Đề thi lớp 10 chuyên văn thành phố Hồ Chí Minh năm học 2010-2011

Đang tải...

Đề thi lớp 10 chuyên văn thành phố Hồ Chí Minh năm học 2010-2011

ĐỀ BÀI

Câu 1.

NƠI DỰA

Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?

Khuôn mặt trễ đẹp chìm vào những miền xa nào…

Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.

Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.

Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.

Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?

Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.

Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy. Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.

Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.

(Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, Hà Nội, 1983) Từ ý nghĩa văn bản trên, hãy trình bày suy nghĩ của em về nơi dựa của mỗi người trong cuộc sông.

Câu 2.

Phân tích nét riêng trong cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh của bài thơ Nói với con (Y Phương).

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Câu 1.

a.Yêu cầu về kĩ năng

Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận xã hội.

Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.

Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích,chứng minh, bình luận…).

Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.

Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày bài rõ ràng.

b. Yêu cầu về kiến thức

Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận.

Ý nghĩa của văn bản: ở biểu hiện bên ngoài, người phụ nữ là nơi dựa cho cậu bé, người chiến sĩ là nơi dựa cho bà cụ.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tinh thần, cậu bé cũng là nơi dựa cho người phụ nữ, bà cụ cũng là nơi dựa cho người chiến sĩ.

Nơi dựa là nơi để mỗi người nương tựa, là nơi tiếp cho họ sức mạnh, niềm tin, động lực sống, nơi mang lại cảm giác ấm áp, bình yên…

Có những nơi dựa khác nhau: những người thân yêu; những kỉ niệm, những giá trị thiêng liêng; những không gian, vật chất cụ thể; ưu điểm, mặt mạnh của bản thân…

Nơi dựa giúp con người cảm thấy bình yên, thanh thản, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, có động lực phấn đấu vươn lên…

Ai cũng cần có nơi dựa và mỗi người đều có thề là nơi dựa cho người khác.

Phê phán những người chỉ biết dựa dẫm, lệ thuộc vào người khác hoặc những người chọn những nơi dựa không tốt.

Cần trân trọng những nơi dựa tốt đẹp mà mình có được, đồng thời cũng là nơi dựa ý nghĩa cho người khác.

Câu 2:

a.Yêu cầu về kĩ năng

Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học.

Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.

Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích, bĩnh luận, so sánh mở rộng vấn đề…). Đặc biệt, phải nắm vững thao tác phân tích một bài thơ.

Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.

Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ; trình bày bài rõ ràng.

b.Yêu cầu về kiến thức

Giới thiệu được vấn đề nghị luận.

Nét riêng trong cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh là những nét độc dáo, riêng biệt của tác giả trong việc lựa chọn kết cấu, từ ngữ, hình ảnh để thể hiện cảm xúc, tư tưởng, chủ đề tác phẩm.

Nét riêng trong cách biểu hiện cảm xúc:

+ Hình thức người cha tâm tình, dặn dò con; cách gọi người đồng minh nhiều lời gọi mang ngữ điệu cảm thán; nhiều điệp từ, điệp ngữ và hình thức điệp cấu trúc… tạo giọng điệu thiết tha, trìu mến, yêu thương.

+ Câu dài, ngắn đan xen phù hợp với mạch cảm xúc. Câu dài thể hiện tình cảm tha thiết, câu ngắn thể hiện sự cương quyết, mạnh mẽ.

+ Cách tư duy giàu hình ảnh khiến cảm xúc trở nên cụ thể, sinh động (Vách nhà ken câu hát, đục đả kè cao quê hương..).

+ Cảm xúc bài thơ được dẫn dắt một cách tự nhiên, đi từ tình cảm gia đình mở rộng ra tình cảm đối với quê hương và nâng lên thành lẽ sống.

Nét riêng trong sáng tạo hình ảnh:

+ Lựa chọn những hình ảnh độc đáo, gợi tả, gợi cảm, đậm sắc thái miền núi (đá, thung, thác, ghềnh…), cụ thể mà khái quát, mộc mạc mà giàu chất thơ.

+ Dùng cách nói ví von với những hình ảnh cụ thể, gần gũi để thể hiện những khái niệm trừu tượng (Sống như sông như suối…)

Nét riêng trong cách biểu hiện cảm xúc và sáng tạo hình ảnh:

+ Giúp cho chủ đề, tư tưởng của tác phẩm dễ đi vào lòng người.

+ Tạo nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ và phong cách riêng biệt của tác giả.

 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận