Phong cách Hồ Chí Minh – Sách giáo khoa ngữ văn lớp 9 tập 1

Đang tải...

Phong cách Hồ Chí Minh ngữ văn lớp 9

1. Câu hỏi 1 (SGK, trang 8)

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc đoạn: “Trong cuộc đời… rất hiện đại”, chú ý các chú thích trong SGK: truân chuyên, uyên thâm… Câu hỏi này không chỉ yêu cầu liệt kê các dẫn chứng chứng tỏ vốn văn hoá sâu rộng của Bác mà còn phải giải thích do đâu Bác có được điều đó. Phân tích câu hỏi ra như thế đế trả lời toàn diện và đầy đủ hơn.

b. Gợi ý trả lời

Trong đoạn đầu tiên của văn bản, Lê Anh Trà đưa ra luận điểm: Vốn tri thức văn hóa nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng sâu rộng. Điều đó thể hiện ở chỗ: Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc; Người tìm hiểu văn hoá, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm; Người củng chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hoá…

Bác có được vốn kiến thức sâu rộng ấy là do đã tiếp xúc với văn hoá nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới; đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ; Người đã từng sống dài ngày ở Pháp, ở Anh; đã làm nhiều nghề... Chúng ta, những người Việt Nam, không ai là không biết Bác đã dành trọn những năm tháng tuổi trẻ của mình để bôn ba tìm đường cứu nước. Người đi nhiều nơi, không phải là những chuyên du lịch mà trên con đường lênh đênh, vừa lao động kiếm sống với những nghề vất vả như phụ bếp, quét tuyết, viết báo… vừa tìm tòi, học hỏi… Những tri thức văn hoá Bác đã tích luỹ trong cuộc đời “truân chuyên”, sóng gió của mình. Vì lẽ đó, vốn hiểu biết của Người không chỉ có bề rộng của một lữ khách đã từng đặt chân lên nhiều mảnh đất trên thế giới mà còn có cả chiều sâu trải nghiệm trong cuộc mưu sinh của nhân loại. Hơn thế, đó là chiều sâu của sự tìm tòi, tiếp thu một cách chủ động và sáng tạo: tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay, đồng thời với việc phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản; đã “nhào nặn” với cái gốc vần hoá dân tộc không có gì lay chuyển được ở Người...

 

Như vậy, nêu và chứng minh luận điểm: Bác có vốn tri thức văn hoá sâu rộng, vô hình trung Lê Anh .Trà còn làm nổi bật phẩm chất ham học hỏi, ham hiểu biết và bản lĩnh văn hoá vững vàng, đồng thời gợi lên chặng đường đời vất vả, đầy hi sinh của Bác. Vì lẽ đó, đoạn văn không chỉ khiến ngươi đọc cảm phục Người mà còn làm thức dậy một niềm xúc động sâu xa.

2. Câu hỏi 2 (SGK, trang 8)

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Cần hiểu đúng thế nào là lối sống rất Việt Nam, rất phương Đông. Sau đó tìm dẫn chứng trong bài để chứng minh cho luận điểm này.

b. Gợi ý trả lời

Lối sông rất bình dị, rất phương Đông, rất Việt Nam của Hồ Chí Minh là luận điểm thứ hai mà người viết đưa ra và chứng minh trên cơ sở ba luận cứ: nơi ở, trang phục, cách ăn uống… Thực ra, khi nói lối sống rất Việt Nam, rất phương Đông cũng cần hiểu đã bao hàm trong đó nét giản dị. Người Việt Nam vốn giản dị. Ngoài ra, nói đến nét phương Đông, chúng ta cũng có thể hình dung ra phong thái ung dung, tự tại, trọng tinh thần, trọng truyền thống và những thói quen gắn liền vối những sản vật đặc trưng dân tộc của Bác.

Lê Anh Trà dùng từ “cung điện” khi nói về nơi ở của vị Chủ tịch nước càng làm nổi bật lên nét “đơn sơ” của ngôi nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao với vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ, với những đồ đạc rất mộc mạc đơn sơ. Sự đối lập giữa địa vị, vai trò của Bác với nơi Bác ở trong thực tế rõ rệt và kì lạ đến nỗi tác giả phải thốt lên: “Quả như một câu chuyện thần thoại, như câu chuyện về một vị tiên, một con người siêu phàm nào đó trong cổ tích”.

Trang phục của Bác cũng rất giản dị: bộ quần ảo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ. Việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc: cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa… Đặc biệt, tác giả không chỉ làm nổi bật tính chất giản dị trong việc ăn mặc của Bác mà còn chú ý liên hệ để nhấn mạnh tính quen thuộc, dân tộc, rất Việt Nam trong phong cách của Người: đôi dép Bác đi cũng giống muôn vàn đôi dép của các chiến sĩ Trường Sơn; những món Bác ăn chính là những món ăn dân tộc, không chút cầu kì, những món bình dân chúng ta vẫn ăn hằng ngày.

Căn nhà Bác ở là nhà sàn theo kiểu nhà của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn sống. Lối sống rất Việt Nam, rất phương Đông của Bác đã được tác giả chứng minh rất khéo léo. Thực ra, những chi tiết Lê Anh Trà đề cập đến – về ngôi nhà, về trang phục… chúng ta đã đọc nhiều trong các tư liệu, xem trong các bức ảnh của Bác. Điểm khác là tác giả đã trình bày những điều ai cũng biết bằng cảm xúc và lí lẽ của riêng mình. Nhờ thế đoạn văn gây cho ngưòi đọc sự xúc động, thấm thìa riêng.

Xem thêm Các phương châm hội thoại ngữ văn lớp 9

tại đây.

3. Câu hỏi 3 (SGK, trang 8)

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc kĩ đoạn: “Và Người sống… thể xác”. Lưu ý những chú thích 10, 11, 12. Đặc biệt cần hiểu ý vị của 2 câu thơ được trích dẫn để bổ sung cho nhận xét: lối sống của Bác là sự kết hợp giữa giản dị và thanh cao.

b. Gợi ý trả lời

Bác sống giản dị. Điều đó ai cũng biết. Nhưng giản dị không có nghĩa là dè sẻn, bần tiện. Dựa vào tư tưởng, quan điểm, tầm suy nghĩ của Bác, ta có thể khẳng định điều đó. Lê Anh Trà so sánh Bác với những vị hiền triết ngày xưa để làm nổi bật ý này. Cũng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, những bậc tài cao đức trọng ấy tìm thấy “thú quê thuần đức” nơi quê nhà.

Niềm vui trong cuộc sống thanh bần thật trong trẻo và thanh thản:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao…

Rõ ràng đâv là tình yêu, niềm vui rất chân thành hoà hợp đối với thiên nhiên, Bác cũng vậy, Bác sống gần với thiên nhiên, sống giản dị đơn sơ không phải là một cách tự thần thánh hoá, tự làm cho khác đời, hơn đời mà đây là lối sống thanh cao, một cách di dưỡng tinh thần. Phải có quan niệm cái đẹp là cái giản dị, cái tự nhiên, Ngưòi mới có thể sẵn sàng từ chối những điều kiện đủ đầy mà ở địa vị đứng đầu một quốc gia Ngưòi có quyền được hưởng, vui vẻ và hài lòng với cuộc sông thanh đạm của mình. Niềm vui ấy vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí còn được tìm thấy trong chính sự thiếu thôn, khó khăn. Đó là niềm vui rất chân thành, giản dị mà Ngưòi đã viết trong thơ:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

Cuộc đời Cách mạng thật là sang”.

 

(Tức cảnh Pác Bó)

 

Vì tất cả những lẽ đó, chúng ta có thể khẳng định lối sống của Bác là sự kết hợp giữa giản dị và thanh cao.

4. Câu hỏi 4 (SGK, trang 8)

Đối với câu hỏi này, mỗi học sinh nên tự trình bày những cảm nhận riêng của mình về những nét đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh. Chú ý nhấn mạnh những nét giản dị, sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống văn hoá dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại, phẩm chất thanh cao… bằng cách theo sát những luận cứ trong văn bản này. Có thể tham khảo bằng cách đọc thêm các tài liệu về Bác (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên, NXB Trẻ, 2005) hoặc bài Đức tính giản dị của Bác Hồ (Phạm Văn Đồng, Ngữ văn 7, tập 2).

Mở rộng kiến thức

Trong văn bản Phong cách Hồ Chí Minh, Lê Anh Trà đã lập luận một cách chặt chẽ. Ông nêu lên những luận cứ xác thực có chọn lọc, trình bày sáng rõ, khúc chiết. Đồng thời tác giả đan cài vào những lời bình luận, cảm xúc, liên tưởng cá nhân. Do đó, bài văn không hề khô khan, trái lại rất giàu cảm xúc và khơi gợi được sự đồng cảm của người đọc.

Tài liệu tham khảo

Những ngày tháng bôn ba khắp “những đất tự do”, “những trời nô lệ” của Người đã trở thành đề tài bất tận cho những sáng tác thi ca. Chế Lan Viên đã viết rất hay trong bài Người đi tìm hình của nước.

… Có nhớ chăng, hỡi gió rét thành Ba-lê?

Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá Và sương mù thành Luân-đôn, ngươi có nhớ

Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya ?

Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mĩ, châu Phi Những đất tự do, những trời nô lệ,

Những con đường cách mạng đang tìm đi.

Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vỉ Tổ quốc Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa…

Hay Tố Hữu đã rưng rưng xúc động khi viết Theo chân Bác: … Nhà gác đơn sơ, một góc vườn Gỗ thường mộc mạc, chang mùi sơn Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn.

Máy chữ thôi reo, nhớ ngón đàn Thong dong chiếc gậy gác bên bàn Còn đôi dép củ, mòn quai gót Bác vẫn thường đi giữa thế gian…

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận