Đề Ôn Thi Học Sinh Giỏi Ngữ Văn Lớp 7 Hay Có Gợi Ý

Đang tải...

Bộ tài liệu tổng hợp đề ôn thi học sinh giỏi Ngữ Văn lớp 7 giúp các em học sinh có thể củng cố và nâng cao kỹ năng nghị luận xã hội và nghị luận văn học để chuẩn bị tốt cho kì thi học sinh giỏi lớp 7. Đồng thời, bộ tài liệu tổng hợp đề ôn thi học sinh giỏi Ngữ Văn lớp 7 sau cũng là tài liệu giảng dạy hữu ích cho giáo viên

ĐỀ ÔN THI HỌC SINH GIỎI NGỮ VĂN LỚP 7

ĐỀ BÀI

Câu 1 (4,0 điểm)

       Đêm nay, mẹ không ngủ được. Ngày mai là ngày khai trường lớp Một của con. Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi, đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.

                                    (Trích Cổng trường mở ra, Lý Lan, Ngữ văn 7, tập 1)

Từ việc người mẹ không “cầm tay” dắt con đi tiếp mà “buông tay” để con tự đi, hãy viết bài văn bàn về tính tự lập.

Câu 2. (6,0 điểm)

“Thơ Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại”.

Em hãy chứng minh ý kiến trên qua bài thơ: “Rằm tháng giêng“ (Nguyên tiêu) của Hồ Chí Minh

 

HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ BIỂU ĐIỂM

I. HƯỚNG DẪN CHUNG

  • Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định điểm chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của các phần nội dung nhất thiết phải có.
  • Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm ở từng ý hay cả bài khi đáp ứng cả yêu cầu chung và yêu cầu cụ thể.
  • Cho điểm lẻ tới 0.25; không làm tròn điểm số của bài.

II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

Câu

Nội dung

Điểm

Câu 1

(4đ)

 

I. Yêu cầu về kĩ năng:

– Học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội (Trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa đặt ra từ một hình ảnh trong câu chuyện, vận dụng tốt các thao tác nghị luận đã học: chứng minh, giải thích).

– Bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ; diễn đạt sáng tạo.

 

II. Yêu cầu về nội dung:

1. Mở bài: Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận:

Hai chữ “buông tay” là bước ngoặt của hai trạng thái bao bọc và phải đi một mình. Việc phải bước đi một mình trên đoạn đường phía trước là biểu hiện của tính tự lập.

0,5

2. Thân bài:

 

a. Giải thích tính tự lâp:

 

Tự lập là do chính bản thân mình, không có sự giúp đỡ của người khác.

0,25

Người có tính tự lập là người biết tự lo liệu, tạo dựng một cuộc sống cho mình mà không ỷ lại. Chủ động đưa ra quyết định và làm lấy mọi công việc, không dựa vào người khác…

0,25

b. Dùng lí lẽ, dẫn chứng: (Dẫn chứng thực tế về tự lập trong học tập, lao động, sinh hoạt hàng ngày…) để thể hiện được suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của tính tự lập nhưng về cơ bản cần đảm bảo được các ý sau:

 

– Tự lập là đức tính quan trọng đối với mỗi con người.

0,25

– Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng có cha mẹ bên cạnh để dìu dắt hay một người nào đó bên mình để giúp đỡ những khó khăn. Vì vậy cần rèn luyện tính tự lập để chủ động làm việc, ứng phó với cuộc sống. (dẫn chứng)

0,5

– Người có tính tự lập  sẽ dễ đạt được thành công, giá trị bản thân được khẳng định, mọi người trân trọng (dẫn chứng)

0,5

c. Bình luận, mở rộng để rút ra bài học:

 

– Tự lập là cần thiết nhưng thực tế không phải ai cũng làm được. Nhiều người sống dựa dẫm. Khi dựa dẫm sẽ trở thành gánh nặng cho người thân và cuộc sống sẽ thụ động, vô nghĩa, khó thành công. (dẫn chững)

0,25

– Tự lập không có nghĩa là tự tách mình ra khỏi cộng đồng, không phải là sự tự tin thái quá. Chúng ta phải đoàn kết, dựa vào mọi người để chia sẻ, học tập tạo sức mạnh tập thể.

0,25

 

– Mỗi cá nhân cần rèn luyện tính tự lập để hình thành tính cách lâu bền. Nỗ lực vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.

0,5

– Cần phê phán những người thiếu tinh thần tự lập, sống thụ động, ỷ lại…

0,25

3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề:

 

Tính tự lập là đức tính rất cần thiết với mỗi con người trong xã hội hiện nay, cần rèn luyện đức tính tốt đẹp đó ngay từ khi còn nhỏ…

0,5

Lưu ý: HS cần lấy những dẫn chứng cụ thể, sát thực đời sống, phù hợp để làm rõ vấn đề

 

 Câu 2

(6đ)

I. Yêu cầu về kĩ năng:

– Học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận chứng minh một ý kiến nhận xét về giá trị của bài “Rằm tháng giêng”.

– Sự dụng linh hoạt các thao tác lập luận.

– Bố cục rõ 3 phần, hệ thống ý sáng tỏ, mạch lạc.

– Diễn đạt chính xác trôi chảy; lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.

– Biết phân tích văn bản phiên âm chữ Hán trong sự đối chiếu dịch thơ.

 

II. Yêu cầu về nội dung: Học sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

 

1. Giải thích:

 

– Cổ điển là vẻ đẹp tinh hoa mẫu mực của cổ thi phương Đông. Trong thơ ca chính là những yếu tố về nội dung và thi pháp chịu ảnh hưởng của thơ ca cổ điển phương Đông: đề tài, thể thơ, thi liệu, cảm xúc, ngôn ngữ, bút pháp miêu tả, tính hàm súc, phong thái của nhân vật.

0,25

– Tinh thần hiện đại là cách thể hiện con người, tâm trạng nhân vật trữ tình trong mối quan hệ với thiên nhiên, cảnh vật phải mang tính thời đại.

– Thể hiện quan điểm nghệ thuật, tư tưởng của con người trong xã hội mà nó nảy sinh, thậm chí vượt trước thời đại…

0,25

2. Ý nghĩa khái quát của nhận định:

Nhận định trên đã khẳng định phong cách thơ của Hồ Chí Minh, nhất là thơ trữ tình. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp tinh hoa của thơ ca cổ và tinh thần thời đại, tinh thần của người chiến sĩ cách mạng.

0,25

3. Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

 

– Hồ Chí Minh vừa là một chiến sĩ cách mạng vừa là một nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ của Người luôn có sự hòa quyện giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại.

0,25

– Mùa xuân Mậu Tý năm 1948, Bác “xuất hành” công tác trên chiến khu Việt Bắc, Bác viết bài thơ xuân: “Rằm tháng giêng” (Nguyên tiêu).

0,25

4. Phân tích bài thơ để làm rõ sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại:

 

a. Vẻ đẹp cổ điển

 

– Ngôn ngữ tiếng Hán. Thơ chữ Hán thường cô đọng, hàm súc.

0,25

– Thể loại: Thất ngôn tứ tuyệt, sát mô hình cấu trúc kể cả cách ngắt nhịp. Một thể thơ rất cô động, hàm súc, cân đối. Đây là thể thơ quen thuộc của thơ ca phương Đông. (“Xa ngắm thác núi Lư” của Lí Bạch).

0,25

– Đề tài: Mùa xuân, trăng, một đề tài quen thuộc trong thơ cổ

0,25

– Thi liệu quen thuộc trong thơ ca cổ: trăng, trời, dòng sông, khói sóng. (Tích hợp hình ảnh trong “Tĩnh dạ tứ”- Lí Bạch)

+ Không gian bao la, trăng thanh, gió mát. Trời, sông, nước, nối liền bởi ánh trăng. Cảnh vật hòa hợp, nhất thể.

+ Không gian nơi sâu thẳm thâm cùng: khói sóng gợi ra một không gian mờ ảo, thơ mộng, gắn với ẩn sĩ thời xưa.

+ Thời gian đêm khuya tĩnh mịch.

0,75

– Phong thái nhân vật trữ tình: Ung dung, thưởng ngoạn thiên nhiên, đắm say cảnh sắc.

0,25

– Bút pháp: Chấm phá tả cảnh ngụ tình. Chỉ qua vài nét vẽ nhưng làm hiện lên bức tranh sơn thủy trong một đêm trăng viên mãn thật thơ mộng, huyền ảo, cổ điển và đồng thời làm hiện lên chân dung nhân vật trữ tình tự do, tự tại như ẩn sĩ phương Đông đang hòa mình vào cảnh.

0,25

b. Tinh thần hiện đại:

 

– Trong thơ ca cổ, hình ảnh con người thường rất nhỏ bé, thậm chí bị hòa tan vào thiên nhiên rộng lớn, con người như ẩn sĩ ẩn dật, lánh đời.

Tích hợp với Nguyễn Trãi qua bài “Côn Sơn ca” hay “Qua Đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan.

0,25

– Hình ảnh nhân vật trữ tình:       

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”

+ Không gian cụ thể, gắn với núi rừng Việt Bắc. Nếu như không gian này trong thơ cổ báo hiệu sự chia li, sự nhung nhớ,… thì  đằng sau không gian mịt mù khói sóng của núi rừng Việt Bắc là không gian của cách mạng, của việc nước.

0,25

+ Con người thể hiện cụ thể “bàn bạc việc quân”. Thi sĩ là chiến sĩ, người chỉ huy, người lãnh đạo cuộc kháng chiến, không có trong thơ xưa. Hình ảnh ấy gắn với thời đại, gắn với những giây phút bàn bạc việc nước, không đơn thuần chỉ là thả hồn như những thi sĩ ẩn dật trong thơ cổ. Đó là công việc của người lãnh tụ đang ngày đêm lo cho dân, cho nước.

0,5

 

+ Tâm hồn: Giữa bộn bề tiếng súng kháng chiến lại có một không gian thơ mộng hiện ra với một ánh trăng sáng hòa quyện cùng dòng sông lấp lánh. Thể hiện tâm hồn lãng mạn, tinh thần thép của một người cộng sản yêu nước, yêu tự do. Dù trong bất kì cảnh ngộ nào, dù bận trăm công nghìn việc, Người cũng luôn hướng về cái đẹp, về ánh sáng, về tương lai với một tinh thần lạc quan.

(Khác với “Tĩnh dạ tứ”, nhìn trăng mà nhớ cố hương, tâm  trạng hoài cổ, gợi nỗi buồn)

0,5

– Sự vận động mạch thơ:

+ Thơ xưa cảnh thường tĩnh lại vì quan niệm tĩnh tại là cái đẹp. Hồ Chí Minh, một người cộng sản, một nhân vật có trí tuệ uyên thâm nên đã nhìn thiên nhiên theo quy luật vận động tất yếu của nó. Hình tượng thơ luôn có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng. Hình ảnh trăng trong câu thơ cuối thể hiện sự vận động tất yếu ấy. Ánh sáng lan tỏa, viên mãn, làm cho không gian nơi sông  vắng trở nên lung linh, ấm áp, thơ mộng.

0,25

+ Vẻ đẹp ấy tỏa ra từ cảnh và được thăng hoa từ trong tâm hồn yêu thiên nhiên, đất nước. Việc nước và trăng xuân hài hòa tạo lên ý nghĩa sâu xa: sắc xuân, ý xuân, sức xuân trên dòng sông đêm xuân chính là  màu sắc, âm thanh náo nức của mùa xuân tiến quân lịch sử với niềm tin mãnh liệt: “Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi!”. Sự lạc quan phơi phới chính là vẻ đẹp của bài thơ mang tinh thần thời đại, đầy chất thép trong hồn thơ xuân của Bác. Đó là sức mạnh của một con người trí tuệ và chiều sâu trong tâm hồn.

0,5

5. Đánh giá vẻ đẹp của chất cổ điển kết hợp với  tinh thần hiện đại trong bài thơ:

 

Ngay từ nhỏ Hồ Chí Minh đã được học chữ Hán, thơ phú Đường Tống, tiếp thu nhuần nhuyễn văn hóa phương Đông, đồng thời Người là một nhà hoạt động cách mạng, một kiểu nhà văn mới, nhà văn chiến sĩ am hiểu văn hóa phương Tây đã tạo nên vẻ đẹp riêng độc đáo: Hài hòa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại, giữa chất thép và chất trữ tình, thi sĩ và chiến sĩ.

0,25

– Qua bài thơ, ta có thể cảm nhận được tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn, yêu thiên nhiên, đất nước, tin vào chiến thắng. Phong thái ung dung, tâm hồn thanh cao của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc mang cốt cách nghệ sĩ nhà hiền triết phương Đông.

0,25

 

Lưu ý: Giám khảo linh động khi chấm, đặc biệt những bài viết có tính sáng tạo, khám phá và thể hiện được sự xúc động chân thực.

 

 

>> Xem thêm: Tổng Hợp Đề Ôn Thi Học Sinh Giỏi Ngữ Văn Lớp 7 Hay Nhất

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận