Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề thi số 7

Đang tải...

Tuyển chọn đề thi THPT Ngữ Văn (Đề 7)

A. ĐỀ THI

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận dạng cảm xúc, hiểu được ý nghĩa của chúng và nhận ra tác động của chúng đối với những người xung quanh. Trí tuệ cảm xúc bao hàm cả việc nhận thức người khác: khi bạn hiểu cảm xúc của mọi người, bạn sẽ kiểm soát các mối quan hệ hiệu quả hơn.

Những người giàu trí tuệ cảm xúc hiểu rõ cảm xúc của mình nên không bao giờ để chúng chế ngự. Đồng thời họ cũng rất nghiêm khắc khi đánh giá bản thân. Họ biết đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mình để từ đó phát huy hoặc khắc phục, nhở vậy họ có thể làm việc hiệu quả hơn. Nhiều người tin rằng sự hiểu rõ bản thân chính là thành tố quan trọng nhất của trí tuệ cảm xúc…

Biết cảm thông có lẽ là thành tố quan trọng thú hai của trí tuệ cảm xúc. Cảm thông là việc bạn đồng cảm và hiểu được ước muốn, nhu cầu và quan điểm của những người sống quanh bạn. Những người biết cảm thông thường rất giỏi trong việc nắm bắt cảm xúc của người khác, kể cả những cảm xúc tinh tế nhất. Nhờ vậy, họ luôn biết cách lắng nghe người khác và thiết lập quan hệ với mọi người. Họ không bao giờ nhìn nhận vấn đề một cách rập khuôn hay phán đoán tình huống quá vội vàng. Họ luôn sống chân thành và cởi mở…

Như vậy, trí tuệ cảm xúc là một yếu tố quan trọng giúp bạn đạt đến thành công trong cuộc sống, đặc biệt là trong sự nghiệp. Quản lí con người và các mối quan hệ là kĩ năng quan trọng của mọi nhà lãnh đạo, vì thế nâng cao và vận dụng trí tuệ cảm xúc trong công việc là một cách thể hiện khả năng lãnh đạo của bạn.

(Theo mindtools.com, Trí tuệ cảm xúc – yếu tố quan trọng để thành công)

Câu 1. Chỉ ra vấn đề chính được đề cập đến trong đoạn trích.

Câu 2. Theo bài viết, người có trí tuệ cảm xúc là người như thế nào?

Câu 3. Chỉ ra tính hiệu quả trong xây dựng kết cấu của đoạn trích trên.

Câu 4. Trong khoảng 5 đến 7 dòng, anh/chị hãy chỉ ra bài học mà đoạn trích mang đến cho bản thân.

II. LÀM VĂN (7 ĐIỂM)

Câu 1. (2 điểm) Anh/Chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 từ, bày tỏ suy nghĩ của mình về quan điểm sau: “Như vậy, trí tuệ cảm xúc là một yếu tố quan trọng giúp bạn đạt đến thành công trong cuộc sống, đặc biệt là trong sự nghiệp”.

Câu 2. (5 điểm) Nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp vừa hùng vĩ, hoang sơ lại vừa thơ mộng lãng mạn của thiên nhiên Tây Bắc qua bài thơ Tây Tiến.

B. HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Vấn đề chính được đề cập đến trong đoạn trích là những kiến thức căn bản về trí tuệ cảm xúc. (0,5 điểm)

Câu 2. Các yếu tố thể hiện rõ con người có trí tuệ cảm xúc: (1 điểm)

– Là người có sự hiểu biết rõ về cảm xúc của bản thân, không để cảm xúc điều khiển mình mà trái lại biết chế ngự nó.

– Biết cảm thông đối với người khác, từ đó biết lắng nghe và thiết lập mối quan hệ tốt với mọi người.

Câu 3. Đoạn trích xây dựng một kết cấu hiệu quả như sau: (1 điểm)

– Đoạn trích gồm hai luận điểm rõ ràng. Luận điểm một là người có trí tuệ cảm xúc là người hiểu rõ bản thân và chế ngự được cảm xúc của mình. Luận điểm hai là người có trí tuệ cảm xúc là người biết cảm thông cho người khác để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với người khác.

– Đoạn trích dẫn dắt vấn đề một cách khoa học, logic. Đầu tiên là nêu khái niệm trí tuệ cảm xúc; sau đó kết thúc bằng việc chỉ ra vai trò ý nghĩa của trí tuệ cảm xúc đối với mỗi con người.

Câu 4. Thí sinh có thể rút ra nhiều bài học khác nhau: Bài học về việc rèn trí tuệ cảm xúc, chế ngự cảm xúc nhất thời của bản thân, tránh nóng giận gây hậu quả nghiêm trọng; bài học về việc cần đặt mình vào vị trí người khác, từ đó biết cư xử thấu tình đạt lí,… (0,5 điểm)

II. LÀM VĂN

Câu1.(2điểm)

Yêu cầu về hình thức

– Viết đúng đoạn văn khoảng 200 từ.

– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt,…

Yêu cầu về nội dung

Đoạn văn cẩn làm rõ được các ý sau:

– Giải thích: Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận dạng cảm xúc, hiểu được ý nghĩa và tác động của nó với những người xung quanh.

– Phân tích, chứng minh: Vì sao trí tuệ cảm xúc là yếu tố giúp con người đạt thành công trong sự nghiệp?

+ Để thành công trong sự nghiệp mỗi người phải trải qua rất nhiều khó khăn. Nếu chỉ có trí thông minh thôi chưa đủ mà cần phải có ý chí nghị lực, sự kiên trì, lòng quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Đó là những yếu tố thuộc về trí tuệ cảm xúc (EQ).

+ Người có trí tuệ cảm xúc tốt dễ thành công hơn người không có hoặc ít có trí tuệ cảm xúc, bởi vì họ biết nắm bắt cảm xúc của người xung quanh, biết thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp,… Nhờ đó, họ nhận được nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ từ mọi người.

– Bàn luận, mở rộng: Để đạt được thành công, mỗi người không phải chỉ cân trí tuệ cảm xúc, vẫn cấn học tập nâng cao trình độ năng lực chuyên môn.

Đoạn văn mẫu:

Một trong những yếu tố quan trọng giúp ta đạt được thành công chính là nhờ trí tuệ cảm xúc. Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận dạng cảm xúc, hiểu được ý nghĩa và tác động của nó với những người xung quanh. Con đường đến với thành công luôn đầy chông gai thử thách, đòi hỏi mỗi người phải có ý chí nghị lực, hơn thế còn cần sự giúp đỡ của rất nhiểu người xung quanh. Người có trí tuệ cảm xúc tốt dễ thành công hơn người khác vì họ biết nắm bắt cảm xúc của người khác, biết thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại thành công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc không chỉ bởi Người có trí tuệ sáng suốt mà còn nhờ vào ý chí nghị lực phi thường và sự giúp đỡ của bạn bè năm châu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người quá coi trọng việc học tập rèn luyện trí thông minh (IQ) mà không quan tâm đến việc trau dổi trí tuệ cảm xúc. Họ có thể rất tài giỏi nhưng kiêu ngạo và cô độc. Để trở thành người hạnh phúc và thành đạt, mỗi chứng ta bên cạnh việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cẩn bồi dưỡng thêm cho mình trí tuệ cảm xúc.

Câu 2. (5 điểm)

Yêu cầu về hình thức

– Viết đúng kết cấu bài văn gồm ba phần.

– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt,…

Yêu cầu về nội dung

Bài viết cần đảm bảo các ý sau:

a) Mở bài (0,25 điểm)

Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, nhân vật và trích dẫn ý kiến.

– Tâỵ Tiến của Quang Dũng là một trong số ít những bài thơ có sức sống mãnh liệt, trường tồn cùng thời gian. Bài thơ ra đời năm 1948, khi tác giả rời xa binh đoàn Tây Tiến, tại Phù Lưu Chanh – một ngôi làng nhỏ bên dòng sông Đáy hiền hoà, nỗi nhớ đơn vị cũ trào dâng đã thôi thúc Quang Dũng viết lên những vần thơ tuyệt bút, trở thành những “sợi nhớ sợi thương” gửi về những năm tháng hào hùng không thể nào quên của dân tộc.

– Bên cạnh hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng hào hoa, bài thơ đã khắc hoạ thành công bức tranh thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ, hoang sơ, lại vừa thơ mộng lãng mạn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

b) Thân bài (4 điểm)

1. Vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của thiên nhiên Tây Bắc (2 điểm)

– Trước hết, Quang Dũng đã dùng những nét vẽ mạnh mẽ gân guốc để dựng lên bức tranh núi rừng miền Tây thật hùng vĩ:

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm .

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống.

Đó là những dốc núi dựng đứng, cao chất ngất; dốc tiếp dốc, núi tiếp núi, trùng trùng điệp điệp. Một loạt các từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” gợi ra sự hiểm trở, khó khăn của con đường hành quân vượt dốc. Cách ngắt nhịp 4/3 trong câu thơ “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” bày ra hai thế núi, khi lên thì cao vút như chạm đến tận mây trời, khi xuống thì sâu thăm thẳm như chạm đến tận đáy vực. Lại có những đỉnh núi cao chót vót, quanh năm chìm trong mây mờ bao phủ, mây chồng chất, cuộn thành “cồn mây”. Nơi đây heo hút, vắng lặng, là nơi gặp gỡ giữa trời và đất.

– Đó cũng là một thiên nhiên hoang sơ với cảnh:

                 Chiều chiều oai linh thác gầm thét

                  Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Những trạng từ “chiều chiểu”, “đêm đêm” gợi ra thời gian lặp đi lặp lại, hết chiều này sang chiều khác, hết đêm này sang đêm khác, xung quanh người lính Tây Tiến chỉ là bản hoà âm kì dị của núi rừng, tiếng thác đổ, tiếng cọp gầm. Hai chữ “Mường Hịch” đi liền với “cọp trêu người”, hai thanh trắc “Hịch – cọp” đọc lên nghe nặng nể như có tiếng bước chân cọp đang lặng lẽ rình mồi trong đêm. Sau này, trong hồi kí của Quang Dũng và đồng đội cũng kể lại cảnh sau một đêm ngủ dậy, người lính Tây Tiến bước ra khỏi lán trại, trông thấy những dấu chân của “ông Ba mươi” in rành rành trên đất mà không khỏi rùng mình sợ hãi. Thiên nhiên ấy là một thử thách không nhỏ với những người lính trẻ vốn xuất thân là học sinh, sinh viên, trí thức Hà Nội.

2. Vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn của thiên nhiên Tây Bắc (2 điểm)

– Hùng vĩ, dữ dội là thế nhưng thiên nhiên miền Tâỵ Bắc cũng không kém phẩn thơ mộng với những nếp nhà sàn bồng bềnh như trôi trong màn mưa xa khơi “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, với những vẻ đẹp hư ảo, như thực lại như mơ “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Những câu thơ chủ yếu là thanh bằng đọc lên nghe êm ả, nhẹ nhàng như một sợi khói lam chiểu mỏng manh bay lên trong sương khói mơ màng lãng đãng lúc hoàng hôn.

– Ngòi bút Quang Dũng như cây cọ trong tay người hoạ sĩ tài ba, đã vẽ nên một bức tranh sông nước Mộc Châu tuyệt vời thơ mộng trong đoạn thơ:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ, hoa đong đưa.

Một chiều sương khói mênh mang bao phủ khắp cao nguyên Mộc Châu, một người đi vô định trong một chiều sương vô hình. Một loạt đại từ phiếm chỉ “người đi” “chiều sương ấy” như đẩy không gian và thời gian trôi về một nơi nào xa vắng, nhường lại nơi đây một khung cảnh đẹp đến nao lòng. Những câu hỏi tu từ “có thấy, có nhớ” vang lên thật khắc khoải, da diết như neo đậu vào lòng người bao nhiêu nỗi nhớ cháy bỏng khôn nguôi. Làm sao có thể nào quên “hổn lau nẻo bến bờ”? Không phải cây lau, bông lau hay dáng lau, ngàn lau như trong thơ Chế Lan Viên:

                             Ai lên biên giới cho lòng ta theo với

                             Có thấy ngàn lau trắng một màu.

Ngòi bút tài hoa của Quang Dũng đã neo đậu vào hai chữ tinh tế nhất “hồn lau”. Dường như trong mỗi dáng lau thanh nhã kia đều ẩn chứa linh hồn của đất và người miền Tây Bắc. Hai chữ “hồn lau” vương trên một “nẻo bến bờ” vừa gần gũi, lại vừa xa xăm. Và cũng làm sao có thể quên một dáng người uyển chuyển mềm mại trên con thuyền độc mộc đang dần trôi xa, chỉ còn lại cảnh “trồi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Lũ mạnh mẽ, dữ dội; hoa yếu ớt mảnh mai. Hai sự vật tưởng như đối lập nhưng ở đây lại nâng đỡ nhau trong một chuyển động thật tình tứ. Hoa “đong đưa” như đang làm duyên làm dáng, đang gửi gắm bao tình cảm với dòng nước lũ. Cảnh vừa thơ mộng như một bức tranh thuỷ mặc với những nét chấm phá đơn sơ, tinh tế gợi hơn tả; lại vừa sinh động có linh hồn, làm say đắm lòng người đến ngất ngây.

3. Về nghệ thuật (0,5 điểm)

Thể thơ thất ngôn với giọng điệu trang trọng, phù hợp với mạch cảm xúc. Ngôn ngữ thơ trong sáng, tinh tế, tràn đẩy cảm hứng lãng mạn. Cách dùng từ chính xác, độc đáo.

Bút pháp vừa hiện đại lại vừa cổ điển, vừa tả thực, vừa kết hợp chấm phá gợi hơn tả… Tất cả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ, hoang sơ, dữ dội, lại vừa thơ mộng, lãng mạn, trữ tình. Điều đáng nói là thiên nhiên được lọc qua nỗi nhớ, qua hoài niệm, qua tâm hồn hào hoa, đa cảm của những người lính trẻ vốn xuất thân là học sinh, sinh viên trí thức Hà Thành nên càng đẹp hơn, thơ mộng hơn.

c) Kết bài (0,25 điểm)

Tây Tiến – “đứa con đầu lòng hào hoa, tráng kiện” là một trong những bài thơ hay nhất của Quang Dũng và cũng là một trong những thi phẩm xuất sắc nhất của văn học cách mạng Việt Nam. Khép lại những vần thơ lãng mạn và bi tráng đến tận cùng, người đọc sẽ mãi mãi không thể nào quên vẻ đẹp của người lính Tây Tiến hào hùng và hào hoa, của thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ lại vừa thơ mộng.

Xem thêm Tuyển chọn  đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề số 6 tại đây

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận