Trong lòng mẹ – Sách bài tập Ngữ Văn 8 tập 1

Đang tải...

Trong lòng mẹ 

ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Bài tập

1. Em hiểu như thế nào về thể loại tự truyện ? Đọc phần tóm tắt tác phẩm và văn bản đoạn trích trong SGK, em hình dung ra sao về tình cảnh của nhân vật chú bé Hồng?

2. Qua đoạn văn thuật lại cuộc đối thoại giữa chú bé Hồng và người cô, hãy phân tích tâm trạng, cảm xúc của chú bé và bản chất nhân vật người cô.

3. Trình bày cảm nhận của em về đoạn văn diễn tả cảm xúc sung sướng đến cực điểm của chú bé Hồng khi bất ngờ gặp lại người mẹ, được nằm trong lòng mẹ.

4. Theo em, chất trữ tình của văn xuôi Nguyên Hồng bắt nguồn từ đâu? Phân tích những biểu hiện của chất trữ tình ây trong đoạn trích.

5. Hãy viết một bài văn ngắn trình bày cảm xúc của em khi được học đoạn trích Trong lòng mẹ.

Gợi ý làm bài

1. Cần trả lời câu hỏi: Tự truyện thuật lại câu chuyện ở thời gian nào? Ai là nhân vật chính?

Tự truyện là tác phẩm văn học thuộc loại tự sự do tác giả tự viết về cuộc đời mình, ở tác phẩm tự truyện, các sự kiện tiểu sử nhà văn đóng vai trò cơ sở của sáng tạo nghệ thuật để từ đó làm cho quá khứ tái sinh, làm sống dậy các thời kì xã hội nhất định. Ở đây, tác giả thành nhân vật người kể chuyện (ngôi thứ nhất số ít) và trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ về những ngày thơ ấu củà mình.

Hình dung về tình cảnh của nhân vật chú bé Hồng :

– Bố đã mất. Người mẹ không toại nguyện trong hôn nhân, không hạnh phúc ở nhà chồng, đang tha hướng cầu thực kiếm sống ở phương xa. Chú bé phải sống với người cô cay nghiệt, đầy ác cảm, thành kiến nặng nề với người mẹ đáng thương của chú.

– Chú bé Hồng vừa khát khao tình thương yêu, nhất là tình mẫu tử, vừa luôn phải chịu đựng, đề phòng trước sự ghẻ lạnh, châm chọc của nhiều người xung quanh.

2. Để phân tích tâm trạng, cảm xúc của chú bé Hồng trong cảnh đối thoại với người cô, cần dựa vào trình tự bố cục tác phẩm và đặt nó trong mối quan hệ với các lời nói, cử chỉ của nhân vật người cô.

– Nghe người cô cười hỏi, lập tức ữong kí ức chú bé sống dậy hình ảnh vẻ mặt rầu rầu và hiền từ của mẹ. Vốn nhạy cảm, chú nhận ra ngay ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt của người cô nên chú cúi đầu không đáp. Nhưng lại không muốn tình thương yêu và lòng kính mến mẹ bị “nhưng rắp tâm tanh bẩn” xâm phạm đến nên chú cô” cười và đáp lại một cách rất tự tin.

– Sau lời hỏi thứ hai của người cô, lòng chú bé càng thắt lại, khoé mắt đã cay cay. Đến khi mục đích mỉa mai, nhục mạ của người cô đã phơi bày ở lời nói thứ ba thì nỗi đau đớn, phẫn uất ở chú bé không còn nén nổi. Chú cố kìm nén nỗi đau xót, tức tưởi đang dâng lên trong lòng để hỏi lại bằng cách “cười dài trong tiếng khóc”.

– Tâm trạng đau đớn, uất ức của chú bé dâng đến cực điểm khi nghe người cô cứ tươi cười kể về tình cảnh tội nghiệp của mẹ mình. Chú ý các chi tiết đầy ấn tượng mà Nguyên Hồng đã sử dụng để bộc lộ lòng căm tức tột cùng ở những giây phút này. Lời văn lúc này dồn dập với các hình ảnh, các động từ manh.

Từ diễn biến tâm trạng trên, chúng ta nhận ra sự cay nghiệt đáng ghê tởm của nhân vật người cô, nhận ra tình thương yêu mẹ mãnh liệt và sự nhạy cảm, lòng tự trọng của chú bé Hồng.

Khi phân tích bản chất nhân vật người cô, cần chú ý những cử chỉ, điệu bộ, đặc biệt là giọng điệu hỏi, kể của người cô được nhà văn miêu tả. Người cô đã chuẩn bị sẵn cuộc “tấn công” đứa cháu tội nghiệp, nhục mạ người mẹ của chú nên không muốn “buông tha” đối tượng. Bà cô cứ thay đổi “đấu pháp” tấn công và nhà văn đã thuật lại điều đó theo lối tăng tiến. Đối lập với tâm trạng đau đớn, xót xa như muối xát của đứa cháu là sự vô cảm sắc lanh đến ghê rợn của người cô. Tình cảnh túng quẫn, hình vẻ gầy guộc, rách rưới của mẹ chú bé được người cô miêu tả tỉ mỉ với vẻ thích thú rõ rệt…

Qua phân tích bản chất lanh lùng, độc ác, thâm hiểm của nhân vật người cồ, cần rút ra ý nghĩa tố cáo của tác phẩm.

3. Cần thấy rằng đoạn văn diễn tả cảm giác sung sướng đến cực điểm của chú bé Hồng khi bất ngờ gặp lại người mẹ, được nằm trong lòng mẹ được tác giả viết bằng cảm hứng đặc biệt say mê cùng những rung động vô cùng tinh tế.

– Vừa đuổi kịp, trèo lên xe ngồi cùng mẹ, chú bé.đã như thế nào ? Dòng nước mắt khi “oà lên khóc rồi cứ thế nức nở” lúc này khác gì với dòng nước mắt khi đôi thoại với người cô ở lần trước ?

– Cách diễn tả của Nguyên Hồng đặc sắc như thế nào ? Qua những cảm giác cụ thể xen, với những lời bình luận mang tính chất tự bạch giấu chất trữ tình, nhà văn cho ta hiểu chú bé Hồng đang ra sao ở thời điểm này ? Chú ý các chi tiết nghệ thuật sinh động và giọng điệu của đoạn văn.

– Nhà văn như thả hồn mình về lâng lâng sống cùng kỉ niệm khi diễn tả chú bé Hồng bồng bềnh trôi trong cảm giác sung sướng, rạo rực, không mảy may nghĩ ngợi gì.

4. Nhìn chung, chất trữ tình của tác phẩm văn học thường bắt nguồn từ đối tượng miêu tả, cầu chuyện được kể, từ tâm hồn, rung cảm cùng cách thể hiện của nhà văn.

Có thể phân tích chất trữ tình của đoạn trích Trong lòng mẹ qua những mặt cụ thể sau :

– Đối tượng, nội dung thể hiện :

+ Tình huống và nội dung câu chuyện.

+ Dòng cảm xúc phong phú của chú bé Hồng.

Trong quá trình diễn biến này, mọi cảm xúc (nỗi xót xa tủi nhục, lòng căm giận sâu sắc, quyết liệt, tình yêu thương nồng nàn, thắm thiết) đều bị dồn nén rồi được đẩy lên ngày càng cao và đến đỉnh điểm.

– Phương thức thể hiện :

+ Kết hợp nhuần nhuyễn giữa thuật kể với bộc lộ cảm xúc.

+ Các hình ảnh thể hiện tâm trạng, các so sánh đều gây ấn tượng và thật giàu sức gợi cảm.

+ Lời văn giàu cảm xúc, nhiều khi mê say, cuốn hút khác thường.

Để viết bài văn ngắn theo yêu cầu này, cần đồng cảm với nhân vật và có cảm xúc thật tự nhiên. Có thể trình bày cảm xúc của mình về tình cảnh, khát khao, về tâm hồn trong sáng, nhạy cảm của chú bé Hồng hoặc cảm xúc về tình mẫu tử thiêng liêng, đầm ấm. Cũng có thể trình bày suy nghĩ, cảm xúc về ý nghĩa của đoạn văn có nội dung sâu sắc, giàu chất trữ tình này.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận