Phân tích tác phẩm Chí Phèo – Ngữ văn 11

Đang tải...

CHÍ PHÈO

I- NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ

1.Về tác giả và nhan đề tác phẩm

-Về tác giả Nam Cao, đã có bài học dành riêng trong Ngữ văn 11, tập một.

-Về nhan đề tác phẩm, theo nhà văn Nguyên Hồng trong cuốn Sức sống của ngòi bút (NXB Văn học, 1963), Chí Phèo là một truyện trong tập truyện đầu tay của Nam Cao vào khoảng những năm 1940 – 1941 có tên là Cái lò gạch cũ. Nam Cao dùng tên truyện làm tên cho cả tập. Bản thảo tập truyện mới đầu bị vứt lay lắt ở một nhà xuất bản nọ, bỗng một hôm, có người đọc và tri hô lên về những cái lạ, cái hay trong tác phẩm. Thế là tác phẩm được in với cái tên mới : Đôi lứa xứng đôi (1941). Đến khi in lại trong tập Luống cày (Hội Văn hoá cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), tác giả đặt lại tên truyện là Chí Phèo.

Về cái tên gọi Đôi lứa xứng đôi để gây sự tò mò, kích thích thị hiếu của một bộ phận công chúng thời bấy giờ thì khỏi cần nói nữa. Trở lại cái tên ban đầu của thiên truyện – Cái lò gạch cũ, có lẽ tác giả muốri tập trung làm rõ sự luẩn quẩn, bế tắc của người nông dân nghèo trước Cách mạng chăng. Cái tên này gắn với hình ảnh về sự ra đời của Chí Phèo (bố) ở đầu truyện và hình ảnh cũng chiếc lò gạch ấy thoáng hiện trong ý nghĩ thị Nở cùng vói một Chí Phèo (con) sẽ xuất hiện trong tương lai. Với việc đặt lại tên cho truyện ngắn của mình là Chí Phèo, mục đích của Nam Cao là nhằm tố cáo cái xã hội thực dân nửa phong kiến bạo tàn đã cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính của người nông dân lương thiện mà điển hình là Chí Phèo ; đồng thời, qua đó nhà văn thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả của mình trong việc phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của những con ngưòi ấy ngay khi tưởng như họ đã biến thành quỷ dữ. Dùng tên nhân vật chính hội tụ những giá trị đặc sắc của tác phẩm đặt tên cho thiên truyện được coi là kiệt tác này, điều đó chứng tỏ Nam Cao là một nhà văn thâm trầm sâu sắc.

2.Tri thức về lí luận văn học

-Chí Phèo thuộc thể loại truyện ngắn nhưng có dung lượng của tiểu thuyết. Tác phẩm này đã đưa Nam Cao lên vị trí là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Một trong những thành công của truyện là đã xây dựng thành công những nhân vật điển hình như Chí Phèo, bá Kiến. Trước khi phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo, cần nắm được khái niệm nhân vật điển hình.

Nhân vật điển hình là hình tượng nhân vật được sáng tạo theo phương pháp điển hình hoá, vừa có cá tính cụ thể, sắc nét vừa phản ánh được một số mặt bản chất của đời sống xã hội. Các nhân vật thành công trong các sáng tác hư cấu (kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn,…) đều có sự hoà quyện giữa tính phổ biến và tính đặc thù, thông qua cái cá biệt để phản ánh cái chung. Các nhân vật điển hình như thế đều có cội nguồn trong đời sống xã hội nhưng chúng lại có sức khái quát cao, tập trung, nổi bật hơn ; có ý nghĩa xã hội phong phú, sâu sắc hơn; đồng thời hấp dẫn và thú vị hơn.

-Quan điểm văn học hiện thực chủ nghĩa của Nam Cao :

Trào lưu văn học hiện thực Việt Nam hình thành và phát triển trong khoảng nửa đầu thế kỉ XX có khuynh hướng miêu tả chân thực đời sống, phơi bày thực trạng của xã hội và đi sâu phản ánh tình cảnh khốn khổ của quần chúng. Trong những năm 1940 – 1945, tình hình xã hội hết sức đen tối, văn học hiện thực gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tồn tại và phát triển. Trong gọng kìm xiết chặt của chính quyền thuộc địa, văn học hiện thực những năm đó không thể đề cập đến những vấn đề xã hội thiết yếu như những năm trước nhưng lại có những thành công nhất định : Các nhà văn cố gắng bám sát đời sống của những con người bình thường, nhỏ bé, nhiều tác phẩm có sức tố cáo có chiều sâu ; Yếu tố trữ tình thấm đượm và sự suy nghĩ trở đi trở lại luôn đan xen vào dòng trần thuật khiến cho ý nghĩa tác phẩm nhiều khi vượt khỏi phạm vi hạn hẹp của đề tài, nhiều tác phẩm có ý vị đậm đà, tính triết lí quyện với chất trữ tình thấm thía ; Tâm lí nhân vật được thể hiện sâu sắc hơn ; Ngôn ngữ cũng sinh động, gần với đời sống hằng ngày hơn.

Những thành công nêu trên của văn học hiện thực 1940 – 1945 thể hiện rõ hơn cả ở tác phẩm của Nam Cao. Phải đến Nam Cao, trào lưu văn học hiện thực chủ nghĩa mới thực sự tự giác về những nguyên tắc sáng tác của nó mà ta có thể nhận rõ qua phát ngôn của nhà văn trong các tác phẩm của ông :

+ Nghệ thuật hiện thực phải phản ánh chân thật cuộc sống trên lập trường của chủ nghĩa nhân đạo (Tráng sáng).

+ Văn học hiện thực không chỉ mô tả cuộc sống hiện thực mà còn phải phân tích, giải thích cuộc sống theo quy luật: hoàn cảnh xã hội quyết định tính cách, tâm lí con người (Tư cách mõ).

+ Nhà văn phải nhìn người bằng đôi mắt của tình thương mới thấu hiểu được bản chất tốt đẹp của con người dù bề ngoài họ có vệ cục cằn, thô lỗ, xấu xí (Đôi mắt, Nước mắt).

+ Coi trọng vai trò nhà văn với những suy tư về cuộc sống xuất phát từ những tư tưởng cao cả. (Ở Nam Cao, đề tài thường hẹp nhưng tư tưởng thì rộng lớn. Ông có biệt tài từ những “câu chuyện chẳng có gì để nói những cái sâu sắc”. Nhỏ nhen là một ví dụ.)

II- PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1. Đặc điểm về nội dung

a. Truyện ngắn Chí Phèo phản ánh cuộc sống cùng quẫn, đen tối của ngưòi nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám năm 1945

-Làng Vũ Đại là một hình ảnh thu nhỏ của xã hội phong kiến ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Đây là một làng khép kín gần như tự trị, “xa phủ, xa tỉnh”, ngưng đọng, không vận động, tồn tại trong thế gầm ghè giữa các phe cánh có máu mặt với nhau, trong sự lộng hành bạo ngược của bọn thống trị đối với tầng lớp bị trị.

Thành phần cư dân trong làng phức tạp, nhiều dạng, loại được Nam Cao miêu tả trong tác phẩm sinh động đến mức người đọc tưởng đấy là làng Đại Hoàng quê hương nhà văn. Cao nhất là cụ tiên chỉ bá Kiến “bốn đời làm tổng lí” uy thế sừng sững. Tranh giành địa vị, kết bè kết đảng thành phe phái này khác còn có cánh ông đội Tảo, cánh ông tư Đạm, cánh ông bát Tùng. Thủ đoạn chủ yếu của bọn thống trị làng Vũ Đại là dùng quyền lực và tiền tài để bao chiếm công điền, công thổ ; cho vay nặng lãi; bóc lột bằng bắt nợ, bằng sưu thuế; bỏ rượu lậu vu oan cho người vô tội; trực tiếp đánh đập, đàn áp nông dân Bá Kiến khôn lõi đời, chèo chống đủ kiểu nhưng cuối cùng vẫn bị chí Phèo đâm chết. Rõ ràng, bọn địa chủ cường hào ở Chí Phèo không còn đè nén một chiều như Nghị Quế (Tắt đèn), Nghị Lại (Bước đường cùng) trước kia nữa.

Bọn cường hào lí dịch càng giàu có bao nhiêu thì người nông dân lao động càng cơ cực bấy nhiêu. Họ phải nộp tô nặng nề, phu phen tạp dịch. Nhiều người phải tha phương cầu thực. Một số nông dân bị đẩy vào con đường lưu manh hoá như Chí Phèo, binh Chức, năm Thọ,… mà Chí Phèo là một điển hình.

Như vậy, qua những chi tiết chọn lọc kĩ càng, sắp xếp họp lí rải rác trong tác phẩm, Nam Cao đã xây dựng được một không gian nghệ thuật vừa cụ thể vừa có tính khái quát, một làng Vũ Đại sống động, ngột ngạt, đen tối – một hoàn cảnh điển hình theo đúng nghĩa của nó. Rõ ràng làng Vũ Đại không thể là một môi trường thuận lợi cho cái thiện, cái tốt hình thành và phát triển.

-Chí Phèo là điển hình của một bộ phận những người nông dân Việt Nam bị lưu manh hoá và roi vào bi kịch bị xã hội từ chối quyền làm người lương thiện.

+ Quá trình Chí Phèo bị lưu manh hoá và trở thành công cụ nguy hiểm trong tay bọn cường hào ác bá :

Lần theo mạch truyện, ta thấy, ban đầu Chí là một đứa trẻ bị bỏ rơi bên cái lò gạch bỏ không, “trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp”, sau đó, chuyền tay cho ngưòi làng nuôi. Lớn lên, làm canh điền cho nhà lí Kiến, là “một thằng hiền lành như đất” (lời lí Kiến). Cũng như bao người nông dân khác, Chí mơ ước được sống và lao động yên lành trong một hoàn cảnh bình thường : “…ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải… bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.

Bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời Chí (Nam Cao không miêu tả theo trình tự, chỉ điểm xuyết đan xen) là việc Chí bị lí Kiến cho người bắt giải lên huyện và ở tù. Sau khi ở tù bảy, tám năm, Chí thành con người khác hẳn – dị dạng về hình hài, không còn ý thức về phẩm giá con người.

Sau lần thứ hai đến nhà bá Kiến xin lại đi ở tù, Chí đã rơi vào bẫy của bá Kiến, trở thành công cụ nguy hiểm của bá Kiến để hắn trừng trị bọn cường hào khác cánh và làm hại những ngưòi vô tội. Chí đã là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”.

+ Bi kịch Chí Phèo bị từ chối quyền làm người dẫn đến cái chết bi thảm :

Bước ngoặt thứ hai trong cuộc đời Chí là việc Chí gặp thị Nở. Tình yêu đơn giản đến thô lỗ nhưng chân thật của người đàn bà xấu xí này đã đánh thức bản chất lương thiện của anh tá điền bị vùi lấp từ lâu trong đáy sâu tâm hồn. Anh nông dân biến chất hung bạo kia bỗng thức tỉnh với bao nỗi khát khao được làm người lương thiện, được có một tổ ấm gia đình bình dị.

Nhưng bi kịch của Chí Phèo lại bắt đầu chính từ đó, ở cái ước mơ lương thiện của anh ta. Ước mơ nào có cao xa gì cho cam. Vậy mà cũng không thể được. Thị Nở tuyệt tình, với Chí điều đó có nghĩa là đường dẫn để anh ta trở về với cuộc đời thế là vĩnh viễn đứt đoạn. “Xã hội độc ác đã đánh dấu lên mặt anh ta bằng những vết sẹo ngang dọc và đã tạo cho anh ta một cái lí lịch đầy án tích”. Trong cơn quẫn trí và tuyệt vọng với sự mơ hồ của tiềm thức, Chí Phèo lại uống rượu và xách dao đi đâm chết bá Kiến rồi tự sát. Hành động này dường như chưa hẳn là kết quả của một quá trình nhận thức giai cấp tỉnh táo mà chỉ như là sự giải toả bế tắc của một chuỗi những diễn biến tâm lí bi phẫn, từ lâu, rất sâu trong tiềm thức, bất ngờ ; không dễ giải thích ở một kẻ cố cùng liều thân như Chí. Nam Cao đã miêu tả nó với trình độ bậc thầy, tự nhiên và lôgíc.

Chí Phèo vừa là sản phẩm vừa là nạn nhân của cái làng Vũ Đại ngột ngạt, đen tối thời xưa. Đó là một nhân vật điển hình trong một hoàn cảnh điển hình theo nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực. Nhưng giá trị độc đáo của tác phẩm không chỉ ở đó. Xây dựng nhân vật điển hình Chí Phèo – một nông dân bị lưu manh hoá, với tư cách là cây bút hiện thực nghiêm ngặt, Nam Cao đã thể hiện một cái nhìn nhân đạo bằng cách đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện và khẳng định bản chất lương thiện của những con ngưòi khốn khổ như Chí Phèo ngay khi tựởng như họ đã bị xã hội tàn bạo cướp mất cả hình dạng và tâm hồn.

b.Truyện ngắn Chí Phèo cho thấy tinh thần nhân đạo sâu sắc của Nam Cao

Cái đáng quý nhất của ngòi bút Nam Cao là niềm tin sâu sắc của nhà văn vào bản chất tốt đẹp của người dân lương thiện. Xét toàn bộ đường đời hơn bốn chục năm ngắn ngủi của Chí, như đã nói ở phần trên, có hai sự việc mang tính bước ngoặt : lần thứ nhất – đi tù, lần thứ hai – gặp thị Nở. Sự việc lần thứ hai được nhà văn dày công chuẩn bị, khai thác triệt để (riêng số trang cho việc đó cũng đến khoảng một phần ba truyện ngắn). Nếu như quan hệ bá Kiến – Chí Phèo là mối quan hệ để Nam Cao trực tiếp thể hiện bi kịch bị lưu manh hoá và gián tiếp bộc lộ bi kịch bị từ chối quyền làm người lương thiện của Chí Phèo thì quan hệ thị Nở – Chí Phèo là quan hệ trực tiếp thể hiện phần nhân tính chìm khuất cũng như bi kịch bị từ chối quyền làm người của Chí. Sự xuất hiện của thị Nở có ý nghĩa đặc biệt trong số phận, tính cách của Chí Phèo (duy chỉ vẻn vẹn trong năm ngày cuối cuộc đời Chí), giúp cho Nam Cao khắc hoạ nổi bật và tự nhiên những khám phá bất ngờ của ông trong tính cách, số phận Chí Phèo. Dưới con mắt dân làng Vũ Đại, thị Nở vừa xấu, vừa dở hơi, vừa nghèo ; nhưng với Chí Phèo, thị là người duy nhất trong làng này không quay lưng lại với anh ta. Hơn thế, thị Nở đã mang quyền lực của thiên tạo đánh thức toàn bộ tâm hồn Chí, thổi vào đó những đốm lửa ấm áp của tình đời, tình người và trên thực tế, đã kéo Chí ra khỏi cõi say bất tận, rồ dại. Gặp thị Nở, Chí Phèo mới hay “cháo hành ăn rất ngon”. Trong con người Chí đã xuất hiện ý nghĩ xa xôi đến một tổ ấm, thứ hạnh phúc bình dị theo kiểu con ngưòi. Chí biết khóc khi ăn cháo hành – cái hạnh phúc lần đầu tiên trong đời được hưởng. Chí biết cả giận hờn khi phải chờ đợi quá lâu… Đi theo tiếng gọi cảm động của tình yêu, Chí như đang tập những bước đi non nót, chập chững đầu tiên về với cõi người thường. Nhưng rồi, như ta đã biết, thị Nở cũng là nỗi đau sâu thẳm của Chí Phèo, tô đậm cái bi đát, hẩm hiu trong số phận nhân vật Chí Phèo.

Vậy là qua hình tượng nhân vật Chí Phèo, Nam Cao không những đã miêu tả sâu sắc, cảm động cuộc sống cùng quẫn của ngưòi nồng dân bị đè nén bóc lột mà còn phát hiện, trân trọng, khẳng định nhân phẩỉn của họ ngay cả khi tưởng như họ đã mất cả hình ngưòi và tính người.

2.Đặc điểm về nghệ thuật

-Truyện ngắn Chí Phèo ghi nhận thành công của Nam Cao trước hết trong việc xây dựng nhân vật, tiêu biểu nhất phải kể đến nhân vật Chí Phèo (đã gợi ý phân tích ở phần trên) và bá Kiến. Đó là những nhân vật điển hình sắc nét, sinh động, có cá tính độc đáo và có tính khái quát, tiêu biểu, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Khi xây dựng nhũng nhân vật điển hình đó, Nam Cao đã phát huy cao độ sở trường khám phá và miêu tả những trạng thái tâm lí phức tạp của nhân vật. (Chẳng hạn, tâm lí của Chí Phèo sau đêm gặp thị Nở và tỉnh giấc.)

-Thứ hai, phải kể đến kết cấu truyện. Chí Phèo có lối kết cấu mới mẻ kiểu vòng tròn dường như khá tự do thoải mái trong việc trần thuật. Hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang, nơi Chí Phèo bị bỏ rơi ở đầu truyện, lại trở lại ở phần kết thúc văn bản truyện, có sức gợi rất lớn. Nó khiến người đọc nghĩ rằng chừng nào làng Vũ Đại còn thì hiện tượng Chí Phèo không thể mất đi… ; muốn cứu lấy những con người lương thiện để họ tránh được sự tha hoá cần từ việc thay đổi hoàn cảnh sống phi nhân tính đó trước.

Nếu căn cứ vào hình tượng nhân vật Chí Phèo, ta có thể có một cốt truyện để kể lại theo trình tự thời gian cuộc đời hơn 40 năm của nhân vật – từ khi là một đứa bé đỏ hỏn bị bỏ rơi đến khi cầm dao đâm bá Kiến và tự kết liễu đời mình. Nhưng về mặt văn bản truyện, có thể tóm tắt trình tự trần thuật của Nam Cao như sau :

+ Chí Phèo say rượu “vừa đi vừa chửi” ;

+ Chí Phèo ra tù, hôm sau đã đến nhà bá Kiến rạch mặt ăn vạ ;

+ Chí Phèo sực tỉnh, được thị Nở chăm sóc ;

+ Thị Nở chối bỏ Chí Phèo ;

+ Chí Phèo tuyệt vọng cầm dao giết bá Kiến và tự sát ;

+ Cảnh làng Vũ Đại xôn xao về hai cái chết và hình ảnh cái lò gạch thoáng hiện trong ý nghĩ thị Nở.

Như vậy, các thành phần lời trần thuật được xáo trộn, lắp ghép, đan xen không theo tuyến tính. Điều này tạo cho câu chuyện có sức hấp dẫn đặc biệt, gây sự chú ý và hứng thú theo dõi liên tục cho độc giả. Ví dụ, truyện ngắn mở đầu bằng tiếng chửi rất bất ngờ. Đó là tiếng chửi của một kẻ say nhưng cũng vẫn còn tỉnh. Đối tượng chửi vừa mơ hồ lại vừa xác định : cái xã hội đã đẻ ra kiếp sống Chí Phèo. Giới thiệu nhân vật Chí Phèo kiểu như vậy rất ấn tượng, kích thích trí tò mò, sự hứng thú theo dõi câu chuyện.

-Thứ ba, ngôn ngữ truyện rất sống động, có sự đan xen giữa lời nhân vật và lời người kể chuyện, cũng có khi vừa là lời nhân vật vừa là lời người trần thuật (Ví dụ đoạn thị Nở trút giận lên Chí Phèo). Điều này có tác dụng rất lớn trong việc miêu tả diễn biến tâm lí hết sức tinh tế và phức tạp của nhân vật, nhờ đó mà chân dung nhân vật hiện lên sinh động và chân thực. Đây là một cách tân của ngôn ngữ văn xuôi hiện đại mà không phải nhà văn nào cùng thòi với Nam Cao đã có thể sử dụng được thành công. Riêng điều đó thôi cũng đã là một đóng góp không nhỏ của Nam Cao cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại nửa đầu thế kỉ XX.

Vói một số đặc sắc nghệ thuật vừa nêu ở trên, truyện ngắn Chí Phèo đúng là một phát hiện về nội dung, một khám phá về nghệ thuật, xứng đáng là một kiệt tác, như nhiều ngưòi đã khẳng định.

XEM THÊM PHÂN TÍCH TÁC PHẨM HẠNH PHÚC CỦA TANG GIA- NGỮ VĂN 11 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận