Văn miêu tả lớp 3- Em hãy miêu tả về quê hương của em

Đang tải...

Đề bài: Em hãy miêu tả về quê hương của em

Bài làm 1: Sông nước, miệt vườn Tiền Giang

Sông nước, miệt vườn Tiền Giang với một màu xanh bát ngát bao la. Những cù lao cây trái xanh tươi, trĩu quả bốn mùa. Các xóm thôn gần xa, ẩn hiện, nép mình giữa các hệ thống kênh rạch chằng chịt, mênh mông sông nước.

Các trò chơi dân gian như chèo thuyền, câu cá, tắm sông, trèo cây hái trái… rất hấp dẫn. Ấn tượng với du khách xa gần là đến thăm các phiên chợ nổi trên sông. Hàng nghìn chiếc xuồng chất đầy rau trái, gia cầm, súc vật từ khắp miền Tây Nam Bộ tấp nập túa đến. Tiếng chào mời, mua bán xởi lởi, ồn ào. Có rất nhiều trẻ con ba, bốn tuổi theo mẹ, theo dì đi chợ nổi, mở cặp mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn bốn phía.

Chiều tà, chợ nổi vãn dần. Đó là lúc hàng trăm, hàng nghìn cánh cò trắng bay rợp trời xanh. Trăng non vừa xuất hiện, tiếng đàn ca tài tử ở đâu đó vọng đến, nghe đắm say mênh mang.

Tiền Giang là quê má thương yêu của tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở Tiền Giang. Cây trái, vườn tược, dòng kinh… đã thành một mảnh tâm hồn tôi. Tôi nhớ thương, yêu quý Tiền Giang nhiều lắm.

Bài làm 2: Đảo Cát Bà

Huyện đảo Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng có rất nhiều đảo lớn, nhỏ trong đó có đảo Cát Dứa – nơi chôn nhau cắt rốn của em.

Gọi là Cát Dứa vì ở đây có bạt ngàn cây dứa dại. Đây cũng là nơi trú ngụ của hàng ngàn con khỉ, con voọc, nên còn được gọi là Đảo Khỉ. Đảo Cát Dứa là điểm du lịch kì thú, cách Bến Bèo khoảng 5 ki-lô-mét, có bãi cát vàng nước trong veo, sơn thuỷ hữu tình, bãi tắm hấp dẫn đối với du khách trong những ngày hè. Bãi tắm Cát Dứa rộng khoảng 10 héc-ta, không có sóng to, mặt biển lúc nào cũng lao xao, rì rầm, nước trong xanh đến nỗi có thể nhìn thấy đá cuội, vỏ ốc, vỏ sò.

Bạn có thể thuê xuồng và tự chèo để du ngoạn trên mặt vịnh. Bạn có thể bơi lặn thoả thích rồi nằm tắm nắng trên bãi cát vàng êm đềm, rất sạch. Bạn có thể leo núi hái hoa rừng, nghe chim hót ríu ran, đặc biệt là được vui đùa cùng bầy khỉ vô cùng vui nhộn và tinh nghịch. Đứng trên vách đảo Khỉ, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm hòn Nen, hòn Bụt Đầy, hòn Trai Gái, hòn Trinh Nữ, hòn Ba Trái Đào… Xa xa là hang Sửng sốt, hang Đầu Gỗ… trên vịnh Hạ Long. Đảo Khỉ quê em hữu tình và đáng yêu lắm.

 

Bài làm 3 Quê hương em

Quê nội em đã được ngói hoá, hầu như không còn nhà tranh vách đất nữa. Đường liên xã, liên thôn đều được xi măng hoá rất sạch sẽ, đi lại thuận tiện. Trạm xá khang trang nằm ở đầu làng. Trường tiểu học hai tầng có 20 phòng học, sân trường rộng rãi, nhiều bóng cây xanh. Các thôn xóm đều đã có điện. Tiếng máy bơm nước rì rầm, phun nước ngọt lên các cánh đồng. Lúa tốt bời bời. Đáng yêu nhất là những con trâu, con nghé hiền lành gặm cỏ hai

bên bờ đê. Vườn tược sum sê hoa trái. Chợ búa đầy ắp nông sản, nhiều nhất là rau, cá, gia cầm. Thú vị nhất là được ngắm đàn cò trắng bay lượn trên đồng xanh.

Mẹ em nói: “Quê hương mình đã đổi mới, đã giàu lên. Con cố học giỏi, hè này bố mẹ lại cho con về chơi quê nội, thăm ông bà”.

Bài đọc tham khảo: Lớp học nơi làng chài “điểm chỉ”

Xã Hồng Tiến thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình có xóm Cao Bình- một địa chỉ rất đặc biệt. Đó là một làng chài kéo dài khoảng 40 ki-lô-mét, từ xã Hồng Tiến ra tận đảo cồn Vành ngoài cửa sông Thái Bình. Làng chài này tính đến cuối năm 2007 có 534 nhân khẩu, gồm 40 con thuyền to, nhỏ khác nhau. Hộ đông vui nhất là gia đình ông Tý với 13 đứa con; các hộ khác cũng có ba, bốn đứa trẻ. Các em nhỏ ở làng chài mới 5-7 tuổi đã bơi, lặn nhanh như con rái cá. Đứa nào cũng đen thui, tay chân căng tròn, bơi chèo nhanh thoăn thoắt. Hơn sáu, bảy mươi phần trăm dân số làng chài mù chữ. Người có “học vị” cao nhất là lớp hai, lớp ba. Trẻ em không được cắp sách đi học vì không có trường. Làng chài xóm Cao Bình được mệnh danh là “làng điểm chỉ”. Hầu hết các giấy tờ như đăng kí kết hôn, khai sinh, vay nợ ngân hàng… đều được bà con ở đây “điểm chỉ”.

Mãi đến đầu năm 2007, được xã và huyện cấp đất ở, đã có 41/105 hộ làng chài lên bờ làm nhà. Một số trẻ em đã được đi học. Năm học 2007 — 2008, có 58 học sinh lớp một. Thầy giáo mang quân hàm xanh: trung uý Đào Đình Luyện và thiếu tá Lưu Đình Thành, hai cán bộ đồn biên phòng được cử đến dạy học.

Trẻ em làng chài Cao Bình rất ham học. Những ngày mưa gió chúng vẫn kéo nhau đến lớp thật đông vui. Thầy Thành, thầy Luyện cho biết, mới có thêm 17 học sinh dự bị vào lớp một; sang năm sẽ có trường mới, thầy cô giáo mới. Chắc rằng cái tên làng “điểm chỉ” sẽ không còn nữa..

Bài làm: Đường Lâm quê em

Quê em là xã Đường Lâm, còn gọi là Kẻ Mía, xứ Đoài, nay thuộc thành phố Hà Nội.

Đường Lâm gốc là “đất hai vua”: Phùng Hưng – Bố Cái Đại Vương và Ngô Quyền.

Con trai Đường Lâm tài giỏi, thượng võ. Con gái Đường Lâm đảm đang, đẹp nết, đẹp người. Đường Lâm có nhiều cảnh đẹp nức tiếng gần xa. Có đền thờ Bố Cái Đại Vương, đền thờ Ngô Quyền, có đình làng Mông Phụ, đình làng Cam Thịnh, đình làng Đoài Giác; có chùa Mía, còn gọi là Sùng Nghiêm tự, cây đa cổ thụ rợp bóng sân chùa, hiện có 287 pho tượng Phật bằng gỗ, bằng đồng, bằng đất vô cùng quý giá.

Quê em đẹp lắm. Sông xanh uốn quanh. Đồng lúa xanh trải dài, trải rộng. Đường Lâm là làng Việt cổ, nếu có dịp mời bạn đến thăm quê mình nhé!

Bài đọc tham khảo Hòn Đất – quê chị Sử “liệt sĩ anh hùng”

Hòn Đất nổi lên trên Hòn Me và Hòn Sóc, gối lên trên xóm, về tháng này trông xanh tốt tươi. Bây giờ vừa sang tháng chạp ta, người Hòn Đất đã nghe gió Tết hây hẩy lùa trong nắng. Cây cối trên Hòn và cái xóm nằm liền Hòn vụt rạo rực nhựa sống non, với những vòm lá của đủ các loại cây trái: mít, dừa, cam, mãng cầu, lê-ki-ma, măng cụt sum sê nhẫy nhượt. Những ngôi nhà trong xóm, mái lá và ngói đỏ chen nhau, coi đông đúc như một thị trấn… Nhà còn cất lên trên triền Hòn thoai thoải, ở xa ngó cứ như những chuồng chim sâu, cái thì nhà trệt, cái thì nhà sàn. Xa quá khỏi Hòn một đỗi là bãi tre. Thấp thoáng những cây tre lâu nay vẫn đứng đấy, bình yên và thanh thản, mặc cho nhiều sương gió đã thổi tới. Sau rặng tre ấy, biển cả còn lâu đời hơn, vẫn đang giỡn sóng, mang một màu xanh lục. Những lần đi đâu xa và lâu ngày trở về đây, người dân đất Hòn cũng thấy lòng mình rộn lên một cảm giác khó tả. Nhất là trở về đúng những ngày mùa, khi thoang thoảng đâu đây hương lúa mới, họ càng thấy lòng mình nhẹ lâng lâng.

Bài đọc tham khảo Sông Hương giữa lòng cố đô Huế

… Sông Hương vui tươi tắn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam – đông bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Giáp mặt thành phố ở cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến; đường cong ấy làm cho con sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Và như vậy, giống như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét; sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình; Huế trong tổng thể vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ, trải dọc hai bờ sông. Đầu và cuối ngõ thành phố, những nhánh sông đào mang nước sông Hương toả đi khắp phố thị, với những cây đa, cây dừa cố thụ toả vầng lá u sầm xuồng những xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập loè trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được. Những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước, khiến cho sông Hương khi qua thành phố đã trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh…

Xem thêm: Tả một số đồ đạc trên bàn học, nơi góc học tập

Bài đọc tham khảo Vườn quốc gia núi Chúa

Vườn quốc gia núi Chúa nằm ở phía bắc tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang – Tháp Chàm chừng 20 ki-lô-mét.

Núi Chúa có độ cao 1.040 mét so với mặt nước biển. Vườn quốc gia núi Chúa có diện tích rừng nguyên sinh khoảng 30.000 hée-ta; tài nguyên rừng rất phong phú, đa dạng: 1.265 loài thực vật bậc cao, đặc hữu quý hiếm; 306 loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài được ghi vào sách đỏ thế giới như chà vá chân đen, gấu ngựa, gấu chó, beo lửa…

Đến thăm núi Chúa, du khách sẽ được khám phá nhiều điều thú vị của vườn quốc gia đang được bảo tồn. Đi dọc con đường nhựa dài 20 ki-lô-mét bao quanh núi Chúa, khách tham

quan sẽ được vui thú thưởng ngoạn bao cảnh non xanh nước biếc kì vĩ, tráng lệ của rừng, của núi, của biển ở vùng cực nam duyên hải miền Trung. Hồ Treo trên vách núi đá như một nghiên mực bằng ngọc lưu li, nước xanh biếc da trời. Mặt hồ rộng có đường kính gần 80 mét. Đá xếp lô xô ven hồ, giữa hồ, như những hình non bộ do thiên nhiên tạo thành. Tiếng nước chảy róc rách, rì rầm của hàng chục con suối. Tiếng sóng vỗ rì rào trên mặt hồ hoà điệu với tiếng lá lao xao của rừng xanh. Tiếng gà rừng, tiếng chim cuốc, tiếng gầm gào của gấu ngựa, của chà vá… náo động khắp nơi.

Suối Lồ Ô là thắng cảnh cổ tích nằm giữa vách núi đá với làn nước trong xanh, mát lạnh. Nhiều khối đá hoa cương được nước suối bào mòn phang lì, sạch bong, là nơi lí tưởng cho du khách dừng chân ngắm dấu tích quần tiên từng vũ hội.

Tham quan vườn quốc gia núi Chúa, du khách tha hồ đi dọc các bãi tắm trải dài gần 40 ki-lô-mét bờ biển. Bãi cát trắng phau. Nước trong xanh một màu phẳng lặng. Các rặng san hô ngắm mãi không chán. Tàu đáy kính của công ty du lịch sẽ đưa du khách ngắm san hô và động vật biển qua các ô kính. Nhớ đến chơi bãi Hòm, nơi có những con rùa biển rất to, các em nhỏ lần đầu tiên được nhìn thấy cứ ngỡ là thần Kim Quy trong truyền thuyết hiện về. Loài rùa biển ở đây được xếp vào danh sách động vật quý hiếm của vùng biến Đông Nam Á.

Bài đọc tham khảo 

Quê tôi thuộc vùng trung du. Màu xanh là màu sắc của quê tôi. Cái màu mát dịu, thanh bình ấy đã trở thành tình thương, nỗi nhớ của người làng tôi mỗi khi phải đi xa.

Quê tôi là vựa lúa. Đồng Chàm, đồng Thanh, đồng Biếc, đồng Chanh, đồng Thắm – năm cánh đồng tươi tốt bốn mùa. Đồng Chàm cấy lúa nếp cái hoa vàng. Đồng Chanh, đồng Biếc, đồng Thanh cấy lúa tám thơm. Đồng Thắm trồng lúa dự. Toàn là lúa đặc sản nức tiếng gần xa. Màu xanh bát ngát bao la và hương lúa con gái, hoa lúa trắng nõn, lúa chín vàng tươi là vẻ đẹp của đồng quê thương mến. Cánh cò trang phau, tà áo nâu non của cô gái làng tôi nổi bật trên nền xanh của lúa, ai bảo là không đẹp, không đáng yêu?

Làng tôi có chùa Đầm với 18 tượng La Hán sơn son thếp vàng, với ba cây gạo nở hoa đỏ chói như thắp lên hàng ngàn hàng vạn ngọn nến giữa trời xanh. Làng tôi có con sông Bường nước trong veo. Ben đá là nơi tắm giặt của bà con cô bác, là nơi bơi lội của trẻ mục đồng, là nơi đầy tiếng reo cười hồn nhiên vang lên trong bóng chiều khi chuông chùa Đầm ngân buông.

Tôi yêu bãi cỏ làng tôi, nơi đá bóng vui chơi, nơi thả diều của bầy trẻ nhỏ. Trâu mẹ, nghé con, bò vàng bê mượt hiền lành gặm cỏ. Chú bé đen nhẻm, đầu đội nón mê, vắt vẻo ngồi trên lưng trâu. Có bầy trẻ hồn nhiên nằm ngửa trên bãi cỏ ngắm cánh diều và lắng nghe tiếng sáo diều vi vu. Có đám trẻ con vật nhau và chơi trận giả. Tiếng gọi nhau, tiếng reo… náo động chiều quê. Tôi nhớ và yêu lắm.

Ao sen đình Xuân của làng tôi, cuối xuân đầu hè đẹp lắm. Lá sen xanh, búp sen hồng, nhuỵ sen vàng tươi, hương sen ngào ngạt… như vẫy gọi, như níu giữ, như dịu mát hồn người vấn vương. Tóc cô gái làng tôi mượt mà đen bóng, thoang thoảng hương thơm cùng mùa sen, để rồi cặp má ừng hồng lên khi mùa thu tới…

Làng tôi còn có biết bao cảnh đẹp. Tôi yêu lắm, yêu nhiều đất tổ, quê cha.

Bài đọc tham khảo 

Buổi sáng trên cánh đồng quê em thật là đẹp. Nhìn từ xa, cả cánh đồng như một tấm thảm khổng lồ vẫn còn chìm trong màn sương đêm yên tĩnh. Đằng đông, ông mặt trời tò từ nhô lên sau luỹ tre làng. Yạn vật đều bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Trên ngọn cây cao gần đó, mấy chú chim hoạ mi hót líu lo, đón chào một ngày mới. Từ xa, men theo con đường làng, lác đác một vài bác nông dân vừa đi vừa trò chuyện.

Nắng đã lên cao. Sương bắt đầu tan. Bầu trời mùa thu xanh trong và cao vút. Những đám mây trắng xoá tựa như bông, lặng lẽ trôi trên bầu trời rộng mênh mông. Toàn bộ cánh đồng được bao phủ bởi một màu vàng xuộm của lúa chín. Mỗi khi có gió, những sóng lúa lại nhấp nhô, xô đuối nhau chạy mãi vào bờ. Ông mặt trời đã lên cao. Nắng cũng đậm dần. Người trong làng bắt đầu đi chợ nhộn nhịp trên con đường xuyên qua cánh đồng. Các bà, các chị gánh ra chợ những mớ rau thơm, những bẹ cải sớm hay những bó huệ trắng muốt… Một không khí tươi vui hoà quyện lại tạo thành một bức tranh làng quê thanh bình, yên ả, sống động và đầy màu sắc.

Ngắm nhìn tất cả cảnh vật trên cánh đồng lúa quê mình, em thấy rất đỗi thân thương. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này lớn lên xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận