Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề số 10

Đang tải...

Tuyển chọn đề thi THPT Ngữ Văn (Đề 10)

A. ĐỀ THI 

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

 

Xin cảm ơn buổi sớm mai thức dậy

Ta có thêm một ngày mới để yêu thương

Xin mang ơn những buổi hoàng hôn vương

Ta có được bữa cơm gia đình hạnh phúc

Xin biết ơn giấc mộng đầy cảm xúc

Ta có thể rèn tâm thức được bình yên

Nếu một mai ra đi trong an nhiên

Ta sẽ mỉm cười với lòng cảm kích.

(Lòng biết ơn, Tú Yên)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên. (0,5 điểm)

Câu 2 . Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0,5 điểm)

Câu 3. Chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của phép điệp cấu trúc câu trong những câu thơ sau: “Xin cảm ơn buổi sớm mai thức dậy… Xin mang ơn những buổi hoàng hôn vương… Xin biết ơn giấc mộng đầy cảm xúc”. (1 điểm)

Câu 4. Tại sao nhà thơ lại viết:

                         Xin cảm ơn buổi sớm mai thức dậy

                        Ta có thêm một ngày mới để yêu thương. (1 điểm)

II. LÀM VĂN (7 ĐIỂM)

Câu 1. (2 điểm)

Hãy viết một đoạn văn khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về thông điệp được nêu trong văn bản ở phần đọc hiểu: Lòng biết ơn.

Câu 2. (5 điểm)

Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh thể hiện một tình yêu vừa có nét truyền thống như tình yêu muôn đời lại vừa in đậm nét hiện đại. Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua đoạn thơ sau:

 

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

 

Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương

 

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

B. HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI

I. ĐOC HIỂU (3 ĐIỂM)

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. (0,5 điểm)

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm. (0,5 điểm)

Câu 3. Hiệu quả nghệ thuật của phép điệp cấu trúc câu trong những câu thơ sau: “Xin cảm ơn buổi sớm mai thức dậy… Xin mang ơn những buổi hoàng hôn vương… Xin biết ơn giấc mộng đầy cảm xúc”: nhấn mạnh lòng biết ơn của tác giả với cuộc đời, biết ơn từ những điều giản dị nhỏ bé nhất như một buổi sớm mai, buổi hoàng hôn tươi đẹp, giấc mộng đây cảm xúc, đồng thời tăng giá trị gợi hình biểu cảm cho bài thơ. (1 điểm)

Câu 4. Câu thơ:

                Xin cảm ơn buổi sớm mai thức dậy

                Ta có thêm một ngày môi để yêu thương.

thể hiện lẽ sống của tác giả: sống là để yêu thương, mỗi ngày mới thức dậy ta đều thấy biết ơn cuộc đời bởi mình vẫn sống bình yên, khoẻ mạnh để có thể đón nhận và chia sẻ yêu thương với mọi người. Đó là lẽ sống cao đẹp đáng trân trọng và học tập. (1 điểm)

II. LÀM VĂN (7 ĐIẾM)

Câu 1. (2 điểm)

Yêu cầu về hình thức

– Viết đúng đoạn văn khoảng 200 từ.

Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt,…

Yêu cầu về nội dung

Đoạn văn cần làm rõ được các ý sau:

– Lòng biết ơn là gì? Vai trò của lòng biết ơn?

– Biểu hiện của lòng biết ơn.

– Phê phán những kẻ vô ơn, bạc nghĩa.

Đoạn văn mẫu:

Lòng biết ơn là thái độ sống quan trọng và cần thiết đối với mỗi người. Biết ơn là ghi nhớ công lao của những người đã giúp đỡ mình hay đơn giản hơn là đem lại cho mình cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Làm sao ta có thể quên ơn cha mẹ đã ban cho ta cuộc sống, thầy cô đã dạy dỗ ta khôn lớn trưởng thành. Làm sao ta có thể quên công lao các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để cho ta có cuộc sống hoà bình như ngày hôm nay. Làm sao ta có thể không ghi nhớ vẻ đẹp của một tia nắng ấm áp, một giọt sương trong lành… Bởi tất cả đã mang đến cho ta một buổi bình minh tươi đẹp… Lòng biết ơn là biểu hiện của đạo lí truyền thống uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, có không ít người sống vô ơn bạc nghĩa. Thái độ vô ơn ấy thật đáng phê phán. Là thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta cần giữ gìn và phát huy lòng biết ơn – một trong những truyền thống đạo lí tốt đẹp của con người Việt Nam.

Câu 2. (5 điểm)

Yêu cầu về hình thức

– Viết đúng kết cấu bài văn ba phần.

– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt,…

Yêu cầu về nội dung:

Bài viết cần đảm bảo các ý sau:

a) Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ cấn phân tích, nếu ý kiến trích dẫn.

Tình yêu là đề tài muôn thuở của thi ca. Trong vườn thơ tình mênh mông không biên giới ấy, mỗi nhà thơ có một tiếng nói riêng, khi nồng nàn mãnh liệt như Xuân Diệu; khi sâu lắng đầy triết lí như Chế Lan Viên; khi “đau thương” đến tuyệt vọng như Hàn Mặc Tử… Giữa muôn sắc hương ấy, người đọc vẫn không thể nào quên Sóng của Xuân Quỳnh, một bông hoa xinh xắn “nở dọc chiến hào”. Bài thơ là tiếng lòng của người phụ nữ trong tình yêu, vừa hồn nhiên trong sáng lại vừa sâu sắc ý nhị; vừa có nét truyền thống như tình yêu muôn đời lại vừa in đậm nét hiện đại, tiêu biểu là đoạn thơ sau: “Con sóng dưới lòng sâu… Dù muôn vời cách trở.”

b) Thân bài

1. Giải thích

Tình yêu có nét truyền thống là tình yêu mang tâm lí của người phụ nữ Việt Nam xưa, dịu dàng, nữ tính, thuỷ chung trong tình yêu. Tình yêu có nét hiện đại là tình yêu mang tâm lí của người phụ nữ Việt Nam hôm nay, dám biểu lộ cảm xúc cá nhân một cách mạnh mẽ, sôi nổi.

2. Chứng minh

– Tình yêu mang nét hiện đại

Xuân Quỳnh không giấu giếm lòng mình, không ngần ngại bày tỏ tình cảm của mình một cách chân thành, thẳng thắn: “Con sóng dưới lòng sâu… Cả trong mơ còn thức”. Sóng nổi hay chìm, sóng ngày hay đêm, sóng cồn cào khuấy động lòng đại dương là bởi sóng nhớ bờ khôn nguôi. Nỗi nhớ của sóng tưởng đã mãnh liệt nhưng nỗi nhớ của em còn mãnh liệt hơn sóng. Sóng chỉ nhớ bờ trong cõi thực còn em nhớ anh cả trong cõi mơ. Giấc mơ là chiều sâu khôn cùng của nỗi nhớ, chỉ có những ai yêu say đắm mới có thể chia sẻ cùng nữ sĩ nỗi nhớ cồn cào cháy bỏng đến thế. Nếu ca dao xưa mượn hình ảnh ngọn lửa “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa, như ngồi đống than” để diễn tả nỗi nhớ thì Xuân Quỳnh lại mượn hình ảnh sóng nước để diễn tả một nỗi nhớ vừa có chiều sâu, lại vừa có độ dài rộng mênh mông, bao trùm cả cõi thực lẫn cõi mộng, ý thức lẫn vô thức. Nếu người con gái trong ca dao xưa phải mượn hình ảnh khăn, đèn, mắt để diễn tả lòng mình : “Khăn thương nhớ ai/ Khăn rơi xuống đất… Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt… Mắt thương nhớ ai/ Mắt ngủ không yên” thì Xuân Quỳnh đã trực tiếp bày tỏ tình yêu của mình: “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Đó là biểu hiện của một tình yêu mang nét hiện đại.

– Tình yêu mang nét truyền thống

Một trong những phẩm chất truyền thống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam là lòng thuỷ chung, son sắt. Mượn hình ảnh trăm ngàn con sóng, dù trải qua bao cách trở vẫn hướng về bờ, Xuân Quỳnh đã khẳng định tấm lòng thuỷ chung, son sắt đến tuyệt đối của người con gái trong tình yêu. Dù đất trời có thay đổi biến thiên, xuôi thành ngược, Bắc thành Nam thì trái tim người con gái đang yêu như một chiếc la bàn đặc biệt vẫn chỉ hướng vể một phương duy nhất: phương anh.

3. Về nghệ thuật: Thể thơ năm chữ, ngôn ngữ thơ trong sáng, tự nhiên, các phép điệp từ, điệp ngữ hô ứng đăng đối, nhịp nhàng…

c) Kết bài

Khái quát nội dung nghệ thuật chung, đoạn thơ thể hiện một tình yêu vừa có nét truyền thống lại vừa có nét hiện đại, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

Xem thêm Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề số 9 tại đây. 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận