Bàn Về Kết Truyện Của Tác Phẩm Lão Hạc (Nam Cao)

Đang tải...

Mời bạn đọc tham khảo bài nghị luận văn học do học sinh làm với đề bài phân tích kết truyện của tác phẩm Lão Hạc chứng minh nhận định “Một kết thúc bất ngờ bao giờ cũng chứa đựng sự kịch tính và sự thú vị, đặc biệt sẽ gây ấn tượng mạnh và sự liên tưởng sâu xa, tạo cho tác phẩm có tiếng vang lớn”.

BÀN VỀ KẾT TRUYỆN CỦA TÁC PHẨM LÃO HẠC

Đề bài: Một kết thúc bất ngờ bao giờ cũng chứa đựng sự kịch tính và sự thú vị, đặc biệt sẽ gây ấn tượng mạnh và sự liên tưởng sâu xa, tạo cho tác phẩm có tiếng vang lớn. Chứng minh nhận định trên bằng tác phẩm Lão Hạc.

Bài Làm

          Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao điều lí thú trong thực tế và trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao, cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn, cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời (Nguyễn Văn Thạc). Có thể nói, khi viết về người nông dân, Nam Cao như “ứa từng giọt lệ”. Ông đã tái hiện về một cuộc đời cay đắng bất công trong truyện ngắn cùng tên “Lão Hạc”, để rồi, kết thúc truyện thật dữ dội, bất ngờ nhưng cũng thật sâu sắc, ám ảnh với người đọc suốt hơn 80 năm qua với cái chết bi thảm, đau thương! Bởi thế, có nhận định cho rằng: “Một kết thúc bất ngờ bao giờ cũng chứa đựng sự kịch tính và sự thú vị, đặc biệt sẽ gây ấn tượng mạnh và sự liên tưởng sâu xa, tạo cho tác phẩm có tiếng vang lớn.” Truyện ngắn lão Hạc có thể xem là một tác phẩm như thế.

          Trước hết, kết thúc bất ngờ là kết thúc người đọc không ngờ đến, tạo ra một sự hấp dẫn. Ý nghĩa của nhận định: kết thúc của một câu chuyện thường thể hiện sự thành công của tác phẩm và tài năng của tác giả. Kết truyện bắt đầu từ lúc ông giáo sang nhà Binh Tư xin bả chó về và nói rằng để đánh bả chó nhà nào đó để giết thịt, từ đó mọi ánh mắt với lời dị nghị đều hướng về phía lão Hạc ngay cả ông giáo cũng hiểu lầm lão. Nhưng ai biết rằng sau đó, ông lão Hạc đã dùng chính bả chó đó để kết liễu cuộc đời của mình. Cái chết vật vã, đau đớn giữ dội của Lão Hạc đã làm cho ông giáo và Binh Tư vỡ lẽ rằng lão không hề tha hóa và chỉ có Binh Tư và ông giáo mới hiểu rõ cái chết của lão.

          Kết truyện của tác phẩm Lão Hạc rất bất ngờ, có thể nói kết truyện đã gây bất ngờ lớn với người đọc, với ông giáo. Sự bất ngờ của cái chết lão Hạc càng làm cho câu chuyện thêm hấp dẫn, thêm xúc động. Mâu thuẫn bế tắc được đẩy lên đến đỉnh điểm và kết thúc một cách bi đát và tất yếu. Khi Lão sang nhà Binh Tư để xin bả chó có lẽ đó là lúc lão đã xác định được cái chết đau đớn của mình. Lão đã nói xin bả chó về để đánh chó, ngay cả người đọc cũng rất bất ngờ, trời ơi, lão Hạc đó ư? Một người đã từng từ chối lời mời gọi đường đi xấu xa của Binh Tư, một người đã từng từ chối sự giúp đỡ của ông giáo một cách hách dịch cũng làm nhưng chuyện như thế ư? Hành động và lời nói của lão không chỉ khiến người đọc, Binh Tư bất ngờ mà đến cả ông giáo, người bạn thân chí cốt của lão cũng rất ngạc nhiên! Nhưng đâu ai biết rằng lời nói và thái độ của lão Hạc chỉ là sự che đậy ý định bên trong của Lão. Giữa lời nói bên ngoài nó đối lập với ý định bên trong và điều đó được thể hiện bằng cái chết dữ dội của lão. Đâu ai biết rằng, lão xin bã chó để tự tử, để kết liễu những chuỗi ngày đau khổ. Với hành động và lời nói của lão Hạc, người ngoài họ nghĩ rằng lão Hạc đã hoàn toàn tha hóa biến chất thật rồi, nhưng bất ngờ thay, sự thật lại không phải là như thế mà thực ra, nói đúng hơn, lão làm thế là để lão được giải thoát sau bao tháng ngày cùng cực, đau khổ. Đồng thời đoạn kết của truyện ngắn còn thể hiện một triết lí sâu sắc của nhà văn Nam Cao: Đừng nhìn người bằng vẻ bên ngoài để đánh giá, quy kết, chụp mũ mà hãy nhìn họ bằng con mắt, bằng tấm lòng sâu thẳm bên trong thì mới thấy hết được vẻ đẹp, nhân cách sáng ngời của họ.

          Kết thúc truyện Lão Hạc gây ấn tượng và sự liên tưởng sâu xa tạo cho tác phẩm có sức vang lớn. Lão đã kết liễu cuộc đời mình bằng bã chó, có thể nói đó là một cái chết dữ dội và đau đớn nhất, “Lão vật vã trên giường, đầu tóc rũ rượi … chốc chốc lại giật nảy lên, lão tru tréo, bọt mép sùi ra”, bấy nhiêu cụm từ đó đã khiến cho ta ấn tượng cái chết của lão Hạc. Tác giả đã liên tiếp sử dụng các từ láy gợi hình, gợi cảm, nó khiến cho ta hình dung được một lão Hạc sắp chết. Đó là cái chết của người do bị trúng độc bả chó. Bất giác, em có cảm tưởng như không phải cách chết của một con người bình thường mà là cách chết như của một con chó. Có lẽ, cái chết đau đớn mà dữ dội như muốn liên tưởng sâu sắc đến lời thanh minh, chuộc tội với cậu Vàng. Lão không chọn cách chết nào khác mà chết như cách chết của một con chó ăn phải bả, bởi với lão đến tận lúc chết, ám ảnh về cậu Vàng, về việc mình đã trót lừa một con chó vẫn day dứt lương tâm lão. Lão đã chọn một cách giải thoát đáng sợ nhưng lại như một cách để tạ lỗi cùng cậu Vàng chăng? Lão Hạc yêu thương con chó như con trai nhưng lại nỡ lừa bán nó đổ cho thằng Mục giết thịt, thì lão cũng phải tự trừng phạt mình, tự chịu hình phạt như một con chó. Lão Hạc chết trong đau đớn, vật vã ghê gớm về thể xác nhưng chắc chắn lão lại thanh thản về tâm hồn vì đã hoàn thành nốt công việc cuối cùng với đứa con trai vẫn “bặt vô âm tín” với hàng xóm láng giềng về tang ma của mình. Lão chết để giữ phần ấm cho con, để giữ lại hi vọng cho người con duy nhất đang ở nơi xa của mình. Cái chết của lão là biểu hiện cao nhất của tình phụ tử thiêng liêng, của đức hi sinh cao cả. Đó là âm vang của lòng tự trọng, âm vang của tình thương yêu và cả nhân cách cao đẹp. Tiếng vang về cái chết của lão Hạc như một lời tố cao đanh thép về xã hội bất công tàn bạo.

          Cái chết của Lão Hạc đã gây một âm vang lớn cho nền văn học Việt Nam. Văn học viết về những con người bị áo cơm ghì sát đất, phải sống tha hoá, sống kiếp sống mòn, của những cảnh đời bị đẩy vào bước đường cùng không lối thoát,… Nước mắt và cái chết có thể coi là những hình ảnh quen thuộc của văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945. Mô típ ấy ám ảnh nhiều trong sáng tác của nhà văn Nam Cao: Chí Phèo chết trên vũng máu của chính mình ngay trong khi khát vọng trở về với cuộc đời bị dập tắt; Lang Rận, Mụ Lợi tự tử trong sự ghẻ lạnh, đàm tiếu của người làng; và bà cụ chết vì một bữa no duy nhất của cuộc đời… nhưng đối với cái chết của Lão Hạc, Nam Cao đã hoàn toàn đặt một niềm tin lớn, mãnh liệt vào vẻ đẹp phẩm chất của con người, dù chết chứ không chịu tha hóa biến chất, thà chết nhưng trọn đạo, thà hi sinh để giữ lấy lòng yêu thương, giữ lấy trọn nhân phẩm của mình. Ấy thế, ông giáo đã từng nói “Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn” là vì thế. Có lẽ, tác giả còn thể hiện một nỗi đau đớn, xót xa trước tấn bi kịch của con người: người dân bị chèn ép, bị bần cùng hóa, buộc họ phải tìm đến cái chết bi thương và bế tắc. Có thể nói rằng: “Khi viết về người nông dân, Nam Cao như ứa từng giọt lệ” là vì thế. Cái chết của Lão Hạc một mặt góp phần bộc lộ tính cách và số phận của Lão Hạc, cũng là một điển hình sắc nét của số phận và tính cách của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám: nghèo khổ, bế tắc, nhưng giàu lòng tự trọng, không tha hóa và có một lòng yêu thương cao cả, mặt khác, cái chết của Lão Hạc cũng có ý nghĩa tố cáo hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy những con người lương thiện vào bước đường cùng, phải chấp nhận cái chết như cách duy nhất kết thúc cuộc đời nhiều đau khổ. Cái chết của lão cũng giúp những người xung quanh lão hiểu con người lão hơn.

          Kết thúc truyện còn thể hiện một tài năng nghệ thuật của Nam Cao. Trước hết, ta thấy nghệ thuật xây dựng nhân vật chủ yếu là qua nhân vật Lão Hạc: Bằng phương pháp đối lập, nhà văn tạo vẻ bề ngoài cho Lão Hạc dường như lẩm cẩm, hách dịch, đôi lúc bị nghi ngờ là “phường heo thuốc chó” nhưng bên trong lại là một người có vẻ đẹp tâm hồn đáng quý, sâu sắc, đáng kính trọng. Không những thế, cách xây dựng cốt truyện của nhà văn Nam Cao quả thật là tài năng, chân thực và sinh động. Ông dẫn người đọc vào mạch truyện đầy khéo léo, bất ngờ, gay cấn, gây cảm xúc căng thẳng cho người đọc và tâm lý nhân vật qua từng sự kiện trong truyện. Ngôn ngữ của truyện cũng góp phần không thể thiếu của tác phẩm. Truyện được viết với nghệ thuật ngôn ngữ cô đọng, nét nổi bật là ngôn ngữ đối thoại và độc thoại đầy chất trữ tình mang đầy tâm tư tình cảm, suy nghĩ tâm trạng của nhân vật. Nghệ thuật đóng vai trò quan trọng nhất đó là nghệ thuật kể truyện thể hiện được tài năng của tác giả. Câu chuyện được kể theo lời dẫn của nhân vật “tôi” (Ông Giáo) – người tham gia câu chuyện và chứng kiến sự việc diễn ra. Điều này lam cho câu chuyện thêm chân thật, gần gũi với người đọc. Đồng thời việc chọn vai kể này việc dẫn dắt câu chuyện sẽ tự nhiên và linh hoạt hơn. Cũng vì thế, câu chuyện được kể với nhiều giọng điệu hơn. Người kể có thể vừa kể vừa bộc lộ được hết tình cảm, suy nghĩ của mình việc miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật rất tự nhiên, hợp lí. Việc tạo tình huống truyện bất ngờ nhằm lôi cuốn người đọc và dễ dàng trình bày triết lí sâu sắc về cuộc sống của tác giả.

          Ta có thể khẳng định rằng, nhận định: “Một kết thúc bất ngờ bao giờ cũng chứa đựng sự kịch tính và sự thú vị, đặc biệt sẽ gây ấn tượng mạnh và sự liên tưởng sâu xa, tạo cho tác phẩm có tiếng vang lớn” là một nhận đinh chính xác, ít nhất là với nhiều tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao. Đồng thời, còn khẳng định được một tài năng, thiên chức của người làm nghệ thuật là cảm thông, đồng cảm về hoàn cảnh người nông dân, và hướng người nông dân về một thế giới yên bình, tự do, ấm no. Qua những tác phẩm của Nam Cao, có lẽ đây là tác phẩm truyện ngắn thành công nhất về cả giá trị nghệ thuật đặc sắc, lẫn giá trị nhân đạo sâu sắc. Dù thế, nhưng cái chết của Lão Hạc vẫn là nỗi ám ảnh hơn bao giờ hết cho bao thế hệ bạn đọc. Và em tin rằng, truyện ngắn cùng tên của Nam Cao sẽ vẫn mãi đồng hành với bao bạn đọc, với thời gian.

>> Xem thêm: Số phận bi kịch của người phụ nữ trong văn học trung đại

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận