Tiếng cười không muốn nghe – Ngữ Văn 6 Kết nối tri thức

Đang tải...

Dưới đây là phần thực hành đọc của bài 8 sách Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức hưỡng dẫn các em thực hành đọc hiểu văn bản Tiếng cười không muốn nghe.

BÀI 8

Thực hành đọc 

Khi đọc văn bản dưới đây, em cần chú ý những vấn đề sau:

  • Sự vô lí của hành động cười nhạo.
  • Mục đích chính mà văn bản hướng tới.

Tiếng cười không muốn nghe

MINH ĐĂNG

        Mỗi khi được nghe tiếng cười tươi trẻ, hồn nhiên của bạn bè trong lớp hay của ai đó bên ngoài, tôi đều cảm thấy ấm lòng. Nó như truyền thêm cho tôi niềm vui sống, sự yêu đời. Hoá ra, tiếng cười cũng có nhiều âm sắc(1), chứa nhiều hàm ý. Có tiếng cười trao gửi một niềm tin yêu; có tiếng cười thay cho một lời cảm ơn, một tình cảm chân thành muốn nói; có tiếng cười hài hước, dí dỏm khiến người ta quên cả mệt nhọc; có tiếng cười phê phán những thói hư tật xấu. Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng, trong cuộc sống hằng ngày, còn có những tiếng cười mà người ta không bao giờ muốn nghe, không bao giờ chờ đợi. Những tiếng cười khiến ta phải phiền lòng, khó chịu và ước sao nó không hướng vào mình. Ấy là kiểu cười được nói đến trong câu tục ngữ: Cười người chớ vội cười lâu/ Cười người hôm trước, hôm sau người cười.

        Câu tục ngữ nêu lên bài học: không nên mãi cười cợt người khác, bởi biết đâu bản thân mình rồi cũng có lúc lộ ra những nét đáng chê cười.

        Kiểu cười mà câu tục ngữ nhắc nhở đồng nghĩa với chê bai, mỉa mai, dè bỉu. Người cười cảm thấy mình ở một vị trí rất cao, tự cho mình cái quyền phán xét(2), cợt nhạo(3) kẻ khác. Lí do để cười thì muôn hình vạn trạng(4): một sai phạm, một lỗi lầm, một dị tật(5), một tính cách, một sở thích(6),… của người nào đó. Hay đơn giản hơn: cười vì người khác có những điều không giống ta.

        Trên đời, không ai hoàn hảo cả. Ai cũng có mặt tốt, mặt xấu, có ưu điểm, khiếm khuyết, khó tránh được va vấp, sai lầm. Điều quan trọng là biết nhận ra những điểm yếu của mình để tự khắc phục. Cười cợt về lỗi lầm, khuyết điểm của người ta, kẻ cười chỉ cốt thoả mãn ý thích không mấy tốt đẹp. Đó còn là cách tự để cao mình. Nhưng họ có biết đâu rằng, nhiều khi bản thân cũng vướng phải những điều mà mình đã từng chê bai. Hãy nghĩ xem, lúc ấy, mình có đáng bị chê cười không!

        Sự khác biệt về gia cảnh(7), ngoại hình, thể chất(8), sở thích, sở trường(9),… giữa người này với người kia là điều tất yếu. Nhờ đó mà cộng đồng mới có sự đa dạng, phong phú. Cái khác, cái riêng không phải là nhược điểm mà là bản chất của mỗi cá thể(10). Hơn thế, nó còn là yếu tố quyết định giá trị của mỗi con người. Vậy thì, ta lấy quyền gì, lấy cớ gì để cười cợt những người không giống ta? Nếu ai đó chế nhạo cái khác biệt của ta, ta có thấy dễ chịu không?

        Bị cười, không phải mọi người đều phản ứng giống nhau. Có người tỏ thái độ mặc kệ, bất cần, ai cười, người ấy nghe. Có người, nhân bị thiên hạ cười mà nghiêm túc soi xét bản thân, lặng lẽ sửa mình. Nhưng cũng có những người, bị tiếng cười của đám đông nhằm tới, do thiếu bản lĩnh(11), nên hoảng hốt, lo âu và tưởng rằng khiếm khuyết của mình là rất nghiêm trọng. Rơi vào bế tắc, họ tìm lối thoát trong hành vi tiêu cực. Như vậy, sự cười nhạo chẳng phải đã vô tình làm hại người ta đó sao?

        Trước những sai lầm, khiếm khuyết của người khác, thái độ đúng đắn là nói rõ sự thật, góp ý chân thành chứ không phải cất lên tiếng cười hả hê, thể hiện một tâm địa(12) hẹp hòi, không muốn thấy người ta tiến bộ.

        Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới hình ảnh chú Nam – một người dị tật có bước đi khập khiễng, khó khăn. Chú là con út trong một gia đình ở quê tôi. Rất nhiều bạn cùng lứa thường bắt chước dáng đi nghiêng nghiêng của chú để làm hề. Có người còn đá bóng vào chân chú và thách chú đá trả lại. Những lúc như vậy, chú chỉ cười trừ(13). Nhiều buổi trưa, khi mọi người nghỉ cả, chú Nam lúi húi đẽo, gọt. Hoá ra chú đang tự chế chiếc đàn bầu. Nghe những tiếng “bật bông” ban đầu, ai cũng cười cợt. Chỉ có bố chú luôn nhìn con với ánh mắt khích lệ(14), tin tưởng. Chú kiên trì tập. Tiếng đàn bầu của chú ngày càng “ngọt” hơn, khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên. Được bố đồng ý, chú đã dự thi vào trường trung cấp âm nhạc. Cùng thi đợt ấy, còn có con của một cô hàng xóm. Tự hào về con trai khoẻ mạnh, giỏi giang, nhìn sự tật nguyền(15) của chú Nam, cô ta đã từng có lúc buông ra những lời “ác khẩu”(16): Chuông khánh còn chả ăn ai/ Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre. Vậy mà, bạn biết không, kì thi đó, chú Nam đã đậu, trong khi con cô kia lại trượt. Bây giờ, chú Nam đã là cây độc tấu(17) đàn bầu có hạng trong một đoàn nghệ thuật. Sự cười nhạo ngày nào của mấy người giờ đây đã phải thay bằng thái độ thán phục.

        Bạn đã bao giờ cười chê một người có khiếm khuyết chưa? Bất cứ ai được hỏi như thế, hẳn chẳng dám trả lời rằng chưa. Chê bai người khác là một nhược điểm phổ biến trong tính cách con người. Tuy nhiên, đây không phải là điều quá nghiêm trọng, và càng không phải là “căn bệnh” hết cách chữa. Lòng nhân ái, sự cảm thông, ấy là “phương thuốc” hữu hiệu(18) để trị “căn bệnh” này. Thật vậy, khi mà khả năng yêu thương, đồng cảm, chia sẻ đối với người khác dần dần được bồi đắp trong ta, khi ta biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác để nghĩ suy và thức tỉnh, thì lúc ấy, tiếng cười ngạo mạn vô lối sẽ không có lí do gì để bật ra.

(Minh Đăng, tạp chí Hồng Lĩnh, số 170/2020)

*Chú thích:

(1) Âm sắc: tính chất riêng biệt của một âm thanh nào đó.

(2) Phán xét: xem xét, đánh giá có tính chất quyết định.

(3) Cợt nhạo: giống nghĩa từ cười cợt, chế nhạo.

(4) Muôn hình vạn trạng: rất nhiều kiểu khác nhau.

(5) Dị tật: hiện tượng biến đổi bất thường của bộ phận nào đó trên cơ thể khi sinh ra.

(6) Sở thích: ý thích riêng của mỗi người.

(7) Gia cảnh: hoàn cảnh riêng của gia đình.

(8) Thể chất: cơ thể, sức khoẻ con người.

(9) Sở trường: những điểm mạnh vốn có.

(10) Cá thể: ở đây có nghĩa là từng con người riêng biệt.

(11) Bản lĩnh: khả năng tự quyết một cách độc lập, dứt khoát, không chịu sự chi phối của bên ngoài.

(12) Tâm địa: lòng dạ của con người (thường là xấu xa, hiểm độc).

(13) Cười trừ: lấy tiếng cười thay cho hành động hay lời nói có tính chất phản ứng trước cách đối xử của người khác với mình.

(14) Khích lệ: tác động đến tinh thần làm cho hăng hái, mạnh mẽ thêm.

(15) Tật nguyền: bị một tật nghiêm trọng trong cơ thể.

(16) Ác khẩu: lời cay độc.

(17) Độc tấu: biểu diễn âm nhạc một mình, dùng một loại nhạc cụ là chính.

(18) Hữu hiệu: có hiệu quả.

>> Xem thêm: Củng Cố Mở Rộng Bài 8 – Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận