Tìm hiểu chung về văn miêu tả – Ngữ văn 6 nâng cao

Đang tải...

Chương II:

CÁC BÀI TẬP RÈN VIẾT VĂN MIÊU TẢ

B – BÀI TẬP RÈN VIẾT VĂN MIÊU TẢ

          I – TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN MIÊU TẢ

          1. Ghi nhớ

          – Văn miêu tả trong chương trình Ngữ văn 6 sẽ tiếp nối và tạo sự đồng bộ với chương trình, sách giáo khoa Tiểu học hiện hành. Khác với chương trình tập làm văn cũ, văn miêu tả được học ở Ngữ văn 6, lên lớp 9 lại được học với mức yêu cầu cao hơn. (Cụ thể bài văn miêu tả ở Ngữ văn 6 yêu cầu dung lượng chỉ có từ 300 đến 400 chữ, nhưng ở lớp 9 có thể từ 500 đến 700 chữ và mức độ về miêu tả cũng sâu hơn, phức tạp hơn).

          – Học phần A(1.)

          2. Bài tập : Tìm hiểu chung về văn miêu tả

          Bài tập 1

          Đọc các đoạn văn sau đây :

          Đoạn 1 : “Những ngày nắng ráo như hôm nay, rừng khô hiện lên với tất cả vẻ uy nghi tráng lệ của nó, trong ánh mặt trời vàng óng. Những thân cây trám vỏ trắng vươn lên trời, chẳng khác gì những cây nến khổng lồ, đầu lá rũ phất phơ như những đầu lá liễu bạt ngàn. Từ trong biển lá xanh rờn đã bắt đầu ngả sang màu úa, ngát dậy một mùi hương lá tràm bị hun nóng dưới mặt trời, tiếng chim không ngớt vang ra, vọng mãi lên trời cao xanh thẳm không cùng… Ta có thể nghe tiếng gió vù vù bất tận của hàng nghìn loại côn trùng có cánh, không ngớt bay đi bay lại trên những bông hoa nhiệt đới sặc sỡ”.

(Đất rừng phương Nam. Đoàn Giỏi)

          Đoạn 2 : “Bác thợ rèn cao lớn, cao lớn nhất vùng, vai cuộn khúc, cánh tay ám đen khói lửa lò và bụi búa sắt. Bác có đôi mắt lọt trong khuôn mặt vuông vức, dưới rừng tóc rậm dày, đôi mắt trẻ, to, xanh, trong ngời như thép. Quai hàm bạnh của bác rung lên với những tràng cười. Những tiếng thở rền vang như ngáy, giống như nhịp thở phì phò của ống bễ”.

(Người thợ rèn. Ê-min Dô-la. Pháp)

          Đoạn 3 : “Cái chàng Dế Choắt, người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Đã thanh niên rồi mà cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi-lê. Đôi càng bè bè, nặng nề trông đến xấu, râu ria gì mà cụt có một mẩu và mặt mũi thì lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ”.

(Dế Mèn phiêu lưu kí. Tô Hoài)

          a) Ba đoạn văn trên tái hiện lại điều gì ?

          b) Tìm ra những đặc điểm tiêu biểu làm rõ cảnh ấy, người ấy, vật ấy.

          c) Kết luận về phương thức biểu đạt của ba đoạn văn.

          Bài tập 2

          Nếu phải viết một đoạn văn tả mùa thu quê hương em, em dự định chọn cái gì để viết ?

          Bài tập 3

          Nếu đề bài yêu cầu em tả về người cha thân yêu (dù cha đã đi công tác xa), em vẫn hình dung được những nét nào về cha ?

         Giải bài tập

          Bài tập 1 : a) – Đoạn 1, nhà văn Đoàn Giỏi miêu tả cảnh rừng trong một ngày nắng ráo.

          – Đoạn 2, nhà văn người Pháp, Ê-min Dô-la miêu tả bác thợ rèn cao lớn, khoẻ mạnh, vui tính.

          – Đoạn 3, nhà văn Tô Hoài miêu tả Dế Choắt ốm yếu (dế đã được nhân hoá thành một nhân vật trong truyện).

b) Những đặc điểm tiêu biểu làm rõ cảnh ấy, người ấy, vật ấy.

          Cảnh rừng – đoạn 1 :

          – Rừng uy nghi tráng lệ dưới ánh mặt trời vàng óng.

          – Những cây tràm vỏ trắng, vươn thẳng lên trời (so sánh với những cây nến khổng lồ).

          – Mùi hương tràm bị hun nóng dưới mặt trời.

          – Tiếng chim vang xa, vọng lên trời cao xanh thẳm.

          – Hàng nghìn côn trùng có cánh bay đi bay lại, tạo tiếng gió vù vù ; những bông hoa sặc sỡ.

          Hình ảnh bác thợ rèn – đoạn 2

          – Cao lớn.

          – Vai cuộn khúc.

          – Cánh tay ám đen khói và bụi sắt.

          – Khuôn mặt vuông vức.

          – Tóc rậm dày.

          – Đôi mắt to, xanh, trong ngời như thép.

          – Khi cười quai hàm bạnh ra.

          – Tiếng thở rền vang như ngáy…

          Hình ảnh Dế Choắt yếu đuối (vật được nhân hoá như người).

          – Gầy gò, dài lêu nghêu.

          – Cánh ngắn củn.

          – Đôi càng bè bè, nặng nề.

          – Râu ria cụt một mẩu.

          – Mặt mũi ngẩn ngơ.

          Bài tập 2 : Nếu phải viết một đoạn văn miêu tả mùa thu đến, em sẽ chọn các chất liệu sau để tả (đây là một dự kiến) :

          – Trời se lạnh.

          – Hồ nước trong xanh.

          – Trời xanh, mây trắng.

          – Gió thổi nhẹ.

          – Hoa cúc nở trong các vườn nhà.

          – Hương cốm thoảng qua.

          Bài tập 3 : Nếu cần tả về người cha thân yêu, em vẫn nhớ như in các nét về cha (đây là một dự kiến) :

          – Khuôn mặt của cha vuông chữ điền.

          – Đôi mắt sâu, đen (lúc trẻ chắc rất đẹp).

          – Đôi lông mày đen, hơi rậm.

          – Mũi cha thẳng.

          – Tóc cha hơi xoăn và quá rậm dày (các chú đùa là tổ chim).

          – Mọi người bảo cha hơi giống nghệ sĩ ưu tú Trung Đức – chắc chỉ đúng một phần thôi.

 

 

 
 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận