Phân tích tác phẩm Khóc Dương Khuê – Ngữ văn lớp 11

Đang tải...

Đọc thêm

KHÓC DƯƠNG KHUÊ

I- NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ

1.Tiếng khóc trong thơ nhà nho

Nhà nho vốn là nhân vật thiên về lí trí. Khóc là sự thể hiện trạng thái cảm xúc mạnh. Do đó, tiếng khóc không phổ biến trong sáng tác của nhà nho trong văn học giai đoạn trước thế kỉ XVIII. Sang thế kỉ XVIII, tiếng khóc mới bắt đầu xuất hiện khá phổ biến trong thơ ca : có tiếng khóc vợ của các nhà thơ Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, tiếng khóc ngưòi yêu của Phạm Thái, tiếng khóc chồng của Lê Thị Ngọc Hần, tiếng khóc nàng Tiểu Thanh của Nguyễn Du, tiếng khóc của Hồ Xuân Hương dành cho những người bạn đời chung sống một thời gian ngắn ngủi như Tổng Cóc, Phủ Vĩnh Tường. Nhưng khóc bạn như Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê vẫn là một hiện tượng hiếm gặp. Nguyễn Khuyến có làm câu đối khóc vợ và bài thơ khóc bạn. Điều này cho thấy ông là nhà thơ coi trọng thể hiện cảm xúc.

2.Nguyễn Khuyến là tác giả của nhiều bài thơ song ngữ Hán – Việt: ông có những bài thơ bằng chữ Hán đồng thời bằng cả chữ Nôm. Hiện thật khó xác định bản Nôm hay bản Hán là bản có trước để bản kia là bản dịch, thậm chí có thể ông không làm việc dịch mà sáng tác đồng thời cả hai bản. Bài thơ chữ Hán Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ thư có bản chữ Nôm với nội dung tương tự Khóc Dương Khuê. Nếu đối chiếu hai văn bản này, chúng ta có thể hiểu thêm về mỗi bận. Chẳng hạn, nếu đọc hai câu:

Bác già, tôi cũng già rồi,

Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là !

Chúng ta có cảm giác khó hiểu ở mấy chữ thôi lặp lại (thôi cái gì ?). Trong bản chữ Hán viết rõ hơn : “Dư lão công diệc lão – Giải tổ quy điền viên” (Tôi già bác cũng già – cởi dây ấn về với ruộng vườn). Thôi nghĩa là nghỉ quan về quê. Hay câu “Ai chẳng biết chán đời là phải” có câu tương đương trong bản chữ Hán là “Dư khởi bất yếm thế ? – Nhi công tranh thướng tiên” (Tôi phải chăng không chán đời – Sao ông tranh lên cõi tiên trước ?)-. Trong bản Nôm, chán đời là triết lí chung cho mọi người, còn ở bản chữ Hán, ông nhấn mạnh mình vẫn sống nhưng không phải là không chán đòi, tâm sự cá nhân gửi gắm rõ hơn.

II- PHÀN TÍCH TÁC PHẨM

1.Kết cấu bài thơ

Có thể chia bài thơ thành 4 đoạn như sau :

-Đoạn 1 (sáu câu đầu) : Nguyễn Khuyến nghe tin buồn về việc người bạn qua đời. Nghĩ về quan hệ gần gũi, thân thiết của hai người đồng khoa như duyên phận trời dẫn dắt.

-Đoạn 2 (tiếp theo đến câu “Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là”): Hồi tưởng những kỉ niệm chung giữa nhà thơ và ngưòi bạn Dương Khuê từ khi còn làm quan cho đến khi nghỉ quan.

-Đoạn 3 (tiếp theo đến “Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời” ): Sự bất ngờ khi nghe tin bạn qua đời. vẫn nghĩ bạn còn khoẻ, tuổi còn ít hơn, lại không có bệnh như mình, thế nhưng bạn đã “lên tiên” trước.

-Đoạn 4 (phần còn lại) : Nỗi buồn cô đơn trong cảnh khuất vắng người bạn tâm tình và cách bày tỏ nỗi buồn ấy.

2.Tình bạn của nhà nho qua bài thơ

Những kỉ niệm đẹp của hai người bạn đồng khoa được diễn tả bằng những không gian và sự việc rất đặc trưng cho nho sĩ. Thú chơi tao nhã đầy chất văn hoá đặc trưng của nhà nho là “cầm kì thi hoạ” hoặc “cầm kì thi tửu”, do đó, điều tự nhiên là tác giả gọi nhớ lại các sinh hoạt này để thể hiện tình bạn của mình:

Có khi từng gác cheo leo,

Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,

Chén quỳnh tưong ăm ắp bầu xuân.

Có khi bàn soạn câu văn,

Biết bao đông bích, điển phần trước sau.

Khi nghe tin bạn mất, Nguyễn Khuyên cũng nghĩ đến sự trống vắng trong các sinh hoạt văn hoá này. Nhà nho cũng là mẫu người vũ trụ, có cái nhìn lí tưởng hoá thiên nhiên, thường hoà mình vào thiên nhiên. Vì thế, tác giả cũng nhớ lại không gian núi rừng (Tiếng suối nghe róc rách lung đèo) như một kỉ niệm đẹp. Tình bạn được gọi nhớ đến qua các kỉ niệm hiện ra chân thật, giản dị và cảm động.

3.Đặc điểm của sự thể hiện tình cảm

Nguyễn Khuyến khóc bạn nhưng tiếng khóc không ồn ào mà thâm trầm, kín đáo, sâu lắng. Sự bất ngờ bao giờ cũng gây nên xúc động. Tin Dương Khuê mất đến khá đột ngột vì 3 lẽ : (1) cuộc gặp cách đây 3 năm, Dương Khuê còn tinh thần chưa can ; (2) Nguyễn Khuyến hơn tuổi Dương Khuê ; (3) Nguyễn Khuyến còn đau ốm trước Dương Khuê mà vẫn còn sống. Tuy nhiên, do từng trải và có nhiều suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đòi nên nhà thơ bình tĩnh tiếp nhận tin buồn bất ngờ này. Một cách nói vừa an ủi người mất, vừa trấn tĩnh chính mình:

Ai chẳng biết chán đời là phải,

Sao vội vàng đã mải lên tiên.

Chán đời mà ra đi là điều hơp lí (tâm trạng thời thế ẩn sau những dòng thơ khóc bạn này), chết là lên cõi tiên không có gì đáng buồn, chỉ có điều là vội vàng quá. Bạn chết để lại nỗi buồn cho mỗi khi thơ rượu cờ đàn. Chết là tất yếu, không tránh được “Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở”. Một người già từng trải lại ốm yếu nên nỗi buồn chỉ để trong tâm, không thể hiện qua những dòng lệ. Một sự chân thành được diễn đạt rất tự nhiên.

4.Nghệ thuật tu từ

Tiếng Việt trong bài thơ này được nhà thơ sử dụng rất điêu luyện và trong sáng. Tác giả khai thác sự tinh tế và phong phú của lời ăn tiếng nói hằng ngày để diễn tả một tình cảm rất sâu lắng, thiêng liêng. Riêng khái niệm chết đã có nhiều từ diễn đạt: thôi đã thôi rồi, về, lên tiên, chẳng ở. Các từ ngữ đó vẫn nói về cái chết nhưng giảm bớt sắc thái thông tục, rất thích hợp khi thể hiện thái độ tôn trọng của người khóc đối với người đã khuất, cần chú ý đến kết cấu hô ứng trong thơ văn thời xưa. Ở trên, tác giả kể lại những kỉ niệm đẹp trong thú vui thơ rượu cờ đàn như để chuẩn bị cho nỗi trống vắng khi mất bạn. Bây giờ rượu không mua nữa, thơ không làm nữa, tiếng đàn cũng ngẩn ngơ.Đối với nhà nho, cuộc sống tẻ nhạt và vô vị khi không còn thú tiêu khiển tao nhã này.

XEM THÊM PHÂN TÍCH TÁC PHẨM THƯƠNG VỢ NGỮ VĂN LỚP 11 TẠI ĐÂY

 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận