Đề thi tuyển sinh văn lớp 10 chuyên tỉnh Yên Bái Năm 2010-2011

Đang tải...

ĐỀ THI TUYỂN SINH VĂN LỚP 10 CHUYÊN TỈNH YÊN BÁI

Năm học 2010 – 2011

Thời gian: 150 phút

Câu 1.

NGƯỜI ĂN XIN

Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi ông tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.

Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông:

-Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì để cho ông cả.

Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười:

-Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.

Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận ra được một cái gì đó của ông.

(Theo Tuốc-ghê-nhép)

a.Chỉ ra sự giống và khác nhau về ý nghĩa của hai từ run run và run rẩy trong câu chuyện trên.

b. Viết một bài văn (khoảng 02 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của câu chuyện.

Câu 2.

“Từ cuối hạ sang đầu thu, đất trời có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Sự biến chuyển này đã được Hữu Thỉnh gợi lên bàng cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm trong bài Sang thu”.

                                                                                                 (Ngữ văn 9, tập hai, NXB. Giáo dục, 2005, tr.71)

Em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Câu 1.

1.Yêu cầu kĩ năng

-Đây là đề về nghị luận xã hội, vấn đề nghị luận tiềm ẩn trong một văn bản. Thí sinh cần phải hiểu văn bản và xác định văn phong phù hợp.

-Đề bài có yêu cầu thí sinh phân biệt hai từ run run và run rẩy, tuy nhiên, trọng tâm là bình luận ý nghĩa của câu chuyện. Vì thế, thí sinh cần có thái độ đúng đắn về đạo lí và lối sống.

-Trên Cơ sở hiểu đúng yêu cầu của đề, thí sinh cần biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu…

-Cần lưu ý tính sáng tạo, có cách tư duy, cảm nhận riêng song phải chân thực, sâu sắc; tránh khô cứng, giáo điều, hô khẩu hiệu.

2.Yêu cầu kiến thức

a.Phân biệt run run và run rẩy:

-Đây là hai từ láy có gốc run, tuy nhiên trong trường hợp này hai từ có ý nghĩa sắc thái riêng:

+ run run: vừa có giá trị tạo hình, vừa mang sắc thái biểu cảm (bàn tay thể hiện sự xúc động của nhân vật tôi).

+ run rẩy: có giá trị tạo hình (bàn tay yếu ớt của ông lão ăn xin)

b.Bàn luận:

*Câu chuyện đề cập đến một tình huống éo le:

-Người ăn xin đáng thương (già, môi tái nhợt, quần áo tả tơi…) xuất hiện nhưng nhân vật tôi không còn gì để cho dù đã lục hết các túi.

-Người ăn xin dù không nhận được gì vẫn nở nụ cười và cảm ơn khi nắm bàn tay run run của nhân vật tôi.

*Ý nghĩa của câu chuyện nằm trong chính câu cảm ơn của ông lão:

-Ông cảm ơn vì đã đón nhận được món quà mang giá trị tinh thần: sự ân cần, tôn trọng từ trong đáy lòng nhân vật tôi.

-Nhân vật tôi cũng đón nhận nụ cười, tấm lòng chân thành và sự trân trọng của ông lão.

*Bài học rút ra từ câu chuyện:

-Trong cuộc sống, giá trị vật chất rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Chúng ta còn cần những giá trị tinh thần đề đem đến niềm vui và hạnh phúc.

-Khi giao tiếp cần tế nhị và tôn trọng người khác.

-Muôn làm được điều ấy, cần có tấm lòng nhân ái, bao dung, đạo đức trong sáng và tấm lòng cao thượng.

Câu 2.

1.Yêu cầu kĩ năng

-Đây là đề nghị luận văn học, ngoài việc nắm vững kiến thức về tác phẩm thí sinh còn phải xác định được vấn đề trọng tâm và phân bố thời lượng hợp lí.

-Thí sinh cần tổ chức bài viết hợp lí, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu…

-Có thể chọn nhiều cách trình bày khác nhau, tuy nhiên phải đảm bảo các bước và nội dung cơ bản của hướng dẫn chấm.

2.Yêu cầu kiến thức

-Thí sinh có nhiều cách để trình bày suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, bài viết cần phải thể hiện được ba nội dung căn bản sau đây:

a.Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.

b.Chứng minh:

b1.Thiên nhiên: “Từ cuối hạ sang đầu thu, đất trời chuyển biến nhẹ nhàng mà rõ rệt”

*Khổ 1: Những cảm nhận ban đầu về cảnh sang thu của đất trời.

-Thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình (hương, gió), mờ ảo (sương chùng chình), nhỏ hẹp và gần (ngõ).

+ Đầu tiên là sự cảm nhận về hương vị: hương ổi chín bỗng “phả vào trong gió se”, đem đến hương vị dịu ngọt, đằm thắm của mùa thu khiến nhà thơ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng.

+ Một hình ảnh lung linh huyền ảo: không còn là những hạt sương mà đã là một màn sương mỏng nhẹ trôi, đang chuyển động chầm chậm nơi đường thôn ngõ xóm.

-Nhận ra trong gió có hương ổi, màn sương thu chứa đầy tâm trạng, như người đi còn vương vấn, ngập ngừng khi qua ngõ nhà ai… nhà thơ đã đem đến cho ta một tín hiệu mùa thu dân dã mà thi vị, một nét đẹp thật đáng yêu của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.

*Khổ 2: Mùa thu dần dần đến và hiện ra ngày càng rõ hơn.

-Sự vận động của thiên nhiên được cụ thể hóa bằng những đổi thay của vạn vật:

+ Sông lúc sang thu không còn cuộn chảy dữ dội mà êm ả, dềnh dàng như đang lắng lại, đang trầm xuống.

+ Hình ảnh đàn chim bắt đầu vội vã bay về tổ lúc hoàng hôn. Chữ “bắt đầu” thể hiện sự tinh tế, tình yêu và gần gũi với thiên nhiên.

+ Đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu là một liên tưởng mới mẻ, thú vị, gợi cảm một hình ảnh đầy chất thơ.

-Không phải vẻ đẹp của mùa hạ cũng chưa hẳn là vẻ đẹp của mùa thu mà đó là vẻ đẹp của thời khắc giao mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế và nhạy cảm đang say thời khắc giao mùa này.

*Khổ cuối: Khúc giao mùa của không gian và thời gian khi sang thu còn được thể hiện ở chiều sâu suy ngẫm.

-Những biến chuyển của nắng, mưa, sấm trong lúc giao mùa với những nhận xét tinh tế của một người am hiểu tường tận:

+ Sự đối lập lúc giao mùa: nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng; những cơn mưa rào ào ạt và những tiếng sấm bất ngờ cũng bớt đi. Tất cả đã đi vào chừng mực, vào thế ổn định mang nét đặc trưng của mưa nắng phút giao mùa sang thu.

+ Bài thơ khép lại bằng hai dòng thơ hàm chứa hai tầng ý nghĩa: tả thực và ẩn dụ: sấm cuối hạ cũng bớt đi, hàng cây cố thụ, cảnh vật thiên nhiên vào thu không còn giật mình, bất ngờ bởi tiếng sấm; sấm – những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời, hàng cây đứng tuổi – gợi tả những con người từng trải đã từng vượt qua những khó khăn, những thăng trầm của cuộc đời.

-Hai câu khép lại bài thơ vừa là hình ảnh thiên nhiên sang thu, vừa là suy nghĩ chiêm nghiệm về bản thân, về con người, về đất nước. Bài thơ kết thúc, nhưng dư vị vẫn còn để người đọc tiếp tục nghĩ suy thêm về cái điều nhà thơ tâm sự.

b2. Con người: “bằng cảm nhận tinh tế”

-Qua bức tranh thiên nhiên, ta cảm nhận được một tâm hồn nhạy cảm:

+ Cảm nhận phút giao mùa sang thu là sự ngỡ ngàng: ,cả khứu giác, xúc giác và thị giác đều như mách bảo thu về mà vẫn chưa thể tin, chưa dám chắc.

+ Một hồn thơ tinh tế và nhạy cảm đang say mê trước vẻ đẹp của thời khắc giao mùa.

+ Một người am hiểu tường tận thiên nhiên, cuộc sống và con người – sự từng trải của người đã từng vượt qua những khó khăn, những thăng trầm của cuộc đời.

-Qua đó, nhà thơ bộc lộ tình yêu mến thiên nhiên, yêu hương thu bằng tình yêu tha thiết

b3. Nghệ thuật: “những hình ảnh giàu sức biểu cảm”

-Thế thơ 5 chữ. Nhịp thơ chậm, âm điệu nhẹ nhàng.

-Nhiều từ có giá trị gợi tả, gợi cảm sâu sắc thể hiện những liên tưởng bất ngờ: (“phả”, “gió se”, “chùng chình”, “dềnh dàng”, “bắt đầu vội vã”, “vắt”…)

-Hình ảnh chọn lọc mang nét đặc trưng của sự giao mùa hạ – thu, của hồn quê đất Việt mang đậm chất dân gian.

c.Khái quát

-Từ cuối hạ sang đầu thu, đất trời có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Sự biến chuyển này đã được Hữu Thỉnh gợi lên bằng cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm.

-Qua đó, người đọc cảm nhận một tình cảm yêu mến thiên nhiên, một tâm hồn nhạy cảm, sâu sắc. 

XEM THÊM ĐỀ CHUYÊN VĂN 10 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận