Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên văn TP.Đã Nẵng năm học 2010-2011 Thời Gian: 150 Phút

Đang tải...

Câu 1.

Nêu chủ đề truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

Câu 2.

Đọc các câu sau, chỉ ra nghĩa gốc, nghĩa chuyển và phương thức chuyển nghĩa của các từ “xanh”  

a.          – Đoái trông theo đã cách ngăn

        Tuôn màu mây biểc trải ngàn núi xanh?

                                                           (Chinh phụ ngâm)

b   . Xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ.

                                                            (Chuyện người con gái Nam Xương)

Câu 3.

             Xác định phép tu từ từ vựng và phân tích hiệu quả của phép tu từ trong đoạn thơ sau:

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ cùng vui

Nhóm dậy cả tâm tình tuổi nhỏ.

                           (Bếp lửa – Bằng Việt)

Câu 4.

Cảm nhận và suy nghĩ của em về đoạn thơ:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

 

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.

Đèm thở: sao lùa nước Hạ Long.

 

Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

                                                         (Huy Cận – Đoàn thuyền đánh cá)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Câu 1.

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long ngợi ca những con người lao động bình dị, lặng lẽ, âm thầm cống hiến cho đất nước.

Câu 2. 

a. Từ xanh ở câu a được dùng với nghĩa gốc.

b. Từ “xanh” ở câu b được dùng với nghĩa chuyển theo phương thức hoán dụ.

Câu 3.

-Phép tu từ từ vựng: điệp ngữ.

-Bốn từ “nhóm” đặt đầu mỗi dòng thơ không chỉ là nhắc nhở, khắc sâu mà còn tạo cảm giác như có gì đang cháy lên ấm áp. Ba từ “nhóm” đầu là nhóm lửa, lửa của hoài niệm ấu thơ; còn từ “nhóm” sau là nhen nhóm tâm tình của hôm nay đang bồi hồi tìm về tuổi nhỏ.

Câu 4.

-Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Giữa năm 1958, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới. Bài Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng (1958). Cả bài thơ là một bức tranh đẹp, tráng lệ về hình ảnh biển cả và người ngư dân.

-Đoạn thơ trên gồm các khổ thơ 3, 4, và 5 của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá.-

-Hình ảnh kì vĩ, hoành tráng của đoàn thuyền đánh cá trên biển khơi với kích thước, tầm cỡ lớn lao của trời đất, vũ trụ. Hai câu thơ cho thấy sức tưởng tượng phong phú, bút pháp lãng mạn, tài hoa, sáng tạo của Huy Cận:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Tư thế hiên ngang của người ngư dân khi lao động: đánh cá như một cuộc chiến đấu, buông lưới như “dàn đan thế trận”:

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng

-Biển đêm lung linh, huyền ảo:

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Cảnh của đêm trăng trên biển lung linh, lấp lánh với hình ảnh nhiều màu sắc của các loài cá: “cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song”. Một loạt những hình ảnh liệt kê góp phần diễn tả sự giàu đẹp của biển cả nước ta. “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long” là hình ảnh sống động và có hồn thể hiện sự tưởng tượng phong phú bất ngờ của tác giả.

Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

-Đoạn thơ thể hiện tinh thần lạc quan, tâm hồn lãng mạn và tình cảm của người ngư dân đôi với thiên nhiên và biển cả. Âm nhạc và ánh trăng tạo nên sự thăng hoa trong tâm hồn người lao động. “Biển … như lòng mẹ” thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con người đối với thiên nhiên.

-Đoạn thơ có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng, phong phú độc đáo. Đoạn thơ đã khắc họa dược nhiều hình ảnh đẹp, tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, thể hiện niềm vui, niềm tự hào của người ngư dân, của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống. Đoạn thơ đã mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc và suy nghĩ, nhiều tin tưởng, mến yêu đối với đất nước và con người trong cuộc sống lao động, xây dựng hiện nay.

Xem thêm : Đề thi lớp 10 chuyên văn thành phố Hồ Chí Minh năm học 2010-2011

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận