đây quả là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của truyện Chuyện người con gái Nam Xương.

Câu 3.

a.Yêu cầu về kĩ năng

+ Cần trình bày dưới dạng một văn bản nghị luận ngắn (không quá một trang giấy thi), tạo được sự liên kết câu, liên kết các đoạn văn.

+ Diễn đạt rõ ý, văn viết có cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết cẩn thận, trình bày khoa học,…                                                                                     

                                                                                   TC Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên – Môn NGỮ VĂN

b.Yêu cầu về kiến thức

Có thể trình bày theo nhiều cách, song cần đảm bảo được một số ý chính sau:

b1.Giải thích

-Học là gì?

Học là hoạt động thu nhận kiến thức và hình thành kĩ năng của một chủ thể học tập nào đó. Hoạt động học có thể diễn ra dưới hai hình thức: học dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo và tự học.

-Tinh thần tự học là gì ?

+ Có ý thức tự học, ý thức ấy dần dần trỏ’ thành một nhu cầu thường trực đối với chủ thể học tập, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để học tập một cách có hiệu quả.

+ Có phương pháp tự học phù hợp với trình độ của bản thân, các điều kiện vật chất cụ thể, hoàn cảnh sống cụ thể…

+ Luôn luôn khiêm tốn học hỏi bạn bè và những người khác.

b2. Chứng minh bằng một vài tấm gương tự học thành công ở bạn bè hoặc trong sách, báo.

b3. Khẳng định tinh thần tự học là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện nhân cách, góp phần bổ sung kiến thức và tạo nên sự thành đạt trong cuộc sống của con người.

b4. Có thể mở rộng: nêu thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cho việc tự học của học sinh hiện nay.

Câu 4.

a.Yêu cầu về kĩ năng

+ Bài làm có bố cục rõ ràng, trình bày dưới dạng một bài văn với đầy đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài; nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận về một tác phẩm thơ.

+ Lập luận chặt chẽ, văn viết có cảm xúc. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết cẩn thận.

b.Yêu cầu về kiến thức

Nêu bật được vẻ đẹp của tình mẫu tử trong bài thơ Mây và sóng của Ra-bin-đra-nat Ta-go, tập trung vào các ý sau:

+ Với tình thương ngọt ngào và lặng lẽ, Ta-go đã hóa thân trong em bé để nói hộ tấm lòng của những đứa con yêu mẹ. Bài thơ gồm hai phần, kể về hai cuộc đối thoại, hai trò chơi của em bé. Trong mỗi tình huống, em bé đều sáng tạo ra những trò chơi thật thông minh. Hai phần lặp lại về số dòng thơ, từ ngữ, cấu trúc, cách xây dựng hình ảnh nhưng có sự biến hóa và phát triển, tăng cấp qua hai tình huống thử thách khác nhau… thể hiện tình yêu thương mẹ của em bé trọn vẹn, sâu sắc và dâng trào mãnh liệt.

+ Bài thơ vẽ ra một khung cảnh thần tiên, trong đó em bé, đứa con cưng của tạo hóa đã tạo ra xung quanh mình cảnh tượng thiên nhiên lung linh, huyền diệu và cả tình yêu thương ấm áp, tràn trề. Em yêu thiên nhiên, có những ước mơ bay bổng, nhưng hơn hết là em yêu mẹ. Mẹ đối với em là tất cả vũ trụ, quí giá và hấp dẫn hơn tất cả mọi thứ. Còn lời ngợi ca nào hơn thế về tình mẫu tử?

+ Bài thơ như những đợt sóng tình cảm vỗ mãi không thôi, như lời ca hát mãi ngàn đời về tình mẫu tử thiêng liêng, cao quí. Bài ca chan chứa tình yêu thương ấy đẹp bởi rất mộng mơ, lãng mạn, bay bổng và cũng lấp lánh ánh sáng trí tuệ với sắc màu phương Đông thâm trầm, triết lí. Từ tình mẫu tử bài thơ gợi ra những suy ngẫm sâu xa: hạnh phúc không phải là điều gì xa xôi, bí ẩn do ai ban cho mà ở ngay trên trần thế, ở quanh ta, do chính con người tạo dựng; con người phải biết sống hòa hợp với thiên nhiên…

+ Bài thơ đẹp như cổ tích mà vẫn rất đời thường, rất dung dị mà ý nghĩa sâu xa. Đó là khúc nhạc của tâm hồn Ta-go, tiêu biểu đẹp đẽ cho tâm hồn nhân loại. “Tặng vật” vô giá này sẽ còn được giữ gìn cho muôn đời sau. Bài ca về tình mẫu tử ấy sẽ vĩnh hằng như “mây và sóng”.

XEM THÊM ĐỀ VĂN LỚP 10 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận