Đề thi tuyển sinh văn lớp 10 chuyên Vĩnh Phúc năm học 2010-2011

Đang tải...

ĐỀ THI TUYỂN SINH VĂN VÀO LỚP 10 CHUYÊN TỈNH VĨNH PHÚC

Năm học 2010 – 2011

Thời gian: 120 phút

Câu 1.

Cho đoạn văn sau:

“Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bền và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”

(Trích Lão Hạc – Nam Cao)

a.Các câu trong đoạn văn trên liên kết với nhau bằng biện pháp nào là chủ yếu? Chỉ rõ từ ngữ được dùng để liên kết trong đoạn văn.

b.Những từ ngữ nào trong đoạn văn có cùng trường từ vựng? Đặt tên cho trường từ vựng đó?

Câu 2.

Hãy chỉ rõ các lỗi trong câu văn dưới đây và sửa lại cho đúng:

“Qua câu truyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương đã thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ.”

Câu 3.

a.Tóm tắt truyện ngắn Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu (Ngữ văn 9, tập 2 – NXB Giáo dục) trong khoảng 8 đến 10 câu.

b.Nêu ý nghĩa nhan đề của truyện.

Câu 4.

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

 

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

 

Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự thuở nào.”

(Trích Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Câu 1.

a.- Các câu trong đoạn văn được liên kết với nhau chủ yếu bằng phép lặp từ ngữ.

-Từ được dùng liên kết là “lão” xuất hiện ở các câu 1, 3, 4.

b.Đoạn văn có các trường từ vựng:

-Chỉ bộ phận cơ thể: đầu, mắt, mắt, miệng.

Chỉ hoạt động: co rúm, xô lại, ép, chảy, ngoẹo, mếu, khóc.

Câu 2.

-Phát hiện lỗi: lỗi chính tả (truyện), lỗi ngữ pháp (thiếu thành phần chủ ngữ).

-Sửa lại:

+ Truyện sửa thành chuyện.

+ Bỏ từ Qua hoặc thêm chủ ngữ vào trước từ đã, ví dụ Chuyện người con gái Nam Xương hoặc Nguyễn Dữ. (Lưu ý: Nếu chữa theo cách thêm chủ ngữ thì phải có dấu phẩy trước từ Vũ Nương).

Câu 3.

a.Viết thành đoạn văn, nêu rõ được các sự việc sau:

-Nhĩ, nhân vật chính trong truyện, từng đi khắp mọi nơi trên thế giới, đột nhiên bị mắc bệnh hiểm nghèo, gần như bị liệt toàn thân,

-Mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác, chủ yếu là Liên, vợ anh.

-Một buổi sáng, nhìn qua cửa sổ nhà mình, Nhĩ bỗng phát hiện ra bãi bồi bên kia sông Hồng với những hình ảnh, màu sắc thân thuộc, thấy được sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của nó.

-Nhĩ muốn đặt chân sang bãi bồi. Anh đã nhờ con thực hiện ước muốn đó.

-Nhờ lũ trẻ hàng xóm, Nhĩ đã đến gần cửa sổ để nhìn cho rõ bãi sông.

-Anh buồn rầu vì thấy con sa vào đám chơi phá cờ thế, có thể sẽ để lỡ chuyến đò ngang trong ngày.

-Nhĩ bỗng nhận ra sự vất vả tảo tần của vợ, nhận ra vẻ đẹp vẹn nguyên trong tâm hồn vợ.

-Cuối cùng anh dồn hết sức lực rướn người qua cửa sổ giơ tay ra hiệu giục giã con.

b.Trình bày rõ ràng các ý sau:

-Bến quê không phải là một bến sông nào đó mà là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng thể hiện quan niệm độc đáo của nhà văn về sự nhận thức đường đời.

-Trong tác phẩm, bến quê là tất cả sự phát hiện ấm áp tình đời, tình người của nhân vật và cũng là của tác giả trước những gì thân quen thương yêu nhất, những gì hồn nhiên gần gũi nhất, những gì giàu có đẹp đẽ thuần phác và cổ sơ nhất của quê hương.

-Qua hình ảnh bến quê, nhà văn muốn nhắn gởi tới mỗi người hãy biết giữ gìn, trân trọng bến quê thân thiết của mình.

Câu 4.

A.Yêu cầu về kĩ năng

Hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài phân tích tác phẩm nghị luận trữ tình; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ,mạch lạc; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích các bài viết sáng tạo.

B.Yêu cầu về kiến thức

Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở nắm vững tác phẩm, không suy diễn tùy tiện. Bài viết phải làm nổi bật được giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Cụ thể cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

*Giới thiệu đoạn thơ.

*Về giá trị nội dung: Khung cảnh đánh cá giữa biển đêm được khắc họa bằng nhiều vẻ.

-Vẻ đẹp của con người: Chủ động, khỏe khoắn, đầy hứng khởi thông qua không khí lao động, hoạt động đánh bắt cá khẩn trương, sôi nổi (Ra đậu dặm xa dò bụng biển/ Dàn đan thế trận lưới vây giăngI Ta hát bài ca gọi cá vào I Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao); tư thế, tầm vóc lớn lao, sánh ngang cùng vũ trụ (Thuyền ta lái gió với buồm trăngI Lướt giữa mây cao với biển bằng), tình yêu, lòng biết ơn biển cả (Biển cho ta cá như lòng mẹ I Nuôi lớn đời ta tự thuở nào).

-Vẻ giàu đẹp của thiên nhiên: Không gian bao la, rộng mở, vừa kì vĩ vừa nên thơ với hình ảnh biển, trăng, sao, mây, gió (Thuyền ta lái gió với buồm trăng Ị Lướt giữa mây cao với biển bằng/ Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long..) Màu sắc rực rỡ, lộng lẫy như một bức tranh sơn mài; Sự giàu có phong phú của các loài cá trên biển )(Cá nhụ cá chim cùng cá đé/ Cá song lấp lánh đuốc đen hồng/ Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe…).

-Vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên hài hòa, hô ứng nhau tạo thành vẻ đẹp vừa tráng lệ vừa gần gũi với con người, làm nên bức tranh đẹp về cuộc sống mới ở miền Bắc thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội.

*Về giá trị nghệ thuật

-Nét nổi bật là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn. Đặc biệt bút pháp lãng mạn với cảm hứng say sưa, bay bổng cùng các thủ pháp khoa trương, phóng đại về hình ảnh con người, vũ trụ, thủ pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ… đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo của đoạn thơ.

-Sáng tạo những hình ảnh thơ đẹp: vừa kì vĩ vừa lung linh, huyền ảo, được tạo nên bởi trí tưởng tượng bay bổng và liên tưởng phong phú bất ngờ.

-Âm hưởng, giọng điệu trong đoạn thơ sôi nổi, khỏe khoắn, nhịp thơ biến hóa linh hoạt…

*Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.

XEM THÊM ĐỀ VĂN CHUYÊN 10 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận