Tìm hiểu chung về văn thuyết minh – Rèn luyện kỹ năng lập dàn ý và làm văn THCS

Đang tải...

Tìm hiểu chung về văn thuyết minh

1. Khái niệm

Văn thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống con người, nhằm giúp cung cấp những tri thức về các hiện tượng, sự vật, đặc điểm, tính chất, nguyên nhân, nguồn gốc… của sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu và giải thích.

Ví dụ:

– Giới thiệu một nhân vật lịch sử

– Giới thiệu một miền quê, một vùng địa lý

– Giới thiệu một đặc sản, một món ăn,…

– Giới thiệu một loài hoa, loài chim, loài thú…

2. Đặc điểm chung của văn thuyết minh

Văn thuyết minh là thể loại văn thông dụng – rất gần gũi với đời sống hàng ngày. Qua bài văn thuyết minh, người nghe sẽ được giải đáp những thắc mắc về các câu hỏi như: Sự vật ấy là gì? Có những đặc điểm gì? Vì sao lại như vậy? Nó có những ích lợi gì?

Văn bản thuyết minh có tính chất khách quan, thực dụng và cung cấp thông tin chính xác, hữu ích, vì vậy văn bản gắn liền với tư duy khoa học, đòi hỏi sự rạch ròi, chính xác, khách quan trong đánh giá.

Bài văn thuyết minh có giá trị khi văn bản đó trình bày rõ ràng, chặt chẽ những đặc điểm cơ bản của đối tượng thuyết minh, đặc biệt trong khi sử dụng ngôn ngữ cần chính xác, cô đọng, hàm súc, sinh động, hấp dẫn, thuyết phục người đọc và người nghe.

3. Yêu cầu và phương pháp thuyết minh

a. Yêu cầu

Muốn nói thì phải hiểu điều mình định nói. Không thể nói vu vơ.

Muốn làm tốt bài văn thuyết minh cũng vậy, nghĩa là người viết, người nói phải nghiên cứu, tìm hiểu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nhất là phải nắm chắc bản chất, đặc trưng, mối tương quan của nó để có thể trình bày một cách sáng tỏ, đầy sức thuyết phục; tránh lan man, vô nghĩa, ngụy biện.

Ví dụ: Các bài thuyết minh về các loại thuốc hiện nay, nói “bốc lên” như một linh đan, một thần dược, người nghe cảm thấy ngờ vực về sự “một tấc đến giời”.

b. Phương pháp thuyết minh: là cách thức người viết sử dụng trong bài văn thuyết minh. Bài văn thuyết minh đạt chất lượng tức la người viết cung cấp những thông tin chính xác mà đề bài yêu cầu. Có nhiều phương pháp thuyết minh, việc người viết lựa chọn phương pháp nào để truyền đạt nội dung không phải bất cứ học sinh nào cũng nắm được. Vì vậy việc ghi nhận, lựa chọn những thông tin, số liệu nào là hợp lí đế chứng minh một sự vật một hiện tượng là một việc làm hết sức cần thiết.

– Muốn làm tốt bài văn thuyết minh, người viết phải nghiên cứu tìm hiểu sự vật hiện tượng cần thuyết minh, nắm được bản chất và những đặc trưng của chúng để tránh xa đề, lạc đề. Ngoài ra, việc phối hợp nhiều phương pháp, cùng việc vận dụng thao tác tưởng tượng suy luận trong một bài văn thuyết minh sẽ tạo cho bài viết tăng sức thuyết phục và hấp dẫn cho người đọc.

– Trong bài văn thuyết minh đòi hỏi người viết phải quan sát, học tập và tích luỹ kinh nghiệm sống, phải nghiên cứu tìm hiểu sự vật hiện tượng để nắm được bản chất và đặc trưng của đối tượng đó.

Các phương pháp thuyết minh thường gặp:

– Phương pháp nêu định nghĩa giải thích

Trong văn bản thuyết minh nhờ sử dụng những câu văn định nghĩa và giải thích để có thể xác định đôì tượng một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ.

Ví dụ: Hà Nội là một trong những trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn của Việt Nam.

– Phương pháp liệt kê

Nhờ sử dụng phương pháp này mà việc trình bày tính chất của sự vật, sự việc thêm rõ ràng, đầy đủ trên các phương diện để nhấn mạnh một đặc điểm nào đó.

Ví dụ: Văn bản Lao xao, Duy Khán đã cưng cấp cho người đọc, người nghe một bức tranh cụ thể, sinh động, nhiều màu sắc về thế giới các loài chim: chèo bẻo, chim cắt, tu hú, bồ các, sáo sậu…

Phương pháp nêu ví dụ

Trong văn bản, để tăng giá trị tin cậy cho bài viết, đồng thời tạo niềm tin cho người tiếp nhận việc nêu các ví dụ là hết sức cần thiết.

Phương pháp dùng số liệu

Nhờ sử dụng những con số mang tính định lượng chính xác về đôi tượng cần giải thích, chứng minh sẽ làm sáng tỏ được vai trò của nó trong thành phố.

Phương pháp so sánh

Trên cơ sở đối chiếu các sự vật, hiện tượng đã quen thuộc hoặc mới mẻ với mọi người hoặc những hiện tượng thông thường, dễ gặp… giúp cho người đọc tiếp nhận đối tượng đó một cách cụ thể, dễ dàng hơn.

Phương pháp phân loại, phân tích

Chia nhỏ đối tượng thành nhiều bộ phận, nhiều mặt cấu tạo đế thuyết minh sẽ giúp cho người tiếp nhận nắm bắt đối tượng một cách dễ dàng hơn.

Việc trình bày rành mạch những nét riêng của từng đối tượng cụ thể sẽ giúp cho bài văn thuyết minh thêm rõ ràng, rành mạch.

4. Một số biện pháp nghệ thuật sử dụng trong văn bản thuyết minh.

– Muốn cho văn bản thuyết minh được sinh động, hấp dẫn người ta vận dụng thêm một số biện pháp nghệ thuật như: kể chuyện tự thuật, đối thoại theo lối ẩn dụ, nhân hóa hoặc các hình thức vè diễn ca.

Ví dụ 1: Văn bản thuyết minh sử dụng hình thức kể chuyện tự thuật

… “Tôi vừa đi vừa ngắm không chán những cây kè lâu năm, thân to cao vút và cả những cây kè còn non, thấp lè tè, mà những tấm lá rộng lớn đã bọc kín gốc cây.

Một vài nơi trên cánh đồng, người ta đang trẩy lá kè. Rừng kè xào xạc. Những người chặt lá nói chuyện từ ngọn cây này sang ngọn cây khác. Trên một cái gò kề bên, việc chặt lá vừa xong, những cây kè bây giờ trông kệch cỡm và xấu xí, cả rừng cây giống như một hàng những chiếc chổi lông gà cắm ngược. Chính những “chiếc lông gà” ấy tạo nên một nét đặc biệt cho cánh đồng xứ Thanh không giống bất kì một vùng nào khác. Rồi đây những tàu lá kè sẽ được phơi khô, trở nên trắng nõn, sẽ đem làm nón, làm mủ, làm áo tơi, lợp phên nứa, lợp mái nhà,… Những mái nhà lợp bằng lá kè có thể bền hơn lợp ngói, được hàng chục năm”…

(“Những ngày lưu lạc”Nguyễn Minh Châu)

Ví dụ 2: Văn bản thuyết minh có sử dụng nghệ thuật so sánh, nhân hóa.

… “Mỗi loài hoa đều có một kiểu “áo quần” đặc biệt. Trên hoa lan, ta có thể thấy mọi màu sắc từ mấu trắng tinh hoặc hồng nhạt đến màu đỏ thắm, vàng tươi và đỏ với những cách kết hợp đặc sắc. Một số hoa văn lổm đốm như da báo, một số khác có sọc trông như da hổ, và số thứ ba thì tô vẽ những hình thù kì quái. Một số nằm lẫn trong đám cỏ, số khác lại quấn quanh thân những cây gỗ và đu đưa trên những cành cao nhất.

Một số lan tựa như thè lưỡi đỏ thẫm, ở số khác hoa lại giống như đầu bò có sừng cong, số thứ ba nhìn hệt như một con nhện đáng ghét. Cuối cùng có những hoa lan có hình dạng tương tự như ong đất, ruồi, muỗi. Có hoa tựa hồ lượn lờ trong không khí như những cánh bướm. Có hoa giống như bồ câu trắng hoặc loài chim tí hon ở nước Mĩ có bộ lông sặc sỡ mà ta vẫn gọi là Cô – li – bri.”

(Theo “Những chuyện lí thú của sinh giới” – V.V. Lun – kê – vic)

Ví dụ 3: Văn bản thuyết minh có sử dụng hình thức vè, diễn ca.

… “Ai đã sáng tạo ra chiếc nón bài thơ xứ Huế? Lá nón trắng nõn nà; bài thơ mờ tỏ ẩn hiện. Chiếc quai nón bằng lụa thanh tao. Vành nón nghiêng nghiêng, dịu dàng, e lệ, thầm kín của cô gái miền núi Ngự sông Hương. Chả thế mà du khách, các cậu khóa ngẩn ngơ:

“Học trò xứ Quảng đi thi

Gặp cô gái Huế bước đi không đành”

Còn có chiếc nón dấu anh lính thú thời xưa mà khi xem phim ta mới biết:

“Ngang lưng thì thắt bao vàng

Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài”

– Các biện pháp nghệ thuật cần được sử dụng thích hợp góp phần làm nổi bật đặc điểm của đối tượng thuyết minh và gây hứng thú cho người đọc.

– Lưu ý: Khi sử dụng các biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh cần:

+ Đảm bảo mục đích của văn bản thuyết minh, tránh sa đà, lạc đề.

+ Các biện pháp nghệ thuật chỉ phù hợp với một số đề thuyết minh: đồ vật, danh lam thắng cảnh, danh nhân, còn những đề thuyết minh về phương pháp, cách thức thì không phù hợp.

5. Yếu tố miêu tả trong văn thuyết minh.

– Đề thuyết minh cho cụ thể sinh động hấp dẫn bài thuyết minh có thể kết hợp sử dụng yếu tố miêu tả. Yếu tố miêu tả có tác dụng làm cho đối tượng thuyết minh được nổi bật ấn tượng.

Ví dụ:

…“Chỉ nói riêng về ca Huế đã tuyệt vời. Cảnh trăng nước Hương Giang. Chiếc thuyền rồng nhẹ trôi êm đềm. Hình ảnh các ca công, những nam thanh, nữ tú điệu nghệ, tài hoa, duyên dáng trong sắc phục Huế. Tiếng đàn tranh réo rắt, huyền diệu. Giọng ca trầm bổng du dương, lai láng tình non nước, tình trai hiền gái lịch, tình người vấn vương…

“Thương thì xin đó đừng phai

Ấy ai tình tự tạc dạ chớ phai

Chớ phai, hỡi người tình tự!”

– Lưu ý: Yếu tố miêu tả trong văn thuyết minh

+ Miêu tả chỉ nhằm tái hiện hình ảnh của đối tượng ở mức độ nhất định, giúp hình dung rõ hơn về đối tượng,

+ Khi miêu tả, cần sử dụng những từ ngữ có giá trị gợi tả như: từ láy, từ tượng hình, gợi thanh,…

+ Sử dụng xen kẽ những câu văn miêu tả với những câu văn lí giải, minh họa để không lạc thể loại và tạo được lối diễn đạt phong phú.

6. Tìm hiểu đề và cách làm bài văn thuyết minh

a. Tìm hiểu đề

Muốn làm bài văn thuyết minh tốt, điều trước tiên người viết cần phải tìm hiểu đề bài để xác định đối tượng sẽ thuyết minh và bước đầu có những tri thức chung về đối tượng đó.

Tri thức về đối tượng thuyết minh cần xác định trong những trường hợp cụ thể: có thể đến tận nơi quan sát tìm hiểu hoặc ghi chép lại, hoặc tìm ở sách báo hoặc các phương tiện thông tin về đối tượng thuyết minh.

Khi có kiến thức rồi thì cần sử dụng phương pháp thuyết minh thích hợp, dùng ngôn từ chính xác, dễ hiểu.

b. Bố cục của bài văn thuyết minh thường gồm 3 phần:

Mở bài: Giới thiệu đối tượng thuyết minh.

Thân bài: Trình bày các đặc điểm, cấu tạo, lợi ích, cơ cấu vận hành, nguồn gốc ra đời…

Kết bài: Bày tỏ thái độ, đánh giá về đôi tượng.

Phần Mở bài và Kết bài cần có những cách đánh giá, nhận xét thật ấn tượng, gây sự chú ý và hấp dẫn cho người đọc.

Phần Thân bài cần có cách thức phối hợp các phương pháp thuyết minh khi trình bày các đặc điểm của đối tượng.

Xem thêm Lập dàn ý và làm văn thuyết minh về đồ dùng – Rèn luyện kỹ năng lập dàn ý và làm văn THCS tại đây

Xem thêm Tìm hiểu chung về văn nghị luận – Rèn luyện kỹ năng lập dàn ý và làm văn THCS tại đây

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận