Tập làm văn : Ôn tập văn kể chuyện – Tiếng Việt 4

Đang tải...

A – Mục tiêu bài học 

       – Thông qua luyện tập, củng cố thêm về văn kể chuyện. Kể được chuyện theo đề tài đã cho.

B – Tìm hiểu nội dung (Hướng dẫn làm bài tập)

1. Cho 3 đề bài như sau:

       – Đề 1: Lớp em vừa có một bạn theo gia đình chuyển đi xa. Em hãy viết thư thăm bạn và kể tình hình học tập của lớp em cho bạn em biết. Đề bài này thuộc loại văn viết thư.

       – Đề 2: Em hãy kể một câu chuyện về một tấm gương rèn luyện thân thể. Đề bài này thuộc loại văn kể chuyện. 

       – Đề 3: Em hãy tả chiếc áo hoặc chiếc váy em mặc đến trường hôm nay. Đề bài này thuộc loại văn miêu tả.

       Trong 3 đề trên, đề số 2 là văn kể chuyện vì câu chuyện kể ở đây có nhân vật, mà nhân vật này là tấm gương rèn luyện thân thể, có cốt truyện, diễn biến và ý nghĩa của câu chuyện (Nghị lực và quyết tâm của nhân vật đáng được noi theo).

2. Kể một câu chuyện về một trong các đề tài sau:

a. Đoàn kết, thương yêu bạn bè

b. Giúp đỡ người tàn tật

c. Thật thà, trung thực trong đời sống

d. Chiến thắng bệnh tật.

Bài tham khảo

(Đề tài: Thật thà, trung thực trong đời sống)

       Trong phong trào thi đua “nghìn việc tốt”, trường em nở nhiều bông hoa thành tích, là nguồn động viên thôi thúc cho các lớp tiến lên. Riêng em trong tuần lễ tổng kết ấy, ngày sinh hoạt lớp thầy giáo đã giới thiệu em trước tập thể lớp là người thể hiện tính thật thà, trung thực trong đời sống. Câu chuyện của em như thế này:

       Hôm ấy, vào ngày chủ nhật. Nắng lên cao, em cùng bố đi xem đá bóng ở sân Thống Nhất. Bước vào cửa, em nhặt được cái ví trong đó đựng toàn tiền là tiền. Những tờ giấy bạc năm trăm màu xanh xen kẽ với những tờ giấy bạc khác làm em sung sướng đến hoa cả mắt.

       Vào xem đá bóng, em chẳng thấy những pha bóng đẹp nào cả, mặc dù bên tai em vẫn có những tiếng vỗ tay, tiếng la hét ầm ĩ. Cầm ví trong tay, em nghĩ với số tiền này em có thể mua được nhiều sách vở, quần áo đẹp, thậm chí có thể mua được một chiếc xe đạp. Em mơ hồ tưởng tượng mỗi buổi sáng đi học, em đạp trên chiếc xe màu xanh lam sẽ vun vút đi qua đám bạn cùng học đang đi bộ. Chúng nhìn em bằng con mắt thèm thuồng. Mải suy nghĩ với ý tưởng của mình, em giật mình khi thầy bố hỏi: “Đội thành phố mình đá hay quá con nhỉ!? Đáp lại lời bố, em chỉ dạ dạ cho qua mà thôi. Nhưng rồi niềm vui của em chợt lắng xuống, lòng em dấy lên những câu hỏi thắc mắc. Ai làm rớt ví đây? Người ấy bây giờ chắc lo lắm nhỉ? Mất số tiền này người ấy có buồn không? Trong em bây giờ xen lẫn giữa vui mừng và ray rứt. Nếu không trả tiền cho người mất thì em sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Còn trả lại cho người đánh mất chắc người đó sẽ vui lắm… Nhưng rồi em chợt nhớ đến lời dạy của Bác ‘‘Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” là đạo đức của người học sinh. Em tự nhủ: Mình cũng phải dũng cảm lên, vì đó đâu phải của mình.

       Cuối cùng em đã nói thật với bố về việc nhặt được chiếc ví, bố xoa đầu khen em ngoan. Hết giờ đá bóng, hai bố con em đến đồn công an giao lại chiếc ví để trả lại cho người bị mất.

       Chiếc ví đầy tiền trên tay em không còn nữa nhưng lòng em thấy vui vui và nhẹ nhõm. Em đã làm được một việc tốt. Em hứa sẽ cố gắng nhiều hơn để xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ.

3. Trao đổi với các bạn cùng tổ, cùng lớp về câu chuyện em vừa kể.

a. Câu chuyện có 2 nhân vật (Em và bố).

b. Tính cách của nhân vật có sự mâu thuẫn giữa việc lấy số tiền trong chiếc ví để mua sách, quần áo đẹp, xe đạp và nỗi băn khoăn, lo lắng đối với người đánh mất ví.

c. Câu chuyện nói với chúng ta không nên tham lam khi của đó không phải là của mình. Phải trả lại cho người mất.

d. Câu chuyện mở đầu theo kiểu gián tiếp, kết thúc theo kiểu mở rộng.

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận