Cảm nghĩ về bài ca dao: Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. – Bài văn hay lớp 7

Đang tải...

Cảm nghĩ về bài ca dao

Cảm nghĩ về bài ca dao:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

BÀI LÀM

“A ơi! Khi bé là con mẹ cha

Lớn lên xa mẹ lại ra con người”.

Tuổi thơ của con người luôn gắn liền với mẹ thân thương. Mẹ chăm bẵm ru hời con khi còn bé, mẹ dạy bảo khi lớn khôn… Con mang tình mẹ sâu nặng lắm. Rồi một ngày kia, đứa con bé nhỏ của mẹ phải đi xa… và nỗi nhớ mẹ giày vò, tức tưởi trong tâm con. Có một bài ca dao đã viết hộ tâm trạng mà bất cứ người con xa quê nào cũng luôn nghĩ:

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau

 Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.

Cả bài thơ nhuốm đầy tâm trạng nhớ nhung, đau xót. Một tâm trạng có lẽ làm tím cả trời chiều mênh mang.

Người ta thường nói: “Không ai hiểu con gái bằng mẹ và cũng không ai thương mẹ nhiều như các cô gái”. Tình thương được biểu lộ bằng sự săn sóc, kính trọng, yêu thương. Vậy mà trong câu ca dao này, cô gái lại không được trực tiếp bày tỏ tình thương với mẹ mà chỉ biết giữ niềm thương ở tự đáy lòng. Thương cô gái xa quê yêu dấu nhưng ta cũng không khỏi băn khoăn: Sao cô không về thăm mẹ mà chiều chiều đứng nhìn vậy? Phải chăng cách trở đò giang? (Chiều chiều ra đứng bờ sông, Muốn về quê mẹ mà không có đò). Không! Khoảng cách không gian và thời gian sẽ không là gì nếu cô không bị ràng buộc. Cô gái phải ngậm ngùi mà lau nước mắt bởi một lẽ đơn giản nhất: cô đã lấy chồng. Dân gian có câu: “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Giờ đây cô đã là con người, đâu còn là con gái yêu của mẹ nữa.

Và để rồi khi ánh chiều tà, sau bao nhiêu mệt nhọc, cô có thời gian cuối ngày để nhớ về mẹ, nhớ về công lao to lớn của cha mẹ:

“Công, cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Công cha mẹ như trời như bể, vậy cô đã làm gì để đền đáp lại công ơn to lớn đó? Cả hơi ấm của mẹ cô cũng phải xa. Cô gái buồn lắm. Cái khoảnh khắc trải dài. Tâm trạng buồn của cô gái hòa vào không gian của buổi chiều tà để tạo thành một hoàng hôn vĩnh viễn trong tâm hồn.

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau

 Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.

Kín đáo, thầm lặng nhưng da diết như chiều muộn – đó là nét tế nhị thể hiện nỗi nhớ của các cô gái trong ca dao khi đã đi lấy chồng. Giữa một không gian trải dài vô tận, một con người đang mang tâm trạng nhiớ thương bỗng cảm thấy mình lẻ loi, cô độc vô cùng. Lúc này con người mà cô mong mỏi nhất không thể là ai khác ngoài người mẹ thân thương. Người mẹ sẽ là điểm tựa dịu dàng nhưng vững chắc nhất cho cô gái, bởi vậy, cô càng mong càng nhớ hơn. Cô chọn một không gian riêng của mình, một mình sống trong tâm tưởng. Buổi chiều, ngõ sau, ta như thấy cái nhìn đăm đắm của cô gái về phía chân trời xa, ở đó có mẹ già đang sớm trưa lụi hụi một mình. Giá như cô được chắp thêm đôi cánh để về bên mẹ, để lại đứa con bé bỏng của mẹ. Giá như… tất cả chỉ là ước mơ.

Đọc câu ca dao ta cứ thấy có gì nghèn nghẹn, ta cảm thông vói nổi niềm của người con gái phải xa quê, xa mẹ rồi chiều chiều ra đứng ngõ sau để trông về quê mẹ với một nỗi nhớ thương da diết.

Bài ca dao cứ thổn thức trong tim ta, ta nghe như có tiếng khóc thầm trong lời hát ru dịu dàng:

“À ơi! Khi bé là con mẹ cha

Lớn lên xa mẹ lại. ra con người”.

Trịnh Nam Giang

Học sinh lớp 7 / Văn – Trường Năng khiếu Nga Sơn, Thanh Hoá

Tải về file word >> tại đây

Xem thêm 

Cảm nghĩ về ca dao ân tình

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận