Tả cây cối (Kiểm tra viết) – tuần 27 – tiếng việt 5

Đang tải...

Tả cây cối (Kiểm tra viết)

Chọn một trong các để bài sau để tả cây cối:

Khi làm bài văn tả cây cối, các em cần chú ý giới thiệu được cây định tả, tầm vóc, hình dáng của cây, tả chi tiết các bộ phận của cây. Lưu ý tả môi trường sống của cây và những kỷ niệm gắn bó của em với cây.

M:

1. Tả một loài hoa mà em thích.

Trường em trồng rất nhiều cây và hoa, nhưng em yêu nhất vẫn là cây hoa phượng vĩ. Hoa phượng rực đỏ khi hè về luôn là hình ảnh đầu tiên em nhớ về ngôi trường thân yêu của mình.

Cây phượng sừng sững ngay trước cổng trường, từ xa đã có thể nhìn thấy cành phượng vươn ra như chào đón các bạn học sinh tới lóp. Không biết cây được trồng từ bao giờ nhưng thân cây xù xì, to phải gần bằng một vòng tay ôm của em. Cây cao lớn, cành lá tỏa bóng mát rợp cả một góc. Lá phượng nhỏ gần giống như lá me, mỏng tang, màu xanh sẫm. Mỗi khi gió thổi, từng cánh lá li ti rụng xuống, bay là là như những hạt mưa xanh trông thật đẹp.

Nhưng chúng em háo hức nhất là những ngày ve kêu gọi hè về. Hoa phượng bừng nở. Sau vài ngày, hoa đã nở bung thành từng chùm đỏ rực như những ngọn đuốc cháy. Mỗi bông phượng có năm cánh, một cánh cái và bốn cánh con. Bốn cánh con mỏng, đỏ thắm, riêng cành cái dày, lốm đốm trắng, gọi là cánh sữa. Giữa bông hoa là một chùm nhụy dài, con, đầu có túi phấn nhỏ hình bầu dục.

Các anh chị lớn thường kết hoa phượng thành những con bướm rồi ép vào lưu bút, trông thật xinh. Chúng em thì thích lấy những chùm nhụy hoa, nụ hoa để chơi chọi gà hoặc nhấm nháp những cánh sữa để thấy vị chua chua thú vị ở đầu lưỡi. Thỉnh thoảng em còn được các anh lớp lớn cho nếm thử những hạt phượng trong những quả phượng già, vị bùi của hạt phượng làm em nhớ mãi.

Khi màu hoa phượng gần che khuất hẳn màu xanh của lá cũng là lúc chúng em nghỉ hè. vắng chúng em, cây phượng như trầm tư hơn nhưng vẫn cần mẫn thắp đuốc hoa đỏ rực, đứng sừng sững như một người lính để trông coi, bảo vệ trường học cho chúng em.

Hoa phượng đỏ tươi như những điểm mười trong vở. Mai này, dù đi xa mái trường thân yêu, chắc hẳn em vẫn không thể quên bông hoa phượng rực rỡ và những trò chơi thú vị thời ấu thơ.

2. Tả một loại trái cây mà em thích.

Mơ chùa Hương

Nhờ chất đất ở vùng núi đá vôi nên mơ chùa Hương có hương vị rất kỳ lạ: vị chua mà không gắt. Quả mơ to, cùi dày, hạt nhỏ, khi chín có màu vàng, mùi thơm. Có bốn loại mơ với vị khác nhau mà cư dân địa phương đã đặt tên là mơ đào, mơ chấm son, mơ bồ hóng, mơ nứa. Cả bốn loại đều có tác dụng giải khát, ngâm rượu, làm ô mai, làm xi rô… Ong bướm rất thích bay đến hoa mơ chùa Hương để làm mật, tạo nên loại mật có chất lượng cao.

Hơn 700 năm nay, mơ chùa Hương được sử dụng làm thuốc chữa bệnh đường ruột, trừ đờm, các bệnh viêm họng, mất tiếng, phù thũng, khô miệng, háo nước, an thần, đặc biệt là trừ ho, bổ phổi. Gỗ cây mơ già chặt từng thanh, từng miếng nhỏ cho vào nước sạch nấu lấy nước uống gọi là “lão mai”. Nước màu hồng mà thơm mát. Mơ là món quà của những người đi chùa Hương.

(Theo Cẩm nang du lịch Việt Nam)

3. Tả một giàn cây leo.

Nhà em những buổi chiều chiều thường bi nắng soi vào nhà. Vì vậy, mẹ quyết định trồng một giàn hoa thiên lý, vừa làm mát sân, vừa có hoa để nấu canh.

Mẹ em nhờ bố bắc cho một cái giàn hình ô vuông ở trên sân rồi xin ông ngoại một cây thiên lý con về trồng. Mẹ xới đất cho thật xốp rồi mới trồng cây xuống. Em có nhiệm vụ buổi sáng trước khi đi học thì tưới nước cho cây. Cái cây ban đầu màu xanh non, mới chỉ có vài cái lá con con mọc lan dưới mặt đất, rồi bò dần lên cái sào cắm nối lên giàn. Mẹ tưới thêm phân vi sinh cho cây mau lớn.

Cây lớn thật nhanh, quấn vòng quanh cái sào để leo lên. Sáng nào cũng vậy, khi vừa tỉnh giấc là em chạy ra xem cây hoa đã leo cao được đến đâu rồi. Chẳng mấy chốc, cây mọc lên đến giàn, rồi mọc trùm kín cả giàn. Những chiếc lá xanh lục, hình trái tim nhỏ nhỏ mọc đối nhau,, xanh um cả giàn, ngăn cái nắng gay gắt. Khi gió thổi qua, lá rung rinh như vẫy chào. Rồi cây nở hoa. Hoa lý nhỏ xinh màu vàng lục nở thành những chùm lúc lỉu. Mẹ ngắt hoa lý nấu canh, ăn rất bổ và mát. Thỉnh thoảng mẹ còn xào hoa lý với thịt bò rất thơm ngon. Em gái em thích đem chậu nước ra sân, thả chiếc lá có bông lý đặt ở giữa nổi trên nước như thuyền hoa. Đôi khi, mẹ xâu cho hai chị em những chiếc vòng bằng hoa lý rất đẹp.

Giàn thiên lý đem bóng mát, món ăn ngon, bổ dưỡng và những niềm vui thú vị đến cho nhà em. Em yêu cây nên sớm sớm chăm chỉ tưới nước cho cây, mong cây mãi mãi xanh tốt.

4. Tả một cây non mới trồng.

Lần bố về quê lên, quà cho em là một cây hồng non nhỏ xíu. Bố trồng cây hồng vào bồn cây cảnh đặt ở ban công và giao cho em chăm sóc. Em rất vui vì món quà thú vị này.

Khi mới “nhập cư” vào nhà em, cây hồng còn nhỏ xíu, chỉ cao khoảng mười lăm phân, nằm lọt thỏm trong chậu cây. Thân cây mảnh khảnh và mềm mại, màu xanh sáng, chỉ mới có vài nhánh thưa thớt. Mấy chiếc lá vẫn hơi đỏ, chưa có sắc xanh lục của lá. Gai hồng nhỏ xíu, lấm tấm nhô lên như những cái mụn con con. Cây chưa có hoa, cũng chưa có cái nụ nào. Em vun đất cho cây cẩn thận. Sáng sáng, chiều chiều lại tưối nước cho cây. Thỉnh thoảng, em bón thêm phân vi sinh cho cây nhanh lớn. Con sâu nào mon men định phá hoại là em bắt ngay đi, bảo vệ cho cây hồng non nớt. Những lúc ấy, cành lá cây rung rinh như cảm ơn em.

Được em chăm bón, cây hồng lớn nhanh như thổi. Chỉ vài hôm, những chiếc lá đã có màu xanh nhạt và nhìn rõ những cái răng cưa xung quanh. Cành cây cũng sẫm màu lên và cứng cáp hơn. Dần dần, cây hồng cao lên, bắt đầu hé ra cái nụ xanh xinh xinh. Em hồi hộp chờ mong đến ngày cây trổ bông hoa đầu tiên.

Một buổi sáng, vừa thức dậy, em đến bên cây hồng. Đây rồi, nụ hồng đỏ thắm đã tách được lớp vỏ xanh để trồi ra bằng đốt ngón tay út của em, và những cái gai nhọn nhọn, cứng cứng như thách thức: “Ai mà ngắt hoa của tôi là tôi sẽ chí vào tay một cái đau điếng đấy”. Hôm sau hoa nở bung, nhìn thấy cả nhụy vàng bên trong. Em sung sướng hít hà mùi hương thơm. Nhìn nụ hồng đầu tiên rung rinh dưới nắng, em sung sướng và tự hào vì đó là thành quả của bao nhiêu ngày chăm bẵm cây của em.

Hoa hồng mỗi ngày một lớn và nở nhiều hoa đẹp, làm ban công nhà em ngan ngát hương thơm. Ai cũng khen em chăm cây chu đáo khiến em càng tự hào, càng yêu cây hơn.

5. Tả một cây cổ thụ.

Cứ đến hè là em được bố mẹ cho về quê thăm bà ngoại. Từ đằng xa, em đã thấy cây đa ở ngay đầu làng. Mỗi lần theo bà đi chợ, em vẫn thường đòi bà cho nghỉ dưới bóng đa mát rượi.

Từ xa, trông cây đa như một cái ô khổng lồ. Những nhánh to nhánh nhỏ xanh um lá của đa xòe rộng, tạo thành bóng mát rất lớn, có thể cho hàng chục người ngồi nghỉ. Thân cây là cái cán ô xù xì mà em và năm, sáu bạn nữa vòng tay ôm vẫn không xuể. Hồi ông ngoại còn sống cũng hay dắt em ra chơi dưới gốc đa. Ông hay lấy thừng treo chiếc ghế gỗ lên cành cây để làm xích đu cho em ngồi. Vừa đung đưa chiếc đu, ông vừa kể rằng cây đa này có từ lâu lắm rồi. Chắc hàng trăm năm tuổi vì từ nhỏ ông đã thấy cây to như vậy. Sau khi ông mất, em hay áp mặt vào những hốc và bướu của cây, tưởng tượng như áp mặt vào bàn tay chai sạn của ông.

Ngày hè, em cùng lũ trẻ trong làng chạy đến mướt mồ hôi rồi vào nghỉ dưới bóng đa mát rượi. Gió từ sông thổi lên, cành đa xào xạc như hát. Chúng em cưỡi lên rễ đa chằng chịt nổi trên mặt đất tưởng tượng mình là Thạch Sanh cưỡi chằn tinh. Nhặt những chiếc lá đa xanh thẫm to như bàn tay người lớn, chúng em bẻ cong  lại làm thành con trâu, con nghé ọ rồi bầy trò chọi trâu. Lũ chim sáo, chào mào trên cành thì tranh giành nhau những quả đa chín màu đỏ thẫm, làm náo động cả một khu.

“Cây đa, bến nước, sân đình” đã là biểu tượng yên bình, đầm ấm của làng quê Việt Nam. Nhớ về quê hương là em nhớ đến cây đa vói biết bao kỷ niệm của thời thơ ấu.

Xem thêm Liên kết các câu trong bài từ ngữ nối

 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận