Ai đã đặt tên cho dòng sông?(trích) – Hoàng Phủ Ngọc Tường – Văn 12

Đang tải...

Ai đã đặt tên cho dòng sông? Văn 12

I. BÀI TẬP

1. Theo anh (chị), tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông ? của Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc thể văn nào ? Từ đó, cần phải lưu ý điều gì khi tìm hiểu tác phẩm này ?

2. Qua ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương hiện lên vói vẻ đẹp như thế nào ? Phân tích để làm rõ những vẻ đẹp ấy. Hãy chỉ ra phát hiện riêng của tác giả.

3. Trong Ai đã đặt tên cho dòng sông ?, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có cách ví von, so sánh đặc sắc, đầy sáng tạo, bất ngờ và hấp dẫn người đọc.

Hãy tìm một số câu văn có cách ví von, so sánh đó ; phân tích để làm rõ giá trị thẩm mĩ của chúng.

4. Anh (chị) có nhận xét gì về cái tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông ?

II. GỢI Ý LÀM BÀI

1. Ai đã đặt tên cho dòng sông ? là một tác phẩm thuộc thể loại bút kí. Bút kí thường không sử dụng hư cấu vào việc phản ánh hiện thực. Bút kí ghi lại những con người, những sự việc mà nhà văn đã tìm hiểu, nghiên cứu cùng với những cảm nghĩ của mình nhằm thể hiện một tư tưởng nào đó.

Tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông ? của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một bài bút kí giàu chất tuỳ bút, về thực chất thuộc thể tuỳ bút. Đặc điểm của thể văn tuỳ bút là hết sức tự do, phóng túng, không tuân theo một quy phạm chặt chẽ nào. Theo quan niệm của Nguyễn Tuân, tuỳ bút là lối văn “độc tấu”, trong đó, nhân vật chính là cái tôi của tác giả. Vì thế, xét đến cùng, sự hấp dẫn của tuỳ bút là của cái tôi ấy.

Những điều trên đây cho phép chúng ta khẳng định, muốn phát hiện được cái hay, cái đẹp của tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông ?, cần phải thấy được cái tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường – một cái tôi tài hoa, với vốn văn hoá sâu rộng, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, nhất mực say mê cái đẹp của cảnh vật và con người xứ Huế.

2. Cần làm rõ 2 ý : vẻ đẹp của sông Hương và phát hiện độc đáo của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

– Vẻ đẹp của sông Hương : Bằng sự quan sát tinh tế, nhà văn đã phát hiện ra vẻ đẹp của dòng sông Hương từ thượng nguồn đến đoạn chảy qua kinh thành Huế, với nhiều vẻ đẹp khác nhau. Ở thượng nguồn, sông Hương có vẻ đẹp “phóng khoáng và man dại” như một cô gái Di-gan. Khi chảy qua dãy Trường Sơn, sông Hương như “một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác”. Nhưng đến khi ra khỏi rừng, sông Hương lại trở nên “dịu dàng và trí tuệ”, “mềm như tấm lựa”. Khi uốn lượn quanh những rừng thông đặt lăng mộ vua chúa nhà Nguyễn, nó lại có vẻ đẹp “trầm mặc”, “như triết lí, như cổ thi”,….

– Phát hiện độc đáo của Hoàng Phủ Ngọc Tường:

+ Vẻ đẹp của dòng sông Hương còn hiện lên qua những áng thơ văn của Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Tản Đà, Tố Hữu. Ở đây, vẻ đẹp của dòng sông Hương gắn liền với cách cảm nhận, cách nhìn riêng của từng nhà thơ, “không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ”.

+ Xưa nay, người ta thường nói nhiều về vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng, thơ mộng của sông Hương và xứ Huế. Với sự hiểu biết tường tận về sông Hương, do gắn liền sông Hương và xứ Huế với lịch sử dựng nước và giữ nước nên Hoàng Phủ Ngọc Tường còn phát hiện ra vẻ đẹp hùng tráng của dòng sông thơ mộng này. Không chỉ thơ mộng, sông Hương còn là “bản trường ca của rừng già”, là dòng Linh giang gắn liền với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía nam của nước Đại Việt xưa,…

3. Có thể tìm thấy trong Ai đã đặt tên cho dòng sông ? nhiều ví von, so sánh đặc sắc, giàu giá trị thẩm mĩ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bài tập này yêu cầu phải chỉ ra được, đồng thời phải phân tích, đánh giá được cái hay của những so sánh, ví von của tác giả trong bài bút kí.

– “[…] Phía đó, nơi cuối đường, nó (sông Hương – NBS) đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non”.

Cây cầu Tràng Tiền bắc qua sông Hương có hình dáng như những chiếc lược xếp liền nhau (“Cầu cong như chiếc lược ngà – Sông dài mái tóc cung nga buông hờ” – Nguyễn Bính, Vài nét Huê). Chiếc cầu trắng nhìn từ xa mà ví với những vành trăng non, vành trăng đầu tháng, thì vừa miêu tả được hình dáng độc đáo của cầu Tràng Tiền, vừa gọi được sự thanh mảnh, dịu dàng, thơ mộng của sông Hương, xứ Huế.

– “Giáp mặt thành phố ở cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến ; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Ngòi bút tinh tế, tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã diễn tả rất đúng dòng chảy của sông Hương đoạn từ cồn Giã Viên đến cồn Hến, so sánh sự mềm mại của dòng sông “như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Đây là cách ví von độc đáo, đầy sáng tạo, diễn tả sự thuận tình nhưng không nói ra vì e lệ. Câu văn vì vậy không chỉ nói về dòng sông mà còn nói lên được cả nét tính cách của những cô gái Huế : thướt tha, tình tứ mà dịu dàng, e lệ, kín đáo. Khi đã yêu, họ có ngôn ngữ riêng, có cách “vâng” riêng. Một ánh mắt, một nụ cười, một cách cúi đầu như thế nào đó,… đã có thể là tín hiệu của sự thuận tình, đâu phải lúc nào cũng cần nói ra tiếng “vâng”.

4. Qua bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông ?, ta có thể nhận ra nét riêng của cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường :

– Tinh tế, tài hoa.

– Uyên bác (có vốn tri thức phong phú, sâu sắc về lịch sử, văn hoá và nghệ thuật xứ Huế).

– Giàu trí tưởng tượng, lãng mạn bay bổng.

– Gắn bó máu thịt và yêu tha thiết cảnh vật và con người xứ Huế.

 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận