Suy nghĩ về câu “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” – Ngữ văn 12

Đang tải...

Nghị luận xã hội về quan điểm học tập

Đề bài: 

Anh chị hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày quan điểm của mình về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”

Hướng dẫn làm bài

Người viết cần hiểu đúng ý nghĩa của bốn vế (cũng là bốn luận điểm) và dụng ý của cách sắp xếp thứ tự các vế trong phương châm học tập do UNESCO nêu lên, từ đó, thấy được vai trò của phương châm này đối vói từng cá nhân và đối với mọi quốc gia.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

– Ngày nay, với xu thế toàn cầu hoá, quan điểm về việc học tập của con người trên thế giới càng gần gũi nhau hơn. Đó là lí do để Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá cua Liên hợp quốc UNESCO đề xướng mục đích học tập cho công dân của mọi quốc gia trên thế giới: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình. Quan điểm rõ ràng, hiện đại như vậy về việc học tập là điều rất đáng để mọi người, nhất là những người ở tuổi cắp sách đến trường, phải nghiêm túc suy nghĩ.

– Học tập trước hết là để thoả mãn nhu cầu nhận thức của con người. Thế giới tự nhiên, xã hội xung quanh ta, kể cả chính bản thân con người ta đều ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Biết bao câu hỏi đặt ra mà ta đâu dễ gì tìm thấy ngay câu trả lời. Tại sao trái đất quay quanh mặt trời? Tại sao bốn mùa trong năm thời tiết khác nhau? Tại sao con người ta trưởng thành theo thời gian và có những thay đổi về tâm sinh lí? Ấy là chưa nói đến vô số những kiến thức phức tạp, khó hiểu ở mọi ngành khoa học nhiều khi rất xa lạ với trình độ của số đông. Thế nhưng, vấn đề dù khó khăn, bí ẩn đến đâu cũng có thể tìm thấy chìa khoá để giải mã. Chiếc chìa khoá vạn năng đó không có gì khác hơn ngoài hai chữ “học tập”. Chính nhờ học tập mà loài người đã chiếm lĩnh được kho tri thức khổng lồ như hiện nay. Chính nhờ việc học mà khoa học đã có những bước tiến thần kì.

– Học để biết, đó là chân lí không thể tranh cãi. Khổng Tử – vị hiền triết của Trung Quốc nói rất đúng: “Nhân bất học, bất tri lí” (Người không học, không biết lẽ phải). Ai đó bị gọi là kẻ “vô học” cũng có nghĩa bị xem là người dốt nát, ngu muội. Học tập là con đường duy nhất để khai mở trí tuệ, tích luỹ tri thức, nâng cao hiểu biết về mọi mặt. Không có phép lạ nào có thể thay thế cho hoạt động này nếu con người muốn thoát khỏi tình trạng kém hiểu biết của mình.

– Học để biết dĩ nhiên là quan trọng, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, thì tri thức cũng chỉ là một mớ lí thuyết suông, vô ích. Tiếng Việt có từ “học hành”, nghe rất đơn giản, nhưng ngẫm kĩ, khá sâu sắc. Nó chứng tỏ, cha ông chúng ta chưa bao giờ coi nhẹ việc áp dụng những điều hiểu biết vào công việc thực tế. Học mà không hành thì chỉ là mọt sách, hư danh. Hành mà không học thì khó đạt hiệu quả. Cả hai mặt có quan hệ hữu cớ, hỗ trợ cho nhau. Nhiều nhà tư tưởng lớn cũng có quan điểm tương tự. Khổng Tử cho rằng: học mà lại được thực hành những điều đã học, chẳng phải là vui hay sao? {“Học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ”). Nguyễn Trãi cũng từng chiêm nghiệm: “Nên thợ nên thầy vì có học”.

– Học để làm là một quan điểm đã được khẳng định. Trước hết nó đề cao mục đích của “học” đối với “làm”, sau đó, nó cho thấy sự tác động của “làm” trở lại đối với việc “học”. Khi nhận thức được rằng: học không phải để tích chứa tri thức, khoe mẽ hiểu biết, mà để áp dụng vào cuộc sống, giải quyết những công việc cụ thể vói hiệu quả cao nhất, thì sự học đã có một phương hướng đúng đắn, một mục đích thiết thực. Ta biết rằng, biển kiến thức thì mênh mông, quỹ thời gian và khả năng của con người lại có hạn. Vì vậy, việc học tập của mỗi người phải có lựa chọn, định hướng cụ thể. Học cái gì, cần trang bị những tri thức nào phù hợp với năng lực, hữu dụng trong thực tế, đó là những câu hỏi mà mỗi cá nhân phải tự trả lời.

– Con người không thể sống đơn độc mà luôn luôn tồn tại trong quan hệ với cộng đồng, với xã hội. Một triết gia phương Tây đã nói rất đúng: “Điểm giống nhau nhất giữa mọi người trên thế gian này là không ai giống ai cả”. Mỗi con người là một cá thể, có hoàn cảnh, có trình độ văn hoá, có tính cách, sở thích riêng. Cho nên, chung sống với nhau trong một cộng đồng, điều cần thiết nhất là thông cảm lẫn nhau. Không thể lấy sở thích của mình áp đặt cho người khác. Muốn cảm thông, chia sẻ phải có sự hiểu biết. Ở đây, những tri thức về tâm lí con người, tri thức về xã hội nhân văn là hết sức quan trọng. Nhiều khi, do thiếu hụt những tri thức ấy, dễ nảy sinh những xích mích, những mâu thuẫn không đáng có trong các mối quan hệ.

– Thời đại ngày nay, viễn cảnh con người một quốc gia trở thành công dân toàn cầu đã dần dần là một thực tế. Trái đất trở thành “thế giới phẳng”. Tuy nhiên, có một thực tế khác cũng cần phải quan tâm: con người ở các quốc gia sẽ có những khác biệt nhau về tôn giáo, phong tục, văn hoá. Vì vậy, muốn có sự hợp tác hiệu quả, rất cần sự hiểu biết để tôn trọng lẫn nhau. Một nhà đầu tư người Mĩ muốn làm ăn ở Việt Nam không thể không tìm hiểu đặc điểm tâm lí, tính cách, văn hoá của người Việt. Một thanh niên Việt muốn tìm việc ở một công ti nước ngoài, nhất thiết phải hiểu biết những yếu tố quan trọng của cộng đồng mà mình sẽ hoà nhập, cộng tác. Như vậy, học để chung sống đã là điều kiện tồn tại tất yếu của con người trong cuộc sống hiện đại.

– Không phải ngẫu nhiên mà trong thông điệp này, UNESCO đặt yêu cầu học để tự khẳng định mình ở vị trí cuối cùng. Khi chúng ta thực thi được các phương châm học để biết, học để làm, học để chung sống, cũng có nghĩa là đã thực sự tự khẳng định được mình. Khẳng định mình là ý thức được khả năng của bản thân, vị thế của cá nhân trong các mối quan hệ. Khẳng định mình không phải là đặt mình cao hơn người khác, không phải vuốt ve lòng tự mãn, mà là củng cố sự tự tin để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công việc. Trong việc tự khẳng định mình, không có gì thuyết phục hơn là tính hiệu quả. Muốn khẳng định mình theo cách ấy, không có con đường nào khác ngoài học tập và vận dụng tốt nhất tri thức đã học vào giải quyết những công việc mà mình đảm trách.

– Quan điểm về học tập mà UNESCO nêu lên thật dễ hiểu, gần gũi. Nó không chỉ định hướng cho các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách giáo dục của quốc gia mình, mà là phương châm thiết thực cho mỗi người. Tuy nhiên, để biến tư tưởng ấy thành hành động cụ thể, rất cần nỗ lực không ngừng của cá nhân. Đối với học sinh chúng ta, việc khắc ghi và thực hiện phương châm ấy là điều kiện, cần thiết để chúng ta vững bước trên con đường đến với tương lai.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận