Phân tích tác phẩm Chữ Người Tử Tù – Ngữ văn lớp 11

Đang tải...

CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ

I- NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ

1.Về tác giả và thời điểm tác phẩm ra đời

Nguyễn Tuân (1910 – 1987) sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn. Quê ông ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Nguyễn Tuân là một nhà văn có cá tính độc đáo, có thể coi ông là một định nghĩa về người nghệ sĩ. Nhưng trước hết, ông là một trí thức yêu nước. Phẩm chất này ở Nguyễn Tuân được thể hiện qua tinh thần tự tôn dân tộc (khi đang học Trung học, ông là một trong số học sinh cứng đầu đã tham gia bãi khoá để phản đối các thầy giáo Tây có thái độ coi thường người Việt) ; qua thái độ dấn thân (Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông hăng hái đi theo cách mạng, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ) ; qua mối quan tâm sâu sắc và thiết tha với tiếng mẹ đẻ cùng các giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc (ông viết nhiều về lối sống độc đáo, văn hoá ẩm thực tinh tế, những cảnh sắc mĩ lệ và hào hùng của đất nước. Ông luôn có ý thức thể hiện sự sáng tạo trong lao động nghệ thuật và tôn vinh vẻ đẹp của tiếng Việt qua việc dùng từ ngữ, cách xây dựng hình tượng nhân vật, chọn đề tài, cách hành văn,…).

Nét nổi bật trong phong cách là ở chỗ, Nguyễn Tuân luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hoá và mĩ thuật, nhìn con ngưòi ở phẩm chất nghệ sĩ và tài hoa. Sáng tác của Nguyễn Tuân thể hiện hài hoà màu sắc cổ điển và hiện đại. Đặc biệt, ông thường có cảm hứng mãnh liệt với cái cá biệt, phi thường, dữ dội và tuyệt mĩ. Đặc điểm riêng này trong cá tính sáng tạo khiến ông chọn thể loại sở trường của mình là tuỳ bút, một thể loại dễ phát huy cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.

Truyện ngắn Chữ người tủ tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, in lần đầu tiên năm 1938 trên tạp chí Tao đàn, sau được chọn đưa vào tập truyện Vang và bóng một thời, 1940 (các lần tái bản sau, Vang và bóng một thời đựợc đổi tên là Vang bóng một thcrì và Dòng chữ cuối cùng cũng được đổi tên là Chữ người tử tù).

2.Tri thức văn hoá

Văn chương lãng mạn thường ít dựa vào nguyên mẫu. Trường hợp sử dụng nguyên mẫu trong Chữ người tủ tù có thể coi là một cá biệt, hơn nữa đây là một nguyên mẫu rất độc đáo, mở ra khuynh hướng yêu nước trong sáng tác của Nguyễn Tuân, điều ít thấy ở các cây bút lãng mạn khác.

Nguyên mẫu của Huấn Cao là Cao Bá Quát, nhà nho kiệt xuất, nghệ sĩ tài hoa và khí phách, nhà thơ tài năng với tâm hồn phóng khoáng, nhạy cảm với cái mới, cái lạ nổi tiếng một thời: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán / Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường (Văn như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thòi tiền Hán không có / Thơ Tùng Thiện Vương và Tuy Lí Vương đến thòi thịnh Đường cũng không bằng được). Cao Bá Quát chính là người anh hùng đa tài từng tham gia cuộc khỏi nghĩa của nông dân do Lê Duy Cự cầm đầu năm 1854 sau bị giết và bị triều đình Tự Đức ra lệnh tru di tam tộc.

3.Tri thức về thể loại

Từ nguyên mẫu Cao Bá Quát, nhà văn xây dựng nhân vật Huấn Cao bằng bút pháp lãng mạn mà chủ yếu là nghệ thuật phóng đại, lí tưởng hoá để sáng tạo nên một hình tượng mang vẻ đẹp lí tưởng.

Để lí tưởng hoá, gây ấn tượng về nhân vật Huấn Cao, tác giả sử dụng cặp hình tượng nhân vật tương đồng nhưng vẫn có khoảng cách. Trong đó, Huấn Cao được coi là hiện thân của người sáng tạo cái đẹp. Nhân vật quản ngục không sáng tạo cái đẹp nhưng là người trân trọng và yêu quý cái đẹp. Từ đó chọn lọc và tổng hợp để xây dựng một mẫu người đại diện cho chủ nghĩa yêu nước và nhân văn theo kiểu Nguyễn Tuân : mẫu người khí phách hài hoà với thiên lương.

Huấn Cao trong tác phẩm có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có nhiều nét dị biệt so vói Cao Bá Quát. Đọc tác phẩm, không nên đồng nhất nguyên mẫu (Cao Bá Quát) vói hình tượng nghệ thuật (Huấn Cao).

II– PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1.Đặc điểm về nội dung

a.Nhân vật Huấn Cao

-Huấn Cao, con người mang phẩm chất tài hoa siêu việt:

Nét cơ bản trong phong cách nghệ sĩ của Nguyễn Tuân là luôn nhìn nhận con người ở phẩm chất nghệ sĩ tài hoa. Các nhân vật trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân đều là những con người tài hoa, tài tử và hình ảnh Huấn Cao trong thế giới ấy rực sáng như một đại diện tiêu biểu nhất.

Với bút pháp lí tưởng hoá, Nguyễn Tuân đã khắc hoạ nhân vật Huấn Cao, một con người mang phẩm chất tài hoa siêu việt, người đứng đầu nghệ thuật thư pháp. Tài nghệ thư pháp của Huấn Cao được miêu tả rất tỉ mỉ.

Trước hết là ở nét chữ và phong cách. Đúng là của một bậc tài hoa, nổi tiếng khắp tỉnh Sơn về tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp, ở khuôn chữ: “đẹp lắm, vuông lắm”…

Nhưng nét độc đáo ở con người tài hoa ấy là chữ của Huấn Cao in dấu ấn nhân cách của người viết: “Những nét chữ vuông, tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Chữ của hoạ sĩ thư pháp bình thường chỉ phản chiếu một phương diện của phẩm chất tài hoa, chữ của Huấn Cao khác biệt hơn còn là để bộc lộ tính cách và phẩm giá của con người. Không phải ngẫu nhiên, trong khi giói thiệu Huấn Cao, con người nổi tiếng về tài nghệ thư pháp, tác giả bỗng để cho nhân vật thơ lại trầm trồ về cái tài bẻ khoá, vượt ngục của Huấn Cao. Chi tiết này phải được hiểu như một cách thể hiện độc đáo, đẩy lên cao độ phẩm chất nghệ sĩ tài hoa của nhân vật. Huấn Cao không mang trong mình phẩm chất tài hoa nghệ sĩ của một kiểu người nghệ sĩ tài hoa thông thường, con ngưòi ấy đích thực là một đấng tài hoa siêu việt, chọc trời khuấy nước. Đó là người anh hùng có tài phá cũi sổ lồng mà cũng lại là người nghệ sĩ có tài thảo nên những nét chữ phượng múa rồng bay.

-Huấn Cao, con người mang khí phách ngạo nghễ, ngang tàng :

Các nhà nho (trừ một số nhân vật lỗi lạc) thường non kém về bản lĩnh và khí phách. Bởi sinh ra trong nền sản xuất tiểu nông, sống dựa vào sự cung cấp của các tầng lớp khác, tầng lớp nho sĩ thường có thể trạng yếu. Người đời thường vẫn có cái nhìn khá hài hước về họ : “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Các thành ngữ như “Bạch diện thư sinh”, “Trói gà không chặt” là cách mà người ta dùng để gọi tầng lớp nho sĩ nói chung, không với hàm ý coi thường mà thực tế là như thế. Ngoài ra, có thể do tầng lớp nho sĩ vốn chỉ lo dùi mài kinh sử, trui rèn kiến thức “cửa Khổng sân Trình” trong suốt cuộc đòi nên họ thường bị khống chế bởi tư tưởng “trung quân ái quốc”, “trí quân trạch dân”, thậm chí nhiều kẻ mặc nhiên coi đó là lí tưởng chân chính của kẻ làm trai mà quên rằng nhiều khi chỉ là một thứ ngu trung, lâu dần họ bị triệt tiêu bản lĩnh và khí phách cá nhân.

Chính vì vậy, hình tượng Huấn Cao gây ấn tượng mạnh bởi ông không chỉ là một con ngưòi mang phẩm chất tài hoa mà còn là con ngưòi mang nét đẹp của khí phách với tính cách ngang tàng, ngạo nghễ.

Huấn Cao là bậc nghĩa sĩ dù thất thế nhưng không rơi vào cách ứng xử tầm thường. Khác với kiểu “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn” (Truyện Kiều – Nguyễn Du), những ngày cuối cùng của cuộc đời lại là thời điểm nhân vật này toả sáng một cách rực rỡ khí phách ngạo nghễ, ngang tàng như vẫn đang tung hoành nơi chiến địa. Là con người của khoa cử, nhưng Huấn Cao không mù quáng với tư tưởng “phò chính thống” mà sẵn sàng chịu tiếng “làm giặc” vì nghĩa lớn.

Nét độc đáo của tác giả Chữ người tử tù là ở chỗ ông tả một khí phách lớn qua những chi tiết nhỏ :

Động tác rỗ gông lạnh lùng, mạnh mẽ : “chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”. Tư thế mắng quản ngục oai phong như khi ra lệnh : “Ngươi hỏi ta muốn gì ? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”, cốt cách ung dung, tự tại thể hiện ở cách ăn uống như người làm chủ nhà lao : “thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”. Có mấy ai, trước cái chết đã được báo trước (chỉ còn tính từng ngày) có được bản lĩnh đó ?

Khí phách của con người Huấn Cao còn thể hiện ở tư thế viết chữ phóng túng, vô hiệu hoá thế lực của nhà tù. Mặc dù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” nhưng nét bút vẫn thể hiện “những cái hoài bão tung hoành của một đời con ngưòi”.

Tác giả không tả rõ nội dung của dòng chữ trên lụa bạch mà chỉ sử dụng hình ảnh gọi để nổi bật nhân cách.

-Huấn Cao, con người mang vẻ đẹp thiên lương :

Nguyễn Tuân đã miêu tả Huấn Cao như người nghĩa sĩ có phẩm chất “vô uý” (không biết sợ). Huấn Cao không sợ cái mà người bình thường vẫn sợ : cái chết – ngọc lụa – quyền quý. Nhưng xét kĩ ra, dù rất đáng trọng, đây chỉ là phẩm chất truyền thống của một dân tộc vốn thường xuyên phải đương đầu với bạo ngược và hung tàn. Điều cần suy ngẫm là ở chỗ, nếu con ngưòi ta không còn biết sợ một điều gì thì lại không còn là con ngưòi nữa (không còn cái “tâm”, con người trở nên lạnh lùng, vô cảm). Bởi thế, Nguyễn Tuân có ý thức trong việc thể hiện cái “không biết sợ” của Huấn Cao để trong phần cuối của tác phẩm, tập trung làm nổi bật cái phẩm chất biết sợ của Huấn Cao.

Huấn Cao đã từng hiểu lầm quản ngục vì cho rằng quản ngục chỉ là kẻ tầm thường. Ông đã từng tỏ thái độ khinh miệt đến tàn nhẫn để chứng tỏ cái khí phách không biết sợ quyền uy và cái chết của mình : “Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Nhưng khi nhận ra quản ngục bên ngoài khoác áo ngục quan mà bên trong mang tấm lòng biết quý cái tài, cái tâm, cái khí phách và cái đẹp thì chính ông lại đổi hẳn thái độ, ngồi lặng đi vì bị bất ngờ rồi nói những lời xúc động : “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Nguyễn Tuân dùng một chữ cảm để diễn đạt sự mềm lòng của người nghĩa sĩ nhưng mặt khác cũng hé lộ cho ta thấy nét chân thành trong con người Huấn Cao : ông không chỉ là người có cái tâm mà còn là người hệ luỵ bởi chữ tâm. Những người có tâm trên đời thì không chỉ biết trọng cái tâm của người khác mà còn rất sợ mình phụ tấm lòng dù chỉ là của ngưòi trong thiên hạ. Đây là nét đẹp tự nhiên trời phú để người có tâm trở nên một nhân cách mà thòi bấy giờ ngưòi ta vẫn gọi là thiên lương. Phẩm chất đó khiến ta không ngạc nhiên khi Huấn Cao không chỉ cho chữ mà còn khuyên quản ngục những lời chí tình như đối với một tri âm : “Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện choi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.

Vẻ đẹp thiên lương ở Huấn Cao còn thể hiện ở tâm hồn tinh tế, nhạy cảm với cái đẹp.

Với cuộc đời của một kẻ “làm giặc”, chống lại triều đình phong kiến tàn bạo, Huấn Cao đương nhiên phải chịu đựng bao thử thách, gian truân và cuộc sống khắc nghiệt nơi chiến địa, rồi bao tra tấn, đoạ đày ở chốn lao tù nhưng tâm hồn của người tử tù ấy vẫn không hề khô cứng trước cái đẹp. Án tử hình treo lơ lửng trên đầu, thậm chí ngay cả khi biết rằng sau buổi sáng ngày hôm sau mình đã không còn sống trên đời nữa nhưng Huấn Cao đã thực sự rung động bởi hương mực, đắm chìm trong cái khí tiết tinh tuý của tinh thần : “Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không ?”. Những lời nhận xét tinh tế, đồng thời cũng là những lời chia sẻ vốn chỉ dành cho bạn bè tri kỉ, tâm đắc trên đời.

b.Nhân vật quản ngục

Sau lời đối thoại giữa quản ngục và thầy thơ lại về tử tù Huấn Cao, quản ngục rơi vào tâm trạng mâu thuẫn và đầy kịch tính : vừa mừng vừa lo. Mừng vì đây là cơ hội hiếm có để xin chữ của chính con người nổi tiếng về nghệ thuật thư pháp mà trong lòng, tự bấy lâu nay quản ngục vẫn thầm kính trọng, tôn thờ. Lo không phải vì sợ không giữ được loại tử tù “có tài bẻ khoá và vượt ngục” mà vì sợ không xoá được cái khoảng cách về địa vị, nhân cách và tài năng giữa hai người thì dù có một ông Huấn trong tay, quản ngục vẫn trắng tay, không thực hiện được sở nguyện vốn ấp ủ bấy lâu.

Bị giằng xé trong tâm trạng mâu thuẫn ấy, quản ngục thao thức không ngủ, ánh đèn soi tỏ gương mặt ngưòi quản ngục : cháy bùng to lên, soi tỏ mặt người ngồi đấy. Tác giả ví gương mặt quản ngục như : nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo, và êm nhẹ. Những chi tiết trên hé lộ một phần phẩm chất tâm hồn của nhân vật. Đó là con người kín đáo, tế nhị đúng như lời nhận xét của tác giả trong đoạn văn trữ tình ngoại đề. Quản ngục tiêu biểu cho những người biết trân trọng và thực lòng yêu cái đẹp của tài hoa. Tính cách ấy bộc lộ trong tình huống éo le nên đầy kịch tính.

-Quản ngục, người có sở thích cao quý :

Ngục quan cũng như các quan chức lúc bấy giờ thường có những sở thích thấp hèn : ham mê tửu sắc, phú quý, hư danh… Quản ngục trong tác phẩm của Nguyễn Tuân đã được lí tưởng hoá. Là viên coi ngục (công cụ đắc lực của bộ máy thống trị suy vong) nhưng lại có tài thẩm định và thực lòng yêu nghệ thuật thư pháp. Đó không phải là sở thích nhất thời khi làm quan mà là tình cảm được nhen nhóm từ lúc tuổi thơ. Từ thuở “đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền”, quản ngục đã có sở thích “một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Quản ngục là người thẩm định đúng giá trị chữ của Huấn Cao : “Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời !”.

Trong khi chờ đợi cơ hội xin chữ, quản ngục ở trong tâm trạng day dứt, lo sợ : “y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đòi mất”. Sở thích cao quý đã giúp cho quản ngục thực hiện được ý nguyện : làm động lòng Huấn Cao, xin được chữ.

-Quản ngục, người trân trọng, đề cao nhân cách con người :

Biết Huấn Cao là ngưòi anh hùng – nghệ sĩ, tiêu biểu cho sự thanh cao về nhân cách con người, quản ngục luôn giữ thái độ lễ phép, cung kính, trân trọng. Vì sự trân trọng và đề cao giá trị con ngưòi mà quản ngục kiên trì, kìm nén trước thái độ tức giận của Huấn Cao, hon thế còn dám biệt đãi người tù “cơm rượu lại vẫn đưa đến đều đều và có phần hậu hơn trước”.

Quản ngục đã thực hiện một hành động mạo hiểm : Dám choi chữ của kẻ tử tù ngay noi mình tòng sự mà không sợ búa rìu pháp luật, dám tổ chức viết chữ ngay trong nhà tù trong giờ giới nghiêm bất chấp tai hoạ có thể giáng xuống chỉ vì lòng trân trọng cái đẹp và sự ngưỡng mộ nhân cách cao cả của một con người.

-Quản ngục, người biết trân trọng những giá trị văn hoá :

Thái độ trân trọng nền nghệ thuật thư pháp chính là sự trân trọng các giá trị văn hoá nói chung.

Thái độ đó thể hiện qua sự ân hận của quản ngục khi phải làm nghề thất đức trong xã hội suy đồi : “Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi”. Đề cao giá trị văn hoá khi sớm nhận ra triết lí : muốn chơi chữ đẹp phải có nhân cách đẹp.

Tiêu biểu là cử chỉ hạ mình ngưỡng mộ của ngục quan trước tử tù Huấn Cao : “Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào : “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Có thể coi nhân vật quản ngục như một sự thể hiện tư tưởng yêu nước và tinh thần dân tộc của tác giả, trong ý nghĩa người bảo vệ linh hồn và tinh hoa văn hoá xứ sở trước sự bành trướng của chủ nghĩa kĩ trị và sự xâm lăng của văn hoá Tây phương.

2.Đặc điểm về nghệ thuật

Nghệ thuật viết truyện của Nguyễn Tuân vừa cổ kính vừa hiện đại :

-Nét cổ kính trước hết được thể hiện ở đề tài chạm tới nhân vật, sự kiện, lịch sử và văn hoá thời trung đại. Tương hợp với đề tài là hệ thống từ Hán Việt đậm đặc : tử tù, thiên lương, lạc khoản,…

Nét cổ điển thể hiện ở cách miêu tả nghệ thuật thư pháp : Từ cách viết chữ đến cách cho chữ, trong cách nhìn nhận cái tâm trong mối quan hệ tổng hoà : tài – tâm – khí phách. Điều này chứng tỏ Nguyễn Tuân nhìn con người ở phương diện nghệ sĩ, tài hoa nhưng không rơi vào quan điểm duy mĩ.

Nét cổ điển của truyện ngắn còn ở nghệ thuật đòn bẩy, mượn nhân vật quản ngục để làm nổi bật hình ảnh Huấn Cao.

  • Chất hiện đại: Ngòi bút Nguyễn Tuân thể hiện chất hiện đại ở sự phân tích tinh vi những ý nghĩ sâu kín của nhân vật (quản ngục, Huấn Cao), ở cảnh tự nhiên được đưa vào tâm tư của nhân vật (cảnh đồng lúa, hình ảnh mặt nước hồ êm nhẹ,…), ở những diễn biến tâm trạng giàu kịch tính. Ngoài ra, tính hiện đại còn để dấu ấn trong cách trần thuật biến hoá, kĩ thuật miêu tả đa dạng. Nhân vật Huấn Cao lúc đầu được miêu tả gián tiếp chỉ gây ấn tượng qua đối thoại giữa quản ngục và thơ lại với tài viết chữ, với tính cách ngang tàng của tài bẻ khoá và vượt ngục. Sau đó là sự xuất hiện trực tiếp thông qua hai nét tính cách : ngạo nghễ, ngang tàng và coi trọng thiên lương. Tác giả nhấn vào các chi tiết gợi vẻ đẹp của khí phách : cử chỉ “rỗ gông”, lời mắng, tư thế ung dung, tự tại thưởng thức cơm rượu trong những ngày cuối cùng trên đời của một tử tù… Chi tiết gợi vẻ đẹp của cái tâm : sự mềm lòng, sự xúc động trước một sở thích đáng quý trọng của người khác. Cuối cùng tả trực tiếp Huấn Cao trong mối quan hệ với quản ngục, thơ lại trong cảnh cho chữ để hội đủ ba nét trong phẩm chất Huấn Cao.

Chất hiện đại ở việc sử dụng thủ pháp tương phản, đối lập của bút pháp lãng mạn, tạo ra sự tương phản giữa các cặp đối lập : ánh sáng / bóng tối; cái cao cả / cái phàm tục ; thân phận / nhân cách ; tư thế người cho chữ / tư thế người nhận.

Chất hiện đại còn được thể hiện ở nghệ thuật tạo cảnh, tô đậm vào các chi tiết nhằm tôn vinh vẻ đẹp hoàn hảo của Huấn Cao trong cảnh cho chữ, toả sáng ở ba phẩm chất: tài – tâm – khí phách. Cảnh cho chữ thể hiện sự thăng hoa của ngòi bút Nguyễn Tuân, không chỉ làm toả sáng vẻ đẹp lí tưởng ở Huấn Cao mà còn bộc lộ tư tưởng của tác giả. Cái đẹp cuối cùng cũng đã thể hiện sức mạnh đích thực của nó, giúp cho con người xoá bỏ khoảng cách với con ngưòi, giúp ba người trong tác phẩm chụm lại thành tượng đài: “Tam vị nhất thể”, xoá bỏ ranh giói thân phận, cứu vót quản ngục và thơ lại ra khỏi vũng bùn, đúng như lòi Đốt-xtôi-ép-xki: “Cái đẹp sẽ cứu vớt con người”.

XEM THÊM PHÂN TÍCH TÁC PHẨM HAI ĐỨA TRẺ -NGỮ VĂN 11 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận